Elon Musk sẽ mua lại Twitter và 'thức tỉnh' Thung lũng Silicon?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thung lũng Silicon vốn là khu vực ủng hộ phe cánh tả. Vì nhiều lý do, các ông lớn công nghệ thường sát cánh cùng các phong trào của phe cánh tả cực đoan như Black Lives Matter, kiểm duyệt thông tin, văn hóa tỉnh thức (woke culture),… Liệu Elon Musk, người vừa trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter, có thay đổi được Thung lũng Silicon?

Elon Musk đã trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter - vốn nổi tiếng là một doanh nghiệp theo phe cánh tả cực đoan của Thung lũng Silicon. Việc Musk mua cổ phần được thúc đẩy bởi sự ủng hộ của ông đối với tự do ngôn luận và sự phản đối đối với văn hóa tỉnh thức vốn mang đầy tính tẩy chay - tẩy chay đối tượng nào đó dựa trên nhận thức về các vấn đề xã hội như phân biệt chủng tộc, giới tính,....

Hành động này của Elon Musk có thể mở đường cho các nhà lãnh đạo khác đứng lên chống lại đám đông thức tỉnh, đồng thời điều hành công ty theo đường hướng truyền thống là phục vụ lợi ích của khách hàng và cổ đông. Nhưng điều đó không dễ dàng xảy ra.

Thung lũng Silicon ủng hộ phe cánh tả

Cho đến nay, Twitter và nhiều công ty khác ở Thung lũng Silicon đã có những hành động làm vừa lòng phe cánh tả. Vụ tai tiếng nhất là: Twitter đã khóa tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump do hoạt động chính trị của ông, trong khi không động đến tài khoản của Ayatollah của Iran hay Putin của Nga. Công ty này cũng kiểm duyệt các tweet chỉ trích Trung Quốc, các tweet đặt câu hỏi về các chính sách Covid của chính quyền, và các thông tin có thể ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden - chẳng hạn như các thông tin về máy tính xách tay của Hunter Biden.

Tất cả những điều này diễn ra phổ biến ở Thung lũng Silicon. YouTube của Google và Facebook/Instagram cũng thực hiện việc kiểm duyệt tương tự. Amazon cũng kiểm duyệt những cuốn sách mà họ cho là có khuynh hướng cánh hữu quá mức, chẳng hạn như cuốn sách “Hướng dẫn dành cho cha mẹ để ngăn chặn tình dục đồng giới”. Và Apple đã đi đầu trong việc cấm “InfoWars” của Alex Jones do chứa những “phát ngôn thù hận” (những lời tấn công một người hoặc nhóm người dựa trên các đặc điểm như chủng tộc, giới tính,…).

Tất cả các công ty trên đều ủng hộ các phong trào của cánh tả như Black Lives Matter. Facebook đã quyên góp 10 triệu USD cho các tổ chức công bằng chủng tộc; YouTube quyên góp 100 triệu USD cho những người da đen làm nghề sáng tạo nội dung; và Apple cùng với Google đã quyên góp hàng trăm triệu USD cho các sáng kiến ​​bình đẳng chủng tộc. (Các công ty này đã không thể tiếp tục quyên góp cho Black Lives Matter vì tổ chức này bị đánh giá là quá tham nhũng, đến mức bang California đã cấm tổ chức này tiếp nhận thêm các khoản đóng góp).

Jeff Bezos của Amazon đã mua và điều hành Washington Post - tờ báo ủng hộ cánh tả; và Mark Zuckerberg của Facebook đóng góp hơn 400 triệu USD dựa trên lời khuyên của người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Obama, David Plouffe, cho các tổ chức phi lợi nhuận để giúp kiểm phiếu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020 (chủ yếu ở các khu vực theo phe Dân chủ).

Việc các gã khổng lồ công nghệ có nhiều động thái làm hài lòng phe cánh tả có vẻ đi ngược lại lợi ích của chính họ. Twitter chưa bao giờ nhận được nhiều sự chú ý hơn thời kỳ ông Trump còn là Tổng thống; nhưng công ty này đã khóa tài khoản của ông. Hành động của Twitter đã giúp tạo ra một nền tảng cạnh tranh là Parler. Việc kiểm duyệt thông tin về COVID-19 của YouTube đã tạo ra một đối thủ cạnh tranh mới, Rumble.

Tại sao các đại gia công nghệ lại ủng hộ phe cánh tả?

Các đại gia trong ngành công nghệ, những người sở hữu các công ty này, có thực sự ủng hộ cánh tả? Giới đại gia công nghệ có thực sự nghĩ rằng chính quyền lớn, chủ nghĩa xã hội, kiểm duyệt và chủ nghĩa thức tỉnh là con đường tốt nhất dành cho nước Mỹ? Khó có khả năng đó. Trên thực tế, những người trong nội bộ nói rằng ông Zuckerberg đi ngược lại với những tư tưởng đó. Xu hướng chính trị của ông khá giống với chủ nghĩa tự do. Vậy tại sao họ lại ủng hộ những phong trào cánh tả này? Có 3 cách giải thích.

