ĐCSTQ cứu thị trường chứng khoán trong nước bằng dòng tiền giả dạng vốn đầu tư nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi giới đầu tư nước ngoài tranh nhau bán cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc, thì nguồn vốn nhà nước vẫn tiếp tục đổ vào thị trường trong nỗ lực duy trì sự ổn định và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.

Nguồn vốn nước ngoài bắt đầu tháo chạy khỏi Trung Quốc trên quy mô lớn. Phương tiện truyền thông Trung Quốc chuyên về tài chính Jiemian đưa tin hôm 16/03, sự rút lui của dòng vốn nước ngoài đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Trung Quốc, với cả 3 chỉ số chứng khoán chính trên thị trường cổ phiếu hạng A giảm hơn 11% trong nửa đầu tháng 3. Chỉ số tổng hợp của sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến giảm mạnh nhất - 14,26%.

Tuy nhiên, cần lưu ý, biểu đồ về ‘dòng vốn hướng về phương bắc’ (northbound capital) cho thấy đã có dòng vốn lớn đổ vào để “cứu” thị trường hôm 17 và 18/03. ‘Dòng vốn hướng về phương bắc’ đề cập đến dòng vốn đến từ Hong Kong hoặc các quỹ quốc tế tham gia vào thị trường cổ phiếu hạng A, thường được gọi là vốn nước ngoài.

Vốn nước ngoài thường không được phép tham gia trực tiếp vào các khoản đầu tư cổ phiếu hạng A do chính quyền đại lục luôn kiểm soát chặt chẽ dòng vốn. Do đó, một cơ chế Kết nối Chứng khoán Đại lục - Hong Kong đã được đưa ra, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cổ phiếu tại hai đô thị của Trung Quốc - SSE (Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải) và SZSE (Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến) - thông qua thị trường vốn của Hong Kong.

Nhiều phương tiện truyền thông tài chính Trung Quốc đưa tin, hôm 25/03, kênh Kết nối Chứng khoán Đại lục - Hong Kong đã bán ròng 3,11 tỷ nhân dân tệ (khoảng 500 triệu USD). Cùng ngày, 17 cổ phiếu đã tăng 30% bởi kênh Kết nối Chứng khoán Đại lục - Hong Kong, trong đó cổ phiếu của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC (688981. SH) tăng gần 180%.

Ông Mike Sun, nhà tư vấn đầu tư và chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Mỹ, nói với The Epoch Times hôm 28/03 rằng sở dĩ có sự việc như vậy là vì “'đội tuyển quốc gia' đang tham gia [thị trường]”.

“Đội tuyển quốc gia” là thuật ngữ được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc; nó không chỉ là đội tuyển bóng đá. Theo cổng thông tin Tencent, "đội tuyển quốc gia" của thị trường chứng khoán là một nhóm các nhà đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Các thành viên của đội tuyển này bao gồm Central Huijin Investment (hoạt động ở mảng quản lý tài sản và đầu tư); China Securities Finance (được thành lập bởi SSE, SZSE, và Tập đoàn lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán Trung Quốc). Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước và Quỹ An sinh Xã hội cũng là những thành viên quan trọng.

Đội tuyển quốc gia do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành (ĐCSTQ) chủ yếu đầu cơ vào cổ phiếu ngân hàng, kiểm soát huyết mạch của ngành tài chính - chẳng hạn như bốn ngân hàng quốc doanh lớn, hoặc duy trì sự ổn định - chẳng hạn như cứu trợ thị trường chứng khoán.

ĐCSTQ cứu thị trường chứng khoán trong nước bằng dòng tiền giả dạng vốn đầu tư nước ngoài
Bên ngoài tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải hôm 04/11/2020. (Ảnh: Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Tại cuộc họp báo ngày 17/03, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vốn nước ngoài được sử dụng trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó tuyên bố rằng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 “tiếp tục thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài”.

Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) của Đại học Nam Carolina Aiken nói với The Epoch Times hôm 26/03: “ĐCSTQ chỉ nhấn mạnh đến dòng vốn chảy vào [Trung Quốc] trong khi không đề cập đến dòng vốn nước ngoài chảy ra”.

Giáo sư Tạ cũng đặt câu hỏi về tính chính xác của dữ liệu được công bố chính thức, bởi vì một phần của cái gọi là dòng vốn nước ngoài thực sự đến từ các quỹ của Trung Quốc.

Ông Tạ lấy ví dụ, tiền từ kho bạc nhà nước được chuyển ra ngoài Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau, được chuyển đổi thành dòng vốn từ Mỹ, và chảy lại vào thị trường Trung Quốc. Do đó, dòng vốn này nhận được ưu đãi như một khoản đầu tư nước ngoài - tương đương với việc rửa tiền.

Giáo sư Tạ nói thêm, dòng vốn nước ngoài chảy ra từ Trung Quốc có thể bị tác động bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất (Fed tăng lãi suất sẽ thu hút vốn trở lại Mỹ), "nhưng nếu lãi suất tăng ở mức khiêm tốn, nó sẽ không có nhiều tác động".

Với việc đồng đô la Hong Kong được neo chặt chẽ với đồng USD và tỷ giá hối đoái cố định, Hong Kong và đại lục cũng sẽ tăng lãi suất để tránh chênh lệch giá sau động thái của Fed, Giáo sư Tạ cho biết.

Bloomberg đưa tin hôm 24/03 rằng, cùng ngày, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết các nhà đầu tư nước ngoài có thể có cái nhìn mới về thị trường Trung Quốc sau khi chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ: “Dòng vốn đang chảy ra khỏi Trung Quốc với quy mô và cường độ mà chúng ta chưa từng thấy”.

Về phía mình, ông Tạ đánh giá rằng “các lệnh trừng phạt do chiến tranh [Nga - Ukraine] gây ra đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ thị trường Trung Quốc vì ĐCSTQ đứng về phía Nga. Nếu ĐCSTQ ủng hộ quân đội Nga, thì Trung Quốc cũng sẽ bị trừng phạt”. Ngoài ra, môi trường kinh tế hiện tại ở Trung Quốc cũng làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư nước ngoài.

Ông Tạ nói thêm, dòng vốn nước ngoài ồ ạt chảy ra sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc - bao gồm sự sụp đổ của đồng nhân dân tệ, đe dọa hơn nữa đến tỷ giá hối đoái, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ cứu thị trường chứng khoán trong nước bằng dòng tiền giả dạng vốn đầu tư nước ngoài