Đức chật vật với lạm phát cao nhất trong hơn 70 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Đức vào tháng trước đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 70 năm do giá năng lượng và thực phẩm ở mức cao. Kinh tế Đức đang gặp khó khăn do sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.

Chỉ số lạm phát trong tháng 10 đã tăng vọt lên mức chưa từng thấy ở Đức kể từ tháng 12/1951, sáu năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, theo dữ liệu mới nhất từ ​​Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), vào ngày 11/11.

Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 10,4% trong tháng 10 so với 10% trong tháng 9, xác nhận các số liệu sơ bộ.

Chỉ số giá lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 6,5%.

“Nguyên nhân chính của lạm phát cao tiếp tục là sự tăng giá khổng lồ đối với các mặt hàng năng lượng, nhưng giá cả cũng đang tăng đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ khác", ông Georg Thiel, chủ tịch của Destatis cho biết. “Giá thực phẩm tăng cao hiện nay đặc biệt dễ nhận thấy đối với các hộ gia đình tư nhân".

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, dự kiến sẽ là thành viên Liên minh châu Âu (EU)​ có thành tích kinh tế tồi tệ hơn vào năm tới, vì nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine.

Giá điện và khí đốt tự nhiên đã tăng vọt sau khi Nga giảm nguồn cung sang châu Âu, khiến giá năng lượng tăng chóng mặt và dẫn đến lạm phát gia tăng.

Nhập khẩu khí đốt của Nga được sử dụng để sưởi ấm, tạo ra điện và các quá trình công nghiệp ở Đức và phần còn lại của khối kinh tế.

Các quan chức EU cho biết, mặc dù hầu hết các thành viên EU đều có kho chứa khí đốt ở mức gần đầy, nhưng một đợt lạnh giá nghiêm trọng và việc cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga có thể kéo dài tình trạng thiếu hụt cho đến mùa đông 2023–24.

Chi tiết về lạm phát

Theo thống kê của chính phủ, nền kinh tế Đức dự kiến ​​sẽ suy giảm ít nhất 0,4% vào năm 2023, sau khi chứng kiến ​​mức tăng trưởng chỉ 1,4% trong năm nay.

Giá năng lượng tăng 43% so với năm 2021 do ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, trong khi giá thực phẩm tăng 20,3%.

Giá hàng hóa đắt hơn 17,8% so với năm ngoái, trong khi chi phí dịch vụ tăng 4,0%.

Trong khi đó, giá tiêu dùng tăng 11,6% tính theo năm vào tháng 10, tính theo tiêu chuẩn Chỉ số Giá tiêu dùng Hài hòa (HICP) của Liên minh châu Âu, tăng từ mức 10,9% vào tháng trước đó, phù hợp với ước tính trước đó.

Tỷ lệ lạm phát HICP dự kiến ​​sẽ tăng trung bình lên 7,1% vào cuối năm nay, theo dự đoán của Bundesbank, Ngân hàng Trung ương của Đức.

Chỉ số giá tiêu dùng trung bình hàng tháng ở Đức đã tăng 0,9% trong tháng 10, giống với dự kiến.

Tỷ lệ lạm phát HICP tính theo tháng là 1,1% vào tháng 10, cũng phù hợp với các ước tính sơ bộ. Tỷ lệ này trong tháng 9 là 2,2%.

Khuyến nghị của các cố vấn

Một hội đồng gồm 5 cố vấn kinh tế của chính phủ Đức cho rằng nước này phải giảm bớt các biện pháp cứu trợ năng lượng.

Các cố vấn khuyến nghị rằng lượng cứu trợ như vậy chỉ nên được cung cấp cho các công ty và gia đình không thể đối phó với giá năng lượng cao.

Hội đồng cũng nói rằng những người trong khung thuế thu nhập cao nhất nên bị tăng thuế hoặc bị áp thuế liên đới năng lượng.

Họ cũng chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner về kế hoạch của ông nhằm giảm mức tăng “lũy tiến lạnh”. Theo lũy tiến lạnh, khung thuế thu nhập không được điều chỉnh theo lạm phát, dẫn đến việc đời sống của người dân gặp khó khăn khi lạm phát tăng cao.

Ông Achim Truger, một thành viên của hội đồng cố vấn, cho biết, mặc dù nói rằng những bù đắp cho lũy tiến lạnh là một cải cách tích cực đối với hệ thống thuế, nhưng kế hoạch này nên bị hoãn lại do khủng hoảng lạm phát.

Họ cho rằng Chính phủ Đức nên tập trung cứu trợ có mục tiêu cho các nhóm thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tránh chi tiêu ngân sách quá đà.

Các cố vấn kinh tế nói rằng thị trường lao động mạnh mẽ và các biện pháp cứu trợ mạnh mẽ, chẳng hạn như "phanh" giá xăng (trợ cấp giá xăng), đã giảm bớt nỗi đau cho nền kinh tế Đức.

Tăng lãi suất của ECB

Các cố vấn tin rằng điều quan trọng là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải kiên quyết hơn đối với các thông báo tăng lãi suất để có thể kiểm soát lạm phát.

ECB đang tăng lãi suất để giảm lạm phát trong khu vực đồng EUR xuống dưới 2%.

Giá cả tăng đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế ở Đức và ảnh hưởng đến nguồn tài chính và đầu tư trong tương lai.

Bà Ulrike Malmendier, một thành viên hội đồng cho biết: “Bí quyết là tăng lãi suất với mức độ tương xứng để chống lạm phát mà không gây ra sự suy giảm quá mức trong nền kinh tế”.

Họ kết luận rằng nguồn cung cấp năng lượng của Đức cần được mở rộng và đa dạng hóa, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm.

Bảo Nguyên

Theo Bryan Jung - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Đức chật vật với lạm phát cao nhất trong hơn 70 năm