Dù hưởng lợi 'mờ ám' nhất trong đại dịch, sản xuất và việc làm tại Trung Quốc bắt đầu giảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù là điểm sáng chói của thế giới về tăng trưởng trong bối cảnh cả thế giới suy kiệt trong đại dịch, các dấu hiệu xấu về "sức khỏe" kinh tế - tài chính của Trung Quốc xuất hiện trở lại, không chỉ các vụ vỡ nợ kỷ lục mới mà khu vực sản xuất, việc làm cũng bắt đầu suy yếu.

Chỉ số PMI cung cấp bởi Caixin, đánh giá mức độ mở rộng của đơn hàng sản xuất, cho thấy sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc dù tiếp tục nhưng đã có xu hướng suy giảm 3 tháng liên tiếp. Sự mở rộng các đơn hàng khu vực sản xuất của Trung Quốc yếu nhất kể từ tháng 5/2020.

Ở chiều ngược lại, sản xuất của Mỹ có dấu hiệu phục hồi vững chắc khi liên tiếp mở rộng đơn hàng, đạt mức cao nhất trong một năm qua và có xu hướng phục hồi diễn ra bền vững trong suốt 10 tháng qua, từ đáy tháng 4/2020 cho tới nay.

Tốc độ mở rộng sản xuất của Trung Quốc đã suy giảm 3 tháng liên tiếp trong khi Mỹ liên tục tăng mức độ mở rộng sản xuất trong 8 tháng qua nhờ nỗ lực lấp đầy nền sản xuất nội địa trước đó (Nguồn: Trading Economics)

Theo một báo cáo được công bố hôm 1/3 vừa qua, chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất chung của Caixin Trung Quốc, đưa ra một bức tranh tổng thể độc lập về lĩnh vực sản xuất của nước này, đã giảm xuống 50,9 trong tháng 2 - từ mức 51,5 của tháng trước. PMI trong tháng 2/2021 đã giảm xuống dưới mức ước tính kỳ vọng của thị trường là 51,5 điểm.

Con số trên 50 biểu thị sự mở rộng hoạt động, trong khi số đọc bên dưới báo hiệu sự co lại. Kết quả tháng 2 cho thấy hoạt động sản xuất đã mở rộng trong 10 tháng liên tiếp; tuy nhiên, tốc độ đã chậm lại trong tháng thứ ba liên tiếp.

Sự phân tích của PMI cho thấy cả cung và cầu trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đều tăng chậm lại, chỉ số thành phần về tổng số đơn đặt hàng mới và sản lượng giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Kế hoạch công việc còn phải triển khai của các nhà sản xuất giảm lần đầu tiên trong 9 tháng, một dấu hiệu khác của cầu yếu.

Cầu hàng hóa của thế giới vẫn rất yếu, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ hai liên tiếp. Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group cho biết: “Các nhà sản xuất được khảo sát đã nhấn mạnh hậu quả từ các đợt bùng phát COVID-19 trong nước vào mùa đông cũng như đại dịch ở nước ngoài”.

Thị trường việc làm Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn khi chỉ số thành phần về việc làm tiếp tục suy giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Wang nói: “Các công ty không vội vàng lấp đầy các vị trí tuyển dụng".

Áp lực lạm phát gia tăng khi chi phí tăng. Theo khảo sát, thước đo chi phí đầu vào trong cả ba tháng qua đạt mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 12 năm 2017. Các nhà sản xuất được khảo sát cho biết giá nguyên liệu thô, đặc biệt là kim loại công nghiệp, tăng nhanh và giá vận tải cũng tăng theo.

Giá đầu ra cũng tăng trong tháng trước nhưng tụt hậu so với chi phí đầu vào. IHS Markit, công ty tổng hợp PMI Caixin, cho biết trong báo cáo: “Giá do các nhà sản xuất tính tăng liên tục khi các công ty tìm cách chuyển một phần gánh nặng chi phí cao hơn cho khách hàng".

Các nhà sản xuất đã tự tin hơn về triển vọng kinh doanh trong 12 tháng tới. IHS Markit cho biết tâm lý tích cực được hỗ trợ bởi dự báo về nhu cầu toàn cầu gia tăng khi đại dịch trở nên ít dữ dội hơn và bởi các đợt phát hành sản phẩm theo kế hoạch.

Về nền kinh tế Trung Quốc, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng trong nước vững chắc trong tương lai gần, khi tình hình đại dịch đang tốt hơn và mức cơ sở năm ngoái là khá thấp. Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, viết: “Dữ liệu kinh tế vĩ mô từ tháng 1 đến tháng 2 được công bố vào tháng 3 - có thể sẽ rất mạnh và khả năng chính phủ sẽ thắt chặt các chính sách dựa trên sự phục hồi kinh tế đã được xác nhận đang gia tăng”, theo báo cáo lưu ý trong tháng này.

Dù không chỉ ra rõ ràng, nhưng sự đảo chiều chính sách tiền tệ có thể xảy ra ở Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có sớm từ bỏ tỷ giá cao so với đồng đô la Mỹ để hưởng lợi lớn hơn từ xuất khẩu, trong bối cảnh sản xuất bắt đầu xu hướng suy giảm và cầu thế giới yếu?

Không chỉ khu vực sản xuất, lĩnh vực tài chính của Trung Quốc cũng liên tiếp đón nhận thêm các vụ vỡ nợ kỷ lục đầu năm 2021 và nhiều cảnh báo về năm vỡ nợ kỷ lục mới cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Bên cạnh đó, bong bóng bất động sản cũng sẽ tác động đáng kể tới an ninh tài chính của Trung Quốc, quan chức cấp cao của Trung Quốc thú nhận sự tồn tại vô cùng rủi ro của bong bóng và khó có thể kìm hãm rủi ro này trong hệ thống.

Trần Đức

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Dù hưởng lợi 'mờ ám' nhất trong đại dịch, sản xuất và việc làm tại Trung Quốc bắt đầu giảm