Lợi dụng Hoa Kỳ 'nội tình rối ren', đế quốc chủ nợ Trung Quốc bành trướng ở Châu Phi và tấn công ngoại giao Châu Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc thực sự đắc thế thượng phong nhờ hỗn loạn từ Covid-19 và giờ đây là với chính quyền Biden thân thiện hơn sẽ sớm kế nhiệm. Ngay trong những ngày đầu năm mới, Trung Quốc đã tiếp tục bành trướng đế quốc chủ nợ ở Châu Phi, tấn công ngoại giao Châu Á bằng rất nhiều dự án hạ tầng…

Ngay trước nhiệm kỳ của Joe Biden, Trung Quốc nỗ lực tái khởi và mở rộng Vành đai - Con đường (BRI) đầy tai tiếng tại Châu Phi, nơi đã khốn khổ vì Covid-19 và mắc kẹt trong nợ với Trung Quốc. Nhưng lúc này, nguồn tiền “sẵn” nhất mà Châu Phi có được sau khi kiệt quệ trong đại dịch lại chỉ có từ Trung Quốc mà thôi. Thêm vào đó, chiến thắng của Biden cũng khiến Trung Quốc thuận lợi hơn trong mở rộng mở rộng đế quốc chủ nợ của mình, cả hiện tại và tương lai.

Song song với chiến dịch mở rộng BRI tại Châu Phi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục chiến dịch tấn công ngoại giao vào thứ Hai (ngày 11/1_ với chuyến công du châu Á đầu tiên trong năm, bắt đầu bằng chuyến thăm chính thức tới Myanmar, trước dự kiến thay đổi chính sách ​​từ Washington đối với khu vực - dưới thời tổng thống đắc cử Joe Biden.

Tấn công ngoại giao Châu Á để đắc thế thượng phong

Ông Vương, người phục vụ trong nội các Quốc vụ viện Trung Quốc, vừa trở về từ một chuyến du lịch châu Phi sáu ngày, trong đó ông đã thăm 5 quốc gia và cam kết tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực từ y tế, nông nghiệp đến quân sự và cơ sở hạ tầng.

Chuyến công du mới nhất của ông trùng với thời điểm đếm ngược cuối cùng cho nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, khi Hoa Kỳ tiếp tục quay cuồng sau cơn bão tuần trước ở Điện Capitol, và chỉ vài ngày trước khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Đã có nhiều đồn đoán ở châu Á rằng Biden sẽ ưu tiên xây dựng lại mạng lưới liên minh trong khu vực để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Dưới thời chính quyền Trump, Washington và Bắc Kinh đã bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột địa chính trị gay gắt trên nhiều mặt - bao gồm Biển Đông và Đài Loan. Dù tuyên bố chống Trung và những gì ông Trump làm khiến quan hệ Mỹ - Trung không dễ quay đầu nhưng hiển nhiên Trung Quốc có quyền "thở phào" và gia tăng sự hung hăng của mình nếu ông Trump không thể tiếp tục nhiệm kỳ 2 như hiện nay.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhiệm vụ kéo dài 6 ngày của ông Vương tại khu vực sẽ bao gồm các chuyến thăm chính thức tới Indonesia, Brunei và Philippines, cũng như thủ đô Naypyidaw của Myanmar, nơi ông sẽ đến vào thứ Hai.

Trong khi Bắc Kinh không tiết lộ chi tiết về chuyến thăm của ông Vương, cổng thông tin Myanmar, The Irrawaddy, dẫn lời các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Myanmar, cho biết đây sẽ được coi là một động thái thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ do Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ lãnh đạo, chuẩn bị bắt tay vào nhiệm kỳ thứ hai của họ.

Trang tin cho biết ông Vương - ngoại trưởng đầu tiên đến thăm Myanmar kể từ cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 - cũng sẽ thúc đẩy Naypyidaw đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC), một phần trong tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong BRI tại nền kinh tế mới mở cửa đầy non trẻ và thiếu thốn nguồn lực này.

Trong chuyến thăm Myanmar của ông Tập vào tháng Giêng năm ngoái, hai bên đã ký 33 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận, thư trao đổi và nghị định thư, trong đó 13 văn bản liên quan đến cơ sở hạ tầng - đáng chú ý nhất là Đặc khu kinh tế Kyaukpyu dọc theo bờ biển Vịnh Bengal - một vị trí đắc địa về kinh tế, chính trị, quân sự - vốn rất được Bắc Kinh ưa thích khi giăng bẫy nợ.