Đầu tiên, họ là những tỷ phú đang tìm cách bảo vệ sự giàu có của mình. Ông Bezos có tài sản ước tính 185 tỷ USD! Do vậy, những đại gia này là mục tiêu tự nhiên của phe cánh tả - những người kích động cuộc chiến giai cấp và bị ám ảnh bởi “bất bình đẳng thu nhập”. Nếu bạn phản đối những quan niệm cấp tiến, bạn sẽ trở thành mục tiêu bị lên án. Mặc dù ủng hộ cánh tả, ông Bezos vẫn là một mục tiêu lớn. Những người biểu tình tại sự kiện Occupy Wall Street và Black Lives Matter từng giơ những tấm biển có nội dung “Đánh thuế Bezos”. Người biểu tình đã nhiều lần diễu hành đến nhà của Bezos. Hàng chục nghìn bản kiến ​​nghị có chữ ký nêu rõ: "Không cho Jeff Bezos quay trở lại trái đất" khi ông bay vào vũ trụ! Họ cướp bóc siêu thị Whole Foods của ông. Như vậy, làm hài lòng phe cánh tả là nhằm bảo vệ của cải, cũng là bảo vệ sự an toàn của chính những đại gia công nghệ này.

Thứ hai, chính phe cánh tả đòi hỏi sự kiểm duyệt. Phe cánh tả phát minh ra văn hóa tẩy chay. Họ dán nhãn các quan điểm đối lập là thuyết âm mưu không nên được biết đến. Họ cho rằng những thông tin về COVID-19 mà đi ngược lại nguồn tin chính thức (đã qua phê duyệt) là rất nguy hiểm. Giới chính trị gia thậm chí gây áp lực buộc các công ty công nghệ phải kiểm duyệt những điều này. Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, các công ty công nghệ tuân thủ yêu cầu từ giới chức.

Thứ ba, lực lượng lao động khổng lồ ở Thung lũng Silicon trong những công ty này chủ yếu là Millennials - một thế hệ đã được cánh tả tích cực truyền bá tư tưởng. Thế hệ này mong đợi được trả lương cao, công việc ít căng thẳng và linh hoạt tối đa. Nếu họ được yêu cầu đến văn phòng, tốt hơn hết nên có các trò chơi để giải trí như bóng bàn và bi-a, cũng như cappuccino được pha theo yêu cầu và bia vào lúc 5 giờ chiều. Họ cũng mong muốn ban quản lý cùng chia sẻ quan điểm của họ về công bằng xã hội. Nếu ban quản lý không làm thế, những nhân viên của thế hệ này mong đợi ban quản lý sẽ rời bỏ vị trí .

Một ví dụ điển hình: Các nhân viên đã lật đổ Palmer Luckey, người sáng lập công ty kính thực tế ảo Oculus. Doanh nghiệp này sau đó đã được bán cho Facebook với giá 3 tỷ USD. Zuckerberg giữ ông Luckey lại để ông ấy tiếp tục giám sát công việc kinh doanh. Nhưng mọi chuyện trở nên mất kiểm soát khi các nhân viên phát hiện ra ông Luckey đã đóng góp 10.000 USD cho một nhóm phản đối chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của bà Hillary Clinton. Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Zuckerberg đã phải phác thảo lời xin lỗi công khai của ông Luckey, trong đó nói rằng: "Tôi vô cùng lấy làm tiếc vì hành động của tôi gây ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ của mọi người về Oculus và các đối tác của công ty". Ông Luckey bị buộc phải rời khỏi công ty trong vòng 6 tháng.

Elon Musk nói phong trào tỉnh thức gây chia rẽ, bài trừ và thù hận

Vivek Ramaswamy, Giám đốc điều hành của công ty công nghệ sinh học trị giá hàng tỷ USD Roivant Sciences, cũng phải từ chức bởi vì nhân viên đã phản đối gay gắt quan điểm bảo thủ của ông. Sau đó, ông đã viết cuốn sách: "Tỉnh thức: Đằng sau trò lừa đảo công bằng xã hội tại doanh nghiệp Mỹ" (Woke, Inc: Inside Corporate America’s Social Justice Scam). Trong cuốn sách, ông giải thích về sự ra đi của mình. “Tôi đã chán ngấy trò giả vờ quan tâm đến công lý của các công ty ở Mỹ. Họ làm vậy chỉ nhằm kiếm tiền. Điều này đang âm thầm tàn phá nền dân chủ Mỹ. Nó yêu cầu một nhóm nhỏ các nhà đầu tư và CEO xác định điều gì là tốt cho xã hội, thay vì để nền dân chủ chung của chúng ta xác định. … Phong trào tỉnh thức đã định hình lại chủ nghĩa tư bản Mỹ”.

Elon Musk cũng từng có câu nói tương tự: “Về bản chất, phong trào tỉnh thức gây chia rẽ, có tính bài trừ và đầy thù hận. Cơ bản mà nói, phong trào tỉnh thức mang lại cho những người xấu tính một sự bảo vệ để trở nên xấu tính và độc ác, được bọc trong thứ đạo đức giả tạo".

​​Những nỗ lực của ông Musk nhằm hạn chế việc kiểm duyệt và thúc đẩy tự do ngôn luận bằng cách mua lại Twitter sẽ được các ông lớn công nghệ khác theo dõi sát sao. Nếu Elon Musk có thể vượt qua các trở ngại và đạt được mục tiêu, điều này có thể khuyến khích các công ty công nghệ khác thay đổi hướng đi. Phe cánh tả nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Họ đang tăng cường các cuộc công kích vào Musk. Cuộc chiến này rất có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả James Breslo là luật sư nhân quyền và người dẫn chương trình podcast "Sự thật bị che giấu" (Hidden Truth Show). Trước đây ông từng là cộng sự của công ty luật quốc tế Seyfarth Shaw và Chủ tịch của một công ty đại chúng. Ông đã nhiều lần xuất hiện trên Fox News và CNN với tư cách là chuyên gia pháp lý.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Elon Musk sẽ mua lại Twitter và 'thức tỉnh' Thung lũng Silicon?