ĐCSTQ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong một năm biến động về chính trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi năm dương lịch mới tới chưa đầy một tháng, những thách thức kinh tế đã chồng chất lên Bắc Kinh. 2022 là một năm bản lề của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đảng này dự kiến ​​sẽ công bố ban lãnh đạo mới (ngoài ông Tập Cận Bình) vào cuối năm nay. Việc ĐCSTQ xử lý nền kinh tế Trung Quốc tốt hay kém như thế nào sẽ rất quan trọng cho những năm về sau.

Bất động sản vẫn chìm trong khó khăn

Các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản vẫn là vấn đề trọng tâm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Mặc dù đã bước sang năm mới nhưng các hỗn loạn trong lĩnh vực bất động sản của năm 2021 vẫn kéo dài dai dẳng.

Nhà phát triển bất động sản khổng lồ China Evergrande tiếp tục chìm trong khó khăn. Sau khi bỏ lỡ khoản thanh toán lãi suất trái phiếu bằng USD vào tháng 12, cổ phiếu của Evergrande tạm thời bị đình chỉ giao dịch tại Hong Kong. Chính quyền tỉnh Hải Nam đã yêu cầu tập đoàn này phá dỡ 39 tòa nhà đang xây dựng. Một nhà phát triển khác, Shimao, được cho là đã bỏ lỡ một khoản thanh toán lãi suất cho một sản phẩm cho vay tín thác.

Có thể thấy, bất động sản đang là một vấn đề cấp bách đối với Bắc Kinh. Công ty xếp hạng tín dụng S&P Global trong tháng này đã đánh giá rằng, các vụ vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản sẽ tăng nhanh trong năm nay nếu chính sách nới lỏng của ĐCSTQ không phát huy hiệu quả.

Và việc nới lỏng không phải là điều Bắc Kinh mong muốn, ngay cả khi họ đã phải nới lỏng một chút trong tháng này. Sau khi đưa ra nhiều giới hạn về số tiền mà các nhà phát triển có thể vay trong nỗ lực giảm bớt đòn bẩy tài chính của ngành bất động sản, ĐCSTQ không có khả năng mở cửa xả lũ, xóa bỏ mọi hạn chế.

Khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương

ĐCSTQ bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không được giải quyết, thị trường bất động sản kém thanh khoản này sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn hơn, đặc biệt là đối với chính quyền cấp địa phương và thành phố.

Ở đây chúng ta không bàn luận về chính quyền các thành phố cấp 1 ven biển như Thượng Hải hay Hàng Châu. Hãy nói về các thành phố và đô thị nhỏ hơn sâu trong đất liền và ở phía đông bắc Trung Quốc. Tại những khu vực này, việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản đóng vai trò là một nguồn thu quan trọng, chiếm 1/3 tổng doanh thu tài chính của chính quyền.

Một cuộc khủng hoảng tài chính rất có thể xảy ra khi mà các cấp chính quyền thấp hơn ở Trung Quốc đã nhiều năm sử dụng việc bán đất cho các công trình công cộng và các dự án cơ sở hạ tầng để tạo ra việc làm và nguồn thu trong tương lai. Vì vậy, nếu các chủ đầu tư tạm dừng các dự án bất động sản mới, chính quyền địa phương cũng có thể phải nhanh chóng tạm dừng các dự án khác. Nhiều dự án trong số đó có khoản nợ cao. Có vẻ như cuộc khủng hoảng vỡ nợ của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc là bước tiếp theo của cuộc khủng hoảng bất động sản.

Kinh tế bị kìm kẹp bởi các lệnh phong tỏa hà khắc chống Covid-19

Các biện pháp đối phó với Covid-19 của Trung Quốc cũng tạo ra một thách thức. Chính sách “Zero-Covid (không Covid)” lấy việc phong tỏa hà khắc để có thể ngăn chặn virus lây lan. Và khi phải đối mặt với biến thể Omicron rất dễ lây lan, các nhà chức trách Trung Quốc tỏ ra không mấy sẵn sàng trong việc nới lỏng chính sách.

ĐCSTQ đã phong tỏa 3 thành phố trong nhiều tuần kể từ tháng 12/2021, bao gồm Tây An, An Dương và Ngọc Châu. Gần đây hơn, thành phố ven biển Thiên Tân đã bắt đầu xét nghiệm tất cả người dân trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Về mặt kinh tế, các đợt phong tỏa của Trung Quốc có sức hủy diệt tương đối lớn, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với các nước khác. Nhiều hoạt động kinh doanh phải tạm dừng, giao thông ngừng hoạt động và các nhà máy phải đóng cửa. Trung Quốc, với tư cách là trung tâm sản xuất của thế giới, có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra trên toàn cầu khi mà các khu vực sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc phải đóng cửa.

Các nhà kinh tế đang theo dõi chặt chẽ cách ĐCSTQ phản ứng với biến thể Omicron trong vài tuần tới.

Tết Nguyên Đán năm nay bắt đầu vào ngày 01/02 và Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 04/02 và sẽ kéo dài trong 3 tuần. Hai sự kiện lớn này sẽ thúc đẩy sự di chuyển đáng kể của người dân và hàng hóa. Nếu Covid bùng phát trong thời gian diễn ra các hoạt động này thì nhiều nơi ở Trung Quốc sẽ bị phong tỏa, tạo ra nhiều vấn đề phức tạp cho Bắc Kinh.

Đây là một vài trong số những rắc rối nhãn tiền mà ĐCSTQ phải đối mặt vào tháng 1. Và điều này không bao gồm các vấn đề vĩ mô như việc dự kiến tăng lãi suất ​​của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay sẽ ảnh hưởng đến các khoản đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, hoặc lạm phát toàn cầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm các sản phẩm của Trung Quốc.

Những thách thức kể trên xảy ra trong một năm có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với ĐCSTQ - cuộc cải tổ lãnh đạo, vấn đề Đài Loan và sự chống đối của các nước trước chương trình nghị sự của Bắc Kinh - sẽ tạo ra một năm đầy biến động cho nền kinh tế Trung Quốc.

Quan điểm trong bài viết là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Bà đã viết nhiều bài phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế trong một năm biến động về chính trị