Đừng chỉ nhìn vào GDP, hãy nhìn vào mức nợ công của đất nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 01/02, nợ công của Mỹ đã vượt mức 30 nghìn tỷ USD. Việc Quốc hội Mỹ nâng trần nợ không còn là điều mới mẻ. Vấn đề nằm ở chỗ, chỉ trong vài tháng gần đây, khoản nợ đã tăng thêm nửa nghìn tỷ USD. Nợ công của Mỹ đã vượt quá cả GDP. Đối với bất kỳ quốc gia nào, khi chính phủ nợ, toàn bộ nền kinh tế sẽ phải gồng mình trả nợ.

Vào tháng 11/2021, khi nợ công quốc gia của Mỹ dao động quanh mức giới hạn là 28,5 nghìn tỷ USD, Bộ trưởng Tài chính (và cựu Chủ tịch Fed) Janet Yellen đã cảnh báo Quốc hội:

“Mặc dù tôi rất tin tưởng rằng bộ Tài chính sẽ có thể tài trợ cho chính phủ Mỹ đến hết ngày 15/12 và hoàn thành việc đầu tư vào Quỹ Tín thác đường cao tốc, nhưng bộ Tài chính có thể sẽ không còn đủ nguồn lực để tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của chính phủ Mỹ sau ngày này".

Mỹ nâng trần nợ - một điều đã trở thành bình thường

Trước viễn cảnh chính phủ Mỹ sẽ không thể thanh toán các hóa đơn của mình, như dự đoán, các nhà lãnh đạo Quốc hội đã thống nhất nâng trần nợ thêm 2,5 nghìn tỷ USD - lên khoảng 31 nghìn tỷ USD.

Vào ngày 01/02, nợ quốc gia Mỹ chính thức vượt qua mức 30 nghìn tỷ USD. Các chính trị gia chuyên nghiệp, như ông Mitch McConnell, đã mạnh mẽ trách cứ các đảng viên Dân chủ trước Thượng viện về mức tăng nợ.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Quốc hội Mỹ phải nâng trần nợ. Trên thực tế, kể từ năm 1960, Quốc hội đã nâng, mở rộng hoặc sửa đổi trần nợ 78 lần tính đến trước năm 2021, bao gồm năm 2019 - khi Quốc hội bỏ phiếu đình chỉ giới hạn nợ trong 2 năm. Có thể thấy, việc tăng mức trần nợ là một điều rất bình thường.

Đừng chỉ nhìn vào GDP và hãy nhìn vào mức nợ công của đất nước , Mỹ nâng trần nợ công, nợ chính phủ là gánh nặng của toàn bộ nền kinh tế, nợ chính phủ đã vượt quá GDP và người Mỹ sẽ phải gồng mình trả nợ
Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Donald Trump và Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện khi đó là ông Mitch McConnell tại Điện Capitol ở Washington, ngày 15/5/2018. (Ảnh: Samira Bouaou / The Epoch Times)

Nợ chính phủ - gánh nặng của toàn bộ nền kinh tế

Vấn đề nằm ở chỗ, chỉ trong vài tháng, khoản nợ đã tăng thêm nửa nghìn tỷ USD. Và tốc độ tăng nợ sẽ chỉ có thể tăng lên trong tương lai. Không có số lùi cho xu hướng này. Thảm họa mà chính phủ này gây ra cho người dân Mỹ hiện nay là chưa từng có.

Có thể hình dung vấn đề này như sau: Bạn đi vay và bạn phải trả khoản vay bằng thu nhập của bạn trong tương lai. Có một thứ gọi là “giá trị thực”. Bạn đi làm. Bạn chế tạo ô tô. Bạn sửa chữa hệ thống ống nước. Bạn tạo ra một cái bẫy chuột tốt hơn… Bạn tạo ra giá trị. Giá trị đó là của cải thực sự.

