Đức: EU nên có biện pháp cứng rắn với các hành vi thương mại ‘bất minh’ của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ Reuters dẫn lời của hiệp hội ngành BDI của Đức hôm thứ Năm tuần trước cho biết, Liên minh châu Âu nên có biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ các công ty trong các quốc gia Liên minh khỏi các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc vì Bắc Kinh không giữ lời hứa mở cửa hơn nữa nền kinh tế.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức và hoạt xuất khẩu hàng hóa “sản xuất tại Đức” sang nước này đã giúp nền kinh tế lớn nhất Châu Âu giảm bớt đáng kể tác động trong nước của đại dịch COVID-19.

Tuần trước, Trung Quốc đã kết thúc phiên họp thường niên kéo dài một tuần của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2021, đồng thời công bố những thay đổi đối với hệ thống bầu cử của Hồng Kông và đưa ra các mục tiêu chính sách trung hạn như một phần của kế hoạch 5 năm lần như 14.

Giám đốc điều hành BDI Joachim Lang cho biết ngành công nghiệp Đức thấy rằng kế hoạch 5 năm này đang thiếu những tín hiệu rõ ràng về một sự thay đổi thực sự theo hướng mở cửa thị trường và nền kinh tế kinh doanh tự do.

Ông Lang nói: “Một quan hệ đối tác thành công sẽ chỉ hoạt động dựa trên các nguyên tắc có đi có lại và thiết lập một sân chơi bình đẳng trong cạnh tranh”, đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để thực hiện lời hứa mở cửa nền kinh tế.

Mặc dù EU đã đạt được một số tiến bộ với Hiệp định đầu tư hướng tới một mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn với Trung Quốc, nhưng thỏa thuận này cũng cho thấy những giới hạn trong hợp tác. “EU phải tiếp tục trên con đường đa hướng coi Trung Quốc là đối tác, đối thủ cạnh tranh và là đối thủ mang tính hệ thống”, ông Lang nói.

Ngành công nghiệp Đức muốn EU tăng cường khả năng phòng vệ trước các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc bằng cách thực hiện một công cụ chống trợ cấp mạnh mẽ và hoàn thành công việc trên một công cụ mua sắm quốc tế. Đồng thời họ cũng khuyến nghị EU nên hợp tác chặt chẽ về vấn đề này với Hoa Kỳ và Nhật Bản.

BDI cũng cảnh báo chính phủ Trung Quốc rằng hồ sơ nhân quyền của họ có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ kinh doanh trong tương lai: “Tình hình nhân quyền ở Tân Cương và tình hình chính trị ở Hồng Kông đã gây căng thẳng cho các mối quan hệ chính trị và kinh tế” và đường lối cứng rắn của Trung Quốc ở Hồng Kông và tình hình ở Tân Cương đang làm giảm triển vọng phê chuẩn thành công Hiệp định Đầu tư của EU, ông Lang cho biết.

Theo SCMP, EU trong thời gian gần đây đã gia tăng phản ứng cứng rắn với Trung Quốc sau những gì mà họ khẳng định là sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu bùng phát COVID-19. Mối quan hệ này còn ngày càng xấu đi sau khi Brussels cáo buộc Bắc Kinh chậm trễ trong việc đưa ra cam kết về các thỏa thuận đầu tư và đặc biệt sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia với Hong Kong.

Trong tuyên bố hồi năm ngoái, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Đức, ông Micheal Roth khẳng định "sẽ không có chuyện làm ăn như thường lệ" giữa EU và Trung Quốc sau các động thái của Bắc Kinh với Hong Kong, đồng thời tuyên bố rằng ưu tiên của Berlin trong thời gian tới sẽ là nâng cao năng lực của 27 quốc gia trong khối chống lại 'chiến thuật' của Bắc Kinh.

Ông đồng thời khẳng định Trung Quốc là một đối thủ mang tính hệ thống, đặt ra các thách thức nền tảng với các giá trị châu Âu: "Trung Quốc đang làm tổn hại uy tín của chúng ta và làm suy yếu tất cả chúng ta nếu các thành viên sẵn sàng phá hoại chính sách của châu Âu vì lợi ích tới từ các thỏa thuận song phương béo bở với Trung Quốc", ông khẳng định.

Ngọc Minh

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Đức: EU nên có biện pháp cứng rắn với các hành vi thương mại ‘bất minh’ của Trung Quốc