ĐCSTQ đẩy mạnh 'tự lực cánh sinh' sau khi chứng kiến Nga bị trừng phạt và cô lập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã đề cao khả năng tự lực cánh sinh kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu. Vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn sau khi Trung Quốc chứng kiến ​​các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga vì xâm lược Ukraine.

Truyền thông Trung Quốc kêu gọi 'tự lực cánh sinh' sau khi Nga xâm lược Ukraine

Một ngày sau khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine vào hôm 24/02, Nhân dân Nhật báo, phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng một bài xã luận có tiêu đề “Nhấn mạnh về tính độc lập và sự tiên phong trên con đường tiến lên”, đề cao khả năng độc lập và tự lực cánh sinh để đảm bảo tính tất thắng của đảng.

Hôm 18/03, một phương tiện truyền thông khác của ĐCSTQ là Nhật báo Quảng Minh đã đăng một bài xã luận dài về “giữ vững sự độc lập và tự chủ”, nhấn mạnh lại “sự cần thiết”, “tầm quan trọng” và “tính cấp bách” của việc “giữ vững sự độc lập và tự chủ”.

Hôm 11/04, trang web của tạp chí Tìm kiếm sự thật của ĐCSTQ đã đăng một bài báo có tiêu đề “Ý nghĩa và giá trị của việc giữ vững sự độc lập và tự lực cánh sinh thông qua góc nhìn tổng quan về lịch sử”. Bài báo tuyên bố rằng “kiên định độc lập và tự lực cánh sinh” là một tư tưởng sâu sắc trong bối cảnh phong trào cộng sản quốc tế có “sự thụt lùi nghiêm trọng”, một đặc điểm của thời đại ông Tập, và kêu gọi “hãy nắm chắc vận mệnh của mình trong tay chính bản thân mình”.

Các biện pháp trừng phạt Nga khiến ĐCSTQ hoang mang

Ông Mike Sun, nhà tư vấn đầu tư Bắc Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times: “Cách thức mà Mỹ hợp lực với các đồng minh để đối phó với Nga giống như việc giết gà dọa khỉ". Ông cho biết, việc Nga xâm lược Ukraine đã dẫn đến các lệnh trừng phạt rộng khắp từ Mỹ và các đồng minh, điều này khiến ĐCSTQ hoang mang.

Ông Eswar Prasad, cựu giám đốc Vụ Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hiện là giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, nói với Wall Street Journal rằng ĐCSTQ nhận thấy rất rõ ràng rằng các cường quốc phương Tây nhanh chóng hành động chống lại Nga với một tinh thần rất gắn kết.

Theo thống kê của Castellum.AI, một nền tảng theo dõi các lệnh trừng phạt quốc tế, tính đến ngày 29/04, Nga đã phải hứng chịu 10.128 lệnh trừng phạt do xâm lược Ukraine, lập kỷ lục là quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất. Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất bao gồm đóng băng tài sản bằng đồng USD của Nga, trục xuất một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT, và các biện pháp trừng phạt đối với các nhà tài phiệt Nga và gia đình của họ.

Theo thống kê của Trường Quản lý Yale, tính đến ngày 05/05, gần 1.000 công ty trên toàn thế giới đã thông báo sẽ rút lui hoặc giảm hoạt động kinh doanh tại Nga. Các công ty này đến từ các ngành như năng lượng, ô tô, tài chính, hàng không, khai thác mỏ, công nghiệp nặng, công nghệ thông tin, tư vấn kinh doanh, kế toán, hậu cần, giải trí, khách sạn, bán lẻ và các lĩnh vực khác.

Tách rời khỏi Mỹ buộc Trung Quốc gia tăng 'tự lực cánh sinh'

Jida, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Mỹ và là chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times: “Mặc dù Mỹ và các đồng minh đang hoàn toàn ủng hộ Ukraine chống lại Nga, nhưng mục tiêu cuối cùng của họ là làm suy yếu sức mạnh của Nga và tập trung sức mạnh chống lại ĐCSTQ”.

Ông Michael Sun, Giám đốc Trung tâm Văn hóa liên kết với Hội đồng Vấn đề Cộng đồng Hải ngoại ở Toronto, cho biết: “Trên thực tế, Mỹ đã bắt đầu kế hoạch tách rời hoàn toàn khỏi ĐCSTQ, bao gồm các lĩnh vực như công nghệ cao, tài chính và xuất khẩu. Tất nhiên, ĐCSTQ cũng đang chuẩn bị cho việc tách rời này. Ngũ cốc là 1 ví dụ. ĐCSTQ đã tích trữ ngũ cốc, và ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bát cơm của người dân Trung Quốc phải được cầm chắc trong tay của người dân Trung Quốc, và cần phải đảm bảo rằng bát cơm đó chứa đầy thực phẩm của Trung Quốc”.

Công nghệ cao là một trong những lĩnh vực yếu nhất của ĐCSTQ, đặc biệt là công nghệ bán dẫn. Vì lý do an ninh quốc gia, chính phủ Mỹ đã đưa hơn 1.000 thực thể liên quan đến Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, bao gồm một số lượng lớn các công ty công nghệ cao như Huawei và ZTE, cũng như nhiều doanh nghiệp quan trọng của ĐCSTQ, nhằm ngăn chặn ĐCSTQ đánh cắp các công nghệ then chốt của Mỹ.

