Dân số già đang châm ngòi cho khủng hoảng nợ ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thâm hụt lương hưu và khủng hoảng nợ đang rình rập Trung Quốc do dân số già đi nhanh chóng. Đó là viễn cảnh ác mộng đối với các nhà chức trách Trung Quốc, bao gồm cả PBOC. Nhân khẩu học quá bất thường đã, đang và sẽ tác động sâu rộng tới an toàn tài chính, thậm chí làm trầm trọng thêm các rủi ro có thể dẫn tới khủng hoảng của nền kinh tế này.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày càng thể hiện nhiều lo ngại về thách thức nhân khẩu học với khủng hoảng nợ, gánh nặng lương hưu cũng như năng suất lao động của nước này.

Những mối lo

Tờ Bưu điện Nam Hoa Buổi sáng đã dẫn bài nghiên cứu của PBOC đăng vào tuần trước, trong đó lần đầu tiên người ta thấy PBOC dám thẳng thắn thừa nhận rủi ro đối với hệ thống tài chính Trung Quốc do các vấn đề dân số của nước này, hậu quả của chính sách dân số cực đoan đến mức đẫm máu của Bắc Kinh trong hàng chục thập kỷ.

Trong báo cáo này, PBOC cảnh báo Trung Quốc chỉ còn khoảng 10 năm để tận hưởng lợi ích từ cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động như hiện nay. Sau 10 năm nữa, một lượng lớn lao động về hưu trong khi lao động thay thế sẽ thấp hơn nhiều. Sự già đi trong cấu trúc dân số quá sớm so với năng lực phát triển và thu nhập bình quân sẽ vắt kiệt tăng trưởng của nền kinh tế này. Nhân khẩu là một trong các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng tại Trung Quốc trong suốt 4 thập kỷ qua, giờ không những mất đi mà còn trở thành nhân tố xói mòn tăng trưởng. Xa hơn, nó còn có thể châm ngòi khủng hoảng nợ, vỡ nợ quỹ lương hưu, làm thất bại chiến lược tăng trưởng ‘lưu thông kép’ của ông Tập Cận Bình.

PBOC nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần "tự do hóa hoàn toàn và khuyến khích" việc sinh con để bù đắp những tác động kinh tế của tỷ lệ sinh giảm và già hóa, cảnh báo "hệ thống phúc lợi hưu trí tự nguyện khó có thể đối phó với cuộc khủng hoảng già hóa".

Sự lo lắng của PBOC tăng cao khi kết quả của cuộc tổng điều tra dân số quốc gia lần thứ bảy vừa được công bố hồi cuối tháng 4. Trung Quốc định nghĩa thực trạng của họ là khủng hoảng nhân khẩu học. Có vẻ như kéo dài thời gian nghỉ hưu cũng được xem là một trong các biện pháp tăng thêm bộ đệm rủi ro cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này.

Tuần trước, Bắc Kinh thông báo mức lương hưu hàng tháng của 120 triệu người nghỉ hưu thành thị sẽ được tăng trung bình 4,5% trong năm nay, mức tăng thứ 17 liên tiếp hàng năm. Lương hưu hàng tháng cho khoảng 160 triệu nông dân cao tuổi, trung bình khoảng 170 NDT (26 USD), dự kiến ​​cũng sẽ được tăng lên. Việc tăng lương hưu là không thể tránh khỏi bởi vì mặc dù chỉ số lạm phát mà Trung Quốc rất thấp nhưng thực tế giá lương thực, thực phẩm tăng cao khiến lương hưu ngày càng khó đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người già.

Bắc Kinh cần phải đảm bảo quỹ hưu trí đủ tiền mặt để chi trả cho nhu cầu ngày một tăng. Quỹ an sinh xã hội quốc gia đã đăng ký một khoản dự trữ khoảng 6 nghìn tỷ NDT (922,8 tỷ USD) vào năm ngoái.

Vỡ quỹ hưu trí quốc gia

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) ước tính trong một báo cáo năm 2019, dự trữ lương hưu sẽ cạn kiệt vào năm 2035 và thâm hụt có thể tăng lên 11 nghìn tỷ NDT vào năm 2050.

Hiện nay, một số tỉnh ở nước này báo cáo tình trạng dân số giảm và tăng trưởng kinh tế chậm, chẳng hạn như tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc đã báo cáo tình trạng thiếu lương hưu, buộc các nhà chức trách phải thành lập một tổ chức quốc gia và phân bổ lương hưu giữa các tỉnh để đảm bảo chi trả kịp thời.

PBOC không phải là cơ quan đầu tiên của Bắc Kinh dám thẳng thắn bày tỏ lo ngại về nhân khẩu học. Nhưng PBOC đang ngày càng phải quan tâm nhiều hơn tới nhân khẩu học vì rủi ro tài chính do cấu trúc dân số bất thường của Trung Quốc.

Cuối tháng trước, tại một cuộc thảo luận ở Diễn đàn Boao dành cho châu Á, Phó thống đốc PBOC, ông Li Bo cho biết rằng Trung Quốc có “nhiều nguồn lực” để đáp ứng thách thức về lương hưu. Ông Li đề xuất sử dụng vốn nhà nước, tiền bán đất thuộc sở hữu nhà nước và thậm chí là phát hành trái phiếu kho bạc kỳ hạn 50 năm để giải quyết lỗ hổng thiếu hụt tài chính của quỹ hưu trí và an sinh xã hội.

Một số biện pháp đã được thực hiện. Các doanh nghiệp nhà nước đã chuyển 1,68 nghìn tỷ NDT vốn cho quỹ an sinh xã hội quốc gia trong 3 năm qua.

Ông Ding Shuang, kinh tế trưởng của Ngân hàng Standard Chartered, cho biết trên trang SCMP rằng già hóa không gây ra mối đe dọa ngắn hạn nào đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc, nhưng lãi suất của ngân hàng trung ương báo hiệu lo ngại về việc tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động già có thể làm giảm sức sống kinh tế và tăng nợ chính phủ, một vấn đề mà Nhật Bản đã phải đối mặt trong vài thập kỷ qua.

Tốc độ tăng trưởng giảm, chi phí tái cân bằng cao hơn

Năng suất lao động giảm do các vấn đề nhân khẩu học có thể là trở ngại cho mục tiêu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế của Trung Quốc vào năm 2035, vốn đòi hỏi tăng trưởng hàng năm ít nhất 4,5% trong 15 năm tới.

Báo cáo nghiên cứu của PBOC lặp lại những bình luận gần đây của cựu thống đốc ngân hàng trung ương Zhou Xiaochuan, người cho rằng Trung Quốc phải từ bỏ việc chi trả lương hưu theo kế hoạch cố định, trong đó nhân viên phải đóng góp phần lớn tiền chứ không phải doanh nghiệp, vì lợi ích bền vững tài chính và năng suất lâu dài.

"Dân số Trung Quốc có thể đạt đỉnh trước năm 2025", ông nói trong một sự kiện do Tạp chí Caijing tổ chức hồi tháng 4 vừa qua. “Sau đó tăng trưởng có khả năng cao sẽ lao dốc và dẫn đến cung không đủ cầu. Nó sẽ tạo ra một tác động bất lợi đối với việc thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc".

Giáo sư Micheal Pettis cho rằng một trong những tác động chính của việc giảm dân số là làm giảm tốc độ tăng trưởng chung. Do giá trị của khoản đầu tư ngày nay phụ thuộc một phần vào tăng trưởng trong tương lai, điều này cũng làm giảm giá trị của khoản đầu tư hiện có vào tài sản và bất động sản (mặc nhiên khiến gánh nặng nợ càng tăng thêm). Dân số giảm khiến nhu cầu tái cân bằng trở nên cấp thiết hơn.

Sự mất cân đối sâu sắc về nhu cầu của Trung Quốc chủ yếu gây ra bởi sự sai lệch trong phân phối thu nhập giữa các khu vực kinh tế. Trung Quốc tái cân bằng thành công như thế nào - và theo cách này hay cách khác - nó sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào cách Bắc Kinh quản lý thành công việc chuyển thu nhập từ các doanh nghiệp và chính quyền địa phương sang các hộ gia đình bình thường, có thể là trực tiếp dưới hình thức mức lương cao hơn hoặc gián tiếp là dưới hình thức chi tiêu nhiều hơn cho phúc lợi xã hội. Có vẻ như, rủi ro từ nhân khẩu học chưa lớn bằng rủi ro mất bình đẳng thu nhập đang gia tăng nhanh chóng.

Đây chủ yếu là vấn đề phân phối thu nhập, và Bắc Kinh trì hoãn việc giải quyết vấn đề này càng lâu thì việc điều chỉnh cuối cùng càng tốn kém. Tình trạng nhân khẩu học tệ hại của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đòi hỏi một khoản chi phí tái cân bằng vô cùng lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh không phải làm.

Thiện Nhân

Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

Dân số già đang châm ngòi cho khủng hoảng nợ ở Trung Quốc