Dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu kém đáng kinh ngạc - Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay, hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô của Trung Quốc được công bố, số liệu yếu kém đáng kinh ngạc khiến không chỉ thị trường chứng khoán Trung Quốc mà thị trường chứng khoán Mỹ, Châu Âu, Châu Á tiếp đà lao dốc.

Hôm nay, trước lo ngại suy thoái kinh tế mạnh hơn dự báo từ Trung Quốc do chính sách 'zero covid' của nước này, thị trường chứng khoán của Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu và cả Châu Á tiếp tục một phiên giao dịch khó khăn do lo ngại rủi ro lây nhiễm của 'công xưởng sản xuất toàn cầu' này tới phần còn lại của thế giới.

Suy thoái tệ hơn dự báo ở Trung Quốc

Doanh số bán lẻ tháng 4/2022 của Trung Quốc giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi so với dự báo trước đó, trong khi sản lượng công nghiệp giảm 2,9%, đi ngược lại với dự báo rằng sản lượng công nghiệp sẽ tăng nhẹ trong tháng 4/2022 của các nhà kinh tế học.

Mitul Kotecha, người đứng đầu chiến lược các thị trường mới nổi tại Công ty chứng khoán TD cho biết trên Reuters: “Dữ liệu [kinh tế công bố trong tháng Tư của Bắc Kinh] vẽ ra bức tranh về một nền kinh tế đang đình trệ. Trung Quốc cần được kích thích mạnh mẽ hơn và nới lỏng nhanh chóng các hạn chế COVID. Nhưng cả hai điều kiện này đều không dễ xuất hiện ở Trung Quốc".

"Quỹ đạo tăng trưởng yếu hơn của Trung Quốc sẽ gây thêm áp lực lên thị trường của nước này và khiến triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi, đè nặng lên các tài sản rủi ro. Chúng tôi kỳ vọng giá đồng CNY sẽ giảm giá thêm nữa", ông Kotecha cho biết.

Đỏ lửa toàn cầu

Tại châu Âu, hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 và FTSE đều giảm 0,3%. Hợp đồng tương lai của S&P 500 mất mức tăng ban đầu xuống 0,6%, trong khi hợp đồng tương lai của Nasdaq giảm 0,5%. Chỉ số S&P 500 của Mỹ đã giảm trong sáu tuần liên tiếp, lạm phát kèm đình trệ đã trở thành lo ngại chính khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đang hướng tới một 'thị trường con gấu' (tình trạng thị trường chứng khoán giảm 20 - 50% giá trị).

Đỏ lửa trên TTCK Mỹ va Châu Âu trong nhiều tuần qua. Phiên giao dịch ngày thứ Hai (16/5) trở nên tệ hơn trước số liệu vĩ mô đáng thất vọng của Trung Quốc. Lo ngại tình trạng đình trệ tồi tệ hơn trong khi lạm phát cao khó kiềm chế khiến TTCK lao dốc khắp toàn cầu (Nguồn: Trading Economics)

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã làm thất vọng những người hy vọng cơ quan này sẽ nới lỏng lãi suất. PBOC tuyên bố không thay đổi lãi suất mặc dù hôm Chủ nhật, Bắc Kinh đã cho phép cắt giảm thêm lãi suất cho vay thế chấp đối với một số người mua nhà.

TTCK Trung Quốc mất điểm mạnh sau tin tức thất vọng từ tiêu dùng và sản xuất của tháng 4/2022 (Ảnh: Trading Economics)

Các blue-chip của Trung Quốc (chỉ số CSI300, 300 doanh nghiệp có mức vốn hoá lớn nhất trên TTCK Thượng Hải) giảm 0,8% theo phản ứng; đánh dấu mức giảm 23,69% so với cùng kỳ 2021.

Chỉ số chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương rộng nhất của MSCI bên ngoài Nhật Bản (MIAPJ0000PUS) đã không thể đứng vững sau khi trượt 2,7% vào tuần trước; chạm mức thấp nhất trong hai năm.

Giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ, giá dầu đảo chiều

Lạm phát cao ngất trời và lãi suất tăng đã khiến niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm vào đầu tháng 5/2022.

Trước việc Fed có thể thúc đẩy tăng lãi suất sớm hơn và cao hơn, Goldman Sachs cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2022 xuống 2,4%, từ 2,6%.

Nhà kinh tế Jan Hatzius của Goldman Sachs cho biết: “Chỉ số điều kiện tài chính của chúng tôi đã thắt chặt hơn 100 điểm cơ bản, điều này sẽ tạo ra lực cản đối với tăng trưởng GDP khoảng 1 phần trăm”.

Giá dầu đảo chiều khi dữ liệu thảm khốc của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu. Dầu Brent mất 2,31 USD xuống 109,24 USD, trong khi dầu thô Mỹ giảm 2,14 USD xuống 108,35 USD.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu kém đáng kinh ngạc - Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc