Đừng bị lừa với Chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ nghĩa tư bản nhà nước được Trung Quốc áp dụng thực ra là chủ nghĩa xã hội trá hình. Trong nền kinh tế kiểu này, nhà nước nắm vai trò chi phối thị trường để phục vụ lợi ích chính trị. Mô hình kinh tế này của Trung Quốc thực sự là mối đe dọa đến các thị trường tự do phương Tây.

Phiên bản chủ nghĩa tư bản của Trung Quốc trên bất cứ phương diện nào cũng hoàn toàn không phải là chủ nghĩa tư bản. Đó là chủ nghĩa xã hội ẩn dưới vỏ bọc chủ nghĩa tư bản nhà nước và được dẫn dắt bởi một nhà nước độc đảng độc tài theo chủ nghĩa Marx-Lenin.

Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc đang hành động chống lại sự thành công và tự do của các thị trường phương Tây. Mục tiêu của Bắc Kinh là phá hủy các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa từ bên trong. Họ thực hiện điều này bằng cách nào? Bằng cách giả vờ hợp tác với chủ nghĩa tư bản nhưng lại chơi theo các quy tắc riêng của họ để mang lại lợi ích về mặt kinh tế và chính trị cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nhà nước tại Trung Quốc

Trong lịch sử, Trung Quốc là một siêu cường từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 19; nhưng nước này lại tụt xa về phía sau vào thế kỷ 19 khi phương Tây đạt được nhiều thành tựu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ I và thứ II. Trước khi cải cách, nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu xoay quanh nông nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch hóa tập trung cùng với một Hong Kong do Anh kiểm soát.

Năm 1978, lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa — 118 năm sau khi bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ II. Trung Quốc bắt tay vào thực hiện một loạt cải cách kinh tế.

Chủ nghĩa tư bản nhà nước mà chúng ta thấy ngày nay ở Trung Quốc có khởi đầu vào những năm 1990 khi ĐCSTQ bắt đầu đầu tư một cách chiến lược vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tập đoàn lớn. Trung Quốc cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp ký kết hợp đồng với chính phủ; tạo ra cơ hội phát triển trên thị trường quốc tế; cung cấp trợ cấp và bảo vệ doanh nghiệp Trung quốc khỏi sự cạnh tranh.

ĐCSTQ tạo ảnh hưởng bằng cách cung cấp cho các công ty và tập đoàn vốn đầu tư trực tiếp, các khoản vay giá rẻ, khả năng tiếp cận các hợp đồng chính phủ và các hình thức độc quyền do nhà nước hậu thuẫn. Mô hình kinh tế này của chủ nghĩa tư bản nhà nước thực sự nên được gọi là “chủ nghĩa tư bản nhà nước độc đảng của ĐCSTQ”.

Quyền kiểm soát tuyệt đối nằm trong tay nhà nước

Thực tế là, phiên bản chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc là một chiến lược kinh tế được sử dụng để làm lợi cho chủ nghĩa cộng sản. Dù thị trường có tồn tại các hình thức sở hữu doanh nghiệp khác (sở hữu công - tư và sở hữu tư nhân thuần túy) nhưng chắc chắn, quyền kiểm soát tuyệt đối là nằm trong tay chính quyền Trung Quốc.

Vào mùa thu năm 2020, tỷ phú Hong Kong Jack Ma đã gặp rắc rối với ĐCSTQ. Công ty con về công nghệ tài chính của ông, Ant Group, đã lên kế hoạch huy động 34 tỷ USD, trở thành thương vụ IPO lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, với giá trị doanh nghiệp dự kiến ​​đạt trên 300 tỷ USD.

Kế hoạch đã đổ vỡ ngay sau khi Jack Ma chỉ trích các ngân hàng Trung Quốc, nói rằng các ngân hàng này hoạt động với tâm lý của “tiệm cầm đồ”. Những bình luận của Jack Ma đã khiến các nhân vật quan trọng trong ĐCSTQ tức giận. IPO đã bị gác lại và Jack Ma biến mất trong nhiều tháng. Có thông tin rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đích thân dừng hoạt động IPO này. Sau đó, Ant Group đã bị phạt hơn 2 tỷ USD và bị điều tra.

Tháng 04/2021, có tin rằng Ant sẽ trở thành công ty cổ phần tài chính do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiểm soát. Đây là một ví dụ điển hình về sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với thị trường chung. Các nhà lãnh đạo chính trị của ĐCSTQ sẽ không cho phép xuất hiện các thách thức đối với quyền lực của họ hoặc các chỉ trích đối với kế hoạch của họ. Ant đã từng đạt được mức tăng trưởng đáng kinh ngạc; nhưng sự tăng trưởng đó đến từ sự hợp tác của Alibaba với ĐCSTQ. Ngay khi Jack Ma bất hợp tác, hoạt động của công ty đã bị dừng lại và quyền kiểm soát được chuyển giao cho ĐCSTQ. Jack Ma, một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng ước tính khoảng 30 tỷ USD, về cơ bản đã bị ĐCSTQ làm cho im lặng.

Đừng bị lừa với Chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nhà nước tại Trung Quốc, quyền kiểm soát tuyệt đối nằm trong tay ĐCSTQ, các thách thức từ chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc
Biểu đồ thể hiện vốn hóa thị trường ngày 03/02/2022, lúc 3 giờ chiều giờ New York. Dữ liệu từ Bloomberg, Yahoo Finance, Zermatt Research, được sắp xếp và biên tập bởi tác giả bài viết - ông Chadwick Hagan. China’s Largest Corporations (State Owned or State Supported) (chữ trên biểu đồ): Các tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc (thuộc sở hữu Nhà nước hoặc do Nhà nước hậu thuẫn).

Các thách thức từ chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc

Ông Jude Blanchette, Chủ tịch Freeman về Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) đã viết vào ngày 22/01/2021: “Tình hình đang rất tồi tệ. Trung Quốc hiện có nhiều công ty trong danh sách Fortune Global 500 hơn Mỹ (124 so với 121). Gần 75% trong số này là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Ba trong số năm công ty lớn nhất thế giới là của Trung Quốc (Sinopec Group, State Grid và China National Petroleum)".

Về các DNNN của Trung Quốc, ông nói thêm: “Các DNNN lớn nhất của Trung Quốc nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường trong những ngành quan trọng và mang tính chiến lược nhất, từ năng lượng đến vận chuyển và đất hiếm. Tổng tài sản của 96 DNNN lớn nhất của Trung Quốc là hơn 63 nghìn tỷ USD, tương đương gần 80% GDP toàn cầu. Quy mô và tầm cỡ của các công ty này một phần được tạo nên bởi thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn là do các DNNN này hoạt động trong các ngành chiến lược”.

Ian Bremmer trong cuốn sách “Sự kết thúc của thị trường tự do” (The End of the Free Market) xuất bản năm 2010 của ông đã nói: “Trong hệ thống này, chính quyền sử dụng nhiều loại hình công ty nhà nước khác nhau để quản lý việc khai thác các nguồn tài nguyên, vốn được coi là tài sản quý giá của nhà nước, cũng như tạo ra và duy trì một lượng lớn việc làm. Họ sử dụng các công ty tư nhân (đã qua lựa chọn) để chi phối một số lĩnh vực kinh tế. Họ sử dụng cái gọi là quỹ đầu tư quốc gia để đầu tư lượng tiền thừa của họ theo cách tối đa hóa lợi nhuận của nhà nước. Đây là một hình thức của chủ nghĩa tư bản nhưng trong đó nhà nước đóng vai trò là bên chi phối kinh tế, và thị trường được sử dụng chủ yếu để phục vụ lợi ích chính trị”.

Nếu các nền kinh tế của thị trường tự do trên thế giới tiếp tục cho phép Trung Quốc sử dụng thị trường vốn vì lợi ích chính trị, thì rủi ro đối với các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc là rất rõ ràng và hiện hữu. Đồng thời, các tập đoàn thuộc thị trường tự do trên thế giới cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi cạnh tranh với các ngành công nghiệp được chính quyền Trung Quốc trợ cấp.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Chadwick Hagan là một doanh nhân, một chuyên gia tài chính và một cây viết. Ông điều hành nhiều công việc kinh doanh ở Bắc Mỹ và châu Âu, đồng thời đã thành lập ngân hàng đầu tư Hagan Capital Group vào năm 2003. Ông Hagan là một diễn giả và thường xuyên viết bài về các lĩnh vực như tài chính, khởi nghiệp và đầu tư. Ông là Giám đốc của Quỹ Gia đình Hagan và là thành viên của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia và Hiệp hội Linnaean.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đừng bị lừa với Chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc