Dự luật mới chống Trung Quốc lại khiến Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Đạo luật CẠNH TRANH của Hoa Kỳ năm 2022” được tuyên bố sẽ giúp Mỹ chiếm ưu thế về kinh tế trước Trung Quốc; nhưng không phải ai cũng tin vào lời hứa ấy. Ông Jason Isaac, Giám đốc của Life: Powered, cho rằng các khoản chi đắt đỏ trong dự luật nhằm xoa dịu những tổ chức khí hậu cấp tiến sẽ không giúp Mỹ trở nên độc lập hơn về năng lượng, mà sẽ khiến nền kinh tế số 1 thế giới phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Khoảng thời gian ngắn ngủi nước Mỹ dồi dào năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Trump đã chấm dứt.

Thế vận hội Mùa đông thường là thời điểm cho hợp tác quốc tế và cạnh tranh hữu nghị; nhưng Olympic Bắc Kinh năm nay lại chìm trong căng thẳng giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và phương Tây. Bầu không khí gợi chúng ta nhớ đến Chiến tranh Lạnh, với những cuộc tẩy chay ngoại giao, những trường hợp loại vận động viên đầy nghi vấn và giờ đây là dự luật chống Trung Quốc.

Nhận thấy mối đe dọa ngày càng tăng của việc phụ thuộc mọi thứ vào Trung Quốc, từ thuốc men đến tài trợ cho thâm hụt ngân sách, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật dài 2.900 trang, được gọi là “Đạo luật CẠNH TRANH của Hoa Kỳ năm 2022”, qua đó trao cho Mỹ ưu thế về kinh tế trước Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất.

Vấn đề ở đây là gì? Dự luật mới được thông qua sẽ khiến Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào ĐCSTQ — không phải ít hơn — đặc biệt ở lĩnh vực năng lượng.

Đạo luật CẠNH TRANH tràn ngập các khoản chi đắt đỏ và không hiệu quả, được trả bằng tiền thuế của người Mỹ, nhằm xoa dịu những tổ chức khí hậu cấp tiến. Với các mục tài trợ cho những tấm pin mặt trời, “tăng cường ngoại giao khí hậu” và rót 8 tỷ USD vào Quỹ Khí hậu Xanh của Liên Hợp Quốc, dự luật đề xuất chi hàng tỷ USD cho các chương trình không cần thiết, vốn sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc hoặc không cải thiện khả năng cạnh tranh của nước Mỹ.

Tất cả những gì người Mỹ nhận được là chi phí năng lượng đắt đỏ hơn và nguồn cung năng lượng trở nên kém tin cậy hơn; trong khi năng lượng là một yếu tố cần thiết của mọi ngành nghề và mọi khía cạnh cuộc sống.

Với cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang ở châu Âu và châu Á, lạm phát không có hồi kết và giá khí đốt ở trạng thái mất kiểm soát ở Mỹ, bây giờ không phải là lúc cho phép các câu chuyện báo động một cách phi khoa học về khí hậu thế chỗ cho tương lai của người dân Mỹ.

Những người ủng hộ việc tài trợ cho các chương trình khử cacbon và năng lượng tái tạo không nhận ra rằng, chương trình nghị sự về năng lượng tái tạo lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Bởi vì trong khi gió và mặt trời có thể là vĩnh viễn miễn phí thì số lượng nguyên liệu thô cần sử dụng để khai thác được năng lượng của gió và mặt trời — và đặc biệt là để dự trữ năng lượng cho những lúc gió không thổi và mặt trời không chiếu sáng — là một con số đáng kinh ngạc.

Để xây dựng một tuabin gió cần đến 900 tấn thép, 45 tấn nhựa và 2.500 tấn bê tông cùng với một lượng khổng lồ khoáng sản được khai thác hầu như chỉ ở Trung Quốc - nơi mà các hoạt động khai thác được tiến hành liều lĩnh, tàn phá không thương tiếc môi trường và đe dọa tính mạng con người, hoặc ở các quốc gia như Congo - nơi trẻ em từ 4 tuổi đã phải làm việc trong các mỏ coban.

