Dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp phá sản, đóng cửa trong 3 tháng đầu năm 2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân với hơn 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán tới hoạt động kinh doanh, cho thấy rằng nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời rằng họ có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí kinh doanh.

Dù không thể hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các doanh nghiệp vẫn phải “gánh” đủ loại chi phí, như chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các loại chi phí khác. Ngoài ra, gần 30% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát có thể tổn thất tới 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí có thể bị mất tới hơn 50% doanh thu.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, 2 tháng đầu năm có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh. Lượng doanh nghiệp giải thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22% đến 37,8%. Chỉ tính riêng Hà Nội đã có hơn 3.400 đơn vị, hộ kinh doanh giải thể, tạm nghỉ kinh kinh doanh.

Cục hàng không (Bộ Giao thông) ước tính, hàng không Việt Nam có thể thiệt hại đến 25 ngàn tỉ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ). Những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh là du lịch, giáo dục và những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động, đồng thời có nguồn nguyên liệu hay thị trường xuất khẩu phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với một số ngành kinh tế

Đối với ngành dệt may, số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 4,5 tỷ USD, giảm 1,7%. Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, ngành dệt may và da giày nhập khẩu 60,91% vải, 57,39% xơ sợi, 43,67% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc vào năm 2019. Đa số các doanh nghiệp này chỉ dự trữ nguyên liệu tới đầu tháng 3/2020, một số có thể đến đầu tháng 4/2020.

"Nhìn chung, các chuyên gia nhận định là các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành này cố gắng thì cũng chỉ chống đỡ được cho đến cuối tháng 3 hay nửa đầu tháng 4 năm nay, sau đó nếu tình hình không tiến triển tốt lên thì sẽ không đủ các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất, lúc đó việc đóng cửa từng phần hoặc toàn bộ nhà máy chỉ là vấn đề thời gian", Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Long nhận định.

Ngành chế biến gỗ, sản xuất giường tủ, bàn ghế chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu do hoạt động thương mại với Trung Quốc bị hạn chế. Cũng theo báo cáo của Cục Công nghiệp, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 60 - 70% tổng lượng dăm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đi, 67% tổng số giấy xuất khẩu. Do đó, khả năng các doanh nghiệp này tạm ngừng sản xuất là rất lớn, và còn có thể ảnh hưởng đến nhiều triệu lao động.

Đối với ngành nông nghiệp, thủy sản xuất khẩu: Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính ước đạt 2,5 tỷ USD, giảm 4,3%; thủy sản chỉ ước đạt hơn 930 triệu USD, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm 2019. Lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng vì phần lớn thị trường xuất khẩu là sang Trung Quốc, nay Trung Quốc đang tạm thời kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và dòng lưu chuyển hàng hóa nên thị trường này rơi vào khó khăn.

Đối với lĩnh vực giáo dục: Kiến nghị thư của tập thể giáo dục ngoài công lập ngày 3/3/2020 có nội dung như sau: “Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, bảo vệ, lao công sẽ mất việc. Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì sẽ có hàng nghìn giáo viên mất việc, hàng nghìn tỷ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn. Đấy là chưa kể sẽ có hàng nghìn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc. Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn”.

Đối với ngành vận tải, logistics: theo cơ sở số liệu thống kê, số lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa vào, rời cảng biển Việt Nam của quý I/2020 so với quý I/2019 giảm khoảng 15%, chủ yếu các tuyến từ Trung Quốc - Việt Nam. Riêng đối với tàu biển chở hành khách từ các quốc gia trên thế giới đến Việt Nam có số lượng hủy chuyến lớn, ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến tiếp tục hủy chuyến trong tháng 4/2020 do tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán.

Đối với ngành bán lẻ, dịch vụ ăn uống: Theo báo cáo của công ty chứng khoán Yuanta, tổng mức bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm 2020 chỉ tăng trưởng 8,3%, giảm so với mức 12,2% của năm 2019. Cộng thêm hàng chục ngàn hộ sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh (riêng Hà Nội 2 tháng đầu năm đã lên tới 3.000 ngàn hộ), chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Bất Động Sản (BĐS) cũng phải đối mặt với tình huống hết sức “nan giải”. Doanh thu sụt giảm lớn, trong khi chi phí duy trì hoạt động kinh doanh vẫn phải “đều đều” đang vắt kiệt sức doanh nghiệp. Một doanh nghiệp bất động sản có quy mô lớn có trụ sở ở Hà Nội ước tính mất khoảng 600 tỷ đồng trong 3 tháng, tính từ thời điểm đầu năm nay. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thì có tới khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động. Số sàn hoạt động tốt chỉ khoảng 150-200 sàn. Có khoảng 300 sàn phải đóng cửa do chủ đầu tư không mở bán sản phẩm vì lo ngại dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Đông, cho biết: “Nhưng với tình hình này, không ai dám ra đường chứ đừng nói đến việc đi mua BĐS. Ai cũng thủ tiền mặt, không dám đầu tư, chi tiêu nhiều vào lúc này, nhất là BĐS với đặc thù là vốn lớn. Khi nào hết dịch bệnh chúng tôi mới tính tới kế hoạch mở bán trở lại cho chắc ăn. Dự án không triển khai nhưng bộ máy vẫn phải nuôi, các chi phí mỗi tháng vẫn phải bỏ ra rất lớn”.

Trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, các doanh nghiệp gặp khó khăn lớn. Báo cáo vừa công bố của CBRE cho biết, lượng khách quốc tế sụt giảm, du lịch Châu Á lao đao. Số lượng khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nguồn khách chủ yếu của thị trường du lịch Việt Nam (chiếm đến 56% lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2019) sẽ giảm đi đáng kể do việc hạn chế các chuyến bay đến từ vùng dịch. Khách du lịch nội địa cũng sẽ tạm hoãn lại các kế hoạch du lịch (trong nước lẫn nước ngoài) của họ. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2020 giảm 37,7% so với tháng 1/2020 và giảm 21,8% so với cùng kỳ 2019. Ban cố vấn Du lịch Việt Nam dự đoán mức thất thoát doanh thu du lịch có thể từ 7 đến 15 tỷ USD.

“Thị trường khách sạn Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn trong quý 1/2020. Mặc dù hai tháng đầu năm được xem là mùa cao điểm của thị trường khách sạn”, CBRE cho biết.

Đối với ngành Vật liệu xây dựng (VLXD): Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong hội bị “tác động kép” của 2 yếu tố, thứ nhất do thị trường BĐS sụt giảm, ở một số phân khúc có tình trạng đóng băng dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư các dự án. Thứ hai là một số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng khi nguồn cung dừng đột ngột, dẫn đến thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất, từ đó làm tăng giá sản phẩm.

Giải pháp của doanh nghiệp và kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ

Giải pháp trước mắt mà nhiều doanh nghiệp thực hiện là cắt giảm lao động, gần 39% số doanh nghiệp được hỏi áp dụng biện pháp này. Điều này có thể giúp doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, cắt giảm phần nào chi phí lao động. Tuy nhiên, việc này để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế là có thể có hàng trăm nghìn người mất việc làm, gây bất ổn trong xã hội.

Tiến sĩ Phạm Long nhận định: "Cái mà chúng ta quan tâm hiện nay là khi nào COVID-19 sẽ chấm dứt, có thể là cuối quý 1 hay cuối quý 2 năm 2020, hay cũng có thể là lâu hơn. Thuật ngữ chúng ta dùng ở đây là ‘Hỗ trợ’ tạm thời trong ngắn hạn, với kỳ vọng dịch sẽ nhanh chóng được kiểm soát".

"Các hình thức hỗ trợ có thể là gia hạn nợ, giảm lãi suất, miễn lãi suất, điều chỉnh linh hoạt thời điểm thanh toán nợ hay lãi, khoanh nợ, giãn nợ, lùi thời gian nộp các khoản nghĩa vụ với ngân sách, giảm các khoản nộp, và phí để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.''

Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Cụ thể, dự thảo Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đã được bộ Tài chính hoàn thiện và trình Chính phủ thông qua. Bên cạnh đó, các Bộ, Ngành cũng đã đề xuất về việc miễn, giảm thuế, phí, giá, tiền thuê đất đối với các ngành chịu tác động tiêu cực như: vận tải hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, giáo dục.

Trong bối cảnh dịch bệnh ngày một căng thẳng, các hỗ trợ trên của Chính phủ không chỉ làm giảm khó khăn cho doanh nghiệp mà còn làm giảm căng thẳng và bất ổn cho hệ thống ngân hàng thương mại vốn không nhiều nội lực. Tuy nhiên, chừng nào dịch bệnh chưa kết thúc, chừng đó mọi hỗ trợ chính sách vẫn chưa thể khởi tác dụng với việc tăng trưởng kinh tế và đáp ứng việc làm như Chính phủ kỳ vọng.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp phá sản, đóng cửa trong 3 tháng đầu năm 2020