Dự án năng lượng ‘xanh’ Hami Xuanli ở Tân Cương hóa ra lại xả thải gây ô nhiễm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty TNHH Điện lực Thượng Hải có kế hoạch chấm dứt một dự án được cho là cung cấp năng lượng “xanh” ở vùng Tân Cương, Trung Quốc. Thay vì bảo vệ môi trường, dự án “xanh” này đã xả lượng lớn nước thải ô nhiễm ra khu vực xung quanh.

Trong đơn gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải ngày 28/12, công ty Điện lực Thượng Hải cho biết do sự cố của hệ thống lọc khí thải, dự án Điện khí Hami Xuanli đã xả một lượng đáng kể nước thải có chứa phenol (hay axit carbolic) ra môi trường.

Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước này thông báo họ đã quyết định đóng cửa dự án và xử lý các thiết bị hỏng hóc.

Điện khí Hami Xuanli được khởi công với mục đích “tận dụng khí thải từ nhựa than đá trong Khu công nghiệp, sau đó thông qua các tua bin khí và hơi nước để tạo ra điện”, theo lời giới thiệu vào năm 2014 về dự án.

Đại diện Hami Xuanli cho biết sau khi kiểm tra thực địa vào năm 2021, một nhóm chuyên gia bên ngoài đã kết luận rằng các thiết bị lọc cần được cải tạo quy mô lớn để đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, họ cũng nói rằng “việc ấy rất tốn kém, trong khi không chắc chắn về mặt hiệu quả”.

Theo hồ sơ chứng khoán, các khoản lỗ của Hami Xuanli sẽ khiến Điện lực Thượng Hải phải trả 91 triệu USD dự phòng tổn thất. Ngoài ra, giá trị tài sản của Hami Xuanli đã giảm đến 47 triệu USD. Giá trị tài sản của một công ty con khác của Điện lực Thượng Hải, nhà máy điện tuabin khí Luojing, cũng giảm đến 44 triệu USD.

Cổ phiếu của Điện lực Thượng Hải đã giảm mạnh vào ngày 29/12, ngày giao dịch cuối cùng của năm 2021.

Trung Quốc là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới. Bắc Kinh nói rằng lượng khí thải carbon của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2030; sau đó bắt đầu giảm dần, với mục tiêu đạt được mức trung tính carbon (trạng thái không phát thải carbon dioxide) vào năm 2060. Bắc Kinh đã lập luận rằng Trung Quốc vẫn còn là một nền kinh tế đang phát triển và không nên tuân theo các tiêu chuẩn tương tự như các nước phát triển trong vấn đề cắt giảm khí thải carbon.

Dự án Điện khí Hami Xuanli đã được phê duyệt vào năm 2014 bởi Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC). XPCC là một tổ chức kinh tế bán quân sự thuộc sở hữu nhà nước duy nhất trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt tổ chức này vào năm 2020 vì vi phạm nhân quyền.

Vào ngày 23/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành đạo luật cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ khu vực Tân Cương vì lo ngại lao động cưỡng bức.

Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ là một phần trong phản ứng của Mỹ trước việc Trung Quốc bức hại người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, điều mà Washington gọi là tội diệt chủng.

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Dự án năng lượng ‘xanh’ Hami Xuanli ở Tân Cương hóa ra lại xả thải gây ô nhiễm