Đồng CNY trên đà mất giá cao nhất trong lịch sử so với đồng USD

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng CNY đang trên đà mất giá lớn nhất tính theo năm so với USD. Việc chính quyền Mỹ tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong khi Trung Quốc tiếp tục nới lỏng sẽ khiến đồng tiền này suy yếu thêm. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.

Đà mất giá cao nhất của CNY so với USD

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (CNY) đang trên đà giảm giá cao nhất so với đồng USD trong lịch sử khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang theo đuổi những con đường khác nhau trong chính sách tiền tệ. Vào ngày 15/09, nó đã phá vỡ rào cản quan trọng về mặt tâm lý là 7 CNY đổi 1 USD.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã sẵn sàng tiếp tục các biện pháp thắt chặt để chống lạm phát. Chính điều đó đã tạo ra một cú hích cho đồng USD so với đồng EUR (bị kéo lùi bởi nền kinh tế EU vốn đang gặp khó khăn và cuộc chiến năng lượng sắp xảy ra với Nga) và đồng CNY.

Đối với đồng CNY, vốn đã giảm gần 9% từ đầu năm đến nay so với đồng USD, đồng tiền này đang trên con đường hướng tới sự mất giá trong năm lớn nhất so với đồng USD kể từ khi Trung Quốc nới lỏng việc neo đồng CNY theo đồng USD vào năm 2005.

Và khi Fed tiếp tục tăng lãi suất - chỉ số lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao dai dẳng - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dự kiến ​​sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của mình để giữ cho nền kinh tế đang gặp khó khăn có thể trụ vững. Điều đó sẽ khiến đồng CNY tiếp tục suy yếu.

Kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn nghiêm trọng

Đây là điều có thể được dự đoán trước. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị cho cuộc họp thường niên vào tháng 10, nơi ông chủ của chế độ Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ có được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo trên thực tế của Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc đã đi trên một con đường hoàn toàn khác so với nền kinh tế Mỹ được một thời gian.

Trong nhiều tháng nay, các nhà dự báo toàn cầu đã cắt giảm ước tính GDP của Trung Quốc. Bản thân Bắc Kinh đã thừa nhận rằng nước này khó có thể đạt được mục tiêu năm 2022 về tăng trưởng GDP chính thức 5,5%. Hầu hết các ngân hàng đã dự báo lại mức tăng trưởng trong khoảng từ 2% đến 3%.

Trung Quốc đã bị tổn thương bởi chính sách khắc nghiệt "zero-COVID" của Bắc Kinh. Chính sách này đã đóng cửa các trung tâm kinh tế trọng điểm là Thượng Hải và Thâm Quyến vào đầu năm nay và tiếp tục được áp đặt tại một số khu vực nhất định. Các điểm nóng COVID liên tục thay đổi, dẫn đến việc các cuộc xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa thất thường trên khắp cả nước.

Mùa hè năm nay, Trung Quốc phải vật lộn với hạn hán và các đợt nắng nóng, gây căng thẳng cho lưới điện của nước này, điều này cũng dẫn đến việc cắt giảm sản lượng của các nhà máy ở nhiều nơi trên cả nước.

Thất nghiệp là một nỗi lo chính. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị đã đạt mức 20% trong tháng 7, tiếp tục một xu hướng gia tăng đã trở nên khó thuyên giảm do tâm lý tiêu dùng và xu hướng chi tiêu yếu.

Thị trường bất động sản, với sự suy thoái sắp bước sang năm thứ ba, vẫn ở trong tình trạng ảm đạm. Lĩnh vực bất động sản chiếm tới một phần ba GDP của Trung Quốc. Nhưng nó là một con dao hai lưỡi, vì sự tăng trưởng trong quá khứ đã tạo ra bong bóng tài sản và nợ khổng lồ mà Bắc Kinh đang cố gắng kiềm chế. Cả giá bất động sản và doanh số bán nhà đều giảm.

Đồng CNY trên đà mất giá cao nhất trong lịch sử so với đồng USD
Các cần cẩu trên một công trường xây dựng tại một khu tài chính ở Thâm Quyến, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc ngày 12/07/2022. (Ảnh: JADE GAO / AFP qua Getty Images)

Tất cả đây đều không phải là thông tin mới. Nhưng độ dài và chiều sâu của cuộc suy thoái kinh tế Trung Quốc lần này có thể sẽ nghiêm trọng hơn những lần trước.

Nó đã trở thành một vấn đề quan trọng đến nỗi vào chính ngày 12/9, một ngày lễ chung ở Trung Quốc dành cho Tết Trung thu, Thủ tướng ĐCSTQ Lý Khắc Cường và cả bốn Phó thủ tướng đã đứng đầu một "cuộc họp khẩn cấp" để thảo luận về kinh tế, xem xét lại báo cáo nhóm về công việc, và suy nghĩ về các cách để ổn định sự rơi tự do của kinh tế Trung Quốc.

Đánh giá từ các cuộc thảo luận trong nước và trực tuyến, nhiều biện pháp kích thích kinh tế đang chờ đợi được áp dụng. Chúng có thể bao gồm các mục như chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng rộng rãi các hạn chế mua nhà. Biện pháp đầu sẽ tạm thời tạo ra công ăn việc làm, biện pháp sau sẽ trợ giúp khu vực bất động sản đang chùng xuống và tạo ra dòng tiền cho các nhà phát triển đang gặp khó khăn và các địa phương thiếu tiền mặt.

Đồng CNY trên đà mất giá cao nhất trong lịch sử so với đồng USD
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đến dự phiên bế mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/03/2022. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Ông Lý đã được ông Tập giao nhiệm vụ sửa chữa nền kinh tế, và việc thất bại trong nhiệm vụ này có thể là một cái cớ dễ dàng khiến ông bị loại khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị sau khi nhiệm kỳ Thủ tướng của ông kết thúc. Ông Tập gần đây đã nhận xét rằng Trung Quốc vẫn chưa “mạnh tay tăng thâm hụt tài khóa” để giúp đỡ nền kinh tế.

Có vẻ như Bắc Kinh có thể làm điều đó, một yếu tố khác góp phần vào sự suy giảm giá trị của đồng CNY.

Áp lực từ các nhà giao dịch ngoại hối và quỹ đầu cơ

Sự suy yếu hơn nữa của đồng tiền này giờ đây đã quá rõ ràng đến nỗi Bloomberg - một tổ chức vốn đánh giá tích cực về Trung Quốc từ lâu - gần đây đã xuất bản một bài viết nhấn mạnh rằng đặt cược dài hạn của quỹ đầu cơ Crescat Capital vào sự suy giảm của đồng tiền Trung Quốc cuối cùng có thể được đền đáp sau tám năm dài.

Tuy nhiên, Bloomberg đã nhanh chóng chỉ ra rằng hành động của quỹ đầu cơ vẫn nằm trong nhóm thiểu số, chỉ ra “các khoản tiết kiệm lớn của Trung Quốc, các khoản thanh toán thế chấp ban đầu cao và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với các ngân hàng” là những lý do chống lại một cuộc khủng hoảng tài chính nằm ngoài tầm kiểm soát.

Khi quan điểm từng thuộc về thiểu số này dần trở thành xu hướng chủ đạo một cách chắc chắn, đồng tiền của Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực nặng nề từ các nhà giao dịch ngoại hối và các quỹ đầu cơ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Fan Yu - The Epoch Times

Tác giả Fan Yu là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, đã có nhiều bài phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.



BÀI CHỌN LỌC

Đồng CNY trên đà mất giá cao nhất trong lịch sử so với đồng USD