Điều gì sẽ xảy ra nếu đồng USD mất giá?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ năm 2006 đến đầu năm 2008, đã có sự sụt giảm 15% về giá trị tính theo trọng số thương mại của đồng USD. Từ năm 2008 đến năm 2011, tỷ lệ này là 15%. Chỉ trong một năm qua, chỉ số DXY của đồng USD đã mất giá 6,65%. Khi đồng USD mất giá như hiện nay, thế giới được gì mất gì?

Đồng USD mất giá có thể khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ rẻ hơn đối với người nước ngoài nhập khẩu hàng hóa của nước này, cũng sẽ rẻ hơn cho những người không phải là công dân Hoa Kỳ đi nghỉ ở Mỹ. Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng giá cả hàng hóa nhập khẩu cao hơn.

  1. Thúc đẩy sự tăng trưởng sản xuất ở Mỹ

Đồng USD giảm giá sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu rẻ hơn sẽ dẫn đến nhu cầu đối với các loại hàng hóa xuất khẩu tăng lên, trong trường hợp đó, nếu cầu co giãn theo giá thì giá trị hàng xuất khẩu cũng sẽ tăng lên theo.

Tuy nhiên, phá giá thường chỉ làm tăng khả năng cạnh tranh tạm thời. Ngược lại, phá giá có thể gây ra áp lực lạm phát làm giảm khả năng cạnh tranh về lâu dài.

  1. Lạm phát

Sự sụt giảm giá trị của đồng USD có thể góp phần vào áp lực lạm phát. Đó là do:

  • Giá nhập khẩu tăng sẽ gây ra lạm phát nhập khẩu
  • Sự gia tăng tổng cầu do xuất khẩu rẻ hơn
  • Đồng USD giảm giá sẽ giúp các công ty có được sự cải thiện ‘dễ dàng’ về khả năng cạnh tranh, vì thế nó không khuyến khích các công ty cắt giảm chi phí. Nghĩa là, đồng USD giảm có thể gây hại cho khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trong dài hạn.
  1. Giảm nhập khẩu và chuyển sang tiêu thụ hàng hóa nội địa

Khi đồng USD mất giá, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với việc giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên và do đó, nhu cầu nhập khẩu cũng sẽ chậm lại. Điều này có thể khuyến khích người tiêu dùng Mỹ chuyển sang tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, các tập đoàn đa quốc gia có thể ngăn chặn việc tăng giá bằng cách giảm tỷ suất lợi nhuận, cắt giảm chi phí và hoạt động hiệu quả hơn. Ít nhất trong ngắn hạn, giá hàng nhập khẩu có thể không tăng quá nhiều đối với người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, điều này là có giới hạn; trong dài hạn, các công ty không thể liên tục cắt giảm tỷ suất lợi nhuận.

  1. Cải thiện tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ

Giả sử điều kiện Marshall Lerner (*) được thỏa mãn, tức là PEDx + PEDm> 1 - thì việc phá giá sẽ cải thiện tài khoản vãng lai và giảm thâm hụt tài khoản vãng lai.

Từ năm 2006 đến năm 2008, giá trị của đồng USD đã giảm đáng kể. Giai đoạn 2006-08 này cũng chứng kiến ​​sự cải thiện mạnh mẽ trong tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ. (Điều đáng chú ý là sự cải thiện còn do tăng trưởng thấp hơn và chi tiêu nhập khẩu ít hơn)

  1. Sự cải thiện tạm thời trong tăng trưởng kinh tế và việc làm ở Mỹ

Nhu cầu xuất khẩu tăng sẽ giúp tăng sản lượng và do đó sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Ngoài ra, hàng nhập khẩu đắt hơn sẽ làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Do đó, sự sụt giảm giá trị của đồng USD có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng - đặc biệt là nếu nền kinh tế còn dư thừa năng lực.

Tuy nhiên, nếu phá giá làm tăng lạm phát thì có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Nghĩa là, phá giá không làm tăng năng suất bền vững và vai trò thúc đẩy tăng trưởng của nó chỉ là ngắn hạn.

Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 18 tháng 3 năm 2020 tại thành phố New York. (Ảnh: Getty)
Nếu phá giá làm tăng lạm phát thì có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Nghĩa là, phá giá không làm tăng năng suất bền vững và vai trò thúc đẩy tăng trưởng của nó chỉ là ngắn hạn. (Ảnh: Getty)
  1. Tăng trưởng thấp hơn và giảm phát đối với các đối tác thương mại của Mỹ

Nếu đồng USD giảm giá, đồng EUR và JPY sẽ tăng giá. Điều này sẽ khiến lạm phát thấp đi ở EU, nguyên nhân là:

  • Hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn ( do nhiều mặt hàng thô được định giá bằng USD)
  • Tổng cầu sẽ thấp hơn hoặc tăng với tốc độ chậm hơn.
  • Các nhà sản xuất ở các nước này sẽ tăng cường các biện pháp cắt giảm chi phí. Do đó phá giá đồng tiền sẽ giúp giảm phát của EU. Điều này có thể gây ra suy thoái nhưng nhiều bằng chứng cũng cho thấy EU sẽ tăng trưởng mạnh hơn và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết việc cắt giảm lãi suất là không cần thiết, ít nhất là vào lúc này.
  1. Áp lực phá giá tiền tệ liên kết với đồng USD

Một số nước Mỹ Latinh và Châu Á như Thái Lan có tỷ giá hối đoái bán cố định so với đồng USD. Do đó, nếu đồng USD giảm thì giá trị đồng tiền của họ cũng giảm theo, điều này giúp xuất khẩu của họ tăng trưởng. Tuy nhiên, điều này cũng có thể góp phần gây ra lạm phát.

  1. Tác động đến Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Giá trị của đồng USD giảm so với đồng NDT sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh hơn và có thể dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Đây là mối đe dọa cho tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc và có thể dẫn đến thất nghiệp. Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đáp trả bằng cách mua tài sản bằng USD và cố gắng làm suy yếu đồng NDT của Trung Quốc.

Tuy nhiên, 7 hậu quả kể trên cũng không phải là cố định bởi vì nó còn phụ thuộc vào lý do tại sao đồng USD giảm giá.

Nếu đồng USD giảm do lạm phát cao hơn - thì Mỹ có thể không được hưởng lợi khi khả năng cạnh tranh của giá hàng hóa được cải thiện. Trong trường hợp này, sự sụt giảm giá trị của đồng USD là phản ánh sự yếu kém của nền kinh tế.

Nếu đồng USD giảm do việc cắt giảm lãi suất của Mỹ - thì đây có thể là một nguyên nhân kép khiến tổng cầu tăng. Lãi suất giảm thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và tỷ giá hối đoái thấp hơn thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu.

Tác động của phá giá phụ thuộc vào độ co giãn của cầu xuất khẩu và nhập khẩu. Nếu cầu không co giãn thì việc tăng giá hàng nhập khẩu có thể không làm giảm giá trị nhiều lắm. Nếu đúng như vậy, tác động của việc đồng USD mất giá sẽ được hạn chế.

Có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Về lý thuyết, phá giá có thể thúc đẩy tổng cầu ở Mỹ và làm giảm tăng trưởng ở các nước khác. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi giá nhà giảm hoặc chi tiêu tiêu dùng yếu, thì việc giảm giá trị của đồng USD có thể không đủ để ngăn chặn suy thoái kinh tế.

Đôi khi tác động của việc phá giá phải mất một thời gian mới được thể hiện ra rõ ràng. Trong ngắn hạn, cầu không co giãn đối với xuất khẩu và nhập khẩu và do đó có rất ít thay đổi về số lượng thương mại. Tuy nhiên, theo thời gian, khi công ty đàm phán lại các hợp đồng tương lai, họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi sự giảm giá dài hạn của đồng USD. Do đó, việc đồng USD giảm giá sẽ có ảnh hưởng rất lớn về lâu dài.

(*) Điều kiện Marshall-Lerner là điều kiện áp dụng cho hệ số co giãn giá của nhu cầu về hàng xuất và nhập khẩu. Điều kiện này phải được thỏa mãn nếu muốn thực hiện thành công chính sách phá giá hoặc tăng giá đồng tiền để loại trừ thâm hụt hay thặng dư cán cân thanh toán.

Bản chất

- Điều kiện Marshall-Lerner là một điều kiện quan trọng quyết định rằng sự sụt giảm của tỉ giá hối đoái sẽ làm cho cán cân thương mại cải thiện hay xấu đi. Điều kiện này được đề xuất bởi Alfred Marshall và Abba Lerner.

- Điều kiện Marshall-Lerner phát biểu rằng: Độ co giãn của cầu xuất khẩu và độ co giãn cầu nhập khẩu phải lớn hơn 1 để cán cân thương mại được cải thiện.

Nội dung của Điều kiện Marshall-Lerner

- Điều kiện để chính sách phá giá thành công là: Nhu cầu về hàng xuất khẩu và nhập khẩu phải co giãn đối với giá cả, tức hệ số co giãn của chúng phải lớn hơn 1.

+ Mức độ thành công của chính sách phá giá phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của lượng xuất nhập khẩu đối với những thay đổi giá cả do chính sách giá tạo ra. Nếu khối lượng xuất nhập khẩu tương đối co giãn đối với những thay đổi của giá cả, thì biện pháp phá giá sẽ thành công.

+ Sự gia tăng giá nhập khẩu làm cho lượng nhập khẩu giảm với mức độ lớn hơn và điều này làm giảm lượng ngoại tệ cần thiết để thanh toán cho hàng nhập khẩu; sự giảm giá xuất khẩu làm cho lượng xuất khẩu tăng với qui mô lớn hơn và điều này làm tăng lượng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu. Tác động tổng hợp của hai sự thay đổi này làm cho cán cân thanh toán được cải thiện.

- Ngược lại, nếu khối lượng nhập khẩu tương đối không co giãn đối với những thay đổi của giá cả (hệ số co giãn nhỏ hơn 1), chính sách phá giá sẽ thất bại.

Do giá nhập khẩu tăng với tỉ lệ cao hơn tốc độ giảm lượng nhập khẩu, nên lượng ngoại tệ cần thiết để thanh toán cho hàng nhập khẩu tăng, trong khi sự giảm sút của giá xuất khẩu làm giảm mức thu ngoại tệ từ xuất khẩu do tốc độ tăng xuất khẩu nhỏ hơn tốc độ giảm giá xuất khẩu.

- Một loạt các nhân tố khác cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của chính sách phá giá. Yếu tố quan trọng nhất cần lưu ý là tính cơ động của nguồn lực, tức khả năng di chuyển nguồn lực từ các ngành khác sang ngành sản xuất hàng xuất khẩu và thay thế nhập khẩu.

(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Marshall lerner condition, Breaking Down Finance)

Tâm Chính

Theo Economics Help



BÀI CHỌN LỌC

Điều gì sẽ xảy ra nếu đồng USD mất giá?