Đằng sau 'phép màu thịt lợn' của Trung Quốc: Công nghệ đang chuyển đổi nghề nuôi lợn và mang đến hậu quả khôn lường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người Trung Quốc ngày càng tăng, các trang trại quy mô nhỏ truyền thống đang được thay thế bằng các hoạt động rộng lớn, với sự hỗ trợ của công nghệ giám sát AI. Tuy nhiên, thịt lợn giá rẻ là nguyên nhân dẫn đến đại dịch tả lợn châu Phi (ASF), và chúng ta có thể đang tiêu thụ đủ để tự giết chính mình...

Vào tháng 11 năm 2018, tôi đi du lịch đến Quảng Châu, thành phố có khoảng 14 triệu dân ở miền nam Trung Quốc. Cuối thu là thời điểm để làm lap yuk, một loại thịt lợn được bảo quản, và là món đặc sản địa phương. Tôi thường bắt gặp những miếng thịt treo trên ban công chung cư cao tầng trên khắp thị trấn, buộc bằng dây để phơi khô và đung đưa bên cạnh áo sơ mi và khăn trải giường.

Để làm món lap yuk, một miếng thịt lợn sống được ngâm trong hỗn hợp rượu gạo, muối, xì dầu và gia vị, sau đó treo lên để bảo quản được lâu hơn trong không khí ẩm ướt của mùa thu. Một người thân của tôi tuyên bố rằng chỉ có miền nam Trung Quốc mới có thể làm thịt lợn bảo quản như thế này. Bí quyết là nhờ gió ở đó làm khô giúp tránh các bào tử tự nhiên và vi khuẩn.

Trí tuệ nhân tạo mang đến ‘phép màu thịt lợn’

Quảng Châu là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình mà tôi tham gia để cố gắng hiểu việc trí tuệ nhân tạo đang biến đổi ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc như thế nào.

Đất nước này là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới và câu chuyện về cách họ đã tăng cường sản xuất trong những năm gần đây đôi khi được mô tả là “phép màu thịt lợn của Trung Quốc”.

Trong khi mức tiêu thụ thịt nói chung vẫn đi sau các nước như Mỹ, mức tiêu thụ thịt lợn hàng năm của Trung Quốc là 54 triệu tấn - tổng mức cao nhất trên toàn thế giới, mặc dù một số quốc gia vẫn tiêu thụ nhiều hơn trên đầu người - chỉ dự kiến ​​sẽ tăng trong những năm tới. Giờ đây, với nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này, nông dân đang chuyển sang sử dụng AI.

Khi ở Quảng Châu, tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng hàng ngày và đọc Pig Progress, một nguồn tin tức phổ biến về ngành thịt lợn. Vào thời điểm đó, đã có một vụ phong tỏa lợn ở Trung Quốc, do sự bùng phát của ASF, một căn bệnh gây xuất huyết ở lợn. Tỷ lệ tử vong là gần 100%, vì nó làm cho các con vật bị chảy máu đến chết.

Ngành chăn nuôi lợn trong tình trạng lao đao, khi các nhà khoa học chạy đua để phát triển một loại vắc-xin.

Đối với các nhà kinh tế và chính trị gia Trung Quốc, điều này vô cùng đáng lo ngại. Ít thịt lợn hơn đồng nghĩa với việc giá lương thực cao hơn, và giá lương thực cao hơn đồng nghĩa với việc công chúng bất bình.

Các món ăn từ thịt lợn chiếm phần lớn trong ẩm thực của người Trung Quốc. Lợn đã được thuần hóa ở Trung Quốc từ 7.000 trước Công nguyên, và một cuộc khảo sát nhân chủng học năm 1929 cho thấy 70% lượng calo động vật ở Trung Quốc là từ thịt lợn.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, thực phẩm được xem là thuốc và rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tật. Thịt lợn giúp bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực.

Ít thịt lợn hơn đồng nghĩa với việc... công chúng bất bình

Sức tiêu thụ của thịt lợn đang tăng trên khắp Trung Quốc theo cùng với mức thu nhập. Sự ưa chuộng thịt lợn gia tăng này đang làm thay đổi các liên minh địa chính trị và thương mại toàn cầu.

Vào năm 2013, khi tập đoàn WH Group của Trung Quốc mua lại hãng sản xuất thịt lợn Smithfield của Mỹ, nó đã trở thành công ty thịt lợn lớn nhất thế giới. Các hoạt động của WH Group hiện mở rộng trên một mạng lưới rộng lớn gồm các trang trại gia đình và các hoạt động công nghiệp hóa bên ngoài Trung Quốc (các trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp hóa này đang là vấn đề đau đầu về môi trường đối với các cộng đồng sống xung quanh họ. Ở các bang của Hoa Kỳ như Bắc Carolina, việc tiếp xúc với chất gây ô nhiễm trong chăn nuôi lợn đã ảnh hưởng bất cân đối đến các công dân Da đen, Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa, điều này đã thúc đẩy một liên minh rộng rãi khởi động các chiến dịch lập pháp chống lại Smithfield).

Các quốc gia như Mỹ có dự trữ lúa mì như một sự bảo hiểm chống lại nạn đói và để kiểm soát giá lương thực. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có nguồn dự trữ thịt lợn, bao gồm hàng triệu con lợn sống và hàng triệu tấn thịt lợn đông lạnh, được tích trữ từ các nguồn trong và ngoài nước.

Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn thịt đông lạnh dự trữ của Bắc Kinh bị giảm mạnh, giá thịt lợn tăng mạnh (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn thịt đông lạnh dự trữ của Bắc Kinh bị giảm mạnh, giá thịt lợn tăng mạnh (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Năm 2008, khi giá lương thực tăng vọt, chính phủ nước này đã dựa vào việc sử dụng lượng dự trữ thịt lợn này, đó là lý do khiến thịt lợn Smithfield cuối cùng được nhập khẩu vào Trung Quốc hàng loạt.

Bạn sẽ là một kẻ ngốc nếu tự mình chăn nuôi, vì thịt lợn công nghiệp rẻ hơn nhiều

Vài tuần sau chuyến đi của mình, tôi đã đến Tương Dương, vùng ngoại ô cách Quảng Châu vài giờ, để xem mô hình nuôi lợn truyền thống, quy mô nhỏ ở vùng nông thôn Trung Quốc. Tôi đã ăn thịt lợn được bảo quản cho bữa sáng, bữa trưa và bữa tối, nhưng việc tìm kiếm những con lợn còn sống thực tế rất khó.

Lo sợ về ASF đã khiến chính quyền địa phương ra lệnh ngăn chặn các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ giết mổ hàng loạt lợn. Lý do là các nông hộ nhỏ không thể giữ an toàn sinh học chặt chẽ như các hoạt động công nghiệp hóa.

Ở Tương Dương, tôi đã làm chủ nhà khó chịu với hàng loạt câu hỏi. “Bạn có nuôi lợn trong làng không? Thịt lợn được bảo quản này có nguồn gốc từ đâu? Bạn phải trả bao nhiêu cho thịt lợn? Bạn nuôi lợn như thế nào? ”

"Tại sao chúng tôi lại nuôi lợn ở đây?" ông ấy đáp lại, nghi ngờ trước những câu hỏi đơn giản của tôi. Ông ấy nói: “Lợn rất khó để nuôi tốt. Chúng là động vật thông minh và có nhiều nhu cầu. Khi cho chúng ăn, bạn phải mua ngũ cốc, sau đó nấu chín ngũ cốc vì chúng sẽ không ăn sống. Ngay cả sau đó, khi bạn bán thịt lợn, bạn sẽ không bao giờ kiếm lại được số tiền đã đầu tư vào thức ăn chăn nuôi. Thịt lợn bán rẻ ở chợ những ngày này. Bạn không thể bán thịt lợn đắt tiền và mong đợi mọi người mua nó”.

Ông ấy nói tiếp: “Chúng tôi từng nuôi lợn trong làng. Chúng giúp ích cho việc trồng trọt của chúng tôi. Bạn có thể sử dụng chất thải của chúng để làm phân bón. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng có được con đường trải nhựa nối ngôi làng với phần còn lại của quận. Người ta đến đây khoảng hai lần một tuần bằng xe ô tô, bán cho chúng tôi thịt lợn, kể cả thịt lợn đã bảo quản mà bạn đang ăn. Mua thịt lợn rẻ hơn rất nhiều so với việc bạn tự nuôi. Bạn sẽ là một kẻ ngốc nếu tự mình chăn nuôi”.

Cuối cùng, tôi đã xoay sở tìm được một trong những “kẻ ngốc”, một người tên là Li Jianhu, người điều hành một hoạt động chăn nuôi lợn [công nghệ] sinh thái ở Phúc Kiến, một vài trăm dặm về phía bắc đông nam của Quảng Châu. Thông qua ông Li, tôi hy vọng sẽ tìm được một trang trại nuôi lợn sinh thái để ghé thăm, để có thể tận mắt chứng kiến ​​quy mô chăn nuôi lợn phát triển như thế nào. Ông ấy nói rằng ông sẽ cố gắng giúp đỡ, nhưng an ninh bị thắt chặt vì mối đe dọa từ ASF.

Ông Li giải thích rằng virus [ASF] này thường lây lan từ việc tiếp xúc với lợn rừng, đã bắt đầu lây nhiễm sang lợn thuần hóa và hiện đang lây lan nhanh chóng. Nó là một loại virus có khả năng lây lan, dễ lây lan và thậm chí có thể lây lan qua các sản phẩm thịt đã qua chế biến như xúc xích, thậm chí “vượt qua” tia UV và nhiệt độ khắc nghiệt.

Các quan chức hải quan ở các biên giới đều cảnh giác cao độ, sau khi một du khách Trung Quốc đến Thái Lan bị phát hiện có một chiếc xúc xích nhiễm ASF trong hành lý xách tay.

Lần tiếp theo tôi nói chuyện với ông Li, ông ấy có tin không vui. Tình hình thật tồi tệ. Ông đã phải đóng cửa cơ sở kinh doanh của mình vì những hạn chế mới trong việc vận chuyển lợn từ trang trại đến lò mổ. Ngay cả trang trại thịt lợn truyền thống Meishan ở Thượng Hải, một trang trại du lịch dựa vào lượng du khách để tồn tại, hiện đã bị đóng cửa.

Ông Li nói rằng mối đe dọa không chỉ đối với nguồn cung cấp thịt lợn của Trung Quốc mà còn đối với toàn thế giới. Trung Quốc xuất khẩu nhiều loại sản phẩm thịt lợn khác nhau - từ thuốc heparin chống đông máu đến bột protein trong sinh tố - tất cả đều là những phương tiện tiềm năng cho ASF.

Tại Trung Quốc, trước đây 98% trang trại chăn nuôi lợn có ít hơn 50 con và chiếm khoảng một phần ba sản lượng thịt lợn của cả nước. Các trang trại hầu hết rải rác, phi tập trung cao này khiến việc giám sát của chính phủ trở nên khó khăn. Cũng có áp lực rất lớn đối với họ trong việc giữ giá thịt lợn trên thị trường và duy trì sản xuất ổn định.

Lợn trong một trang trại lợn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 10 tháng 8 năm 2018... (Greg Baker/AFP/Getty Images)
Lợn trong một trang trại lợn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 10 tháng 8 năm 2018... (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Chính phủ đang sử dụng ASF như một cái cớ thuận tiện để xóa sổ các trang trại nhỏ này, nhường chỗ cho các hoạt động [chăn nuôi] tập trung, quy mô công nghiệp hóa.

Thịt lợn giá rẻ là nguyên nhân dẫn đến đại dịch ASF

Ông Li nói, mọi thứ đang hướng tới quy mô công nghiệp hóa, phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn - toàn cầu hóa, hơn 90% động vật được nuôi trong các trang trại công nghiệp hóa.

Hai phần ba sản lượng thịt lợn của Trung Quốc hiện được thực hiện bởi các tập đoàn lớn, họ quyết tâm thực hiện “nghĩa vụ yêu nước” của mình bằng cách hỗ trợ “phép màu thịt lợn” của Trung Quốc, thông qua “phép thuật” cắt giảm chi phí và công nghệ.

Ông Li nói với tôi, việc tìm kiếm thịt lợn giá rẻ là nguyên nhân dẫn đến đại dịch ASF. Một cách để giữ giá giảm là giảm chi phí thức ăn cho lợn. Lợn của làng Tương Dương đã từng được cho ăn ngũ cốc nấu chín và đậu, nhưng ASF đã lây truyền qua hợp chất thức ăn cho lợn (swill) nuôi công nghiệp (dùng thay thay thế bữa ăn thông thường).

Loại hợp chất thức ăn này là một phiên bản tinh chỉnh của hợp chất soylent từ động vật - một sự kết hợp của đậu nành biến đổi gen, ngũ cốc, bột protein và đôi khi là chất thải thực phẩm đã qua xử lý. Chất thải thực phẩm đã qua xử lý thường chứa thịt lợn, và bột protein được bổ sung thường có nguồn gốc từ lợn. Chúng tôi đang cho “lợn ăn lợn”.

Giữa sự mờ mịt như thế này, hợp chất thức ăn cho lợn (swill) công nghiệp sinh sôi nảy nở đang giữ giá cả ở mức thấp. Hợp chất swill này được tối ưu hóa hoàn toàn, chỉ chứa bộ chất dinh dưỡng phù hợp để lợn phát triển đến kích thước thích hợp và đưa ra thị trường vào thời điểm tối ưu. Và do đó, lợn vô tình ăn thịt lẫn nhau, lây nhiễm và tái nhiễm cho đồng loại của chúng.

Một trang trại công nghiệp hóa giống như một nhà máy sản xuất điện thoại

Ông Li hỏi "Ngay cả khi bạn đến được một cơ sở chăn nuôi lợn công nghiệp hóa, bạn sẽ làm gì ở đó? Trong chăn nuôi lợn công nghiệp hóa, có rất ít sự tiếp xúc giữa người và lợn - những con vật nuôi nhốt sau những cánh cửa đóng kín, được theo dõi qua camera quan sát.

Một trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp hóa giống như một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh hơn là một trang trại vùng nông thôn. Mỗi đàn được theo dõi chặt chẽ xem có dấu hiệu ốm đau hay bệnh tật gì không.

Lợn có một thể tạng mỏng manh. Một người chăn nuôi lợn nói với tôi rằng lợn có thể bị căng thẳng và ốm chỉ từ một thay đổi nhỏ trong nguồn cung cấp nước của chúng. Khi cần đến sự can thiệp của con người, người ta mặc bộ quần áo bảo hộ đã khử trùng và đeo khẩu trang, trông ít giống một nông dân truyền thống và giống với một công nhân bên trong một nhà máy sản xuất chip silicon hơn.

Công ty trò chơi trực tuyến lớn bán... thịt lợn

Một số loại thịt lợn ngon nhất ở Trung Quốc hiện đang được sản xuất bởi một trong những công ty trò chơi trực tuyến lớn nhất, có lợi nhuận cao nhất thế giới. Từ năm 2009, NetEase đã hoàn thiện công nghệ chăn nuôi lợn. Câu chuyện bắt đầu khi Ding Lei, người sáng lập công ty, đang ăn lẩu với bạn bè và bắt đầu lo lắng rằng huyết (một nguyên liệu truyền thống làm từ huyết lợn đông tụ) là nhân tạo. Vào thời điểm đó, kế hoạch kinh doanh của Ding chuyển từ chơi game sang chăn nuôi lợn.

Ding thành lập một bộ phận sản phẩm nông sản mới, được gọi là Weiyang. Một thập kỷ trôi qua, thịt lợn của họ hiện đã có sẵn trực tuyến và tại các cửa hàng bán lẻ Weiyang, đặc biệt nằm rải rác trên thủ phủ Hàng Châu của Trung Quốc.

Trang trại của công ty ở Lỗ Sơn có độ chính xác của một nhà máy điện tử và cảm giác như một khu nghỉ dưỡng hoàn toàn vô trùng, được quản lý tỉ mỉ. Những con lợn trong trang trại sống một cuộc sống tối ưu hóa, với lượng vận động được hiệu chỉnh chính xác và hợp chất thức ăn cho lợn được hòa trộn cẩn thận.

Chúng thậm chí còn nghe một bản nhạc nhẹ nhàng để giảm căng thẳng. Âm nhạc này giúp cải thiện [chất lượng] thịt. Căng thẳng trước khi giết mổ có thể làm thay đổi quá trình trao đổi chất của lợn, làm tăng nồng độ cortisol và dẫn đến thứ được ngành công nghiệp gọi là thịt “DFD” (thịt sẫm màu, cứng, khô).

