Điều kiện đủ để có một chính quyền lành mạnh: Sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nền kinh tế thị trường đầy đủ và sự can thiệp ở mức chi tiêu hợp lý của chính quyền chỉ là điều kiện cần để có một chính quyền lành mạnh. Tuy nhiên, mức độ sở hữu của chính quyền và bảo vệ quyền sở hữu của các thực thể kinh tế tham gia vào thị trường đúng cách mới là điều kiện đủ để đảm bảo có một chính quyền lành mạnh...

Chính quyền sở hữu càng ít tài sản của quốc gia, của cá nhân và của doanh nghiệp thì nền kinh tế vận hành càng hiệu quả

Kinh nghiệm thực tiễn về sự vận hành thất bại của chính quyền các nền kinh tế kế hoạch cho thấy: chính quyền càng gia tăng quyền sở hữu và phân phối thì nền kinh tế càng vận hành kém hiệu quả và ngược lại. Tại sao?

Bởi khi chính quyền ngày một sở hữu nhiều tài sản chung từ quốc gia, cá nhân và doanh nghiệp (thông qua quốc hữu hóa, thuế suất cao, kinh doanh nhà nước…) thì khi đó quyền lực phân phối lại tài sản, quyết định đầu tư, tái đầu tư,... thuộc về một nhóm người có quyền lực trong chính quyền. Nhóm người này đột nhiên nhận được quyền lực quyết định xin - cho với một khối tài sản lớn không phải tích tụ bằng sáng tạo và sức lao động qua thời gian, họ có thể nảy sinh các quyết định trái với quy luật cung - cầu của thị trường. Bản thân họ lại là người tạo ra chính sách kiểm soát và quản lý nền kinh tế nên họ sẽ tạo ra các chính sách hoặc lờ đi các yêu cầu về công khai và minh bạch để có thể tăng cường quyền lực can thiệp thị trường, can thiệp vào cơ chế xin - cho. Từ đó, tạo ra một chính quyền thiếu công khai, minh bạch; các quyết định phân bổ lại tài sản, đầu tư vì động cơ chính trị - xã hội, thậm chí là lợi ích nhóm sẽ làm méo mó quy luật của thị trường. Ngoài ra, xã hội có chế độ phúc lợi quá cao (như các quốc gia Châu Âu hiện nay) hoặc cơ chế xin - cho từ nhóm có đặc quyền tới nhóm thân hữu sẽ hình thành nên các nhóm dân cư ỷ lại vào chính sách, chế độ và lợi ích thân hữu thay vì nỗ lực học tập, làm việc…

Có những chính quyền lại tăng cường sở hữu tài sản thông qua thuế cao, thậm chí thông qua quốc hữu hóa (ví dụ gần đây là Venezuela), tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh bằng cách thiết lập hệ thống doanh nghiệp nhà nước do chính quyền sở hữu. Khi chính quyền vừa sở hữu, vừa quản lý (ra chính sách), vừa giám sát, khi đó rủi ro đạo đức là không tránh khỏi, tất yếu làm suy yếu chính quyền bởi các chính sách bất bình đẳng, không công khai, minh bạch. Do vậy, khi chính quyền sở hữu nhiều và tham gia vào can thiệp thị trường, không để thị trường vận hành theo đúng quy luật của nó, thì các hoạt động của chính quyền sẽ chèn lấn sang khu vực tư nhân, khiến khu vực tư nhân không thể hoạt động hiệu quả. Tổn thất với cả nền kinh tế - chính trị - xã hội trên mọi phương diện là vô cùng lớn.

Quyền sở hữu tài sản được công nhận, được bảo vệ bởi nền pháp trị công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cao

Các nền kinh tế dẫn dắt thế giới về đổi mới, sáng tạo công nghệ như Mỹ, Israel, Đức,... đều là các nền kinh tế có khuôn khổ pháp lý, chính sách bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư tốt nhất.

Khi quyền sở hữu với tài sản và sức lao động/sáng tạo của mình không được bảo vệ thích đáng, thì động lực tái đầu tư, động lực sáng tạo của cá nhân, doanh nghiệp và xã hội nói chung sẽ suy giảm mạnh. Từ đó, làm suy giảm năng suất lao động của nền kinh tế, suy giảm khả năng đổi mới, sáng tạo của các cá nhân nói riêng và nền kinh tế nói chung. Sâu xa mà nói, quyền sở hữu tài sản khi không được công nhận và bảo vệ thích đáng thì nguồn gốc “bất công” và “bất bình đẳng” xã hội sẽ xuất hiện và phát triển.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa qua, Mỹ dùng mọi biện pháp và chính sách để bảo vệ quyền tài sản về phát minh, sáng chế và công nghệ cho các doanh nghiệp Mỹ. Các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ đã không được bảo vệ thích đáng trong gần 2 thập kỷ vừa qua, bị xâm phạm bởi Trung Quốc dưới nhiều hình thức. Ở bình diện nền kinh tế thế giới, sự tham gia của Trung Quốc khiến kinh tế thị trường thế giới không còn là bàn tay vô hình, mà là hữu hình với sự can thiệp của Trung Quốc làm méo mó quy luật cung - cầu, ví dụ như vấn đề “Đất hiếm”, quy định về thương hiệu của Trung Quốc khiến nước này ngập tràn hàng giả, hàng nhái,... Hiển nhiên, thương chiến cũng là một bước đi bảo vệ quyền sở hữu cho cá nhân và doanh nghiệp Mỹ trước một Trung Quốc ngày càng tham lam và thiếu chuẩn mực.

Trà Nguyễn
Tổng hợp

Tài liệu tham khảo:
(1) www.businessdictionary.com;
(2) Adam Smith, Tìm hiểu bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations), 1776;
(3) John M. Keynes, General Theory on Employment, Interest and Money, 1936;
(4) Eatwell et al, Vấn đề của các nền kinh tế kế hoạch (Problems of the Planned Economy), Palgrave Macmillan UK, 1990.
(5) Index of Economic Freedom at https://www.heritage.org/index/



BÀI CHỌN LỌC

Điều kiện đủ để có một chính quyền lành mạnh: Sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu (Phần 2)