Đầu tư công - Đầu tàu kéo tăng trưởng GDP 2021 đang chạy ỳ ạch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sử dụng đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng luôn là một công cụ gây tranh cãi. Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế Việt khó khăn bởi làn sóng Covid-19 thứ tư chưa có hồi kết, mọi thành phần tạo nên tăng trưởng đều thiếu vững chắc, đầu tư công trở thành đầu tàu kéo tăng trưởng 2021, đáng tiếc đang chạy rất ỳ ạch, cả lý do chủ quan và khách quan.

Các thành phần làm tăng GDP, xét về góc độ tổng cầu, gồm 4 nhân tố chính: tiêu dùng, chi tiêu chính phủ, đầu tư và thặng dư/thâm hụt thương mại. Trong bối cảnh hiện nay, một nửa năm 2021 đã trôi qua, cả 4 nhân tố đóng góp vào tăng trưởng GDP đều bất lợi.

Tiêu dùng ảm đạm - Sức dân ngày một yếu hơn

Dù là nền kinh tế hiếm hoi được “mặt trời tỏa sáng” khi đạt thành tích tăng trưởng dương năm 2020, nhưng tốc độ tăng GDP chỉ đạt 2,91%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trong khi thu nhập bình quân thấp, cơ cấu thu nhập dân cư thiếu bền vững, khoảng cách giàu nghèo lớn hơn đã bào mòn khả năng tiêu dùng của người Việt trong năm 2021.

Một minh chứng không thể chối cãi cho thu nhập sụt giảm đẩy một bộ phận người Việt tới mức phải lũ lượt từ bỏ cả bảo hiểm xã hội (BHXH), rút BHXH một lần ( nhận lấy một khoản tiền đã đóng trước đó) tăng kỷ lục năm 2020, đánh dấu năm thứ 5 số người Việt rời bỏ BHXH liên tiếp gia tăng.

Một số liệu nữa chứng minh sức tiêu dùng suy giảm mạnh là chỉ số Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%). Với số liệu này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chưa kịp phục hồi đáng kể so với mức suy giảm âm cùng kỳ 2020 đã bị giảm trở lại vào tháng 5 và kỳ vọng sẽ tăng thấp trong quý 3 do đại dịch.

Do vậy, mức đóng góp tiêu dùng cả năm 2021 vào GDP có thể không tăng so với 2020, chưa kể có thể suy giảm đi, ngay cả khi dịch bệnh kết thúc trong tháng 6 (phương án phòng chống dịch tốt nhất, nhưng hiện khó khả thi).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chưa kịp phục hồi đáng kể so với mức suy giảm âm cùng kỳ 2020 đã bị giảm trở lại vào tháng 5 và kỳ vọng sẽ tăng thấp trong quý 3 do đại dịch (Nguồn: TCTK, NTDVN tổng hợp)

Bất lợi

Cán cân thương mại thặng dư sẽ trở thành nhân tố đóng góp tích cực nhất vào GDP năm 2021. Tuy nhiên, lạm phát giá nhà sản xuất đang tăng quá cao từ Trung Quốc, sản xuất trong nước chịu tác động từ Covid-19, giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh với các đối thủ cùng quy mô kinh tế trong khu vực vực do nhập khẩu lạm phát từ Trung Quốc trong khi đồng VND không mất giá so với các ngoại tệ mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tăng mạnh (chủ yếu do giá) đã khiến cán cân thương mại của Việt Nam đảo chiều từ thặng dư (trong 4 tháng đầu năm) sang thâm hụt thương mại.
Chi tiêu công (các gói chia tiền cứu trợ cứu trợ cho người dân hay doanh nghiệp cũ hoặc mới, nếu có) cũng không phải là hy vọng của GDP khi việc giải ngân gói cứu trợ Covid-19 năm 2020 có hiệu suất cực thấp. Theo truyền thông trong nước, khoảng một nửa số tiền hứa hẹn giải ngân cho người dân bị tổn thương bởi đại dịch đã không được giải ngân vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Mặt khác, năm 2021 - 2022 cũng là những năm được Bộ Tài chính công bố là thời điểm mà chính phủ trả nợ gốc lớn nhất trong chu kỳ 10 năm qua. Thêm vào đó, các hạn chế về nguồn thu cũng sẽ khiến chính phủ khó có thể mở rộng chi tiêu công.

Covid-19, Kế Hoạch, Thống Kê, Tất Nhiên, Liên Lạc
Theo truyền thông trong nước, khoảng một nửa số tiền hứa hẹn giải ngân cho người dân bị tổn thương bởi đại dịch đã không được giải ngân vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. (Ảnh: Pixabay)

Thu hút vốn FDI rất khó khăn

Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, ổn định vĩ mô trong nước, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt 14 tỷ USD. Tuy nhiên, GDP không tăng nếu vốn FDI chỉ đăng ký và nằm ở đó, GDP chỉ tăng khi FDI giải ngân thực sự, tạo thu nhập và công ăn việc làm cho người Việt.

Dù vậy, đây là số liệu rất khích lệ trong bối cảnh đầu tư FDI suy giảm theo xu hướng chung của khu vực và toàn cầu.

Năm 2021, Chỉ số niềm tin đầu tư trực tiếp Kearney cho thấy xu hướng suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu trong 3 năm tới. Chỉ 57% nhà đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong ba năm, thấp hơn nhiều so với mức 72% của năm ngoái (trước và khi đại dịch bùng phát. Ngoài sự sụt giảm niềm tin này, hầu hết điểm số chung của 25 nền kinh tế hàng đầu đã giảm so với các năm trước. Kết quả cũng cho thấy rằng số lượng nhà đầu tư có ý định đầu tư trên tất cả các loại thị trường ít hơn so với năm ngoái, họ lựa chọn ổn định vĩ mô là ưu tiên hàng đầu cho hoạt động đầu tư FDI.

Đáng lưu ý là các nhà đầu tư đánh giá cao cơ hội đổ dòng vốn FDI vào các nền kinh tế phát triển, chứ không phải đang phát triển như Việt Nam, trong đó Mỹ xếp thứ hạng đầu tiên (9 năm liên tiếp đứng vị trí đầu bảng trong kế hoạch đầu tư FDI của các nhà đầu tư toàn cầu), tiếp theo sau là Canada, Đức, Anh, Nhật và Pháp. Kể từ khi chỉ số Niềm tin FDI Kearney ra đời, đây là năm thứ 3 liên tiếp mà 5 vị trí đầu tư FDI đứng đầu thuộc về các nền kinh tế phát triển.

Với lý do ưu tiên dòng vốn chảy vào các nền kinh tế nơi môi trường kinh doanh thuận lợi, công nghệ và quản trị hiệu quả, các nhà đầu tư toàn cầu giảm kế hoạch đầu tư FDI, triển vọng bi quan, với hầu hết các nền kinh tế mới nổi, trừ 3 quốc gia Trung Quốc, UEA và Brazil.

Năm 2020, theo báo cáo của OECD, dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm 38% so với năm 2019, xuống còn 846 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2005.

Với xu hướng suy giảm dòng vốn FDI trên toàn cầu và việc Việt Nam không có lợi thế nổi bật hơn Trung Quốc, Brazil hay UEA trừ vị trí địa lý và xu hướng phân tán rủi ro chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, việc Việt Nam có thể thu hút tốt dòng vốn đầu tư năm 2021 cho tăng trưởng là rất khó khăn.

Khủng Hoảng Tài Chính, Ngoại Tệ, Xu Hướng, Biểu Tượng
Năm 2020, theo báo cáo của OECD, dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm 38% so với năm 2019, xuống còn 846 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2005. (Ảnh: Pixabay)

Đầu tư công - đầu tàu chạy ỳ ạch

Trong các nhân tố đóng góp vào tăng trưởng, nhân tố mà chính phủ Việt Nam có thể chủ động sử dụng để kéo tăng trưởng trong ngắn hạn, dù hiệu quả thấp, vẫn là đầu tư công. Tuy nhiên, đầu tàu này hiện đang chạy rất ỳ ạch, thậm chí còn chạy với tốc độ thấp hơn năm 2020.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là vốn nước ngoài. Việc triển khai phân bổ ngân sách còn chậm, chưa phân bổ còn khoảng 12% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Sáu tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đạt 29% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (33%). Đáng chú ý, tính đến ngày 31/5/2021, vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương đã giải ngân bằng 1,73% dự toán. Mới có 15 trong tổng số 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%, trong khi 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%.

Nguyên nhân khách quan được cho là do Covid-19 hạn chế phần nào tốc độ giải ngân đầu tư công, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công nước ngoài (vì lý do chuyên gia không sang Việt Nam để làm việc). Tuy nhiên, nguyên nhân lớn hơn lại là các tồn tại về thể chế chưa được tháo gỡ nhiều năm nay, những nguyên nhân quen thuộc, chẳng hạn như chậm giải phóng mặt bằng, chậm tái định cư; thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân, điều chỉnh tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ,... Một số dự án áp dụng các công nghệ nhanh chóng thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Cuối cùng, một nguyên nhân chủ quan nữa ít được nhắc tới, đó là sự chuyển giao giữa hai chính phủ cũ và mới, từ cấp trung ương đến cấp địa phương cũng làm gia tăng sự chậm trễ của việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Việc này có thể kéo dài tới hết Quý 3/2021.

Một trong những tác hại của chậm giải ngân vốn đầu tư công làm làm gia tăng chi phí vốn mà chính phủ đã vay để thực hiện đầu tư, chưa kể kéo dài dự án đầu tư dẫn tới chi phí (trên mọi khía cạnh) đều gia tăng. Về lý thuyết, sự can thiệp của chính phủ quá mức vào tăng trưởng theo cách này (mà lại không hiệu quả) sẽ làm tăng gánh nặng chi phí cho khu vực kinh tế tư nhân; một sự ‘chèn lấn của khu vực công đối với khu vực tư”, làm suy giảm tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Sinh Bách

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Đầu tư công - Đầu tàu kéo tăng trưởng GDP 2021 đang chạy ỳ ạch