Điểm mặt gọi tên các thành viên thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quý độc giả sẽ có thể ngạc nhiên bởi danh sách dài dằng dặc các thành viên trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát. Các công ty nằm trong danh sách này đa phần đều là các doanh nghiệp nghìn tỷ, nắm giữ nhiều dự án bất động sản lớn và phát hành lượng trái phiếu khổng lồ. Vạn Thịnh Phát quả là một công ty gia đình tầm cỡ và bí ẩn khi đứng đằng sau hệ sinh thái khổng lồ như thế này.

Vạn Thịnh Phát: Công ty gia đình giàu có và bí ẩn

​​Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương, được xếp vào hàng những công ty gia đình giàu có và bí ẩn nhất Việt Nam. Thông tin về Vạn Thịnh Phát khá hạn chế do doanh nghiệp này chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trương Mỹ Lan thành lập Vạn Thịnh Phát vào năm 1992 với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Ban đầu, doanh nghiệp này chỉ hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn, sau này mới mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS). Năm 2007, Vạn Thịnh Phát tham gia thành lập Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Tại VTP Group Holdings, bà Lan sở hữu 80% cổ phần, tương đương lượng vốn góp trị giá 4.800 tỷ đồng.

Bắt tạm giam tỷ phú Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Điểm mặt gọi tên các thành viên thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan là người sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: Vạn Thịnh Phát)

Cũng trong năm 2007, CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Investment Group có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng, được thành lập. VTP Group Holdings góp hơn 5.200 tỷ đồng vào công ty mới này và là cổ đông chính sở hữu 41% cổ phần; cá nhân bà Trương Mỹ Lan góp 1.920 tỷ đồng, tương đương 15% cổ phần của VTP Investment Group.

Chỉ tính riêng tại 2 công ty trên, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng.

Các công ty liên kết khổng lồ với lượng trái phiếu khổng lồ

Điểm mặt các công ty có liên kết với Vạn Thịnh Phát, chúng ta dễ nhận thấy một đặc điểm: Họ đều là các doanh nghiệp nghìn tỷ, nắm giữ nhiều dự án lớn và phát hành lượng trái phiếu khổng lồ.

Đầu tiên là CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông. Đây là doanh nghiệp bị khởi tố (tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản) liên quan tới vụ việc bà Trương Mỹ Lan vừa mới bị bắt (Bà Trương Mỹ lan và đồng phạm đã bị cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng). Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh BĐS và quyền sử dụng đất. Tập đoàn Đầu tư An Đông hiện có 3 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị lên tới gần 25.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty là 9.000 tỷ đồng.

Cái tên nổi bật tiếp theo là CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng. Ông Lâm Khắc Vinh từng là Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật của công ty này. Ông Vinh là lãnh đạo chủ chốt của nhiều công ty BĐS như CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World, CTCP Phát triển Sunny World Homes, CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Sunny World, CTCP Sunny World Holdings, CTCP Vietnam Land Group, CTCP Đầu tư Trade Wind, CTCP VN Unique, CTCP Tập đoàn Diamond Capital, CTCP Phát triển và Quản lý Diamont Capital… Các pháp nhân này ít nhiều có mối liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Điểm mặt gọi tên các thành viên thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
Bản vẽ toàn cảnh Dự án Khu đô thị Saigon Peninsula, Quận 7, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula)

CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam: Vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng, thuộc sở hữu của ông Chu Nap Kee Eric – chồng bà Trương Mỹ Lan.

CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và BĐS Việt Nam (VIPD Group): Vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng. Tiền thân của VIPD Group - đơn vị mua lại tòa nhà Vincom Center A trên phố đi bộ Nguyễn Huệ từ Vingroup với giá gần 10.000 tỷ đồng, rồi sau đó đổi tên thành Union Square - là CTCP BĐS Phú Vinh. Vào cuối năm 2008, Phú Vinh do CTCP An Phú sở hữu tới 90% vốn góp. An Phú là công ty có liên quan tới ông chống bà Trương Mỹ Lan.

CTCP Phát triển Hạ tầng và BĐS Việt Nam (VIPD) với vốn điều lệ 11.000 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) có vốn đăng ký 3.845 tỷ đồng. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư siêu dự án Sài Gòn Bình An có quy mô lên đến 117 ha tại phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, TP. HCM. Đầu năm nay, SDI Corp đã công bố phát hành thành công 6.574,6 tỷ đồng trái phiếu.

CTCP Minerva: thành lập ngày 28/07/2015, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng; người đại diện pháp luật ban đầu là Tổng giám đốc Trương Lập Hưng (sinh năm 1986) - cháu của bà Trương Mỹ Lan. Bà Chu Duyệt Phấn (con gái bà Trương Mỹ Lan) cùng với người chị họ Trương Huệ Vân (vợ ca sĩ Thanh Bùi) đã thành lập Minerva. Bà Chu Duyệt Phấn nắm giữ 80% cổ phần. Công ty này đã chi 700 tỷ đồng mua căn biệt thự cổ 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu ở Quận 3 TPHCM.

Đế chế Vạn Thịnh Phát còn nắm giữ các các dự án BĐS tại Khu Nam Sài Gòn thông qua Công ty Đô thị Vệ tinh Jardin.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Sai Gon Investment Group) có vốn đăng ký 12.720 tỷ đồng cũng nằm trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

CTCP Bảo trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là công ty mới được thành lập từ 10/2020 của con gái bà Trương Mỹ Lan, là doanh nghiệp có số vốn điều lệ lên đến 8.800 tỷ đồng.

CTCP Bông Sen vào tháng 01/2022 vừa phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 4.800 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm. Đợt phát hành trái phiếu này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Bông Sen phát hành lô trái phiếu có giá trị 4.320 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng.

Điểm mặt gọi tên các thành viên thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
CTCP Bông Sen sở hữu 51% cổ phần tại CTCP Deaha - chủ sở hữu khách sạn Daewoo tại Hà Nội. (Ảnh: daewoohotel.com)

Ngoài CTCP Bông Sen, những công ty dưới đây cũng phát hành lượng lớn trái phiếu:

CTCP Đầu tư Phát triển Phú Châu: được tư vấn phát hành trái phiếu bởi CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI). TVSI cũng là đối tác phát hành trái phiếu của CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông.

CTCP Đầu tư Quang Thuận cũng là một công ty huy động lượng trái phiếu khổng lồ. Trong năm 2020, công ty này huy động được 9.450 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong danh sách các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất năm.

CTCP Thiết kế và Trang trí Nội thất Norah là doanh nghiệp có cổ đông là bà Trương Huệ Vân. Vào cuối năm 2018, công ty này đã hoàn tất thương vụ huy động 3.500 tỷ đồng phát hành trái phiếu.

Công ty Đầu tư và Phát triển Sunny World. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Sunny World là doanh nhân Truong Vicent Kinh (Trương Tôn Vinh) - nhân sự "quen mặt" trong hệ sinh thái doanh nghiệp của bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong khoảng cuối năm 2018, Sunny World đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng khối lượng 3.100 tỷ đồng.

Phía trên chỉ là những cái tên nổi bật được hé lộ trong hệ sinh thái khổng lồ của Vạn Thịnh Phát. Ngay mới đây, một doanh nghiệp khác đã chính thức được thừa nhận là đối tác của Vạn Thịnh Phát: Viva Land. Trên website của Vạn Thịnh Phát còn một đối tác khác là ​​CTCP Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor (WMC Group).

Công ty chứng khoán có liên quan

Điểm mặt gọi tên các thành viên thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Tân Việt, đột ngột qua đời khi mới 50 tuổi. (Ảnh: TVSI)

CTCP Chứng khoán Tân Việt cũng là công ty có liên quan tới Vạn Thịnh Phát. Mới đây, dư luận xôn xao khi Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên HĐQT độc lập SCB Nguyễn Tiến Thành qua đời đột ngột hưởng dương 50 tuổi. Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng - Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ngoài ra, trong danh sách đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan, có ông Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Điểm mặt gọi tên các thành viên thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát