Đòn mới của Đài Loan giáng vào tham vọng bán dẫn của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà máy đúc chip lớn nhất thế giới, đã gia nhập Liên minh Bán dẫn Mỹ (SIAC), một động thái có thể khiến Trung Quốc khó đạt được sự độc lập về chất bán dẫn khỏi các công nghệ của Mỹ.

SIAC bao gồm 65 công ty lớn trong chuỗi giá trị chất bán dẫn, đã công bố thành lập vào thứ 11/5 vừa qua. Các thành viên của SIAC là những tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ như Apple, Microsoft, Google và Intel. Ngoài ra, họ cũng “kết nạp” một số đối thủ nặng ký của Châu Á và châu Âu như TSMC và MediaTek (Đài Loan), Samsung Electronics và SK Hynix (Hàn Quốc) và hay ASML (Hà Lan).

SIAC khẳng định sứ mệnh của tổ chức này “giúp thúc đẩy nền kinh tế, cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn ở Mỹ”. SIAC kêu gọi các nhà lãnh đạo Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ Đạo luật Chips for America, trong đó dự kiến Washington sẽ chi 50 tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của liên bang.

Mặc dù bề ngoài được tạo ra với mục đích vận động hành lang ở Mỹ, nhưng liên minh này cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực phát triển ngành công nghệ chip bán dẫn của Trung Quốc nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Tham vọng tự cung tự cấp chip của Trung Quốc “tiếp tục đối mặt với những khó khăn do Mỹ tăng cường các nỗ lực nhằm phục hồi, bảo vệ chuỗi giá trị và công nghệ bán dẫn”, ông Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation và là giảng viên tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.

Việc TSMC tăng cường đầu tư và tham gia xây dựng các nhà máy sản xuất chip 5 nanomet (nm) và thậm chí 3nm ở Mỹ có thể gia tăng áp lực lên Bắc Kinh vì có vẻ như TSMC sẽ không sản xuất chip tiên tiến tại Trung Quốc. “Điều đóL sẽ khiến nhiệm vụ thúc đẩy lĩnh vực chip trong nước của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn”, ông Capri nói.

TSMC đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Tháng trước, TSMC xác nhận sẽ đầu tư 2,9 tỷ USD để mở rộng nhà máy ở Nam Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà máy này sử dụng công nghệ chip 28nm, khá lạc hậu so với với công nghệ của nhà máy TSMC ở Arizona (Mỹ).

Một số nhà bình luận Trung Quốc đổ lỗi cho TSMC vì đã cố bán phá giá các sản đời cũ ở Trung Quốc. Trong khi đó, một số chuyên gia trong ngành cho biết kế hoạch mở rộng Nam Kinh của TSMC sẽ tốt cho Trung Quốc, vì nhu cầu về các công nghệ đã lỗi thời đang rất mạnh mẽ.

Chính phủ Trung Quốc đã cẩn thận không công khai chỉ trích TSMC, mặc dù nhà sản xuất chip này đã hợp tác với Washington trong việc áp đặt các hạn chế công nghệ đối với các công ty Trung Quốc, từ gã khổng lồ điện thoại di động Huawei Technologies Co đến Tianjin Phytium - nhà thiết kế chip cho siêu máy tính của Trung Quốc.

Ông Stewart Randall, người đứng đầu bộ phận điện tử và phần mềm nhúng tại công ty tư vấn Intralink, cho rằng việc TSMC tham gia vào liên minh chất bán dẫn của Mỹ là "hợp lý". "Trung Quốc hoàn toàn không làm được như thế này, họ không có khả năng tập hợp được một liên minh rộng rãi các công ty trên khắp thế giới", ông khẳng định.

Ông Randall nhận định rằng liên minh mới có thể giúp Mỹ và các đồng minh “duy trì vị thế dẫn đầu trước Trung Quốc”.

Trung Quốc đang cố gắng giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ ở hầu hết bước trong dây truyền sản xuất chip. Tuy vậy, cuộc chiến công nghệ của nước này với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đang cản trở bước tiến của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC).

Năm ngoái, chính quyền của ông Trump đã đưa SMIC vào dach sách thực thể, còn được biết đến là "danh sách đen", theo đó cấm công ty này tiếp cận với những công nghệ và máy móc cần thiết cho hoạt động của mình.

Ông Paul Triolo, người đứng đầu hoạt động công nghệ địa lý của hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhận định: "SMIC đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi bị chính quyền Mỹ đưa vào danh sách thực thể. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, họ không thể tiếp cận với những thiết bị tối tân cần thiết từ hãng ASML của Hà Lan".

ASML là công ty đứng sau thiết bị in thạch bản cực tím được sử dụng để sản xuất các loại chíp tiên tiến nhất hiện nay, bao gồm chip của TSMC và Samsung. Theo tin từ Reuters, năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã gây áp lực buộc chính phủ Hà Lan dừng việc bán thiết bị cho SMIC.

Ông Triolo cho rằng kể cả khi SMIC có thể tiếp cận được thiết bị của ASML, công ty này cũng sẽ phải mất nhiều năm để bắt đầu sản xuất được các loại chíp cao cấp với số lượng lớn. Tới khi đó, TSMC của Đài Loan sẽ vẫn duy trì vị trí thống trị thị trường.

Lê Minh

Theo SCMP

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Đòn mới của Đài Loan giáng vào tham vọng bán dẫn của Trung Quốc