Đài Loan: 8 công ty Trung Quốc bị tình nghi ăn cắp công nghệ, săn trộm nhân tài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các kỹ sư Đài Loan đã bị các công ty Trung Quốc thu hút bởi mức lương cao và bị yêu cầu chuyển giao bí mật kinh doanh. Vụ việc này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

8 công ty công nghệ Trung Quốc tại Đài Loan bị tình nghi ăn cắp công nghệ và săn trộm nhân tài địa phương, đặc biệt là những người có chuyên môn về công nghệ cao, đã bị Cục Điều tra Bộ Tư pháp Đài Loan (MJIB) đột kích.

MJIB đã cử 112 sĩ quan tiến hành các cuộc đột kích vào 8 công ty ở 25 địa điểm từ ngày 22/05 đến ngày 25/05 và bắt giữ 49 cá nhân để thẩm vấn, theo Taiwan News.

Các công ty chủ yếu chuyên về quản lý cơ sở dữ liệu, thiết kế chip và chất bán dẫn. Họ bị cáo buộc thành lập văn phòng tại Đài Loan dưới vỏ bọc là các công ty của các nhà đầu tư ngoài Trung Quốc hoặc Đài Loan.

MJIB cho biết các kỹ sư Đài Loan đã bị thu hút bởi mức lương cao và được cho là đã bị yêu cầu chuyển giao “bí mật kinh doanh” từ các công ty trước đây của họ.

Văn phòng cho biết họ sẽ tiếp tục trấn áp nạn săn trộm tài năng bất hợp pháp, thứ có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Đài Loan trong ngành công nghệ cao.

Đài Loan sở hữu năng lực chuyên môn về chip mà Trung Quốc khao khát. Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là doanh nghiệp thống trị trong ngành, chiếm hơn 90% năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của thế giới.

Đài Loan: 8 công ty Trung Quốc bị tình nghi ăn cắp công nghệ, săn trộm nhân tài
Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Công viên Khoa học Trung tâm Đài Loan ở Đài Trung, Đài Loan, vào ngày 25/03/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)

Năm ngoái, một nhân viên chính phủ thuộc MJIB nói với Reuters rằng Đài Loan đã tiến hành điều tra 100 công ty Trung Quốc về các cáo buộc săn trộm các kỹ sư bán dẫn và các tài năng công nghệ khác.

Người này cho biết, những trường hợp mà Đài Loan thực hiện hành động đột kích hoặc thẩm vấn chỉ thể hiện “phần nổi của tảng băng trôi”, ngụ ý rằng có thể có một số lượng lớn hơn nhiều các trường hợp tương tự.

Chính quyền Đài Loan đã đề xuất tăng hình phạt để đối phó nạn săn trộm tài năng, bao gồm tăng án tù từ một năm lên ba năm và tăng mức phạt tối đa từ 5.200 USD lên 520.525 USD.

Tầm quan trọng của ngành chip đối với Đài Loan

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình mặc dù Đài Loan là một quốc gia tự trị với một chính phủ được bầu cử dân chủ. Áp lực quân sự gia tăng của Bắc Kinh đã khiến Đài Loan phải bảo vệ ưu thế chip của mình - một tài sản quan trọng chiến lược đối với Mỹ, vì phần lớn hoạt động sản xuất chip của Mỹ được thuê ngoài tới hòn đảo này.

Năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế sâu rộng đối với việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip nhằm kiềm chế những tiến bộ về công nghệ và quân sự của Trung Quốc. Bộ Kinh tế Đài Loan cũng đã cam kết tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Chip bán dẫn tiên tiến được sử dụng để chế tạo mọi thứ, từ xe bán tải đến tên lửa siêu thanh. Hiện tại, hơn 60% nguồn cung chip của thế giới được sản xuất tại Đài Loan, rất nhiều trong số đó có sự trợ giúp về nghiên cứu và thiết kế từ Mỹ.

Vào năm ngoái, Bloomberg đã đưa tin rằng Mỹ “sẽ xem xét sơ tán các kỹ sư chip có tay nghề cao của Đài Loan” trong trường hợp xấu nhất nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, trích dẫn những người quen thuộc với các cuộc thảo luận của chính quyền Biden.

Đáp lại, Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết cộng đồng quốc tế phải hiểu rằng nền kinh tế của họ gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Và rằng đối với thế giới, hòa bình và an ninh ở eo biển Đài Loan phục vụ lợi ích tốt nhất của tất cả các bên.

Bộ này nói thêm rằng sự bất ổn ở eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước này vốn cũng là một phần của chuỗi cung ứng chất bán dẫn quan trọng.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đài Loan: 8 công ty Trung Quốc bị tình nghi ăn cắp công nghệ, săn trộm nhân tài