Đầu ra là vấn đề trung tâm trong khó khăn của các doanh nghiệp Việt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng khó khăn, đặc biệt là về đầu ra. Trong khi ngành bất động sản chứng kiến thị trường đóng băng, thì ngành dệt may đang gặp khó vì đơn đặt hàng sụt giảm. Nhưng đây không chỉ là vấn đề riêng của hai ngành này.

Bất động sản

Tình hình đầu ra khó khăn của ngành bất động sản có thể được phản ánh rõ nét dựa trên kết quả kinh doanh của các công ty môi giới trong ngành. Theo số liệu của FERI, trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng doanh nghiệp môi giới bất động sản tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 doanh nghiệp, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình về cuối năm có vẻ còn bi đát hơn.

Dựa trên báo cáo kết quả kinh doanh quý IV năm 2022, nhiều ông lớn môi giới bất động sản chìm trong thua lỗ và nợ nần. Nguyên do điển hình là thị trường trì trệ, lãi vay ngân hàng tăng cao.

Thị trường đóng băng, không có giao dịch khiến doanh thu của các doanh nghiệp môi giới sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao, cắt giảm nhân sự trở thành xu hướng. Chẳng hạn, trong quý IV, Dat Xanh Services báo lỗ gấp 7 lần năm 2021, trong khi doanh thu giảm 31% và chi phí lãi vay tăng gấp đôi. Vay nợ tài chính tăng hơn gấp đôi, hàng tồn kho cũng tăng gấp đôi đầu năm. Cen Land cũng báo cáo doanh thu thuần giảm 84% so với cùng kỳ đi cùng với hoạt động kinh doanh dưới giá vốn. Trong cả quý, Cen Land báo lỗ ròng 59 tỷ VND, trong khi năm ngoái lãi 122 tỷ VND.

Một doanh nghiệp môi giới khác là Tập đoàn Danh Khôi cũng báo lỗ 60,2 tỷ VND trong quý IV, trong khi năm ngoái lãi 190 tỷ VND, chủ yếu là do doanh thu giảm mạnh, chi phí quản lý tăng, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng mạnh. Đặc biệt các doanh nghiệp đang chứng kiến dòng tiền kinh doanh âm nặng. Khải Hoàn Land là doanh nghiệp môi giới lớn duy trì được lãi trong quý IV, tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh âm, hàng tồn kho tăng cao, kinh doanh khó khăn nên công ty đã phải đóng cửa một số chi nhánh, văn phòng đại diện.

Tình hình của nhóm môi giới bất động sản được dự báo sẽ còn khó khăn trong thời gian tới do thị trường bất động sản đang ở trong chu kỳ đi xuống với triển vọng trong ngắn và trung hạn kém tích cực. Tín dụng thắt chặt, trái phiếu doanh nghiệp bị đóng băng sau vụ Vạn Thịnh Phát, mở bán và triển khai dự án bị ách tắc do pháp lý, môi trường lãi suất cao khiến chi phí vốn tăng và nhu cầu mua nhà suy giảm, chi phí triển khai dự án tăng do áp dụng khung thuế đất mới.

Đầu ra là trung tâm trong khó khăn của các doanh nghiệp Việt
Trụ sở Vạn Thịnh Phát tại 193 - 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hongvian/NTDVN)

Xu thế suy yếu chung của ngành bất động sản không chỉ được thể hiện ở nhóm môi giới. Phân tích kết quả kinh doanh từ 61 doanh nghiệp bất động sản niêm yết, doanh thu thuần và lãi ròng của nhóm này đều giảm mạnh trong năm 2022 so với năm 2021. CTCP Vinhomes là công ty dẫn đầu về lợi nhuận với lãi ròng cả năm trên 28.600 tỷ đồng, đóng góp tới 62% lợi nhuận toàn nhóm, song vẫn giảm 26% so với năm 2021. Cùng với đợt bàn giao thêm 2.200 căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire, doanh số bán hàng của công ty đạt kỷ lục 128.200 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2021.

Novaland cũng thuộc top doanh nghiệp lãi cao với lợi nhuận gần 2.264 tỷ đồng cho cả năm, nhưng đây là mức giảm 30% so với năm ngoái. Riêng quý IV, lãi ròng của doanh nghiệp giảm 70,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, Khang Điền cũng lãi trên 1.100 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 8% so với năm 2021, với lợi nhuận quý cuối năm giảm mạnh trên 70%. Chi phí tài chính và chiết khấu thanh toán của công ty tăng gấp nhiều lần.

Phát Đạt và Kinh Bắc là hai doanh nghiệp thuộc top lãi trong cả năm nhưng lại lỗ trong quý IV năm 2022. Đặc biệt Phát Đạt chứng kiến doanh thu thuần chỉ đạt 15 tỷ đồng trong quý IV, giảm gần 99% so với năm 2021. Phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp trên được đóng góp từ ba quý đầu năm, cho thấy tình hình khó khăn về cuối năm.

Trong khi hàng tồn kho đang là vấn đề, thị trường đóng băng, thì các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang triển khai nhiều dự án lớn khác, chắc chắn sẽ gia tăng thêm áp lực cho thị trường.

