Dự án ‘vàng' Cây cầu trên đất liền của Thái Lan có thoát khỏi ‘mắt sói’ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức Thái Lan cho biết họ đang tiến hành một kế hoạch táo bạo để xây dựng một "cây cầu trên bộ" qua bán đảo phía nam của đất nước - có thể làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển và tình hình địa chính trị của khu vực kinh tế năng động nhất thế giới này.

Khối lượng lớn dầu và các chuyến hàng hóa khác giữa Trung Đông và châu Á hiện đi qua eo biển Malacca hẹp, tắc nghẽn, nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Giờ đây, các quan chức Thái Lan muốn xây dựng một tuyến đường bộ ngắn nối biển Andaman với Vịnh Thái Lan.

Ý tưởng "cây cầu trên đất liền" với một bên là đường sắt và một bên là đường cao tốc - rõ ràng đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Saksayam Chidchob cho biết: “Cổng giao thông và trao đổi hàng hóa trong tương lai này sẽ giảm chi phí vận tải bằng cách bỏ qua giao thông đông đúc ở eo biển Malacca” .

Trong một khu vực chiến lược như vậy, Trung Quốc đã “nhắm đến” dự án này.

Thái Lan dè chừng, Trung Quốc ‘nhăm nhe’

“Nếu được xây dựng với sự giúp đỡ của Trung Quốc, cây cầu trên bộ có thể nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), kết nối với các tuyến đường sắt do Trung Quốc hậu thuẫn và giúp Bắc Kinh bớt phụ thuộc vào eo biển Malacca hơn”, ấn phẩm ASEAN Today có trụ sở tại Singapore cho biết.

Nhưng Thái Lan đã nói rõ rằng mặc dù họ “rất vui” khi xây dựng được mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, nước này không muốn bị coi là nể nang trước ảnh hưởng của nước ngoài.

“Thái Lan có thể sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều đối tác trong khu vực”, chính phủ nước này tuyên bố.

Trung Quốc đã mở rộng hệ thống đường sắt của họ qua Lào - về phía Bangkok - dọc theo Vịnh Thái Lan.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu bên cạnh Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha trong cuộc họp báo tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok vào ngày 5 tháng 11 năm 2019 (Ảnh của RUNGROJ YONGRIT / POOL / AFP qua Getty Images)
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu bên cạnh Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha trong cuộc họp báo tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok vào ngày 5 tháng 11 năm 2019 (Ảnh của RUNGROJ YONGRIT / POOL / AFP qua Getty Images)

Cây cầu trên bộ sẽ mang đến cho Trung Quốc một con đường nhanh hơn nhiều để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đến và đi từ biển Andaman - giúp cải thiện khả năng tiếp cận các vùng biển mà Ấn Độ coi là quan trọng đối với bờ biển phía đông dài của mình. Nó cũng sẽ giải quyết những lo ngại của Trung Quốc trong thời gian khủng hoảng khi eo biển Malacca bị phong tỏa.

Nếu eo biển Malacca trở thành một rào cản do Mỹ thống trị đối với các chuyến hàng dầu, Trung Quốc cho rằng họ vẫn có thể sử dụng cây cầu trên bộ vì Bangkok muốn duy trì quan hệ tốt với cả Bắc Kinh và Washington.

Lợi ích kinh tế

Các quan chức Thái Lan đang nhấn mạnh lợi ích kinh tế của dự án này. Họ nói rằng cây cầu trên bộ sẽ đặc biệt hiệu quả trong việc giúp vận chuyển dầu từ eo biển Hormuz đến các thị trường “đói năng lượng” ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Xe lửa Thái Lan có nhà ga tại Chumphon, nằm trên Vịnh Thái Lan. Bán đảo phía nam “mảnh mai” của Thái Lan có các cảng ở hai bên, tại Ranong và Chumphon, nhưng sẽ cần nâng cấp đáng kể và tốn kém.

Sử dụng kết nối này, các tàu đến từ Trung Đông có thể dỡ hàng tại cảng Ranong phía tây nam của Thái Lan trên Biển Andaman - gần biên giới đông nam của Myanmar. Cây cầu trên bộ sẽ giúp vận chuyển các container hàng hóa về phía bắc dọc theo bờ biển Andaman.

Tiếp tục đi thẳng vào cảng Chumphon trên bờ biển phía đông nam của Thái Lan, hàng hóa sẽ được bốc dỡ tại Vịnh Thái Lan - nơi đã thu hút hàng hải quốc tế trong nhiều thế kỷ.

Sau đó, hàng hóa sẽ được chất lại lên các con tàu trong vịnh đi về phía đông bắc đến các thị trường Đông Á. Hàng hóa từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể theo hướng ngược chiều đến các thị trường Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu.

Một số tàu tránh eo biển Malacca và chọn một con đường dài hơn, ít đông đúc hơn bằng cách đi về phía nam của đường xích đạo, qua các bãi biển phía nam của quần đảo Indonesia.

Chính phủ Thái Lan và hệ thống đường sắt quốc gia đã chi khoảng 10 triệu USD trong năm qua cho các nghiên cứu khả thi đối với cây cầu trên bộ này. Ông Saksayam nói với Bangkok Post: “Vị trí của dự án cây cầu đất liền - một sự thuận tiện để vận chuyển hàng hóa từ Trung Đông đến khu vực Thái Bình Dương - sẽ được quyết định vào tháng 6/2021”.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha chào đón những người tham gia một cuộc diễn tập huấn quản lý thảm họa tại một căn cứ quân sự ở Lopburi vào ngày 14 tháng 2 năm 2019. (Ảnh của Jewel SAMAD / AFP qua Getty Images)
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha chào đón những người tham gia một cuộc diễn tập huấn quản lý thảm họa tại một căn cứ quân sự ở Lopburi vào ngày 14 tháng 2 năm 2019. (Ảnh của Jewel SAMAD / AFP qua Getty Images)

Nếu dự án được "bật đèn xanh", thì nó sẽ hủy diệt giấc mơ hàng chục năm qua về việc đào một “Kênh đào Kra” - phiên bản kênh đào Panama của Thái Lan - trên một tuyến đường tương tự qua eo đất Kra, nối Ranong và Chumphon.

Cạnh tranh Mỹ-Trung tại Thái Lan

Trong thế kỷ 17, các nhà lãnh đạo châu Âu và Thái Lan đã nói về việc tìm cách xuyên rừng, nhưng lại thiếu ý chí, tài chính và công nghệ để tạo ra kênh đào Kra.

Các thỏa thuận tài trợ cho cây cầu trên đất liền chưa được công bố, nhưng dự kiến ​​sẽ có một lượng lớn đầu tư nước ngoài. Trung Quốc, Mỹ, Úc và Ấn Độ dường như quan tâm đến việc hỗ trợ xây dựng kênh đào Kra.

Cả kênh đào và tuyến đường đất liền đều làm tăng nguy cơ ô nhiễm biển, tràn dầu và gây tàn phá môi trường - trong một khu vực phụ thuộc chủ yếu vào đánh bắt ven biển. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đang nóng lên trở lại ở Thái Lan.

Trong nhiều năm qua, Mỹ đã huấn luyện hải quân Thái Lan về tác chiến tàu ngầm để bảo vệ các cảng và vùng biển của nước này dọc theo Andaman và vịnh Thái Lan.

“Điều quan trọng là phải duy trì quan hệ với Thái Lan vì họ có tầm nhìn nổi bật trong lĩnh vực hàng hải ở một khu vực quan trọng của thế giới”, Tướng Thủy quân lục chiến Joseph F. Dunford, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, cho biết vào năm 2018.

Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng bán ba tàu ngầm cho Thái Lan để tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân tương đối yếu của nước này.

Đức Duy

Theo Washingtontimes

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Dự án ‘vàng' Cây cầu trên đất liền của Thái Lan có thoát khỏi ‘mắt sói’ Trung Quốc