Để đối phó với Nga, giới chính trị gia có thể khiến châu Âu nghèo hơn và suy thoái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phương Tây đang lên kế hoạch dừng hoàn toàn việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, động thái này sẽ là con dao hai lưỡi, bởi nó làm cuộc sống của nhiều người dân vô tội tại châu Phi, châu Á và cả chính châu Âu trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Giới chính trị gia châu Âu được cho là đang "làm điều gì đó" để phản đối Nga xâm lược Ukraine. Hầu hết các nước châu Âu đã lựa chọn một cách khôn ngoan rằng kích động xung đột quân sự với Nga - nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân - không phải là ý kiến ​​hay. Vì vậy, “làm điều gì đó” chủ yếu là các lệnh trừng phạt Moscow bằng cách ngừng mua dầu và khí đốt từ Nga, trong khi thực tế châu Âu rất cần nguồn năng lượng này.

Vấn đề là các lệnh trừng phạt kiểu này chỉ có tác dụng răn đe Nga trong ngắn hạn, ngoài ra thì chẳng có tác dụng gì đáng kể; vì dầu của Nga có thể chuyển hướng đến nhiều thị trường khác ngoài châu Âu. Rốt cuộc, hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đã từ chối tham gia vào các lệnh cấm vận và trừng phạt thương mại do Mỹ và châu Âu dẫn đầu; thay vào đó, họ chọn cách tiếp cận thận trọng, có tính toán hơn.

Trong khi đó, việc hạn chế các nguồn năng lượng chảy vào châu Âu lại đẩy chi phí sinh hoạt của người châu Âu lên cao đáng kể.

Châu Âu khó có thể sống tốt nếu cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng từ Nga

Châu Âu bất đắc dĩ mới phải ngừng mua dầu và khí đốt của Nga. Nguyên nhân là khu vực này ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, và các nguồn năng lượng tái tạo thì chưa thể trở nên đáng tin cậy. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Nước này sẽ đối mặt với "suy thoái kinh tế nghiêm trọng" nếu cắt nguồn cung khí đốt từ Nga. Đã có nhiều thảo luận xung quanh các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga; nhưng đã dừng lại khi bàn đến lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.

Vào tuần trước, Nghị viện châu Âu bắt đầu soạn thảo kế hoạch cấm vận hoàn toàn dầu khí của Nga. Tuy nhiên, ngay cả khi châu Âu chịu nhiều áp lực hơn để được coi là đang làm nhiều hơn trong việc gây trở ngại cho Moscow, thì các chính trị gia châu Âu vẫn muốn tiến hành một cách từ từ. Do đó, động thái này chỉ giúp Moscow có thêm thời gian để điều chỉnh hoạt động hậu cần nhằm chuyển dầu xuất khẩu sang các khu vực khác trên thế giới.

Nếu châu Âu ngay lập tức cấm hoàn toàn dầu của Nga, thì giá dầu ở châu Âu và các nước khác sẽ tăng vọt. Theo các nhà phân tích đến từ JP Morgan, một lệnh cấm vận toàn bộ và ngay lập tức sẽ làm chặn 4 triệu thùng dầu mỗi ngày, đưa dầu thô Brent lên mức 185 USD/thùng; bởi vì lệnh cấm như vậy sẽ khiến Nga không kịp chuyển hướng sang Trung Quốc, Ấn Độ, hoặc những thị trường thay thế tiềm năng khác.

Điều này sẽ gây ra suy thoái trên khắp các nền kinh tế của châu Âu, và các nhà hoạch định chính sách biết điều đó. Ví dụ, Hungary đã nhiều lần phản đối lệnh cấm vận đối với dầu của Nga vì lo ngại nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến những người Hungary phổ thông - những người vốn đã có mức sống thấp hơn công dân ở các nước giàu có như Đức và Pháp. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Pháp đã ‘lên lịch’ cho lệnh cấm vận là sau cuộc bầu cử ở Pháp năm nay.

Thậm chí trong dài hạn, thảm họa dầu mỏ đối với châu Âu sẽ không nhất thiết kết thúc, vì Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tuyên bố rằng họ không thể bơm đủ dầu để thay thế dầu của Nga.

Trong mọi trường hợp, châu Âu dường như không thể thuyết phục OPEC làm nhiều hơn để trừng phạt hoặc cô lập Nga trên thị trường dầu mỏ. Ảrập Xêút mới tuyên bố tăng cường hợp tác với Nga trong những tháng gần đây, và cuộc chiến Ukraine dường như không phải là chủ đề đáng quan tâm đối với OPEC.

Mọi phân tích ở trên không có nghĩa là các lệnh trừng phạt sẽ không thể làm Moscow tổn thương. Nga sẽ cần thời gian để đổi hướng thị trường dầu mỏ, phục vụ những khách hàng khác bên ngoài châu Âu; do vậy, doanh thu từ dầu của Nga sẽ giảm, ít nhất là trong ngắn hạn. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ đang khiến giới thương gia của Nga khó hoạt động hơn trên quy mô toàn cầu.

Mặc dù phương Tây tuyên bố rằng họ đang bảo vệ nền dân chủ và chống lại chủ nghĩa độc tài, nhưng có vẻ như những người hưởng lợi lớn nhất từ ​​các lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu mỏ của Nga là các chế độ độc tài nhất thế giới. Bắc Kinh đang vui vẻ đón lấy nguồn cung dầu và khí đốt giá rẻ từ Nga. Ngoài ra, nếu giá dầu được đẩy lên cao hơn, nó sẽ làm lợi cho một số nhà độc tài dầu mỏ trong các thành viên OPEC.

Trong khi đó, người dân châu Âu lại phải trả giá cao hơn cho năng lượng, cũng như hàng hóa và dịch vụ khác. Rủi ro về suy thoái kinh tế đang gia tăng nhanh chóng ở châu Âu.

Mỹ có khả năng giải cứu châu Âu hay không?

Như thường lệ, châu Âu đã tìm đến Mỹ để thảo luận. Chính quyền Biden tuyên bố rằng họ có thể gửi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Âu và thay thế phần lớn thị phần của Nga. Nhưng nó không đơn giản như vậy. Như tác giả David Blackmon đã viết trên Forbes: “Trong khi cam kết giúp Đức và các quốc gia châu Âu khác loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga là một mục tiêu cao cả, thì vấn đề là: Tổng thống Mỹ dường như đã không nói chuyện [với] ngành công nghiệp LNG của Mỹ về mục tiêu này trước khi ông ấy đưa ra cam kết”. Ví dụ, các Giám đốc điều hành tại Tellurian (công ty khí đốt tự nhiên có trụ sở chính tại Houston, Texas) rõ ràng đã rất ngạc nhiên trước tuyên bố của Tổng thống Biden.

Trong thời đại Covid-19, các chính trị gia chính phủ liên bang Mỹ chắc chắn đã quen với việc ‘gọi’ ra bất cứ thứ gì họ muốn thông qua in tiền. Nhưng trong thế giới thực, dầu và khí đốt (và các hàng hóa khác) vẫn cần được làm ra thông qua sản xuất thực tế. Ngoài ra, các ngành công nghiệp dầu khí ở Mỹ phần lớn thuộc quyền kiểm soát của tư nhân. Điều này có nghĩa là Tổng thống Joe Biden có thể hứa bất cứ điều gì ông ấy muốn; nhưng khu vực tư nhân sẽ không nhất thiết ưu tiên bán mọi thứ cho châu Âu.

Việc in tiền tại Mỹ không thể làm cho dầu và khí đốt xuất hiện một cách thần kỳ ở phía bên kia Đại Tây Dương.

Cuối cùng thì các biện pháp trừng phạt và cấm vận ‘điên cuồng’ mà phương Tây theo đuổi có thể không làm được gì nhiều ngoài việc nâng cao chi phí sinh hoạt cho chính người dân của họ. Tệ hơn nữa là tác dụng liên đới của những biện pháp này đối với các quốc gia nghèo hơn ở châu Phi và châu Á - những nước phụ thuộc vào nguồn cung ngũ cốc và dầu của Nga để tồn tại.

Nói tóm lại, những chính sách đang và chuẩn bị được thực thi sẽ khiến cuộc sống của nhiều người dân vô tội trên thế giới trở nên khó khăn hơn, trong khi khó có thể làm kết thúc cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng dường như đó là cái giá mà những chính trị gia giàu có như ông Biden và ông Emmanuel Macron sẵn sàng trả.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Ryan McMaken là biên tập viên của tờ Mises Wire và tờ The Austrian. Ông có bằng kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học Colorado, là nhà kinh tế học của Cơ quan Nhà ở Colorado từ năm 2009 đến 2014. Ông McMaken là tác giả của cuốn sách "Commie Cowboys: The Bourgeoisie and the Nation-State in the Western Genre".

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Để đối phó với Nga, giới chính trị gia có thể khiến châu Âu nghèo hơn và suy thoái