Dân số Trung Quốc: Tỷ lệ sinh giảm báo hiệu nguy cơ khủng hoảng già hóa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số liệu dân số do một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc công bố cho thấy số lượng trẻ sơ sinh ra đời trong năm 2020 đã giảm mạnh so với một năm trước đó. Trong vòng 5 năm tới, tổng dân số Trung Quốc sẽ bước vào ngưỡng tăng trưởng bằng 0, gây áp lực lên các kế hoạch của chính phủ nhằm thúc đẩy mở rộng kinh tế.

Bất chấp việc công bố dữ liệu dân số quốc gia bị trì hoãn, một loạt số liệu thống kê về số ca sinh tại các địa phương ở Trung Quốc đã cho thấy nguy cơ về một cuộc khủng hoảng dân số đang gia tăng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Trước thực trạng số ca sinh đang giảm dần ở Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng con số này sắp tới sẽ còn giảm sâu hơn nữa, gây áp lực lên các mục tiêu phát triển cao cả của Bắc Kinh, "trừ khi nước này đạt được những thành tựu thần kỳ" trong việc tăng số lượng trẻ sơ sinh trong tương lai gần.

Trong báo cáo về các chỉ số kinh tế năm 2020 phát hành vào tháng trước, số liệu dân số và sinh đẻ hàng năm đã không được công bố, chủ yếu là do Trung Quốc đã kết thúc cuộc tổng điều tra dân số mỗi thập kỷ một lần vào cuối năm ngoái. Theo Cục Thống kê Quốc gia, kết quả sơ bộ của cuộc điều tra dự kiến ​​sẽ được công bố vào tháng Tư năm nay.

Nhưng trong tháng 1, một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc đã tiết lộ dữ liệu sinh của địa phương thông qua các báo cáo của chính phủ và truyền thông nhà nước. Trong một số trường hợp, tỷ lệ sinh đã giảm hơn 30% vào năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ của trung tâm kinh tế phía Nam Quảng Đông, số trẻ sơ sinh đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ trở lại đây, theo báo cáo trên tờ Guangzhou Daily của nhà nước.

Báo cào này cho biết: Khoảng 195.500 trẻ được sinh ra ở Quảng Châu, giảm khoảng 17% so với năm 2019 và 33% so với năm 2017, xu hướng giảm ở thành phố này đã phản ánh tình hình chung của toàn tỉnh, trong đó năm 2019 ghi nhận 1,43 triệu trẻ sơ sinh - số lượng sinh cao nhất trong các tỉnh ở đại lục.

Tại khu tự trị Ninh Hạ ở phía tây bắc Trung Quốc, nơi sinh sống của người dân tộc Hồi, năm ngoái, số trẻ sơ sinh là hơn 80.000 trẻ em, giảm 16% so với năm 2019, theo số liệu thống kê chính thức.

Thủ phủ Ngân Xuyên của Ninh Hạ ghi nhận khoảng 24.400 trẻ sơ sinh, giảm 11,9% so với năm 2019, theo báo cáo của chính phủ.

Có thể nói rằng mặc dù số ca sinh năm 2020 thấp nhất trong những thập kỷ gần đây, nhưng đây rất có thể sẽ là con số cao nhất trong vài thập kỷ tới.

Ở khu vực miền đông Trung Quốc, tại một số thành phố phát triển mạnh và có dòng người nhập cư lớn đều ghi nhận tỷ lệ trẻ sơ sinh giảm mạnh trong năm ngoái. Theo một báo cáo từ chính quyền thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, năm 2020 ghi nhận số lượng 79.300 trẻ sơ sinh, giảm 23% so với một năm trước đó.

Các thành phố Ôn Châu và Thai Châu của tỉnh Chiết Giang - một trong những nơi giàu có nhất Trung Quốc - đã chứng kiến ​​tỷ lệ trẻ sơ sinh giảm lần lượt 19% và 33% trong năm ngoái, theo báo cáo của chính phủ.

“Mặc dù chúng tôi không thể đưa ra kết luận trên toàn quốc dựa trên tỷ lệ sinh giảm ở các khu vực đó, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng tỷ lệ sinh trên toàn quốc sẽ giảm đáng kể vào năm 2020 so với năm 2019, do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang giảm dần và một số yếu tố khác nữa”. Ông Huang Wenzhen, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn được chính phủ hậu thuẫn cho biết.

“Chúng ta có thể nói rằng mặc dù số ca sinh vào năm 2020 có thể là thấp nhất trong những thập kỷ gần đây, nhưng nó rất có thể lại là tỷ lệ cao nhất trong vài thập kỷ tới, trừ khi có kỳ tích xuất hiện”.

Đây không phải tương lai quá xa vời. Trong 5 năm tới, tổng dân số Trung Quốc sẽ bước vào ngưỡng tăng trưởng bằng 0, có nghĩa là khoảng cách giữa số người được sinh ra và số người tử vong hàng năm sẽ giảm xuống chỉ còn 1 triệu người, mặc dù tổng dân số sẽ duy trì trên 1,4 tỷ người, theo kết luận của Trung tâm Nghiên cứu Dân sô và Phát triển Trung Quốc.

