Dự trữ tài khóa của Hong Kong đang bị đe dọa khi chi tiêu công tăng vọt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà phân tích cảnh báo rằng khoản dự trữ tài khoá nổi tiếng của Hong Kong đang gặp rủi ro sau khi cơ quan lập pháp thông qua khoản chi tiêu công kỷ lục 39 tỷ USD, do chính phủ đề xuất. Lo ngại rủi ro chi tiêu công gia tăng khi cơ quan lập pháp Hong Kong được cho là không còn độc lập, không còn thành viên của phe đối lập trong cơ quan này; việc này khiến cơ quan lập pháp Hong Kong trở thành ‘cái máy ATM’ của chính quyền Hong Kong.

Các chuyên gia tài chính nói thêm rằng tình hình tài chính của Hong Kong sẽ còn căng thẳng hơn khi thành phố này chuẩn bị xây dựng các dự án quy mô lớn tạo điều kiện cho hội nhập sâu rộng giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Các nhà lập pháp đã thông qua hơn 305 tỷ đô la Hong Kong (39 tỷ USD) trong phiên họp lập pháp 2020-21, kết thúc vào tháng 10, cho các dự án của chính phủ, mức chi tiêu cao nhất trong 9 năm qua. Các chính trị gia đã thảo luận về mỗi kế hoạch chi tiêu trong khoảng thời gian trung bình chỉ 46 phút, giảm so với thời gian thảo luận bình quân là 2 giờ đồng hồ trong những năm trước, trước khi bật đèn xanh cho chính quyền.

Các nhà phê bình cho biết kế hoạch chi tiêu tiết lộ rằng cơ quan lập pháp Hong Kong đã không còn độc lập, cơ quan này đã trở thành “máy ATM ” của chính phủ.

Hong Kong - Trung tâm tài chính châu Á - từ lâu đã nổi tiếng với nguồn dự trữ tài chính khổng lồ, phần lớn được tích lũy từ việc bán đất và thuế. Nhưng đến tháng 9 năm nay, quỹ chiến tranh của thành phố đã giảm xuống còn 812 tỷ đô la Hong Kong, từ gần 1,2 nghìn tỷ đô la Hong Kong vào tháng 3/2020, sau khi chi thêm cho các kế hoạch hỗ trợ đại dịch.

Hầu hết những người thuộc phe ủng hộ dân chủ của Hong Kong đã đồng loạt từ chức khỏi Hội đồng Lập pháp vào tháng 11/2020 để phản đối việc phế truất 4 đồng nghiệp của họ, khiến cơ quan lập pháp hầu như không còn phe đối lập.

Sau cuộc đại tu của Bắc Kinh đối với hệ thống bầu cử, nhằm cấm các ứng cử viên “không yêu nước” tranh cử, các chính trị gia đối lập càng khó có khả năng quay trở lại cơ quan lập pháp.

Ông Kevin Lai, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tại Daiwa Capital Markets, cho biết: “Nếu không có sự kiểm tra và cân đối thích hợp, áp lực lên dự trữ tài khóa sẽ tăng lên".

Ông Andy Kwan, một giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế ACE, đồng ý với quan điểm của ông Lai, nói rằng “chính phủ Hong Kong có thể dễ dàng không còn kỷ luật tài khóa nữa... đặc biệt là khi phải chi rất lớn cho các dự án quy mô lớn sắp tới”.

Tháng trước, lãnh đạo thành phố bà Carrie Lam đã công bố kế hoạch phát triển một khu dân cư rộng lớn gần biên giới với Trung Quốc đại lục trong vòng 20 năm, được mệnh danh là “Đô thị phía Bắc”, nhưng không cho biết chi phí dự toán của kế hoạch này.

Lantau Tomorrow Vision - một dự án lớn khác của chính quyền Hong Kong đang trong giai đoạn lập kế hoạch - xây dựng những ngôi nhà trên các hòn đảo nhân tạo ở phía nam thành phố. Chính phủ ước tính dự án sẽ tiêu tốn hơn 600 tỷ đô la Hong Kong.

Ông Kwan cho biết thêm nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn sẽ được phê duyệt để giúp Hong Kong kết nối nhiều hơn với đại lục, điều này sẽ gây áp lực lớn hơn lên nguồn dự trữ tiền mặt của thành phố.

“Chỉ riêng khu đô thị phía Bắc đã liên quan đến 5 dự án đường sắt nối Hong Kong với đại lục. Chính phủ cần giải thích hiệu quả chi phí của các kế hoạch này”, ông Kwan nói.

Ông Chan Kin-por, người chủ trì ủy ban tài chính của cơ quan lập pháp, phủ nhận bình luận rằng cơ quan lập pháp của Hong Kong đã không còn độc lập với chính quyền và trở thành cây ATM của chính quyền. Ông Kin-por cho biết đã có nhiều “cuộc thảo luận chất lượng hơn với hiệu quả cao hơn mà không có ý kiến từ phía đối lập".

Ngoài chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, nguồn thu ngân sách của Hong Kong còn bị ảnh hưởng bởi các hạn chế biên giới do Covid-19, đồng nghĩa với việc ít khách du lịch và doanh nhân hơn tới thành phố này. Trước khi đại dịch xảy ra, thành phố đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2019. Các nhà phân tích cho rằng các sự kiện tiêu cực này đã làm suy yếu vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á của Hong Kong.

305 tỷ đô la Hong Kong được thông qua trong phiên họp lập pháp vừa qua cao hơn gần 10% so với 279 tỷ đô la Hong Kong được ủy quyền trong giai đoạn 2019-20. Khoản chi này không bao gồm 205 tỷ đô la Hong Kong tài trợ khẩn cấp đã được các nhà lập pháp phê duyệt cho các mục đích cứu trợ liên quan đến Covid trong 2 năm qua.

Thanh Đoàn

Theo Financial Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Dự trữ tài khóa của Hong Kong đang bị đe dọa khi chi tiêu công tăng vọt