Kể từ đó, đã có rất ít tiến triển rõ ràng, một phần do đại dịch Covid-19 và một phần do chính quyền địa phương cho biết các dự án chỉ được triển khai khi lợi ích kinh tế, xã hội của nó được xác minh phù hợp với kế hoạch phát triển của Myanmar.

Tuy nhiên, trong một bước đột phá, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ vào Chủ nhật (ngày 10/1) vừa qua, triển khai nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt nối Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar, với Kyaukpyu - thị trấn lớn của nó ở bang Rakhine, miền Tây nước này, theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Mianma.

Hôm Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết các lĩnh vực chính - bao gồm “thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và giải quyết đại dịch” - sẽ nằm trong chương trình nghị sự cho chuyến thăm hai ngày của ông Vương Nghị tới Manila vào thứ Sáu và thứ Bảy (ngày 8, 9/1).

Gửi đến châu Phi tín hiệu rằng BRI vẫn nhiệt liệt chào đón lục địa đen

Chuyến công du lục địa đen của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị thúc đẩy việc Botswana và Cộng hòa Dân chủ Congo tham gia dự án trị giá hàng tỷ USD. Bắc Kinh muốn sử dụng chuyến đi để báo hiệu rằng họ vẫn sẵn sàng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và hàn gắn lại các mối quan hệ căng thẳng. Chúng ta nên nhớ rằng, Trung Quốc thất bại trong việc thu nợ từ Châu Phi bởi Covid-19 và các dự án đầy tai tiếng của BRI tại đây khiến Châu Phi phẫn nộ.

Nhưng dường như, khả năng thu nợ hay hiệu quả kinh tế không phải là thứ mà Trung Quốc cần. Trung Quốc đã là nền kinh tế duy nhất hưởng lợi từ đại dịch suốt năm 2020, giờ đây nguồn tiền này và sự suy yếu của Mỹ sẽ giúp Trung Quốc bành trướng đế quốc chủ nợ của họ để đổi lấy lợi ích về địa chính trị và nô lệ nợ mới trên khắp toàn cầu.

Bước tiếp theo sẽ là xuất khẩu mô hình quản lý kinh tế - xã hội của Trung Quốc đến các quốc gia nô lệ nợ này. Đây chắc chắn là bước đi có tính toán mạch lạc trên con đường thống trị thế giới và soán ngôi Mỹ - một quốc gia đang vật lộn với các vấn đề chính trị rối ren của chính họ.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã sử dụng chuyến thăm châu Phi gần đây để báo hiệu rằng Bắc Kinh vẫn sẵn sàng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ BRI, mặc dù lo ngại rằng kế hoạch hàng tỷ USD này sẽ phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách.

Trong chuyến công du tuần trước, từ quần đảo Seychelles đến quốc gia đông dân nhất lục địa là Nigeria, ông Vương cũng truyền tải thông điệp rằng Trung Quốc sẵn sàng giúp thúc đẩy năng lực công nghiệp của châu Phi và mở rộng thương mại.

"Trung Quốc đã sẵn sàng để giúp châu Phi tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng, thương mại và tài chính", ông nói trong một cuộc họp ngắn tại Tanzania hôm thứ Sáu.

Ông cũng ra hiệu rằng Bắc Kinh sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác quân sự và an ninh với châu Phi và hướng tới giải quyết các xung đột chính trị, ông nói: “Trung Quốc sẵn sàng giúp châu Phi tăng cường năng lực gìn giữ hòa bình và chống khủng bố, trong nỗ lực chung nhằm xây dựng một châu Phi an toàn”.

Các nhà phân tích cho biết chuyến thăm cũng diễn ra ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Botswana nhằm củng cố ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc trên lục địa và sửa chữa mối quan hệ rạn nứt với một số nước.

Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết việc các ngoại trưởng Trung Quốc bắt đầu năm mới bằng chuyến công du đến châu Phi đã trở thành truyền thống. Năm nay, chuyến công du của ông Vương còn xoa dịu căng thẳng do lo ngại ngày càng tăng về nợ và sự phân biệt đối xử mà một số công dân châu Phi phải chịu khi lao động ở thành phố Quảng Châu - vào đỉnh điểm của đợt bùng phát Covid-19 vào năm ngoái.

Do nghi ngờ rằng sự tham gia kinh tế của Trung Quốc với châu Phi sẽ giảm đi, tôi không ngạc nhiên khi Trung Quốc muốn sử dụng chuyến đi này để tiếp tục can dự vào nền kinh tế Châu Phi, khẳng định sự can dự tích cực và lợi ích không thay đổi của Trung Quốc tại lục địa đen này”, Sun nói.

Dự án đường sắt nhẹ Abuja ở Nigeria được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc.  (Ảnh: Xinhua)
Dự án đường sắt nhẹ Abuja ở Nigeria được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc. ( Ảnh: Xinhua)

Ovigwe Eguegu, một nhà phân tích chính sách của công ty tư vấn Development Reimagined có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết Bắc Kinh muốn chứng tỏ rằng hợp tác Trung Quốc-châu Phi đã không bị chệch hướng bởi Covid-19.

Trong chuyến thăm tới Nigeria, một nhà nhập khẩu lớn các sản phẩm của Trung Quốc đã thảo luận về việc mua vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất và ký một biên bản ghi nhớ thành lập một ủy ban liên chính phủ để điều phối hợp tác trong nhiều vấn đề.

Hai nước cũng đang thảo luận về khả năng có đường bay thẳng giữa Nigeria và Trung Quốc.

Chuyến công du cũng dẫn đến việc cả Cộng hòa Dân chủ Congo và Botswana đồng ý tham gia BRI.

Đổi lại, Congo có các khoản vay không lãi suất trị giá 28 triệu USD đáo hạn vào năm 2020 sẽ được gia hạn và cũng nhận được 17 triệu USD hỗ trợ tài chính. Ông Vương cũng hứa rằng Bắc Kinh sẽ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, chủ yếu trong ngành năng lượng và khai thác của Congo, nơi các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 10 tỷ USD trong thập kỷ qua. Congo là nhà sản xuất coban lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng toàn cầu.

Nếu Trung Quốc ngừng cho vay, Châu Phi sẽ suy thoái tồi tệ hơn

Eguegu cho biết việc Congo và Botswana đăng ký BRI là “rất tốt cho động lực và cho thấy các nước châu Phi tin tưởng vào tiềm năng của sáng kiến ​​này. Với sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang được tiến hành, các hoạt động BRI có khả năng sẽ tiếp tục trở lại”.

Tim Zajontz, một thành viên nghiên cứu trong dự án Quản trị và Không gian châu Phi tại Đại học Edinburgh, cho biết đây là “một thành công ngoại giao đối với Bắc Kinh và phục vụ nỗ lực của Trung Quốc nhằm chống lại nhận thức ngày càng tăng của công chúng rằng sáng kiến ​​này có thể mất đà”.

Ông tiếp tục: “Với số lượng thành viên của BRI ở châu Phi hiện đã tăng lên ở 46 quốc gia, chính phủ Trung Quốc có thể duy trì một cách hợp lý câu chuyện của mình rằng họ đang chèo lái thành công một kỷ nguyên toàn cầu hóa mới”.

Nhưng đó không phải là thành công ngoại giao. Bởi sự “hỗ trợ kinh tế” của Trung Quốc với Châu Phi mà giờ đây Châu Phi không còn có thể rời khỏi Trung Quốc được nữa, bất chấp các hệ quả của bẫy nợ BRI mà lục địa đen đã và đang phải gánh chịu.

Châu Phi đã trở thành một trung tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh rót 148 tỷ USD vào lục địa này từ năm 2000 đến năm 2018, theo Sáng kiến ​​Nghiên cứu Châu Phi-Trung Quốc tại khoa nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins.

Nhưng một số quốc gia, bao gồm Cộng hòa Congo, Mozambique, Somalia, São Tomé và Príncipe, và Nam Sudan, đang lâm vào cảnh nợ nần, theo Ngân hàng Thế giới.

Công ty tư vấn Rhodium Group có trụ sở tại New York cho biết, ít nhất 18 quy trình của các quốc gia châu Phi đàm phán lại nợ với Trung Quốc đã diễn ra trong năm nay và 12 quốc gia vẫn đang đàm phán với Bắc Kinh về khoản vay Trung Quốc trị giá 28 tỷ USD vào cuối tháng 9/2020.

Đầu tháng này, Zambia đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch viêm phổi Vũ Hán - vỡ nợ với khoản hoàn trả 42,5 triệu USD - đối với một trong những Trái phiếu quốc tế có mệnh giá bằng đô-la Mỹ.

Lusaka đã yêu cầu những người nắm giữ trái phiếu trị giá 3 tỷ USD cho thời gian ân hạn 6 tháng, nhưng điều đó đã bị từ chối trong một cuộc họp vào ngày 13 tháng 11 tại Bắc Kinh, thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Bà Sun cho biết, mặc dù có sự đồng thuận là Trung Quốc sẽ cắt giảm cho vay đối với châu Phi trong bối cảnh khủng hoảng nợ, nhưng trong sáu tháng đầu năm, các hợp đồng mới ký của các nhà thầu Trung Quốc đã tăng 1/3.

Hơn nữa, bà cho biết năm tới sẽ là năm cuối cùng Trung Quốc hoàn thành các cam kết trị giá 60 tỷ USD tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi năm 2018.

Mark Bohlund, một nhà phân tích nghiên cứu tín dụng cấp cao tại công ty tư vấn REDD Intelligence, cho biết một số quốc gia con nợ đang phải vật lộn để trả các khoản vay BRI, sau khi giá dầu giảm mạnh vào cuối năm 2014.

Ông Bohlund kỳ vọng rằng phần lớn viện trợ tài chính cho châu Phi từ Trung Quốc trong tương lai sẽ là xóa nợ và một số hỗ trợ ngân sách hoặc dự án song phương để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác quan trọng trên lục địa này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trước cuộc gặp song phương trong Diễn đàn Vành đai và Con đường về Hợp tác Quốc tế tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 15/5/2017 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Etienne Oliveau / Pool / Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trước cuộc gặp song phương trong Diễn đàn Vành đai và Con đường về Hợp tác Quốc tế tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 15/5/2017 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Etienne Oliveau / Pool / Getty Images)

Tại Kenya, Ngân hàng Exim Trung Quốc đã yêu cầu thực hiện một nghiên cứu khả thi thương mại trước khi tài trợ cho việc xây dựng đường sắt vành đai và đường bộ để liên kết Naivasha - một thị trấn ở Thung lũng Rift Trung tâm, với Malaba trên biên giới với Uganda. Ngân hàng đã cho vay 4,7 tỷ USD để tài trợ cho các giai đoạn xây dựng từ thành phố ven biển Mombasa đến Nairobi rồi đến Naivasha.

Sau khi tiếp tục suy kiệt vì Covid-19, Châu Phi sẽ suy thoái mạnh hơn nếu Trung Quốc ngừng cho vay.

Trung Quốc không bao giờ muốn bỏ lỡ miếng mồi ngon Châu Phi

Các nước châu Phi đang thúc đẩy việc chuyển đổi hình thức sang đầu tư đối tác công tư (PPP), trong khi Bắc Kinh từ lâu chỉ thích mô hình cho vay giữa nhà nước với nhà nước. Tuy nhiên, các bên cho vay Trung Quốc đang trở nên quan tâm hơn đến các hình thức PPP.

Chuyên gia Bradley Parks (Mỹ) lại nêu ra một nhận định khác. Theo ông Parks, tình trạng dư thừa sắt, thép, xi măng, nhôm và dự trữ ngoại tệ dư thừa ở Trung Quốc là động lực chính khiến Bắc Kinh phải chuyển sang hình thức PPP.

Thời gian gần đây, được sự khuyến khích từ chính phủ, các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước bắt đầu đẩy mạnh PPP khi đầu tư vào các tuyến đường thu phí ở Mozambique và Uganda. Tại Nigeria, các ngân hàng Trung Quốc và Sinosure đang tài trợ cho một đường ống dẫn khí đốt trị giá 2,8 tỷ USD do các tập đoàn của các công ty Nigeria và Trung Quốc xây dựng.

"Các nhà chức trách ở Bắc Kinh hiểu rằng nếu các công ty này không tìm được người mua sản lượng dư thừa của họ, họ có nhiều khả năng bị vỡ nợ và đóng cửa các nhà máy của mình, do đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ có nguy cơ cao hơn rất nhiều", ông Parks chia sẻ.

Vì vậy, Trung Quốc vẫn còn “động lực” để tiếp tục các khoản vay dành cho châu Phi.

Lê Minh



BÀI CHỌN LỌC

Lợi dụng Hoa Kỳ 'nội tình rối ren', đế quốc chủ nợ Trung Quốc bành trướng ở Châu Phi và tấn công ngoại giao Châu Á