Người ta ước tính rằng Ấn Độ có thể vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027.

Năm 2019, ở Trung Quốc có 14,65 triệu trẻ sơ sinh chào đời, mức thấp nhất kể từ năm 1961, nhưng con số này dự kiến ​​sẽ còn giảm nhiều hơn vào năm 2020. Trung Quốc không phải là quốc gia Đông Á duy nhất có tỷ lệ sinh giảm và dân số già. Năm ngoái, lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận tình trạng dân số giảm. Dân số Nga cũng giảm 500.000 người vào năm 2020, mức giảm lớn nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

Dân số già nhanh chóng đã gây áp lực lên các chính phủ ở châu Á, khi tiềm năng tăng trưởng giảm đi trong bối cảnh nguồn cung lao động bị thu hẹp và gánh nặng chăm sóc người cao tuổi tăng lên đáng kể.

Về lý thuyết, các quốc gia có thể giảm thiểu các tác động trên bằng cách cải thiện năng suất lao động và đầu tư vốn, nhưng đó chỉ là “giải pháp tình thế”, các nhà kinh tế của ngân hàng Pháp Natixis cho biết trong một báo cáo vào tháng 12 năm ngoái.

Ngân hàng này cho biết: ““Số lượng lao động ít đi và dân số cao tuổi gia tăng đòi hỏi tiết kiệm nhiều hơn để duy trì chi tiêu khi nghỉ hưu, gây ra áp lực lớn hơn đối với tài chính công”. “Với sản lượng tiềm năng thấp hơn, giả sử tất cả đều bằng nhau, thì mục tiêu tăng GDP bình quân đầu người hoặc mức sống trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Một số nền kinh tế châu Á, chẳng hạn như Trung Quốc và Thái Lan, vẫn sẽ ở trong 'bẫy thu nhập trung bình' khi dân số của họ đang già đi nhanh chóng”.

Để giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực và già hóa dân số, các nhà quản lý và học giả đã kêu gọi Bắc Kinh loại bỏ hoàn toàn chính sách hạn chế sinh đẻ và khuyến khích gia đình sinh nhiều con. "Chỉ bằng cách loại bỏ hoàn toàn hạn chế sinh đẻ và khuyến khích sinh con, Trung Quốc mới có thể đảo ngược tình trạng suy giảm dân số", Liang Jianzhang, giám đốc trang web du lịch Ctrip.com và Huang Wenzheng, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và toàn cầu hoá ở Bắc Kinh, cho biết. "Việc nuôi con ở Trung Quốc vừa có chi phí cao, vừa phải đối mặt với khó khăn về chăm sóc vì Trung Quốc thiếu các trung tâm trông trẻ ban ngày".

Theo Bloomberg News, Trung Quốc đang xem xét loại bỏ những tàn dư cuối cùng của chính sách kiểm soát dân số khiến mất cân bằng nhân khẩu học. Mối quan tâm về lực lượng lao động bị thu hẹp của nước này đang tăng lên.

Tuy nhiên, việc khuyến khích thêm con vẫn chưa đủ để đảo ngược tình trạng giảm dân số ở Trung Quốc, nếu không có các chính sách hỗ trợ cho các gia đình đông con. Ông He Yafu, một nhà nhân khẩu học ở Quảng Đông cho rằng: "Chỉ bãi bỏ hạn chế sinh con mà không thực hiện các chính sách khuyến khích sẽ không giúp ích gì nhiều với những thách thức hiện tại".

Ông Huang Xihua, một nhà lập pháp thuộc tỉnh Quảng Đông, đề xuất: "Để chia sẻ gánh nặng nuôi con với các gia đình, Trung Quốc nên cung cấp giáo dục mầm non công lập miễn phí và trừ thuế cá nhân cho các gia đình đông con".

Kể cả việc thưởng tiền cho việc sinh thêm con các hình thức khuyến khích sinh con ở các nước như Đức, Ý, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc cũng vẫn không thể đảo ngược xu hướng nhân khẩu học đang lan rộng này. Thay đổi thói quen ở Trung Quốc có thể còn đặc biệt khó khăn hơn nữa, nơi các bậc cha mẹ đã quá quen với việc tập trung chăm sóc cho đứa con duy nhất.

"Tăng tỷ lệ sinh là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn để thực hiện thông qua chính sách", McArver nói. "Nhiều nước đã thử và thất bại", vì rõ ràng,giờ đây với các cặp vợ chồng thế hệ mới, sinh ít là lựa chọn cá nhân.

Thiện Nhân - Mộc Trà

Theo SCMP

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Dân số Trung Quốc: Tỷ lệ sinh giảm báo hiệu nguy cơ khủng hoảng già hóa