Dự án HSMC 20 tỷ USD thất bại: Báo hiệu ‘Chén thánh’ Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc chỉ là ‘lâu đài cát’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làm sao mọi người có thể điều hành một dự án lớn khi họ "không có nền tảng kỹ thuật, không có đội ngũ và không có năng lực kinh doanh'? Thất bại dự án Chip 20 tỷ USD của HSMC chỉ là phần nổi của tảng băng...

Từng là một dự án nổi tiếng trong danh sách của chính phủ Vũ Hán, dự án Wuhan Hongxin Semiconductor Manufacturing (HSMC) trị giá 20 tỷ USD đã bị đình trệ và lời hứa cung cấp chip 7 nanomet (nm) đầu tiên của Trung Quốc có thể không bao giờ xảy ra.

Truyền thông Trung Quốc cho biết HSMC chỉ là một trong số nhiều công ty khai thác “sự theo đuổi tuyệt vọng của chính phủ” đối với các công nghệ bán dẫn cây nhà lá vườn.

Các phóng viên của Thời báo An ninh Trung Quốc đã đến thăm công trường xây dựng của nhà máy HSMC ở quận Dongxihu Vũ Hán vào tháng trước, nhưng chỉ thấy rằng nơi này là một... nơi hoang vắng. Một số công nhân và nhân viên bảo vệ xác nhận rằng dự án đã bị tạm dừng kể từ khi virus Corona Vũ Hán bùng phát trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

HSMC chuyên nghiên cứu, phát triển và sản xuất wafer bán dẫn, đồng thời dự kiến ​​xây dựng dây chuyền sản xuất chip 14nm để có thể sản xuất 30.000 wafer mỗi tháng, và dây chuyền sản xuất chip 7nm với công suất tương tự, công ty cho biết trên trang web của mình.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết đầu tư 1,4 tỷ USD trong sáu năm đến năm 2025 để xây dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao từ mạng di động đến trí tuệ nhân tạo.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Bắc Kinh đang được thúc đẩy bởi kế hoạch trị giá hàng tỷ USD của chính phủ nhằm chống lại áp lực ngày càng tăng từ Mỹ. Điều đó đang thu hút các công ty “đổ xô” vào ngành này, kể cả những “tay nghiệp dư”.

Sự theo đuổi tuyệt vọng

Đầu tháng 7/2020, một bài báo của Wang Liyin - đại diện pháp lý của nhà thầu Wuhan Huanyu Foundation Engineering (Wuhan Huanyu) của HSMC, đã được một số kênh truyền thông xã hội đăng tải; với cáo buộc rằng HSMC gây thiệt hại lớn cho các nhà thầu, ngân hàng và nhân viên của HSMC.

Đồng thời, bài báo chất vấn việc HSMC kiểm soát khả năng của các cổ đông để điều hành một dự án lớn như vậy ở Vũ Hán, khi họ “không có nền tảng kỹ thuật, không có đội ngũ và không có năng lực kinh doanh”.

“Sau bốn vòng điều trần trước tòa trong năm ngoái, HSMC vẫn nợ Wuhan Huanyu 34 triệu NDT (5 triệu USD) tiền xây dựng. Các cổ đông của Wuhan Huanyu đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và công ty đang đứng trên bờ vực đổ vỡ”, Wang viết.

HSMC được sở hữu 90% bởi Beijing Guangliang, một công ty sản xuất vỏ do Li Xueyan và Cao Shan thành lập vào tháng 11 năm 2017 tại Bắc Kinh, Wang cho biết trong bài báo của mình.

Mặc dù Beijing Guangliang hứa sẽ rót vốn 1,8 tỷ NDT vào HSMC, nhưng cho đến nay có thông tin rằng họ vẫn “chưa đầu tư một xu nào”. Mặt khác, Tập đoàn Đầu tư Phát triển Công nghiệp thuộc sở hữu của chính quyền địa phương của Khu Phát triển Kinh tế Sân bay Vũ Hán, đã cung cấp 200 triệu NDT cho dự án.

Nguồn tài trợ của chính phủ nhanh chóng cạn kiệt trong quá trình xây dựng cơ sở ở giai đoạn đầu và HSMC đã phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ trong nửa cuối năm 2018, Wang cho biết trích dẫn nguồn từ Wuhan Torch.

HSMC thậm chí còn đi vay tiền từ Wuhan Torch để trả phí xây dựng. Wuhan Torch đã nhận được một số khoản vay, được cho là hơn 700 triệu NDT, từ các ngân hàng để giúp HSMC giải quyết những khó khăn về vốn.

Tài sản có giá trị duy nhất của HSMC, chiếc máy in thạch bản ASML được mua vào tháng 12 năm 2019 với giá 581,8 triệu NDT, đã được cầm cố cho một khoản vay chỉ một tháng sau đó, Wang viết.

Wang cũng đặt câu hỏi về khả năng nghiên cứu và phát triển của HSMC khi công ty này chỉ có 203 nhân viên toàn thời gian, theo báo cáo thường niên năm 2019, và trong đó chỉ có một phần nhỏ là nhân viên R&D. Để so sánh, SMIC có đội ngũ R&D là 2.530 người và TSMC là 5.000-6.000 người.

“Phải mất nhiều năm, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC mới đạt được quy trình 14nm. Do đó, mục tiêu 14nm là quá tham vọng đối với một công ty khởi nghiệp như HSMC”, ông Wang cho biết.

HSMC đã lên kế hoạch cho đợt thử nghiệm đầu tiên của chip 14nm vào nửa cuối năm nay và R&D trên công nghệ độc quyền 7nm sẽ bắt đầu vào năm nay.

Dự án trong danh sách A lại là ‘quả bom nổ chậm’

Bài báo của Wang không thu hút được sự chú ý của các phương tiện truyền thông chính thống, cho đến khi một báo cáo hoạt động kinh tế địa phương được công bố trên trang web của chính quyền quận Dongxihu Vũ Hán vào ngày 30 tháng 7, tiết lộ rằng dự án HSMC phải đối mặt với “rủi ro đình trệ bất cứ lúc nào".

Việc tiết lộ này đã gây ra tranh cãi lớn trong ngành, vì dự án HSMC đã nằm trong danh sách A của chính phủ cho các dự án chiến lược.

Tính đến tháng 4/2020, nó vẫn đứng đầu danh sách “Các dự án trọng điểm cấp thành phố đang được xây dựng cho năm 2020” do chính quyền Vũ Hán công bố.

Giám đốc điều hành Chiang Shang-yi của HSMC. Ảnh: Trang web HSMC
Giám đốc điều hành Chiang Shang-yi của HSMC. Ảnh: Trang web HSMC

Tạp chí Caixin trích dẫn báo cáo của chính quyền quận Dongxihu cho biết tổng vốn đầu tư dự kiến ​​cho dự án HSMC là 128 tỷ NDT, và vì các vấn đề chuyển nhượng đất ở Giai đoạn II, dự án không thể được đệ trình lên Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và không thể đảm bảo đầu tư từ quỹ bán dẫn quốc gia hoặc các quỹ khác.

Tạp chí này trích dẫn báo cáo: “Dự kiến ​​sẽ rất khó để xin tài trợ 112,3 tỷ NDT còn lại trong năm nay, và ước tính rằng hơn 10 tỷ NDT đã được chi cho dự án trong ba năm qua.

Chính quyền quận Wuhan Dongxihu sau đó đã xóa báo cáo khỏi trang web của mình.

Theo nền tảng báo cáo tín dụng kinh doanh của Trung Quốc Tianyancha, quyền sử dụng đất giai đoạn II trị giá 75,3 triệu NDT của HSMC đã bị tòa án thu giữ do đơn kiện của Wuhan Huanyu.

Cổ đông bí ẩn với các công ty 'xác sống'

Cổ đông kiểm soát của HSMC, Beijing Guangliang, do chủ tịch Li Xueyan sở hữu đa số.

Thông tin công khai cho thấy Li đã kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ sinh thái, bán lẻ, dịch vụ ăn uống, xây dựng vườn và bán thuốc cổ truyền Trung Quốc, nhưng không có kinh nghiệm về thiết bị bán dẫn.

Người đồng sáng lập khác là Cao Shan không còn trong hội đồng quản trị của Beijing Guangliang, nhưng dữ liệu trên Tianyancha cho thấy ông này đã đăng ký một công ty bán dẫn mới ở Chu Hải, đó là Công ty TNHH Công nghệ Tích hợp Yixin (Zhuhai Yixin), trước khi ông rời Beijing Guangliang.

Thông qua Zhuhai Yixin, Cao đã thành lập thêm hai liên doanh bán dẫn với các công ty nhà nước vào đầu năm 2018 tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông.

Có nghi vấn rằng kể từ năm 2017, Cao và một số người khác có thể đã sử dụng các thủ đoạn tương tự để thành lập các công ty “vỏ bọc”, và lấy một phần của quỹ bán dẫn quốc gia, trong khi chuyển rủi ro của họ cho chính quyền địa phương, tổ chức tài chính và nhà thầu xây dựng.

Làm chip giống như 'chơi bóng đá'

“Sự bùng nổ đầu tư trên toàn quốc vào sản xuất thiết bị bán dẫn hiện nay dựa trên logic là chỉ cần bạn mua thiết bị, sắp xếp nó và nhấn nút, mọi người đều có thể sản xuất thiết bị bán dẫn. Quan điểm này là sai. Nó có thể đúng với các ngành khác, nhưng chắc chắn là sai đối với sản xuất thiết bị bán dẫn”, He Lizhong và Wang Xueheng, các nhà phân tích ngành bán dẫn từ Guosen Securities, cho biết trong một bài bình luận về trường hợp của HSMC.

“Đó là bởi vì sản xuất thiết bị bán dẫn là một hệ thống lớn tích hợp nhiều hệ thống con như máy móc, kỹ thuật hóa học, phần mềm và vật liệu. Với mức độ tích hợp ngày càng tăng, độ khó của sản xuất thiết bị bán dẫn cũng tăng dần”, các chuyên gia cho biết.

“Chơi bóng bàn và chế tạo bom nguyên tử là những công nghệ dành cho một người chơi, còn chơi bóng và chế tạo thiết bị bán dẫn là những công nghệ tích hợp với nhiều người chơi. Đây là sự khác biệt cốt yếu”.

Công ty chứng khoán Guosen Securities tin rằng việc được SMIC mua lại sẽ là vận mệnh tốt nhất của HSMC.

Hệ thống trên một con chip hay lừa đảo trên một con chip?

Những gã khổng lồ công nghệ như Huawei, Lenovo và Xiaomi, Trung Quốc là nhà nhập khẩu chip lớn nhất thế giới, vượt 300 tỷ USD vào năm 2019, thậm chí còn lớn hơn cả nhập khẩu dầu. Nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu công nghệ chip.

Trong hai thập kỷ qua, chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn cây nhà lá vườn. Báo chí Đài Loan năm ngoái đưa tin rằng các công ty Trung Quốc đại lục đã thuê hơn 3.000 chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực bán dẫn từ Đài Loan kể từ năm 2015 và một số giám đốc điều hành cấp cao nhận mức lương gấp đôi so với Đài Loan.

Vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập một quỹ bán dẫn quốc gia mới trị giá 204,2 tỷ NDT để nuôi dưỡng ngành công nghiệp chip trong nước và thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ.

Ngành kinh doanh thiết bị bán dẫn đã trở thành “chén thánh” cho các nhà đầu tư. Có những câu chuyện tương tự như HSMC từ các khu vực khác của Trung Quốc, một số trong đó không phát triển như Vũ Hán.

Năm ngoái, Dehuai Semiconductor ở Hoài An, tỉnh Giang Tô đã vỡ nợ một số tiền lớn, liên quan đến các khoản lương nhân viên, các khoản vay nhà cung cấp và các khoản vay chung. Công ty này đã phải đối mặt với 10 vụ kiện. Tính đến cuối năm 2019, dự án Dehuai đã nhận được 4,6 tỷ NDT trong quỹ đầu tư, nhưng còn nợ hơn 100 triệu NDT.

Vào tháng 7 năm nay, Dekema, một nhà sản xuất chip có trụ sở tại Nam Kinh được chính quyền địa phương hậu thuẫn, tuyên bố phá sản vì "khó khăn tài chính" trong việc huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư.

Công ty Nam Kinh trước đây đã nhận được 3 tỷ USD từ các nhà đầu tư bao gồm chính quyền thành phố Nam Kinh. Được thành lập vào năm 2016, công ty cho biết họ sẽ “lấp đầy chỗ trống trong sản xuất chip CIS của Trung Quốc”. Chip CIS là một thành phần quan trọng được sử dụng rộng rãi trong máy quét cầm tay và máy đọc mã vạch.

Sau khi tuyên bố phá sản, truyền thông địa phương phát hiện ra rằng trụ sở chính của công ty bao gồm hai tòa nhà chưa hoàn thiện và nó không sản xuất một tấm wafer nào.

Trong một vụ án khét tiếng hơn vào năm 2006, Chen Jin, hiệu trưởng Khoa Vi điện tử của Đại học Giao thông Thượng Hải - một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc, đã bị sa thải sau khi một cuộc điều tra của chính phủ xác định rằng ông này đã làm giả loạt bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số (DSP) Hanxin. DSP là một loại bộ xử lý được sử dụng trong điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.

Chen đã dán nhãn lại một số chip do Freescale Semiconductor, nhà cung cấp cho Motorola và Cisco, thiết kế và chuyển chúng thành phiên bản đầu tiên của chip Hanxin.

Dựa trên thành công của chip Hanxin, Chen đã nộp đơn cho hàng chục dự án khác và nhận được hàng trăm triệu NDT tài trợ nghiên cứu, hầu hết được chuyển vào tài khoản ngân hàng nước ngoài của ông ta ở Mỹ.

Tất cả những điều này là dấu hiệu cho thấy "chén thánh" công nghiệp bán dẫn Trung Quốc chỉ là "lâu đài cát" mà thôi.

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

Dự án HSMC 20 tỷ USD thất bại: Báo hiệu ‘Chén thánh’ Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc chỉ là ‘lâu đài cát’