Ngành dệt may

Đầu ra cũng là một vấn đề với ngành dệt may. Nửa đầu năm 2022, đơn hàng ngành dệt may dồi dào, giá tăng sau thời gian dịch. Nhưng từ quý III trở đi, nhất là quý IV, thị trường lao dốc khiến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành quay đầu đi xuống. Thống kê 15 doanh nghiệp đầu ngành dệt may cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV đạt 440 tỷ VND, giảm 63% so với cùng kỳ 2021, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và rủi ro suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) gây bất ngờ với khoản lỗ sau thuế 5 tỷ VND trong quý IV, trong khi cùng kỳ năm 2021 đạt 450 tỷ đồng, từng là doanh nghiệp có lãi lớn nhất nhóm dệt may. Đây cũng là quý đầu tiên Vinatex ghi nhận lỗ kể từ khi hoạt động. Theo Vinatex, nguyên nhân thua lỗ là do chính sách zero-Covid của Trung Quốc dẫn đến nhu cầu thị trường giảm vào thời điểm cuối năm, ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và tồn kho. Tuy vậy, lũy kế cả năm 2022, Vinatex vẫn có lãi hơn 1.000 tỷ VND, giảm 20% so với cùng kỳ, nhờ khoản lãi lớn trong nửa đầu năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) ghi nhận doanh thu quý IV đạt 261,93 tỷ VND, giảm 81,3% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 9,92 tỷ VND, giảm 92,1% so với cùng kỳ. Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn cũng chịu lỗ sau thuế cho quý IV xấp xỉ 59 tỷ VND, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi gần 35 tỷ VND. Công ty phải ngừng sản xuất ở một số nhà máy để khắc phục chất lượng nên hầu hết hàng sản xuất ra phải lưu kho, lượng hàng tồn kho chưa được tiêu thụ. Công ty phải nhận đơn gia công số lượng nhỏ nên năng suất thấp, giá cạnh tranh không đủ bù đắp chi phí dẫn đến kinh doanh thua lỗ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả tích cực. Công ty cổ phần Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công gây ấn tượng khi lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 60 tỷ VND, mức tăng gần 140% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2022, công ty ghi nhận 281 tỷ VND lợi nhuận, tăng 95%. May Việt Tiến cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2022, gấp hơn 2 lần cùng kỳ, tuy nhiên quý IV ghi nhận lợi nhuận giảm 14%.

Theo các chuyên gia, trong năm 2023, ngành dệt may Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức khi phụ thuộc nhiều vào chi phí đầu vào, giá nhân công lao động và suy giảm kinh tế. Tình hình khó khăn của kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu suy giảm trên cả thị trường trong nước lẫn các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), đơn đặt hàng trước cho quý I năm 2023 đã giảm 25-27% so với cùng kỳ, báo hiệu một năm nhiều khó khăn phía trước.

Đầu ra là trung tâm trong khó khăn của các doanh nghiệp Việt
Các công nhân đeo khẩu trang khi làm việc tại nhà máy Maxport, nơi sản xuất quần áo cho nhiều nhãn hiệu quần áo dệt may, ở Hà Nội vào ngày 21/09/2021. (Photo: NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images)

Tình hình khó khăn chung

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế, ngay từ tháng đầu tiên của năm 2023, tình hình hoạt động kinh doanh của số đông doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn, với một lý do chính là đơn đặt hàng giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng giảm bớt việc làm và chi phí mua hàng, chứng tỏ hoạt động kinh doanh đang có chiều hướng đi xuống.

Theo báo cáo kinh tế của Tổng Cục Thống kê, trong tháng 01 năm 2023, có khoảng 25,9 nghìn doanh nghiệp tham gia vào thị trường, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, có tới 43,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, dù đã khai Xuân, nhưng các doanh nghiệp ngành thủy sản đa số vẫn chưa đẩy mạnh sản xuất vì đơn hàng ký kết quá ít, đếm trên đầu ngón tay. Ngành đang chờ thông tin từ thị trường châu Âu và tình hình lạm phát tại Mỹ nhằm xác định tổng mức nhu cầu. Riêng tháng 1 năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục đà giảm sâu theo xu hướng quý IV năm 2022, giảm 46% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ giảm do ảnh hưởng của lạm phát, ngoài ra các cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Độ phục hồi sản lượng, tạo ra mức cung lớn với giá thành cạnh tranh hơn tôm Việt Nam.

Đầu ra là trung tâm trong khó khăn của các doanh nghiệp Việt
Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi ngang qua một cửa hàng bán áo dài truyền thống ở Hà Nội vào ngày 29/07/2020. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP qua Getty Images)

Trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thời trang, ông Đặng Quốc Dùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn D.Suit Việt Nam cho biết tác động chung của nền kinh tế cùng với sự khó khăn của nhiều lĩnh vực, ngành nghề khiến đơn hàng đang sụt giảm mạnh. Năm ngoái, dù vẫn còn dịch nhưng lượng đơn hàng vẫn ở mức độ tương đối bởi lượng tiền tích lũy trong dân vẫn còn. Sang năm 2023, dường như túi tiền của người dân đang thực sự gặp vấn đề, khiến doanh số nhiều đơn vị thời trang sụt giảm từ 20-30% so với mọi năm.

Khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung đã được dự báo trước vào đã bắt đầu thể hiện từ quý IV năm ngoái, và đến nay tình hình vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Không chỉ số lượng đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất gia tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận, gây ra thua lỗ, khiến không ít doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Đầu ra là vấn đề trung tâm trong khó khăn của các doanh nghiệp Việt