'Dính đòn' công ty Trung Quốc, doanh nghiệp chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới sụp đổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt lợn lớn nhất nước Mỹ, Maxwell Foods, đạt mức xuất khẩu kỷ lục trong thời gian đại dịch - đang trở thành tâm điểm chú ý trong ngành chăn nuôi. Maxwell Foods cáo buộc công ty có nguồn vốn Trung Quốc Smithfield dùng thủ đoạn dối trá, hạ giá heo để khiến Maxwell sụp đổ.

Những nguyên nhân nào khiến một trong những doanh nghiệp chế biến thịt lợn lớn nhất nước Mỹ phải rút lui khỏi thị trường, trong khi nhu cầu về thịt lợn toàn cầu đang ngày càng tăng nhanh đến chóng mặt? Điều này cho chúng ta biết gì về tình trạng của các trang trại chăn nuôi lợn hiện nay? Câu trả lời khởi nguồn từ nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ gần một nửa sản lượng thịt lợn trên toàn thế giới. Khi dịch tả lợn châu Phi phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 8/2018, để kiểm soát sự lây lan, hàng triệu con lợn đã bị tiêu hủy, dẫn đến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc bị sụt giảm nghiêm trọng. Từ năm 2018, đàn lợn đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ những năm 1990, làm giảm tốc độ tăng trưởng tới hàng thập kỷ.

Từ nguyên nhân này, thị trường Trung Quốc tạo nên sức hút khổng lồ, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn mỗi ngày mỗi tăng. Một kg thịt lợn có giá khoảng 3,30 USD tại thị trường bán buôn ở Mỹ, và có giá lên tới gần 7 USD ở Trung Quốc, khiến các nhà chế biến thịt lợn Mỹ thêm đà đẩy mạnh xuất khẩu.

Bùng nổ thịt lợn thời Covid-19

Các nhà chế biến thực phẩm Mỹ đã chớp lấy cơ hội và trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng thịt lợn xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc tăng 531% so với năm 2019, chiếm gần 1/3 sản lượng thịt lợn của Mỹ.

Nhiều người có thể thắc mắc, chẳng phải tình trạng khan hiếm thịt lợn bùng phát từ khi bắt đầu đại dịch, các nhà máy chế biến thịt phải đóng cửa vì công nhân bị nhiễm bệnh và nhiều đàn lợn bị tiêu hủy?

Lợn trong một trang trại lợn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 10 tháng 8 năm 2018... (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)
Lợn trong một trang trại lợn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 10 tháng 8 năm 2018... (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images)

Trên thực tế, mặc dù hoạt động chế biến lợn nội địa tại Mỹ giảm trong tháng 4/2020, nhưng tỷ lệ chế biến đã phục hồi trở lại và tăng nhanh chóng, đạt mức cao hơn so với tháng 6/2019. Điều đó một phần nhờ vào những động thái tích cực của ngành khi nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ.

Nhìn lại, rõ ràng là tình trạng thiếu thịt thực sự chưa bao giờ trở thành vấn đề. Chế biến thực phẩm chăn nuôi chỉ giảm khoảng 15% ngay trong thời kỳ cao điểm phải đóng cửa nhiều nhà máy. Và trên hết, có 661 triệu pound (300.000 tấn) sản phẩm thịt lợn được nhập kho tại Mỹ ngay khi bắt đầu đại dịch.

Người tiêu dùng có thể đã gặp phải tình trạng “hết hàng” ở các cửa hàng quy mô nhỏ và diễn ra ngắn hạn ở các địa điểm bán lẻ, đây có thể là yếu tố phản ánh khả năng duy trì hàng trên kệ hoặc khả năng tồn trữ của cửa hàng trước nhu cầu mua tăng cao.

Chuyện gì đã xảy ra với Maxwell?

The Circle - Smithfield, Carroll’s, Murphy Family Farms, Prestage và Maxwell Foods - bắt đầu họp vào năm 1994 để thảo luận về giá cả, xu hướng và các vấn đề khác mà ngành chăn nuôi phải đối mặt khi ngành này đang hướng tới gần như độc quyền.

Vào cuối năm 1999, Smithfield - thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc - đã mua lại Carroll’s và Murphy Family Farms, biến The Circle thành một kim tự tháp ngược: Smithfield ở trên cùng, củng cố gần như toàn bộ quyền lực trong ngành, còn Prestage và Maxwell thì đang nghiêng ngả ở phía dưới, cố gắng cạnh tranh.

Lý do vì sao Maxwell Foods, một trong những nhà chế biến thịt lợn lớn nhất ở Mỹ, đầu năm 2020 lại tuyên bố rằng họ sẽ rút khỏi lĩnh vực này vào nửa cuối năm 2021?

Cùng lúc đó, công ty cũng đệ đơn kiện, khẳng định sự sụp đổ của họ không phải do nguyên nhân tự nhiên, mà là kết quả trực tiếp từ hành động của Smithfield Foods - vừa là khách hàng quan trọng vừa là đối thủ cạnh tranh của Maxwell.

Maxwell Foods là công ty con của Goldboro Milling, là một trong những nhà chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới, lọt vào danh sách 31 nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất toàn cầu, sở hữu 100.000 con lợn nái sinh sản. Công ty còn ký hợp đồng với khoảng 120 trang trại chăn nuôi ở Bắc Carolina để cung cấp con giống.

Trong tuyên bố thông báo rút lui khỏi ngành chế biến thực phẩm vào nửa cuối năm 2021, công ty đã đưa ra nguyên nhân chính là do bị ép “giá thấp” liên tục, cùng ảnh hưởng của đại dịch khiến các khoản lỗ tài chính không ngừng gia tăng.

Công ty Smithfield Foods thậm chí còn lớn hơn cả Maxwell. Công ty do Tập đoàn WH của Trung Quốc sở hữu, đứng đầu danh sách các nhà sản xuất thịt lớn toàn cầu với 1,23 triệu con lợn nái sinh sản, sản xuất hơn 6 tỷ pound (hơn 2,7 triệu tấn) thịt lợn vào năm 2019. Công ty trị giá 16 tỷ USD và là khách hàng chính của Maxwell.

Công nhân Trung Quốc bận rộn chế biến thịt tại dây chuyền sản xuất thịt lợn lớn nhất Bắc Kinh tại Công ty Thực phẩm Pengcheng ở Bắc Kinh, ngày 12 tháng 11 năm 2007 (Ảnh: TEH ENG KOON / AFP qua Getty Images)
Công nhân Trung Quốc bận rộn chế biến thịt tại dây chuyền sản xuất thịt lợn lớn nhất Bắc Kinh tại Công ty Thực phẩm Pengcheng ở Bắc Kinh, ngày 12 tháng 11 năm 2007 (Ảnh: TEH ENG KOON / AFP qua Getty Images)

Theo đơn kiện, hai công ty đã ký một thỏa thuận vào năm 1994, rằng Smithfield sẽ mua tất cả thịt lợn của Maxwell được sản xuất tại Carolinas và Virginia. Là một phần của thỏa thuận, Smithfield đã trao cho Maxwell một loại quy chế “tối huệ quốc”, đồng ý áp dụng mở rộng cho Maxwell mức giá tốt nhất mà Maxwell so với bất kỳ đối tác nào khác của mình.

‘Dính đòn’ công ty Trung Quốc

Bản chất khó khăn của việc kinh doanh heo hơi của công ty đã được trình bày chi tiết trong một vụ kiện gần đây của Maxwell chống lại Smithfield tại Tòa án Thượng thẩm Quận Wayne. Maxwell cáo buộc rằng Smithfield không chỉ vi phạm hợp đồng khi từ chối mua một số lượng heo nhất định của mình mà còn cố tình nói dối về mức giá đã thỏa thuận.

Công ty Trung Quốc Smithfield còn "sẵn sàng đối đầu", tạo ra các chuỗi liên kết dọc để củng cố thị trường khiến Maxwell dễ bị tổn thương.

“Smithfield chiếm khoảng 25% tổng thị phần chế biến thịt lợn của trên nước Mỹ, điều này khiến Maxwell không còn sức mạnh thương lượng trong các giao dịch với Smithfield”, theo đơn kiện của Maxwell.

Maxwell công bố doanh thu của họ đã giảm mạnh kể từ năm 2016 và cũng kể từ đó, Maxwell đã phải bán thịt lợn với giá không ổn định cho Smithfield. Khi Maxwell liên tục yêu cầu đàm phán lại giá cả, Smithfield từ chối. Maxwell phát hiện rằng Smithfield đã chào giá tốt hơn cho các đối tác khác, vi phạm điều khoản định giá “tối huệ quốc” và đó là cơ sở của vụ kiện.

Lee Miller, một chuyên gia về luật nông nghiệp tại Đại học Duke, Mỹ, viết: “Maxwell, mặc dù xét theo bề dày lịch sử hình thành và phát triển là rất lớn - cũng không cạnh tranh nổi với công ty Trung Quốc Smithfield, trong cả lĩnh vực thị trường lẫn chính trị".

Ông Lee Miller nói, quyền sở hữu nước ngoài của Smithfield làm tăng thêm sự phức tạp, bởi vì một công ty lớn mạnh sẽ nhất định mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương. Nhưng giờ đây, Smithfield lại chuyển lợi nhuận cho các cổ đông nước ngoài.

Một bảng hiệu bên ngoài nhà máy chế biến thịt lợn Smithfield Foods ở Nam Dakota, ngày 21 tháng 4 năm 2020 tại Sioux Falls, Nam Dakota (Ảnh của KEREM YUCEL / AFP qua Getty Images)
Một bảng hiệu bên ngoài nhà máy chế biến thịt lợn Smithfield Foods ở Nam Dakota, ngày 21 tháng 4 năm 2020 tại Sioux Falls, Nam Dakota (Ảnh của KEREM YUCEL / AFP qua Getty Images)

Tháng 4/2020, Smithfield chỉ còn mua một nửa sản lượng thịt lợn của Maxwell. Maxwell đã thẳng thắn chỉ ra hành động của Smithfield: “Smithfield với mục đích rõ ràng là làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của Maxwell và với mục tiêu đẩy Maxwell ra khỏi hoạt động chăn nuôi và chế biến thịt lợn, để mang lại lợi ích cho các đối tượng Smithfield sở hữu".

Đáp lại, Smithfield cho rằng thật đáng tiếc khi Maxwell đã “khởi kiện chúng tôi trên cơ sở vấn đề thị trường do giá mua thấp, mà điều đó ngay cả chúng tôi cũng phải gánh chịu. Các cáo buộc của Maxwell Foods là không đúng sự thật, chúng tôi sẽ theo sát vụ kiện và đáp trả thích đáng”.

Maxwell - Smithfield, trận chiến của những ‘người khổng lồ’

Ngoài các cáo buộc riêng lẻ, đơn khiếu nại của Maxwell tiết lộ điều không được kiểm soát, đối với một công ty quyền lực như Smithfield, họ có thể nghiêng cái gọi là thị trường tự do theo hướng có lợi cho họ: Bắt đầu với cơ chế thiết lập toàn bộ giá lợn, nó ảnh hưởng đến các thỏa thuận thu mua với các nhà sản xuất lợn khác và khả năng kiếm được lợi nhuận của họ.

Smithfield sở hữu và vận hành hàng trăm trang trại của riêng mình. Và trong hợp đồng với các trang trại thuộc sở hữu cá nhân, Smithfield kiểm soát mọi khía cạnh của hoạt động - thức ăn, thuốc men, hệ thống chất thải, bãi phun và vận tải đường bộ. Các khía cạnh duy nhất của trang trại mà nó không sở hữu hoặc kiểm soát là lao động, các tòa nhà và đất đai.

Từ câu chuyện của Maxwell cho chúng ta biết điều gì về ngành chế biến thịt hộp hiện nay? Ít công ty và nhà máy hơn đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp của Mỹ ngày càng kém khả năng phục hồi, bị các thị trường nước ngoài chú ý nhiều hơn.

Chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn là những người tiêu dùng, người lao động và người đóng thuế.

Sự sụp đổ của Maxwell cho thấy một thực tế rằng sự vững chắc của lĩnh vực thịt hộp toàn cầu đang đi đến giai đoạn cuối. Bất chấp điều đó xảy ra, chúng ta cần vẽ lại một bức tranh tổng thể về hệ thống để tạo ra nhiều cơ hội phục hồi và bảo hộ những bên tham gia. Nhưng cho đến lúc đó, cuộc chiến của những người khổng lồ vẫn đang tiếp diễn.

Patrick Harris-Robinette, một chủ trang trại chăn nuôi ở Bắc Carolina, người sở hữu riêng cơ sở chế biến và tiếp thị sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, cho biết: “Những công ty Trung Quốc này đang khai thác tài nguyên của chúng tôi. Và một khi tài nguyên này sử dụng hết, họ sẽ chuyển sang quốc gia khác”.

May May

 



BÀI CHỌN LỌC

'Dính đòn' công ty Trung Quốc, doanh nghiệp chế biến thịt lợn lớn nhất thế giới sụp đổ