Nông nghiệp mang tính công nghiệp hóa là một ngành kinh doanh thông tin, và Weiyang tuyên bố mình đang kết hợp “tư duy internet và nông nghiệp hiện đại”. Điều đó có nghĩa là chăn nuôi với đúng chi tiết và độ chính xác liên quan đến việc phát triển phần mềm - mức độ kiểm soát đối với mọi thay đổi vi mô trong suốt quá trình, chẳng hạn như mức độ căng thẳng của lợn.

Lợn sữa trong một trang trại ở Trung Quốc - ngày 21/11/2019... (Reuters)
Lợn sữa trong một trang trại ở Trung Quốc - ngày 21/11/2019... (Ảnh: Reuters)

Toàn bộ ngành công nghiệp này gồm các nhà khoa học, kỹ thuật viên về lợn, công ty xét nghiệm gen, tổ chức giáo dục và quản lý trang trại công nghiệp hóa nhằm tối ưu hóa cuộc sống của lợn. Các công ty như Tổng công ty Cải tiến Lợn đã khai thác tính toán di truyền học và công nghệ sinh học tiên tiến để tạo ra lợn đặc biệt cho chăn nuôi công nghiệp hóa.

Tự động hóa nông nghiệp ngày càng tăng đã khiến lợn trở nên tiêu chuẩn hóa về thể chất, giống như trái cây và rau quả của chúng ta.

Lợn nuôi tự nhiên có khả năng thích ứng dịch bệnh

Trước khi ngành nông nghiệp mang tính công nghiệp hóa ra đời ở Trung Quốc, nông dân đã nuôi hàng trăm giống lợn với các kích cỡ và đặc tính khác nhau. Những con lợn này thích ứng với khí hậu và dịch bệnh của địa phương, có thể cho ăn thức ăn thừa và tạo ra lượng phân bón dồi dào cho đồng ruộng.

Thay vào đó, chăn nuôi lợn công nghiệp hóa sử dụng một loại duy nhất: DLY lai rất phổ biến, là con lai giữa các giống Duroc, Landrace và Yorkshire. Ngay cả những thuộc tính không mong muốn của những con lợn này cũng đang dần được chỉnh sửa - ví dụ các đặc điểm thể chất như đuôi, gây phiền toái trong quá trình vận chuyển vì trong điều kiện đông đúc, lợn con căng thẳng sẽ cắn đứt đuôi của nhau.

Kết hợp với việc kiểm soát di truyền, hệ thống cho ăn và phân phối nước tự động, thời gian tập luyện nghiêm ngặt, lợn được nuôi với kích thước chính xác.

Để tối ưu hóa đầy đủ và hiệu quả bất kỳ quy trình nào, bạn cần có khả năng định lượng tất cả các thay đổi. Nhưng trong một thế giới không chắc chắn, bất hợp lý, không có gì được đảm bảo. Các hệ thống nông nghiệp mang tính công nghiệp hóa liên tục tìm cách loại bỏ sự không chắc chắn.

Nhưng khi ASF lan rộng, rõ ràng là nỗ lực tối ưu hóa chăn nuôi lợn công nghiệp hóa đã tạo ra một hệ thống phức tạp với những hậu quả không lường trước được. Kiểm soát hoàn toàn hóa ra là một ảo tưởng.

Những hậu quả không lường trước được

Cuộc sống của chính chúng ta đang bị đe dọa bởi quá trình tối ưu hóa ngạo mạn này. Sự xuất hiện của những căn bệnh mới ở người như virus Corona Vũ Hán - cái gọi là bệnh “lây từ động vật sang người” - trùng với kỷ nguyên tối ưu hóa hiện đại, nền nông nghiệp mang tính công nghiệp hóa và sự mất dần môi trường sống của động vật hoang dã.

Một báo cáo năm 2014 về các bệnh lây từ động vật sang người cho biết 60% các bệnh mới xuất hiện hiện nay là bệnh có nguồn gốc từ động vật và 80% mầm bệnh mới đến từ các quốc gia sản xuất thịt lợn hàng đầu - những nơi như Trung Quốc. Với việc tiêu thụ thịt ngày càng tăng trên toàn thế giới, chúng ta có thể đang tiêu thụ đủ để tự giết chính mình.

Trong một thế giới được tối ưu hóa, những người nông dân là nguồn lực của sự kém hiệu quả. Họ bị hạn chế về thông tin và thời gian, ảnh hưởng đến việc ra quyết định của họ. Vì vậy, suy luận một cách hợp lý, tại sao không thay thế họ bằng các mô hình AI có quyền truy cập vào dữ liệu vô tận và thời gian theo kỹ thuật tính toán?

Công ty khổng lồ của Trung Quốc Alibaba đang đề xuất điều đó. Sản phẩm mới của họ, ET Agricultural Brain, nhằm mục đích sử dụng AI để chuyển đổi nền nông nghiệp và giúp thúc đẩy phép màu thịt lợn của Trung Quốc.

Vào một ngày se lạnh, xám xịt ở Hàng Châu, tôi đã đến thăm Alibaba Cloud (chi nhánh điện toán đám mây của công ty) để tìm hiểu thêm về kế hoạch của họ sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp chăn nuôi lợn, với sự hợp tác của Tequ Group (một công ty thực phẩm có trụ sở tại Tứ Xuyên tập trung về nông nghiệp mang tính công nghiệp hóa).

Vào thời điểm đó, Tequ đặt mục tiêu sản xuất 10 triệu con lợn mỗi năm vào năm 2020, mặc dù kế hoạch đã bị cản trở do không ngăn chặn được ASF và gián đoạn lao động do virus Corona Vũ Hán.

Khuôn viên của Alibaba Cloud cách trung tâm thành phố nửa giờ lái xe, ở một nơi được gọi là Thị trấn Đám mây (Cloud Town). Khung cảnh xanh tươi, thời tiết mưa khiến tôi nhớ đến khuôn viên của Amazon Web Services (AWS) ở Seattle. Cả Amazon và Alibaba đều khởi đầu là những công ty thương mại điện tử, và không phải ngẫu nhiên mà cả hai đều cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.

Nhà sinh vật học Yin Zhi đợi trong thời tiết lạnh giá để vào một chuồng lợn ấm áp ở Cáp Nhĩ Tân vào ngày 11 tháng 1 năm 2008 (Ảnh: FREDERIC J. BROWN / AFP qua Getty Images)
Nhà sinh vật học Yin Zhi đợi trong thời tiết lạnh giá để vào một chuồng lợn ấm áp ở Cáp Nhĩ Tân vào ngày 11 tháng 1 năm 2008 (Ảnh: FREDERIC J. BROWN / AFP qua Getty Images)

Cả Amazon và Alibaba đều tận dụng hoạt động nhàn rỗi trên nền tảng của riêng họ để cho thuê các máy tính hoặc máy chủ nhàn rỗi, kiếm tiền từ năng lực tính toán không sử dụng đến của họ.

Trong một khu vực sáng sủa của văn phòng, bên cạnh một cây phong lan đã tàn, tôi ngồi với Jintong, một chuyên gia của Alibaba Cloud. Ông Jintong nói với tôi rằng chăn nuôi lợn bằng AI là một cơ hội tự nhiên cho công ty. Cơ cấu chăn nuôi đã có sẵn, Alibaba Cloud chỉ giúp tối ưu hóa nó.

Các trang trại thịt lợn lớn đã có hệ thống camera quan sát và cảm biến do con người giám sát. Đối với vài trăm con lợn, có thể chỉ cần một người giám sát các hoạt động. Nhưng đối với hàng trăm nghìn con lợn, bạn bắt đầu từ đâu? Và để Trung Quốc đạt được điều kỳ diệu về thịt lợn, hàng triệu con lợn phải được nuôi trong trang trại.

Alibaba và bài toán nuôi lợn

Alibaba Cloud cung cấp cho các trang trại cách để giúp phân loại dữ liệu bằng cách sử dụng AI. Trong các trang trại quy mô lớn này, lợn được đóng dấu nhận dạng riêng trên cơ thể, tương tự như mã QR. Dữ liệu đó được đưa vào một mô hình do Alibaba sản xuất, có thể theo dõi lợn trong thời gian thực tế, sử dụng video, cảm biến nhiệt độ và âm thanh.

Thông qua các kênh này, mô hình phát hiện bất kỳ dấu hiệu đột ngột nào của sốt hoặc bệnh tật, hoặc nếu lợn đang đè nhau trong chuồng của chúng.

