ĐCSTQ đẩy mạnh 'nền kinh tế kế hoạch 2.0' sau Đại hội 20

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dáng dấp của 'nền kinh tế kế hoạch 2.0' đang lờ mờ hiện ra, với việc Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng thị trường thống nhất quốc gia, tập trung hóa quyền lực kinh tế thông qua các doanh nghiệp nhà nước lớn. Mặc dù vậy, ngay cả việc áp dụng các loại hình công nghệ tiên tiến cũng không thể bù đắp những khiếm khuyết cơ bản của nền kinh tế kế hoạch, và cách tiếp cận này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn trong xã hội Trung Quốc.

Trong lúc Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu diễn ra vào ngày 16/10, việc tái đắc cử của Tập Cận Bình dường như đã được định sẵn. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế đang xấu đi, chính phủ của ông Tập có thể tiếp tục với chính sách “một doanh nghiệp nhà nước cho một ngành” và “thị trường thống nhất quốc gia”, một mô hình nâng cấp của nền kinh tế kế hoạch.

Điều này có thể bắt nguồn từ lý thuyết “Nền kinh tế của người dân” được đề xuất bởi giáo sư Wen Tiejun tại Đại học Renmin Trung Quốc (Đại học Nhân dân Trung Quốc) vào cuối tháng 9.

Nền kinh tế của người dân

Trong lý thuyết của mình, ông Wen tuyên bố rằng cách duy nhất để thực hiện sở hữu toàn dân là làm cho các doanh nghiệp nhà nước lớn hơn và mạnh hơn, và rằng “nền kinh tế nhân dân thay thế nền kinh tế thị trường là xu hướng của thế giới”.

Ông Wen định nghĩa “nền kinh tế của người dân” là nền kinh tế tự chủ, nghĩa là: nền kinh tế được liên kết với chủ quyền của nhà nước và không thể bị độc quyền bởi tư bản nước ngoài; tính địa phương: nguồn thu từ khai thác tài nguyên thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương; hợp nhất: mục đích của doanh nghiệp không phải vì để tạo ra lợi nhuận, mà là để đạt được tính tự chủ, tính địa phương; và sở hữu toàn dân xóa bỏ tư nhân hóa.

“Lý thuyết nền kinh tế của người dân ngay lập tức làm dấy lên những nghi ngờ và chỉ trích từ khu vực tài chính và dư luận. Hiện tại, tất cả những phản đối đối với “nền kinh tế của người dân” ở Trung Quốc đều đã bị kiểm duyệt bởi các nhà kiểm duyệt internet.

Ông Xiang Songzuo, một nhà kinh tế học nổi tiếng, đã phản bác lý thuyết của ông Wen là “ngớ ngẩn” trên tài khoản Weibo của mình, đặt câu hỏi “chẳng phải cái gọi là quyền tự chủ là sự đóng cửa của đất nước? Nó từ chối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các công ty liên doanh như nhau? Chẳng phải cái gọi là tính địa phương đã nhốt [Trung Quốc] vào một nhà tù sao?".

Lời nói của ông Xiang đã gây được tiếng vang và được lưu truyền rộng rãi mặc dù nó đã bị kiểm duyệt nhiều lần, và được nhiều phương tiện truyền thông bên ngoài Trung Quốc như Đài Á Châu Tự Do phát tán.

“Ý định của ông Wen là một nhà nước nên tiến tới kiểm soát chặt chẽ hơn nền kinh tế tư nhân và sau đó nhà nước thực hiện một hệ thống phân bổ”, nhà khoa học chính trị độc lập Wu Zuolei của Trung Quốc nói với VOA vào ngày 06/10.

“Đây giống như phiên bản 2.0 của nền kinh tế kế hoạch của Trung Quốc, một phiên bản nâng cao, được nâng cấp của nền kinh tế kế hoạch”, ông Tạ Điền, ​​giáo sư marketing tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, nói với The Epoch Times.

