Đồng nhân dân tệ rớt giá cũng khó mà trợ giúp xuất khẩu Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng nhân dân tệ (CNY) rớt giá khó có thể giúp được nhiều cho xuất khẩu Trung Quốc, khi mà sự thay đổi tỷ giá chỉ ảnh hưởng tới một phần nhỏ giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu. Dữ liệu lịch sử cũng khẳng định điều đó.

Dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc tiếp tục cho thấy một xu hướng suy giảm tổng thể, mặc dù đã xuất hiện một số sự phục hồi. Nền kinh tế trong nước, được thể hiện bằng nhu cầu nội địa (chi tiêu và đầu tư của tư nhân và chính phủ), vẫn còn yếu trong môi trường cắt giảm nợ. Một cách có thể để cải thiện tình hình là dựa vào nhu cầu bên ngoài, đó là xuất khẩu ròng. Thoạt nhìn, điều này có vẻ hợp lý vì thế giới bên ngoài đang ở trong tình trạng kinh tế tốt hơn nhiều so với Trung Quốc. Tuy nhiên, hiệu ứng sụt giảm theo chu kỳ toàn cầu có thể làm triệt tiêu khả năng này.

Cách thông thường để chống lại cơn gió ngược như vậy là "giảm giá;" nó có thể được thực hiện một cách chủ động bởi các nhà hoạch định chính sách hoặc tự động theo cơ chế thị trường. Một triển vọng xấu hơn ở phía trước sẽ dẫn đến giảm giá, có thể là giá hàng hóa, tài sản hoặc những thứ khác. Kết quả này do thị trường mang lại là tự nhiên nhất nhưng cũng khó kiểm soát được nhất. Để có cách tiếp cận tích cực hơn, các nhà hoạch định chính sách thường cắt giảm lãi suất hoặc giảm tỷ giá hối đoái để khôi phục khả năng cạnh tranh. Ở đây lãi suất ảnh hưởng đến giá của một khoản đầu tư, trong khi tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến giá xuất khẩu ròng.

Do cả lãi suất và tỷ giá hối đoái đều tác động cụ thể theo ngành, tác động của việc thay đổi của cả hai là khác nhau. Giảm lãi suất có lợi cho người đi vay trong khi gây tổn hại cho người gửi tiết kiệm (hoặc người cho vay). Điều này ảnh hưởng đến việc ai nắm giữ hoặc cho vay tiền theo thời gian. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái mất giá tác động không phải theo thời gian mà tác động xuyên biên giới: những đối tượng trong biên giới sẽ có lợi thế trong xuất khẩu nhưng sẽ bị bất lợi trong nhập khẩu. Trong khi những người bên ngoài biên giới sẽ thu được lợi nhuận bằng cách trả ít hơn cho hàng hóa.

Khi Trung Quốc đang trải qua các cuộc khủng hoảng nợ và nhà đất kéo dài, công cụ lãi suất sẽ không hiệu quả vì việc xóa nợ thường mất nhiều thời gian hơn thời gian có hiệu lực của việc cắt giảm lãi suất. Các ví dụ cổ điển tương tự là ở Nhật Bản sau năm 1990 và ở Mỹ sau năm 2007, nơi ngay cả mức lãi suất bằng 0 với hoạt động nới lỏng định lượng cũng không giúp ích được gì.

Tuy nhiên, việc giảm giá tỷ giá hối đoái có thể có ý nghĩa hơn (với sự tương phản rõ rệt về hoạt động kinh tế giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới), vì khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu sẽ được cải thiện.

Đồng CNY suy yếu không thể giúp được xuất khẩu

Đây là một lập luận truyền thống, nhưng hãy chờ đã. Giờ đây, chuỗi cung ứng toàn cầu trong quá trình sản xuất kéo dài đến mức các quốc gia có thể chỉ đóng góp một phần trong tổng giá trị hàng hóa với tỷ giá hối đoái thấp hơn. Ngoài ra, đối với một quốc gia nhập khẩu 100 USD nguyên liệu thô hoặc hàng bán thành phẩm và tăng thêm giá trị sau đó xuất khẩu với giá 110 USD, thì sự thay đổi tỷ giá hối đoái chỉ ảnh hưởng đến phần giá trị gia tăng 10 USD chứ không phải tổng xuất khẩu là 110 USD - Trung Quốc thuộc loại này. Đây là lý do tại sao việc giảm giá tỷ giá hối đoái có thể không hiệu quả như người ta nghĩ trong việc trợ giúp xuất khẩu cho Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ rớt giá cũng khó giúp xuất khẩu Trung Quốc
Biểu đồ: Tỷ giá hối đoái và xuất khẩu của Trung Quốc. Đường màu xanh: tỷ giá hối đoái thực hiệu dụng của Trung Quốc. Đường màu đỏ: tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc. (Ảnh: Law Ka-Chung)

Như biểu đồ kèm theo cho thấy, tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc di chuyển đồng bộ với tỷ giá hối đoái thực hiệu dụng của nước này. Điều này có nghĩa là một CNY rẻ hơn không thúc đẩy xuất khẩu. Thay vào đó, điều ngược lại được quan sát thấy - khi xuất khẩu bùng nổ, nó thúc đẩy dòng vốn chảy vào và tỷ giá hối đoái tăng giá.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Law Ka-Chung - The Epoch Times

Tác giả Law Ka-Chung là nhà bình luận về kinh tế vĩ mô và thị trường toàn cầu. Ông đã viết cho nhiều tờ báo và tạp chí; nói chuyện trên nhiều kênh truyền hình, đài phát thanh và cả trực tuyến về các vấn đề thị trường kể từ năm 2005. Các chủ đề của ông rất đa dạng: từ kinh tế vĩ mô đến triển vọng thị trường đối với chứng khoán, tiền tệ, tỷ giá, lợi tức và hàng hóa ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Ông Ka-chung có bằng Tiến sĩ Kinh tế, Thạc sĩ Toán học và Thạc sĩ Vật lý thiên văn. Email: [email protected]



BÀI CHỌN LỌC

Đồng nhân dân tệ rớt giá cũng khó mà trợ giúp xuất khẩu Trung Quốc