Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ đã trở nên rõ rệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed gần như chắc chắn sẽ dẫn tới khủng hoảng kinh tế Mỹ. Hiện tại, chi tiêu tiêu dùng đang có xu hướng suy giảm mạnh mẽ. Đầu tư kinh doanh chậm lại trong khi thị trường nhà ở đang hạ nhiệt. Các chỉ số sản xuất hàng hóa và dịch vụ đều sụt giảm. Ngay cả Fed cũng đã nhiều lần ám chỉ về cuộc suy thoái.

Bên bờ vực suy thoái

Cơ hội "hạ cánh mềm" (nền kinh tế sẽ từ từ hạ nhiệt mà không bị rơi vào suy thoái) của nền kinh tế Mỹ đã giảm xuống kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng này. Nỗi lo về suy thoái đang gia tăng và dữ liệu về xu hướng trên Google cho thấy nhiều người Mỹ đang tìm kiếm cụm từ “suy thoái” hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ năm 2004.

Do thất bại của cả chính sách tài khóa và tiền tệ, ngày càng nhiều nhà kinh tế cho rằng chỉ riêng một mình Fed thì không đủ khả năng xử lý các nguyên nhân cơ bản của lạm phát. Tuy nhiên, chiến dịch muộn màng để kiềm chế giá tăng cao gần như chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái, theo các nhà kinh tế.

Nhà kinh tế Steve Moore nói với The Epoch Times: “Chúng ta đang đi ngay bên bờ vực suy thoái".

Theo ông Moore, trong thời gian này, chính quyền Biden nên ưu tiên các biện pháp mở rộng nền kinh tế, như đầu tư vào dầu khí và phát triển than, tạo việc làm, giảm bớt các quy định trong kinh doanh và khuyến khích người dân đi làm trở lại.

“Với Joe Biden ở trong Tòa Bạch Ốc, chúng ta sẽ thấy rất nhiều sai lầm về chính sách, những thứ rất có thể sẽ gây ra suy thoái”, ông Moore nói. “Và hy vọng, đó sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ, không phải là một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Nhưng, chàng trai, tình hình có vẻ rất tệ ngoài kia".

Những dấu hiệu rõ rệt

Ông Moore chỉ ra sự suy giảm đáng kể trong lĩnh vực sản xuất và thị trường nhà ở đang hạ nhiệt như là những dấu hiệu cảnh báo.

Dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ đã trở nên rõ rệt
Một ngôi nhà được chủ sở hữu rao bán vào ngày 20/01/2022 tại Chicago, Illinois. Trên toàn nước Mỹ, doanh số bán nhà hiện có (đã xây dựng xong và được bán lại) đã giảm 4,6% trong tháng 12 so với tháng trước. (Ảnh: Scott Olson / Getty Images)

"Tất cả đều là vết thương do chính mình gây ra".

Một sự suy giảm kinh tế vừa phải xảy ra sau một thời gian phát triển được gọi là “hạ cánh mềm”. Ngân hàng Trung ương tìm cách tăng lãi suất vừa đủ để tránh hạ cánh cứng (khủng hoảng kinh tế) hoặc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng nghiêm trọng trong khi ngăn nền kinh tế phát triển quá nóng.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, vẫn có thể tránh được khủng hoảng, đồng thời nói thêm rằng “chúng ta đang ở vị thế tốt hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để vượt qua cơn khủng hoảng lạm phát này”.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tốc độ tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh chậm lại sẽ là chất xúc tác suy thoái trong những tháng tới khi lãi suất cao hơn ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh tế.

Theo Morgan Stanley, vẫn có thể hình dung ra viễn cảnh "hạ cánh mềm", "nhưng khả năng hiện giờ có thể rất nhỏ". Hầu hết các mô hình kinh tế lượng hiện dự đoán về một cuộc suy thoái với xác suất 60%, tăng từ 30% trước đó, ngân hàng đầu tư này cho biết trong một ghi chú gần đây.

Chưa có dấu hiệu suy thoái trong thị trường lao động vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn tương đương với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, ông Moore chỉ ra rằng cuộc chiến nhằm giảm lạm phát có thể gây ra “sự thu hẹp tạm thời” trong lực lượng lao động. Sức mua đã bắt đầu suy yếu do tăng trưởng tiền lương không theo kịp với lạm phát.

Xu hướng giảm chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ

Fed đã tăng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6 và kỳ vọng trung bình của các nhà hoạch định chính sách là lãi suất vào cuối năm sẽ ở mức 3,4%.

Theo ông Desmond Lachman, nhà kinh tế học và là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, lịch sử sẽ không có cái nhìn tích cực về Fed vì cơ quan này rất có khả năng đưa nền kinh tế vào một cuộc hạ cánh khó khăn bằng cách hãm phanh chính sách tiền tệ quá đột ngột.

Dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ đã trở nên rõ rệt
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde phát biểu trước học giả Desmond Lachman của AEI tại Viện Doanh nghiệp Mỹ vào ngày 03/04/2017 tại Washington, DC. (Ảnh: MANDEL NGAN / AFP qua Getty Images)

Ông Lachman nói với The Epoch Times, sự sụt giảm đồng thời của thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền điện tử kể từ đầu năm đã dẫn đến việc bốc hơi gần 15 nghìn tỷ USD, hay 70% GDP của Mỹ, trong tài sản hộ gia đình.

Đây là một lý do khác khiến người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu mạnh mẽ. Theo ông Lachman, quy tắc phổ biến của Fed chỉ ra rằng các gia đình sẽ cắt giảm 4 xu chi tiêu cho mỗi USD thiệt hại tài sản.

Trong một bài báo đánh giá gần đây, ông dự đoán rằng giá trị tài sản sụt giảm có thể khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu của họ ở mức 3% so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tăng lãi suất sẽ tác động xấu tới nền kinh tế

Ông Jim Glassman, nhà kinh tế trưởng về ngân hàng thương mại tại JPMorgan Chase, cũng nói rằng việc tăng lãi suất sẽ không giải quyết được vấn đề lạm phát “mà không gây hại cho nền kinh tế bao trùm”.

Tuy nhiên, ông Glassman có cách tiếp cận vấn đề lạm phát khác với nhiều nhà kinh tế học, những người cho rằng lượng cung tiền quá mức và các gói kích thích của chính quyền là nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Theo ông Glassman, áp lực giá cả hiện nay chủ yếu là hậu quả của các vấn đề từ phía cung hơn là nhu cầu, và chúng sẽ giảm dần theo thời gian.

“Chúng ta đang chi tiêu nhiều hơn một chút cho hàng hóa và ít hơn một chút cho dịch vụ so với trước đại dịch. Và đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến áp lực trong chuỗi cung ứng và hệ thống vận chuyển”, ông nói trong một podcast gần đây.

Chủ tịch Fed ám chỉ sẽ khó hạ cánh mềm

Sau quyết định về lãi suất, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, nhiều lần ám chỉ rằng việc tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” ngày càng trở nên khó khăn.

“Điều ngày càng trở nên rõ ràng hơn là việc nhiều yếu tố mà chúng tôi không thể kiểm soát sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều đó [hạ cánh mềm] có thể xảy ra hay không”, ông Powell nói với các phóng viên.

Ông Powell dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ là “khá mạnh mẽ” trong nửa cuối năm nay bất chấp những dấu hiệu cho thấy thị trường nhà ở đang thoái trào và đầu tư doanh nghiệp trì trệ.

Sản xuất hàng hóa và dịch vụ suy giảm

Trong tháng 6, hoạt động sản xuất của nhà máy ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong gần hai năm. Chỉ số PMI sản xuất Mỹ của S&P Global, thước đo trong lĩnh vực sản xuất, đã giảm xuống mức 52,4 trong tháng 6 từ mức 57,0 vào tháng 5, thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường.

Dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ đã trở nên rõ rệt
Quang cảnh bên trong cơ sở sản xuất Tesla Giga Texas trước bữa tiệc khai trương "Cyber ​​Rodeo" của nhà máy này vào ngày 07/04/2022 tại Austin, Texas. (Ảnh: SUZANNE CORDEIRO / AFP qua Getty Images)

Con số thấp hơn dự kiến này ​​cho thấy lạm phát tăng cao, thiếu hụt nguyên liệu và sự đình trệ của nguồn cung đang bắt đầu ảnh hưởng nặng nề hơn đến hoạt động kinh tế.

Mộ thông tin thất vọng khác là sự sụt giảm nghiêm trọng của chỉ số PMI Dịch vụ Mỹ của S&P Global, vốn đo lường các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm người tiêu dùng, truyền thông, tài chính và bất động sản. Chỉ số này đã giảm xuống 51,6 trong tháng 6 từ mức 53,4 trong tháng 5, do lượng đơn đặt hàng mới và doanh số bán hàng giảm.

Trong khi các nhà phân tích khẳng định rằng nền kinh tế tiếp tục hoạt động tốt, họ đang cắt giảm các dự báo tăng trưởng để phù hợp với sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động sản xuất và dịch vụ. Họ cũng dự báo chi tiêu của người tiêu dùng, niềm tin và đầu tư kinh doanh sẽ giảm mạnh khi các điều kiện tài chính thắt chặt.

Người dân sắp hết tiền

Trong khi đó, lợi nhuận của các công ty vẫn duy trì ổn định. Chúng vẫn chưa bị ảnh hưởng. Điều này gây ra sự nghi ngờ về các dự báo suy thoái sắp xảy ra.

Ông Moore nói: “Tôi nghĩ, các bạn sẽ thấy lợi nhuận bị tác động đột ngột trong những tháng tới".

Theo ông Moore, hàng nghìn tỷ USD thiệt hại trong định giá cổ phiếu, là sự báo trước cho sự suy giảm lợi nhuận của các công ty.

Việc bán tháo trên thị trường chứng khoán đang “tàn phá các khoản tiết kiệm của người Mỹ”, ông nói thêm. “Đó là một lý do khác khiến tôi nghĩ rằng chúng ta sắp phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn, bởi vì mọi người sắp hết tiền".

Bảo Nguyên

Theo Emel Akan - The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ đã trở nên rõ rệt