Ông Guo Nianshun, một giảng viên tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô và là một tiến sĩ tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh, đã viết trong một bài báo vào tháng 10 năm ngoái rằng sự gián đoạn nguồn cung ứng công nghệ từ Mỹ rõ ràng đã gây ra thiệt hại cho các công ty và ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc; Huawei và nền công nghệ cao của Trung Quốc đã bị Mỹ “bóp nghẹt”. Điều này cho thấy sự cấp bách đối với ngành công nghiệp tự sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc trong việc mở rộng năng lực sản xuất và khả năng nghiên cứu và phát triển các công nghệ cao cấp .

Ông Denis Simon, giáo sư Kinh doanh và Công nghệ Trung Quốc tại Trường Kinh doanh Fuqua, Đại học Duke, đã viết trong một bài báo có tiêu đề “Gặp khó khăn, Trung Quốc tìm cách gia tăng sự tự chủ về công nghệ” vào tháng 6 năm ngoái rằng, nếu nhập khẩu bị hạn chế, và thiếu nguồn cung ứng trong nước, doanh nghiệp Trung Quốc có đánh thể mất lợi thế trong trật tự phân công lao động quốc tế hiện nay.

Lịch sử 'tự lực cánh sinh' của Trung Quốc

Đảng Cộng sản quốc tế bắt đầu với một nhóm vô sản lưu manh trong cuộc nổi dậy Công xã Paris năm 1871. ĐCSTQ, kẻ đã đánh cắp chính quyền vào năm 1949, cũng khởi đầu với “sự nghèo nàn và lạc hậu nghiêm trọng”. Lu Xiang, một học giả của ĐCSTQ và là một nhà nghiên cứu của Viện Hoa Kỳ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã kết luận vào tháng 09/2018 rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã trải qua bốn giai đoạn.

Giai đoạn đầu là giai đoạn học hỏi từ Liên Xô cũ một cách toàn diện; giai đoạn thứ hai xảy ra sau khi quan hệ Xô - Trung tan vỡ, là giai đoạn Trung Quốc buộc phải tự lực cánh sinh; giai đoạn thứ ba, sau “cải cách và mở cửa” năm 1978, là giai đoạn sử dụng vốn ngoại quốc để làm quen và tiếp thu công nghệ và thiết bị tiên tiến của ngoại quốc; giai đoạn thứ tư, là giai đoạn khó khăn nhất với việc đổi mới sáng tạo độc lập và tối ưu hóa và nâng cấp nền công nghiệp.

Ông Lu cho rằng trở ngại lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc là Mỹ, vì Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Ông Lu đã phát biểu điều này sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được phát động bởi cựu Tổng thống Mỹ Trump nhằm kiềm chế ĐCSTQ.

Ngày 22/03/2018, ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ áp đặt thuế quan đối với khoảng 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để trừng phạt Trung Quốc tội “trộm cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ” và rằng Mỹ sẽ hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ.

Ngày 13/07 cùng năm, ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo của Trung Quốc, khi tham dự cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương ĐCSTQ đã thừa nhận rằng trình độ phát triển khoa học và công nghệ ở Trung Quốc, đặc biệt là khả năng đổi mới sáng tạo trong các công nghệ cốt lõi quan trọng, vẫn còn kém xa so với trình độ tiên tiến quốc tế, và nhấn mạnh rằng cần phải có một “tinh thần khẩn trương” và “tinh thần khi đối đầu khủng hoảng”.

'Tự lực cánh sinh' sẽ khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập

Vào tháng 05/2020, ĐCSTQ buộc phải triển khai chiến lược “lưu thông kép” trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường nỗ lực kiềm chế ngành công nghệ của Trung Quốc. Ông Tập nói, người dân Trung Quốc cần chi tiêu nhiều hơn, và các nhà sản xuất trong nước cần đổi mới nhiều hơn, để giảm sự phụ thuộc vào tình hình kinh tế dễ thay đổi bên ngoài Trung Quốc.

Vào tháng 03/2021, ĐCSTQ đã đưa ra “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”, bao gồm việc tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lên 7% mỗi năm trong vòng 5 năm tới để đạt được sự tự chủ về khoa học và công nghệ.

Tờ South China Morning Post hôm 06/03 đưa tin, tự lực cánh sinh đang là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc trong năm nay, đặc biệt là khi phải đối mặt với những khó khăn về thương mại và phức tạp về địa chính trị trong bối cảnh quốc tế đang chú trọng nhiều hơn đến khả năng tự cung tự cấp về kinh tế.

Tuy nhiên, Giáo sư Simon cảnh báo rằng: “Các nhu cầu thúc đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc hướng tới gia tăng sự tự chủ về công nghệ có thế khiến Trung Quốc ngày càng rời xa dòng chảy chính của nền kinh tế toàn cầu”.

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ đẩy mạnh 'tự lực cánh sinh' sau khi chứng kiến Nga bị trừng phạt và cô lập