Sau đó, bạn có thể đổi giá trị đó lấy một số giá trị khác như thức ăn, chỗ ở và những thứ khác. (Ghi chú bên lề: Để đơn giản hóa việc trao đổi giá trị này, lịch sử đã phát triển một cơ chế gọi là tiền tệ).

Nhưng đây là vấn đề:

Nếu lượng tài sản cá nhân của bạn không đủ để trả cho hàng hóa và dịch vụ (giá trị của người khác) mà bạn cần, thì bạn phải đi vay để bù đắp khoản chênh lệch. Và khoản chênh lệch đó trở thành một khoản thuế đánh vào giá trị tương lai mà bạn chưa tạo ra.

Khi mức tăng trưởng giá trị vượt quá chi tiêu, nó tạo ra của cải. Của cải đem lại sự thịnh vượng. Khi sự thịnh vượng tăng lên, bạn có thể rời khỏi căn hộ đang ở và mua một ngôi nhà đẹp ở vùng ngoại ô. Bạn có đủ khả năng mua một chiếc ô tô mới (và đổ đầy xăng vào chiếc xe đó). Bạn có đồ ăn bày trên bàn và có khả năng trả tiền học cho con mình.

Nhưng khi chi tiêu vượt quá mức tăng trưởng của giá trị mà bạn tạo ra, nó sẽ tạo ra nợ. Một mối đe dọa cho sự giàu có trong tương lai. Điểm mấu chốt: Nơi nào có nợ, nơi đó không có sự thịnh vượng.

Khi bạn có 70.000 USD nợ và chỉ có 50.000 USD thu nhập, bạn không tạo ra của cải. Và bạn phải xoay sở để tồn tại. Bạn sẽ gặp khó khăn.

Nhưng khi chính phủ nợ, tất cả mọi người đều sẽ gặp khó khăn. Bởi vì về cơ bản toàn bộ nền kinh tế sẽ phải trả nợ!

Nợ chính phủ đã vượt quá GDP - người Mỹ sẽ phải gồng mình trả nợ

Bằng việc tiếp tục cách làm trong nửa thế kỷ qua, chính phủ Mỹ thực chất đã vay nợ - khoản tiền sẽ được trả bằng thu nhập trong tương lai - và tiêu hết toàn bộ GDP của nước Mỹ.

Vào tháng 1, Cục Phân tích Kinh tế báo cáo rằng nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 6,9% trong quý IV/2021. Chính thức thì, đó là cách tính sơ bộ và còn phải điều chỉnh thêm 2 lần nữa.

Nhưng báo cáo đó chẳng có ý nghĩa gì. GDP thực của Mỹ là âm vì chi tiêu của nước Mỹ nhiều hơn giá trị người Mỹ tạo ra. Người Mỹ sẽ phải làm việc để tạo ra giá trị nhằm trả khoản nợ đó trong nhiều thập kỷ tới.

Tình huống này gây khó cho các nhà đầu tư - khi đồng tiền phải đuổi kịp lạm phát. Khi mức nợ tăng cao và đồng USD tiếp tục mất giá, một chiến lược an toàn sẽ là đầu tư vào các cổ phiếu giá trị (value stocks - cổ phiếu được giao dịch ở mức thấp hơn giá trị thực). Các cổ phiếu chu kỳ, như các cổ phiếu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng không thiết yếu, cũng là những nơi đầu tư tốt.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Tim Collins đã có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò cố vấn tài chính trước khi ông thành lập quỹ phòng hộ của riêng mình. Quỹ này mua cổ phần của các công ty như Facebook, Twitter và AirBnB trước khi chúng được niêm yết đại chúng. Ông Collins hiện là đồng tác giả của bản tin đầu tư Streetlight Confidential (cùng với Bob Byrne). Trong hơn một thập kỷ, nhiều bài viết và bài bình luận của ông đã xuất hiện trong chuyên mục RealMoney và RealMoneyPro của TheStreet.com.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Đừng chỉ nhìn vào GDP, hãy nhìn vào mức nợ công của đất nước