Một số mô hình học thuật trên máy móc nhất định, như mô hình được ET Agricultural Brain sử dụng, yêu cầu một lượng lớn dữ liệu để hoạt động. Chỉ sau ba tháng thu thập dữ liệu (nơi máy ảnh đặt và ghi lại dữ liệu mà không cần phân tích), mô hình AI mới thực sự hữu ích và có thể hiệu quả trong chẩn đoán.

Như ông Jintong đã giải thích, [mô hình] ET Agricultural Brain đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và đưa ra độ chính xác vượt quá khả năng của con người. Nó cũng rất linh hoạt, thích ứng với bất kỳ dữ liệu nào mà khách hàng chọn để cung cấp cho nó.

Điều đó có nghĩa là nó có thể giúp các trang trại công nghiệp lớn chăn nuôi lợn và trồng dưa, hoặc thậm chí là các công ty máy bay không người lái nông nghiệp, giúp xử lý dữ liệu cảm biến để cải thiện khả năng lái tự động. Nó có thể xác định thời điểm tốt nhất để trồng cây, dựa trên thời tiết, hoặc thời điểm hái quả để có độ ngọt tối ưu.

Và tất cả những người nông dân ở đâu trong kế hoạch này, trong khi máy móc làm hết công việc? Đối với [mô hình] ET Agricultural Brain, cần rất nhiều công sức lao động để tạo ra các mô hình: không chỉ từ các kỹ sư tại Alibaba, mà còn trong việc tạo dữ liệu đào tạo - nông dân kiểm tra cảnh quay và đánh dấu xác định những con lợn trong hình ảnh là ốm hay khỏe…

Chỉ sau khi kiến ​​thức miền và dữ liệu đào tạo được kết hợp thì mô hình AI mới có thể sử dụng được. Sau ba tháng, [mô hình] ET Agricultural Brain có thể “nhìn thấy” - nhưng đó vẫn là một thuật ngữ tổng quát, bất kể việc đã phải nỗ lực nhiều như thế nào để dạy nó, và nó vẫn chỉ có thể nhìn thấy một nhóm đối tượng rất hạn chế.

Vòng luẩn quẩn của công nghiệp hóa chăn nuôi

Tuy nhiên, lợi nhuận thu được là rất lớn từ việc sản xuất hàng triệu con lợn với giá thấp. Với chi phí cần thiết cho phần cứng, dữ liệu và thời gian tính toán, việc sử dụng AI hiện tại chỉ có ý nghĩa nếu bạn đang nuôi hàng triệu con lợn.

Nhưng ông Jintong lạc quan rằng các công ty nông nghiệp “đầu rồng” - những tập đoàn quốc gia lớn dựa vào mạng lưới các nông dân nhỏ hơn - sẽ chia sẻ những đổi mới với những nông dân nhỏ của họ. Các công ty khác cũng đang cố gắng kiếm tiền từ việc kinh doanh chăn nuôi lợn bằng AI, sử dụng các công nghệ như nhận dạng khuôn mặt cho lợn.

Nhu cầu về thịt lợn thúc đẩy chăn nuôi lợn công nghiệp hóa, đã làm gia tăng khả năng lây truyền dịch bệnh. Sự xuất hiện liên tục của các dịch bệnh thúc đẩy việc triển khai các công nghệ mới như chăn nuôi thịt lợn bằng [công nghệ] AI.

Những công nghệ này tiếp tục làm cho thịt lợn trở nên rẻ hơn, thúc đẩy sự sẵn có và nhu cầu nhiều hơn, vì mọi người bắt đầu tin rằng thịt lợn là một phần cần thiết trong chế độ ăn của họ.

Và vòng quay tiếp tục. Khi AI giải quyết một số vấn đề nhất định, những vấn đề khác sẽ xuất hiện.

Tác giả: Xiaowei Wang là một nghệ sĩ, một nhà văn và một lập trình viên. Cô cũng là giám đốc sáng tạo tại tạp chí Logic

Thanh Tâm



BÀI CHỌN LỌC

Đằng sau 'phép màu thịt lợn' của Trung Quốc: Công nghệ đang chuyển đổi nghề nuôi lợn và mang đến hậu quả khôn lường