Đang xảy ra quá trình tách rời công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Washington đang thực hiện nhiều động thái mạnh mẽ để cô lập Bắc Kinh về mặt công nghệ. Những biện pháp đó đã gây ra hậu quả nặng nề cho lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, đồng thời tạo ra một số ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân Mỹ.

Ngày 12/12, Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại Mỹ lên WTO, phản đối lệnh cấm chip của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết ông đã đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới để bảo vệ “các quyền và lợi ích hợp pháp” của Trung Quốc.

Mỹ đã công bố lệnh cấm vào tháng 10, ngăn các công ty Mỹ cung cấp chip, thiết bị sản xuất chip, và sự nâng cấp đối với các sản phẩm đã bán trước đó cho các công ty Trung Quốc (lệnh cấm được áp dụng đối với các con chip và thiết bị cụ thể được nêu). Lệnh cấm cũng ngăn cản công dân Mỹ làm việc cho các hãng chip Trung Quốc.

Tác động lên Trung Quốc

Ngoài các hạn chế của Mỹ được áp đặt đối với ngành chip, lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đang có xu hướng đi xuống do một số yếu tố, bao gồm nền kinh tế suy yếu, nhu cầu của người tiêu dùng suy giảm, việc thực thi các quy tắc kiểm toán của Mỹ. Vào ngày 15/12, Tòa Bạch Ốc đã bổ sung thêm 22 công ty Trung Quốc - bao gồm nhà sản xuất chip nhớ YMTC cùng 21 công ty lớn trong lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo - vào danh sách đen thương mại. Có vẻ như việc tách rời trong lĩnh vực công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang xảy ra.

Nền kinh tế Trung Quốc đã thụt lùi trong hai năm qua. Điều này đã dẫn đến mức tăng trưởng GDP ít ỏi, tình hình kinh tế vĩ mô nhìn chung yếu kém và đồng tiền mất giá. Nhu cầu của người tiêu dùng ở Trung Quốc đang sụt giảm và dự kiến ​​sẽ không phục hồi với các hạn chế COVID-19 được kéo dài.

Có một tia hy vọng ngắn ngủi vào giữa tháng 12, khi có vẻ như các hạn chế về đại dịch đã được dỡ bỏ. Nhưng các dấu hiệu tích cực chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và đến ngày 19/12, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã mất tất cả những gì đạt được và bắt đầu mất điểm trở lại. Chỉ số CSI 300 có mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10, thời điểm các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vẫn được áp dụng. Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index đã mất khoảng 23% giá trị kể từ tháng 1, trong khi chỉ số Hang Seng Tech Index đã mất hơn 27%.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý của Mỹ đang hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ. Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài năm 2020 giờ đây sẽ yêu cầu các công ty Trung Quốc tiết lộ mối liên hệ của họ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) đang thanh tra việc kiểm toán của các công ty Trung Quốc để xác định xem họ có nên bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch của Mỹ hay không. Và cuối cùng, lệnh cấm chip của Mỹ đang ngăn cản các công ty công nghệ Trung Quốc có được công nghệ bán dẫn thiết yếu.

Lệnh cấm chip ảnh hưởng đến các công ty cần chip để xây dựng phần cứng cũng như các công ty khác đang làm việc với trí tuệ nhân tạo (AI) và lưu trữ đám mây. Ví dụ, Alibaba phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ chip của Mỹ để tiếp tục vận hành các nền tảng thương mại điện tử và trò chơi bên cạnh các ứng dụng tìm kiếm trên Internet.

Đang xảy ra quá trình tách rời công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc
Một nhân viên đi ngang qua logo của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba tại trụ sở chính của công ty ở Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc vào ngày 27/05/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Chỉ thông báo về lệnh cấm chip thôi cũng ngay lập tức khiến các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc mất điểm. Ngay sau thông báo vào giữa tháng 10, Alibaba đã giảm 3,4%, Baidu giảm 4% và JD.com hơn 4%. Tencent Holdings giảm 2,6%, Weibo giảm 5% và NetEase giảm hơn 3%. Các công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi tin tức là Bilibili, đã mất đi 6% giá trị và Pinduoduo là 3%.

Triển vọng kinh tế tồi tệ và việc không có hy vọng trì hoãn sự trừng phạt trong cuộc chiến chip đã khiến các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc trượt dốc. Kể từ khi giá trị tăng đột biến vào ngày 19/02 năm nay, Baidu, một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, đã có xu hướng mất điểm dần đều, từ 167 USD một cổ phiếu vào tháng 2 xuống còn 112 USD vào ngày 19/12. Tencent đã mất khoảng 30% giá trị trong năm nay. Alibaba đã mất điểm kể từ tháng 10/2020.

Vào cuối tháng 11, một số khu vực của Bắc Kinh, Trịnh Châu và các thành phố lớn khác vẫn bị phong tỏa, khiến giá cổ phiếu giảm. Một số nhà phân tích khuyến nghị các nhà đầu tư nên mua cổ phiếu công nghệ Trung Quốc do chúng hiện đang “cực kỳ rẻ” vì họ chờ đợi một sự phục hồi. Tuy nhiên, không rõ liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có giữ đúng cam kết ngày 07/12 về việc dỡ bỏ các hạn chế COVID và mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế hay không. Các ca nhiễm COVID đang gia tăng trên khắp đất nước và các bệnh viện ở Bắc Kinh đang trở nên chật kín. Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, sự kiện vạch ra kế hoạch kinh tế cho năm 2023, dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào tuần lễ bắt đầu từ ngày 19/12. Nhưng bây giờ, nó dường như đã bị hoãn lại.

Mỹ dự kiến ​​sẽ không từ bỏ các quy tắc kiểm toán, Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài, hoặc các lệnh cấm chip, thứ đang làm giảm giá cổ phiếu Trung Quốc. Trên thực tế, người ta dự đoán rằng các quy tắc này sẽ trở nên chặt chẽ hơn hoặc rộng hơn về phạm vi. Pinduoduo, JD.com, Bilibili và NetEase nằm trong số 80 công ty được xác định có thể bị hủy niêm yết do các vấn đề kiểm toán. Mới tháng trước, nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc YMTC và 31 công ty Trung Quốc khác đã được thêm vào danh sách các công ty “có nguy cơ” bị đưa vào danh sách đen vào tháng 12.

Ảnh hưởng đối với Mỹ

Các nhà sản xuất chip của Mỹ như Lam Research Corporation cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lệnh cấm chip vì họ phụ thuộc vào việc bán hàng cho Trung Quốc. Công ty thiết bị chip KLA Corp. thông báo rằng họ sẽ tuân thủ các quy tắc và ngừng bán hàng cho các khách hàng ở Trung Quốc. Applied Materials, Inc. đã cắt giảm 400 triệu USD dự báo doanh thu ròng trong quý IV và Tập đoàn Intel đã cắt giảm dự đoán doanh thu ban đầu cho năm 2022 từ 76 tỷ USD xuống còn 68 tỷ USD. Mặc dù điều này là do một số lý do, bao gồm cả sự suy giảm chung về nhu cầu đối với PC, lệnh cấm chip đã làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của công ty.

Tập đoàn NVIDIA, nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ tính theo giá trị thị trường, đã ngừng bán sản phẩm cho các công ty ở Nga do cuộc xâm lược Ukraine. Kể từ khi xuất hiện lệnh cấm chip, công ty ước tính doanh thu có thể bị cắt giảm tới 400 triệu USD mỗi quý. NVIDIA bán cho Lenovo Group Ltd., Alibaba, Tencent và BYD Co., với các khách hàng AI Trung Quốc chiếm 10% doanh thu.

Thái độ của các đồng minh

Trong khi một số công ty Mỹ sẽ mất doanh thu, việc ngăn cản ĐCSTQ tiếp cận công nghệ Mỹ có thể làm hỏng mục tiêu giành chiến thắng trong lĩnh vực về các công nghệ cốt lõi và biến Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ của ông Tập Cận Bình. Câu hỏi còn lại là liệu các đồng minh của Mỹ có tuân thủ lệnh cấm hay không. Đã có một số phàn nàn từ Hà Lan và Nhật Bản về việc Mỹ đưa ra một quyết định đơn phương xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác. Mặt khác, Nhật Bản là một trong những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi tham vọng trở thành một siêu cường quân sự và toàn cầu của ĐCSTQ.

Các đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới, bao gồm cả Nhật Bản và Hà Lan, hiện vẫn nhất trí tuân thủ lệnh cấm chip của Mỹ. Tòa Bạch Ốc đang dựa vào các lợi ích an ninh quốc gia chung để khiến Liên minh châu Âu và các đồng minh khác tuân theo chính sách Trung Quốc của Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Đang xảy ra quá trình tách rời công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc