Điều gì bất thường khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng đột biến tới 52%?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ đầu năm tới nay, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng đột biến tới 52% so với cùng kỳ năm 2020. Tính ra, mỗi ngày kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 280 triệu USD. Đây là mức tăng đột biến và cao nhất so với mức nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam vào Việt Nam. Điều gì khiến cho lượng hàng hóa này tăng bất thường như vậy?

Chỉ trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc đã lên đến gần 34 tỷ USD

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay là 33,93 tỷ USD, tăng tới 51.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 32.8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay.

Nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc với trị giá đạt 7,46 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,97 tỷ USD, tăng 61%. Các nhóm hàng hóa từ trước đến nay Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc, năm 2021 là năm đầu tiên thị trường Trung Quốc vươn lên đứng đầu.

Trong số hàng hóa nhập khẩu thì sắt thép có giá bán tăng đột biến nhất, Trung Quốc cũng dẫn đầu đưa vào thị trường Việt Nam 2,63 triệu tấn, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc cũng cung cấp nhóm nguyên phụ liệu nhiều nhất phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong các đối tác thương mại, Việt Nam thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc và Hàn Quốc. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc diễn ra gần 10 năm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng máy móc từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam với kim ngạch lớn và tăng nhanh chủ yếu là do giá rẻ. Ngoài ra, họ cũng cảnh báo rằng Việt Nam cần cẩn trọng với nguy cơ trở thành nơi “rửa” xuất xứ hàng hóa của Trung Quốc.

Điều gì bất thường?

Theo báo Tiền Phong, Trung Quốc từ trước đến nay vẫn là một trong những thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, số liệu về hàng hóa nhập khẩu phản ánh thực tế nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị vi tính, điện tử và phụ tùng tăng vọt. Điều này cho thấy, khu vực doanh nghiệp trong nước có nhiều dấu hiệu mở rộng đầu tư, nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị để đầu tư là chính. Bên cạnh đó là hoạt động lắp ráp, gia công cũng tăng mạnh. Rõ ràng có thể nhận định, khu vực doanh nghiệp trong nước đang gia tăng nhập khẩu máy móc sản xuất thời hậu COVID-19.

Trong số hàng hóa nhập khẩu thì sắt thép có giá bán tăng đột biến nhất, Trung Quốc cũng dẫn đầu đưa vào thị trường Việt Nam 2,63 triệu tấn, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020. . (Ảnh: moit.gov.vn)

“Dù nhập khẩu lớn nhưng xuất khẩu không được nhiều do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI tiếp tục xuất siêu, làm chủ cuộc chơi, doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu. Đây là 'mảng tối' trong bức tranh sáng của ngành Công Thương”, ông Thịnh cảnh báo.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng mặt hàng linh kiện doanh nghiệp Việt Nam nhập về là để lắp ráp rồi xuất khẩu. Nhập khẩu tăng có thể do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng, đồng thời xuất khẩu cũng tăng nên có nhu cầu nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu.

Ngoài những nguyên nhân trên thì một nghi vấn rất lớn là doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm “rửa” xuất xứ hàng hóa trước khi tái xuất khẩu. Trước đây, khi Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất cho các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm tránh thuế quan trong thương chiến, nhiều mặt hàng Trung Quốc được nhập khẩu mạnh vào Việt Nam. Hàng hóa từ Trung Quốc có thể đã chuyển hướng sang các thị trường khác như Việt Nam, nhằm tiêu thụ với giá rẻ, thậm chí gắn mác xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

“Mức độ trung chuyển và lách luật qua Việt Nam rất đáng kinh ngạc”, ông Tim Brightbill, một đối tác tại công ty luật Wiley Rein và cố vấn liên minh, cho biết (theo Reuters).

Cơ quan chức năng cũng khởi tố nhiều vụ án “rửa” xuất xứ hàng hóa như vậy. Tiêu biểu là trường hợp Mỹ dán nhãn Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ khi mặt hàng gỗ đã được “rửa” qua Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ:

Từ tháng 1/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cứng có xuất xứ từ Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và mức thuế chống trợ cấp là 22,98 - 194,9%. Vào thời điểm đó, tổng cộng nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc được cho là 1,12 tỷ USD. Chỉ sau 1 năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ván ép gỗ cứng của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm nhanh, còn 800 triệu USD năm 2018 và thậm chí xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019.

Ngay khi gỗ dán Trung Quốc bị áp thuế trừng phạt thương mại, ngành hàng này đã bị liệt vào ngành hàng tiềm ẩn nguy cơ cao nhất bị gian lận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam. Song song với xu hướng giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, nhập khẩu gỗ dán của Mỹ từ Việt Nam tăng mạnh. Dữ liệu của Mỹ cho thấy, nhập khẩu gỗ dán gỗ cứng của Mỹ từ Việt Nam đã tăng lên 238 triệu USD trong năm 2018, sau khi thuế áp lên nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực. Trong khi năm 2017, chỉ một năm trước đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam của Mỹ chỉ là 28 triệu USD, và sau đó tăng gấp đôi vào năm 2019 lên 468 triệu USD.

Theo số liệu Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cung cấp cho Bộ Công Thương, năm 2018 - ngay khi Trung Quốc bị áp thuế trừng phạt thương mại với gỗ dán, lượng gỗ dán xuất khẩu tới thị trường Mỹ đạt 320.000 m3, tăng gấp 5 lần so với năm 2017.

Trong khi đó, sản lượng gỗ dán của Việt Nam trong năm 2018 được Vifores cập nhật sơ bộ dựa trên tổng công suất 36 nhà máy đã báo cáo Hiệp hội là khoảng hơn 1,4 triệu m3, tăng hơn 500.000 m3 so với năm 2017. Nguyên nhân gia tăng sản lượng là do có 6 nhà máy mới được xây dựng và một số nhà máy mở rộng công suất thiết kế. Tuy nhiên, trên cơ sở những số liệu sản xuất, xuất khẩu gỗ dán, Vifores cũng đặt ra nghi vấn lượng xuất khẩu mặt hàng gỗ dán chênh lệch so với công suất thiết kế của ngành, có khoảng 500.000 m3 là do thương mại.

Một khi bị Mỹ trừng phạt thương mại vì tiếp tay cho Trung Quốc “rửa” xuất xứ hàng hóa, một mức thuế tương tự với mức thuế của Trung Quốc có thể sẽ được Mỹ áp dụng đối với các hàng hóa đến từ Việt Nam. Đây sẽ là một thảm họa đối với hoạt động xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây.

Tâm Chính



BÀI CHỌN LỌC

Điều gì bất thường khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng đột biến tới 52%?