Các thuật ngữ như tự cung tự cấp, các doanh nghiệp xã hội lớn và các công xã của người dân là đặc trưng cho nền kinh tế kế hoạch do thế hệ lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ đưa ra trong những năm 1950-1970. Hệ thống cực kỳ tập trung đã tạo ra Đại Nhảy Vọt, một chiến dịch kinh tế và xã hội theo đuổi “việc sản xuất thép quốc gia vượt qua Vương quốc Anh và Mỹ”. Cuối cùng nó dẫn đến Nạn đói lớn từ năm 1958 đến năm 1962, với ước tính khoảng 15 đến 55 triệu người chết đói.

ĐCSTQ đẩy mạnh 'nền kinh tế kế hoạch 2.0' sau Đại hội 20
Các nhà đầu tư xem chỉ số chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 10/06/2008. (Ảnh: China Photos / Getty Images)

Thống nhất thị trường toàn quốc

Ngày 10/04, Quốc vụ viện Trung Quốc ra thông báo về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng thị trường thống nhất quốc gia và nâng nó lên tầm chiến lược. Thông báo nhấn mạnh rằng xây dựng một thị trường thống nhất là để phá vỡ sự bảo hộ cục bộ và phân khúc thị trường, đặc biệt là để “điều chỉnh cạnh tranh thị trường và can thiệp thị trường không phù hợp”.

Một ngày sau động thái này (vào ngày 11/04), Chỉ số Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải giảm 2,61%, Chỉ số Thâm Quyến giảm 3,67% và Chỉ số Thị trường bảng thứ hai giảm 4,2%, và cổ phiếu giao dịch trong ngày giảm xuống mức mức thấp mới kể từ tháng 07/2020, theo Shanghai Security News.

Trong một tweet, học giả độc lập về Trung Quốc Rong Jian cho rằng thị trường chứng khoán lao dốc cho thấy thị trường đang mong đợi những điều tồi tệ hơn sẽ đến và ít tin tưởng hơn vào nền kinh tế.

Công chúng lo ngại rằng chế độ có thể quay trở lại con đường cũ của nền kinh tế kế hoạch, như được thể hiện trong các bình luận trực tuyến, chẳng hạn như, "thị trường thống nhất có nghĩa là mọi thứ có thể được quyết định bởi chính quyền trung ương" và "giá thị trường, cung cấp hàng hóa và các kênh phân phối có thể được thống nhất, đó sẽ là một đại lý cung cấp và tiếp thị quốc gia và việc thống nhất mua và phân phối".

Theo chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ Ji Da, mục tiêu “thống nhất thị trường” của ĐCSTQ là nhằm kiểm soát tài nguyên, thao túng giá cả và cai trị đất nước thông qua việc thành lập các doanh nghiệp trung ương lớn trong nhiều ngành khác nhau.

“ĐCSTQ cũng đang cố gắng sử dụng quyền lực của các doanh nghiệp này để tranh giành quyền thương lượng trên trường quốc tế và gây ảnh hưởng và đe dọa cộng đồng quốc tế”, chuyên gia Ji nói.

Tập trung hóa quyền lực trong lĩnh vực kinh tế

Chuyên gia Ji tin rằng cho đến những năm 1980, nền kinh tế kế hoạch đã thống trị toàn bộ Trung Quốc, với các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế quốc gia. Khi ĐCSTQ đề xuất “một thị trường thống nhất quốc gia”, nó dường như đã bắt đầu chuẩn bị cho việc chính quyền trung ương nắm quyền điều hành kinh tế.

Vào tháng 06/2020, ĐCSTQ đã ban hành “Kế hoạch Hành động Ba năm về Cải cách Doanh nghiệp Nhà nước”. Chương trình tuyên bố sẽ thúc đẩy việc bố trí và tái cấu trúc “nền kinh tế quốc doanh”. Chương trình yêu cầu các doanh nghiệp trung ương trong các ngành hoàn thành các nhiệm vụ chính trước đại hội Đảng lần thứ 20.

Doanh nghiệp trung ương là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và do Quốc vụ viện hoặc Ủy ban giám sát quản lý tài sản nhà nước sở hữu toàn bộ hoặc kiểm soát bằng vốn nhà nước và do trung ương trực tiếp quản lý hoặc được ủy thác cho các bộ ngành trung ương.

ĐCSTQ đẩy mạnh 'nền kinh tế kế hoạch 2.0' sau Đại hội 20
Tòa nhà dân cư Evergrande đang được xây dựng ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 18/07/2022. (Ảnh: Jade Gao / AFP qua Getty Images)

Ngành bất động sản là một trường hợp nổi bật trong công cuộc cải cách. Vào ngày 20/08/2020, Bộ Nhà ở và Xây dựng và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tổ chức hội thảo về các doanh nghiệp bất động sản chủ chốt và nguồn tài chính hạn chế cho các nhà phát triển bất động sản. 12 doanh nghiệp bất động sản chủ chốt đã được đưa vào trong chương trình thí điểm. Chương trình được đẩy lên toàn ngành vào ngày 01/01/2021.

Thiếu kinh phí để xây nhà, lĩnh vực bất động sản vấp phải một bước thụt lùi, với các nhà phát triển bất động sản có ảnh hưởng như Evergrande, Sunac và Central China Real Estate Limited đang phải vật lộn để tồn tại.

Tuy nhiên, sau khi những vấn đề nghiêm trọng đó xảy ra, chính quyền trung ương đã chuyển trách nhiệm cho cấp địa phương. Ngày 28/07, Bộ Chính trị Trung ương đã họp và thừa nhận rằng hoạt động kinh tế hiện nay đối mặt với nhiều mâu thuẫn và vướng mắc, do đó cần phải ổn định thị trường bất động sản, mà theo đó, chính quyền địa phương nên xem xét bảo vệ việc bàn giao các tòa nhà.

Trong ngành thép, Tập đoàn thép Baowu của Trung Quốc đã sáp nhập và tổ chức lại bảy hoặc tám công ty sắt thép trải dài ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc; Mã An Sơn, tỉnh An Huy; Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông; Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây; cùng với Trùng Khánh và Tân Cương nhằm hình thành một 'hạm đội' thép. Sau khi hợp nhất, nguồn thu từ thuế được chuyển trực tiếp cho chính quyền trung ương, trong khi việc giải quyết nhiều vụ sa thải được giao cho chính quyền địa phương.

Trong lĩnh vực năng lượng, ĐCSTQ muốn xây dựng hệ thống điện lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong năm thứ ba liên tiếp, công ty điện lực trung ương, công ty tự xưng có công suất phát điện lớn nhất thế giới, đã trải qua một cuộc khủng hoảng điện vào tháng 8. Các ngành công nghiệp ô tô, pin, hóa chất và chất bán dẫn mạch tích hợp trong nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thiếu hụt điện.

Ngoài ra, ngân sách công của 31 tỉnh và khu tự trị đã bị thâm hụt trong nửa đầu năm nay do chính sách Zero-COVID động nghiêm ngặt. Nhiều chính quyền địa phương đang gặp khó khăn về tài chính và nợ đã vượt ngưỡng cảnh báo rủi ro.

Chuyên gia về các vấn đề thời sự Shi Shan, nói với The Epoch Times rằng các động thái này là nỗ lực của ĐCSTQ nhằm phá vỡ sự bảo hộ địa phương, cắt đứt quyền lực tập trung vào các chính quyền địa phương, và chuyển giao quản lý kinh tế và thu thuế trực tiếp cho chính quyền trung ương nhằm hiện thực hóa cái gọi là "quyền lực tập trung để làm những việc lớn".

Chuyên gia Shi chỉ ra rằng, trái với nhà lãnh đạo thứ hai của ĐCSTQ, Đặng Tiểu Bình, người đã chuyển giao quyền lực cho các chính quyền địa phương và mở cửa nền kinh tế thị trường trong một cuộc cải cách kinh tế, ông Tập mong muốn giành lại quyền lực thông qua tập trung hóa và cắt giảm quyền lực địa phương.

Chuyên gia Shi cho biết điều này có nghĩa là chính sách kinh tế của Trung Quốc sẽ hoàn toàn đổi hướng và “nền kinh tế kế hoạch 2.0” đang dần dần hiện ra.

Công nghệ không thể bù đắp các khiếm khuyết

Chuyên gia Ji cho biết, ĐCSTQ đang sử dụng công nghệ, chẳng hạn như Internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, để biến nó trở thành “cánh tay toàn năng” trong nền kinh tế kế hoạch phiên bản 2.0.

ĐCSTQ đẩy mạnh 'nền kinh tế kế hoạch 2.0' sau Đại hội 20
Công chúng đến thăm Trung tâm Phân tích Dữ liệu trong Hội chợ Triển lãm Công nghiệp Dữ liệu Lớn Quốc tế Trung Quốc 2017 tại Quý Dương, Trung Quốc, vào ngày 27/05/2017. (Ảnh: Lintao Zhang / Getty Images)

Từ năm 2017 đến năm 2020, ĐCSTQ đã khởi động cái gọi là “Chiến lược dữ liệu lớn quốc gia” và “Phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo” nhằm nỗ lực sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo để tăng cường hoạt động quản lý và ra quyết định của chính phủ.

Vào tháng 12/2021, Quốc vụ viện đã ban hành một thông báo về “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” cho sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số, kêu gọi đẩy nhanh sự thâm nhập của công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và công nghiệp.

Học giả của ĐCSTQ Zhou Weimin, cựu giám đốc Khoa Lý luận Mác-xít của Trường Đảng Trung ương, đã bác bỏ lý thuyết về kinh tế kế hoạch tại Diễn đàn Kinh tế Trung Quốc lần thứ hai, nói rằng công nghệ dữ liệu lớn, bất kể nó “lớn” đến đâu, cũng không thể bù đắp những khiếm khuyết cơ bản của nền kinh tế kế hoạch, và do đó nó không thể là công cụ hữu hiệu cho nền kinh tế kế hoạch.

Nền kinh tế kế hoạch, theo học giả Zhou, là sự hạn chế làm mất đi tính độc lập và tự chủ của các cá nhân và doanh nghiệp, và công nghệ dữ liệu lớn không thể không khắc phục những khuyết điểm cố hữu của nó.

Nền kinh tế kế hoạch sẽ làm gia tăng mâu thuẫn

Các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin rằng tại một cuộc họp đặc biệt về "hành động ba năm về cải cách doanh nghiệp nhà nước" được tổ chức vào ngày 01/09, ông Weng Jiming, Phó giám đốc Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước, tuyên bố rằng cần phải thúc đẩy mạnh mẽ việc tập trung nguồn lực cho các doanh nghiệp có lợi thế và cần thêm nhiều doanh nghiệp, vùng miền tham gia hình thành mô hình “một doanh nghiệp làm một ngành, một ngành chỉ có một doanh nghiệp”.

Về vấn đề này, chuyên gia Ji nói rằng ĐCSTQ đang cố gắng độc chiếm thị trường Trung Quốc thông qua “một doanh nghiệp cho một ngành” để ảnh hưởng đến thế giới và đây sẽ là giọng điệu chính trong chiến lược kinh tế và chính trị của ĐCSTQ sau đại hội 20.

Tuy nhiên, khi chính quyền áp dụng “nền kinh tế kế hoạch 2.0”, xung đột giữa chính quyền trung ương và các cộng đồng địa phương sẽ ngày càng gia tăng, đẩy xã hội Trung Quốc lâm vào cảnh bị tàn phá, đây cũng là sự sụp đổ không thể tránh khỏi của ĐCSTQ, chuyên gia Ji nói.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo David Chu - The Epoch Times

Tác giả David Chu là một nhà báo sống ở London, đã làm việc trong lĩnh vực tài chính gần 30 năm tại các thành phố lớn ở Trung Quốc và nước ngoài, bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ông sinh ra trong một gia đình chuyên về Y học cổ truyền Trung Quốc và có nền tảng về văn học cổ Trung Quốc.



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ đẩy mạnh 'nền kinh tế kế hoạch 2.0' sau Đại hội 20