Sau tất cả quá trình khai thác đó, tuabin chỉ có thể tồn tại từ 20 đến 25 năm (giả sử một cách hào phóng là tuabin đó hoạt động trong điều kiện hoàn hảo) và hầu hết các thành phần của tuabin không thể tái chế được.

Với số lượng khổng lồ các tuabin và các tấm pin mặt trời mà về mặt lý thuyết, chúng đáng ra phải được tái tạo 100%, chưa kể đến việc tàn phá môi trường hoang dã trên quy mô rộng lớn để xây dựng một mạng lưới đường truyền khổng lồ, thì quy mô của cả tác động lên môi trường và sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc là rất khó để chấp nhận được.

Mỹ nên cố gắng trở nên mạnh mẽ hơn và cạnh tranh hơn về kinh tế, đặc biệt là trước nguy cơ từ sự phụ thuộc vào ĐCSTQ độc tài và bất ổn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước là một mục tiêu đúng đắn, nhưng Đạo luật CẠNH TRANH đã làm sai mọi thứ. Thay vì đổ hàng tỷ USD thuế của người Mỹ vào các chương trình xa hoa, tốn kém của chính phủ (nhiều chương trình trong số đó không liên quan đến mục đích của dự luật), một lựa chọn tốt hơn nhiều để củng cố nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ chính là đảo ngược lại những chính sách năng lượng sai lầm của chính phủ ông Biden.

Nhiều người trong chúng ta không nhận ra vai trò to lớn của năng lượng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Năng lượng tác động đến tất cả khía cạnh cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bị che mắt bởi cuộc sống thoải mái, với đèn và sưởi gần như không bao giờ tắt và điện thoại thông minh có thể sạc trong vài phút, chúng ta quên mất năng lượng quan trọng như thế nào đối với sức khỏe và an ninh quốc gia Mỹ. Chúng ta không thể ăn, mặc, mua, bán hoặc học bất cứ điều gì nếu không có năng lượng; và bất kỳ chính sách nào làm suy yếu khả năng tiếp cận năng lượng của chúng ta không chỉ đe dọa chất lượng cuộc sống của từng cá nhân mà còn làm suy yếu vai trò của Mỹ trong cán cân quyền lực toàn cầu.

Cho phép các doanh nghiệp năng lượng hoạt động có trách nhiệm của Mỹ phát triển đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tạo ra nhiều nhiên liệu hơn ngay tại nước Mỹ; qua đó làm giảm chi phí sinh hoạt, tạo việc làm có thu nhập tốt và giải phóng Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào các quốc gia không ổn định. Cách tốt nhất để khiến Mỹ cạnh tranh hơn với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới là giải phóng sức mạnh của các nhà sản xuất năng lượng trong nước.

Chúng ta đã được hưởng nguồn năng lượng dồi dào một cách ngắn ngủi dưới thời chính phủ của ông Trump. Khi đó, ngành năng lượng phát triển mạnh mẽ của Mỹ đã tiết kiệm cho một hộ gia đình trung bình khoảng 2.500 đô la một năm (pdf). Nhưng những điều tốt đẹp đang đi đến hồi kết khi Tổng thống Joe Biden và các quan chức của ông tiếp tục cuộc chiến vô nghĩa về nhiên liệu hóa thạch.

Chúng ta có thể độc lập về kinh tế và xuất khẩu các giá trị tự do của nước Mỹ ra khắp thế giới bằng một ngành công nghiệp năng lượng mạnh - chứ không phải bằng nhiều quỹ xanh hơn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Jason Isaac là Giám đốc của Life: Powered, một sáng kiến ​​quốc gia của Quỹ Chính sách Công Texas nhằm nâng cao chỉ số IQ năng lượng của Mỹ. Trước đó, ông đã phục vụ 4 nhiệm kỳ trong Hạ viện Texas.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Dự luật mới chống Trung Quốc lại khiến Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc