Đằng sau sự ổn định về tiền tệ của Trung Quốc: Bàn tay thao túng ma quái của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự ổn định của đồng Nhân dân tệ trong những năm qua đã bị các nhà kinh tế điều tra, phân tích và chỉ ra rằng có bàn tay thao túng của Bắc Kinh. Hoa Kỳ đã xóa tên Trung Quốc khỏi danh sách thao túng tiền tệ, giờ đây họ sẽ phải xem xét lại điều này.

Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã ổn định đáng kể trong vài năm qua, kèm theo việc Hoa Kỳ đã xóa bỏ chỉ định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vào đầu năm nay; như thế, chúng ta sẽ không tìm thấy “dấu vân tay của Bắc Kinh” trong vấn đề này — ít nhất là không trực tiếp.

Vòng can thiệp tiền tệ 'bí ẩn'

Kể từ đầu năm 2017, đồng NDT đã bị giới hạn trong phạm vi "không tăng quá 4%" theo cả hai hướng, khi được đo lường so với rổ trọng số thương mại - được gọi là chỉ số CFETS - bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).

Sự ổn định đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh của đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát: Bất chấp những biến động đã xảy ra từ đầu năm 2020, chỉ số CFETS hầu như không thay đổi, với khoảng cách giữa giá trị tối đa và tối thiểu là dưới 5%.

Tỷ giá NDT ổn định đáng kể trong vài năm qua cho dù so sánh với USD hay chỉ số rổ tiền tệ CFETS

Màu xanh: Tỷ giá NDT so với USD; Màu đen: Tỷ giá NDT so với chỉ số rổ tiền tệ CFETS
Màu xanh: Tỷ giá NDT so với USD; Màu đen: Tỷ giá NDT so với chỉ số rổ tiền tệ CFETS

Ông Yi Gang, thống đốc PBOC, đã nói rằng điều này là có chủ ý, bởi vì “một nền kinh tế thành công phải giữ cho đồng tiền của nó ổn định”. Một mục tiêu chính sách đã nêu của PBOC là "sự ổn định cơ bản về tỷ giá hối đoái".

Nhưng điều này không tự nhiên xảy ra. Chính phủ Trung Quốc một lần nữa đang thao túng giá trị của đồng NDT để thúc đẩy lợi nhuận của các công ty Trung Quốc, bằng cách gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trên thế giới và người tiêu dùng ở Trung Quốc.

Vòng can thiệp tiền tệ mới nhất không rõ ràng vì PBOC đã ngừng công khai mua dự trữ ngoại hối vào năm 2014.

Dự trữ ngoại hối không chính thức: Chiêu bài 'phân bổ lại'

Một nửa mức giảm dự trữ ngoại hội của PBOC từ 2014 được bù đắp bởi tài sản nước ngoài của các ngân hàng thương mại (NHTM)

Màu đen: tài sản ròng nước ngoài của NHTM; màu xanh: Dự trữ ngoại hối của PBOC

Thay vào đó, chính phủ này đang bí mật giữ đồng NDT thông qua các NHTM nhà nước của Trung Quốc. Một cách để thấy điều này là so sánh những thay đổi trong việc nắm giữ tài sản ngoại hối hàng tháng của PBOC với vị thế tài sản ngoại hối hàng tháng của các NHTM của Trung Quốc.

Mặc dù PBOC đã giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD nắm giữ dự trữ chính thức kể từ mức đỉnh vào năm 2014, nhưng phần lớn trong số đó chỉ đơn giản là thể hiện “sự phân bổ lại”, từ một phần của hệ thống tài chính do chính phủ kiểm soát sang phần khác.

Hơn 1 nghìn tỷ USD tài sản nước ngoài hiện được nắm giữ bởi "các công ty lưu ký tài sản khác" với chỉ 260 tỷ USD nợ nước ngoài. Vị thế ròng của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng khoảng 126 tỷ USD chỉ kể từ tháng 4/2020.

Thật đáng chú ý, PBOC đã thay thế dự trữ ngoại hối của mình bằng các khoản cho vay bằng đồng NDT được mở rộng cho các NHTM của Trung Quốc.

Sự tăng trưởng của các khoản cho vay này không hoàn toàn phù hợp với sự tăng trưởng tài sản nước ngoài của các NHTM hoặc với việc giảm đáng kể các khoản nợ nước ngoài của họ kể từ năm 2014. Có vẻ như PBOC đã giúp tài trợ cho các khoản đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài.

Sự can thiệp của ‘tay trong’

PBOC đã giảm một nửa dự trữ ngoại hối nhưng tăng mạnh cho vay đối với NHTM

Màu đen - Dự trữ ngoại hối của PBOC; màu xanh-Tài sản của PBOC tại tổ chức lưu ký (Nguồn: PBOC)
Màu đen - Dự trữ ngoại hối của PBOC; màu xanh-Tài sản của PBOC tại tổ chức lưu ký (Nguồn: PBOC)

Vấn đề là tỷ giá hối đoái được cho là sẽ di chuyển phù hợp với các điều kiện kinh tế tương đối, khi các nhà đầu tư mua và bán tài sản để tìm kiếm lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro. Tỷ giá hối đoái ổn định chỉ có ý nghĩa trong một thế giới mà những thay đổi về năng suất, lạm phát và chi tiêu là giống nhau ở tất cả các quốc gia.

Trong khi Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ đều trải qua những đợt suy thoái tương tự do đại dịch, với các đợt bùng phát trở lại mang đến những ảnh hưởng rất khác nhau.

Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi tương đối so với thế giới, nhưng trên thực tế, chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc đã phục hồi ít hơn nhiều so với ở Mỹ hoặc châu Âu. Thay vào đó, sự phục hồi của Trung Quốc đến từ sự gia tăng xuất khẩu sang các nước giàu.

Sự thay đổi thuận lợi trong các điều khoản thương mại của Trung Quốc, sự thành công tương đối của nước này trong việc kiểm soát dịch bệnh, và mức lãi suất thực tế cao hơn ở Trung Quốc, lẽ ra đều góp phần làm cho đồng NDT tăng giá, khi người nước ngoài mua nhiều tài sản của Trung Quốc hơn là người Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài.

Nói cách khác, người tiêu dùng Trung Quốc lẽ ra phải được hưởng lợi dưới dạng sức mua cao hơn và nhập khẩu cao hơn. Tuy nhiên, đó không phải là những gì đã xảy ra.

Kết quả là, Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, ước tính rằng đồng NDT đang bị định giá thấp hơn khoảng 10%.

Cán cân thanh toán Trung Quốc giai đoạn 2010 -2020, tỷ usd (Màu xanh: Cân đối Vãng lai; màu vàng: lỗi- điều chỉnh , màu đỏ: Lưu chuyển vốn ròng, Màu tím: FDI ròng, màu đen: dự trữ ngoại hối). Nguồn: phân tích trên twitter của nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính quốc tế Robin Brook.
Cán cân thanh toán Trung Quốc giai đoạn 2010 -2020, tỷ usd (Màu xanh: Cân đối Vãng lai; màu vàng: lỗi- điều chỉnh , màu đỏ: Lưu chuyển vốn ròng, Màu tím: FDI ròng, màu đen: dự trữ ngoại hối). Nguồn: phân tích trên twitter của nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính quốc tế Robin Brook.

“Tích lũy dự trữ của Trung Quốc gần đây đã đi từ mức dương lớn xuống 0 (màu đen). Đó không phải là do thặng dư tài khoản vãng lai bị thu hẹp (màu xanh lam). Thay vào đó là do dòng vốn lớn thay đổi liên tục. Thặng dư tài khoản vãng lai cao là lý do tại sao chúng tôi cho rằng NDT vẫn bị định giá thấp hơn 10%”, ông Brooks cho biết.

Mặc dù nhu cầu của nước ngoài đối với cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, những khoản mua đó đã được bù đắp hoàn toàn bởi các dòng tiền khác từ Trung Quốc nhằm giữ giá đồng NDT và duy trì thặng dư thương mại.

Sự tháo chạy vốn của dòng tiền tiết kiệm?

Phần lớn nhất trong số các dòng chảy này là NEO “sai sót và thiếu sót ròng” - các khoảng trống không giải thích được trong dữ liệu có khả năng thể hiện sự tháo chạy vốn của dòng tiền tiết kiệm Trung Quốc chuyển của cải ra khỏi đất nước.

NEO đã trị giá khoảng 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2015, với số liệu hàng quý gần đây nhất (từ tháng 4 đến tháng 6/2020) cho thấy dòng tài chính không giải thích được này đã lên đến khoảng 76 tỷ USD.

Gần đây hơn, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đã tăng cường cho vay nước ngoài, gia hạn tín dụng thương mại, mua trái phiếu nước ngoài và đặc biệt là nắm giữ trực tiếp ngoại tệ và tiền gửi của họ. Sự kết hợp này có trị giá lên đến 66 tỷ USD trong quý II/2020 - dòng chảy hàng quý lớn nhất kể từ năm 2016.

Như vậy là quá đủ để bù đắp nhu cầu đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu của Trung Quốc và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các doanh nghiệp Trung Quốc.

“Có điều gì đó đã thay đổi đáng kể trong cán cân thanh toán của Trung Quốc trong quý II/2020”, Brad Setser của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại gần đây đã viết.

Ông Setser cho rằng sẽ khó có thể che giấu mức độ can thiệp của chính phủ Trung Quốc vào thị trường tiền tệ trong vài quý tới; vì khối lượng đầu tư ra nước ngoài cần thiết để bù đắp thặng dư thương mại của Trung Quốc, nhu cầu tiếp tục của người nước ngoài đối với cổ phiếu Trung Quốc và trái phiếu, những mục này có thể dễ dàng trị giá lên tới nửa nghìn tỷ USD.

Câu hỏi rằng liệu Trung Quốc có phải là nước thao túng tiền tệ hay không vẫn sẽ là một vấn đề gây tranh cãi.

Lê Minh

Theo Barron's



BÀI CHỌN LỌC

Đằng sau sự ổn định về tiền tệ của Trung Quốc: Bàn tay thao túng ma quái của Bắc Kinh