ESG có phải là một trò lừa đảo đắt tiền?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù ESG đang ngày một phổ biến đối với các công ty, nhưng đây là một hệ tư tưởng đáng ngờ với các thuật ngữ thuộc văn hóa thức tỉnh và tẩy xanh. Các mục tiêu ESG đều rất viển vông và các cam kết ESG chỉ là một mánh lới tiếp thị của các công ty.

ESG là đại diện cho sự tiến bộ hay là trò lừa đảo?

Bạn đã từng phân vân nghĩ ngợi khi bắt gặp thuật ngữ viết tắt ESG? Đối với một số người, ESG là đại diện cho sự tiến bộ. Tuy nhiên, đối với những người khác, ESG chỉ là một trò lừa đảo. Dù thế nào đi nữa, phong trào ESG đang ngày một phổ biến, với ngày càng nhiều các công ty tham gia.

ESG là viết tắt của môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Nó đánh giá việc một công ty có thể cân bằng các mục tiêu xã hội mang lại lợi ích cho cộng đồng bên cạnh các mục tiêu truyền thống hơn, như tối đa hóa lợi nhuận. Để hiểu ESG, ta cần hiểu được nghĩa từng từ trong đó.

Môi trường: Ngày nay, biến đổi khí hậu rõ ràng là vấn đề được tranh luận sôi nổi nhất trong tất cả các vấn đề nóng. Khi các quốc gia đang phấn đấu giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống mức "net-zero" (lượng phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050, các công ty đang được đánh giá về tác động đến môi trường. Điều này bao gồm lượng chất thải và ô nhiễm mà công ty tạo ra.

Xã hội: Một công ty được đánh giá dựa trên cách nó xử lý các mối quan hệ với nhiều bên liên quan, một điều khá mơ hồ. Với ESG, thuật ngữ “các bên liên quan” không chỉ bao gồm khách hàng, nhân viên và nhà cung cấp; nó bao gồm cộng đồng rộng lớn hơn. Về mặt lý thuyết, điều này có thể bao gồm tất cả những người đang sống. Trong ba thành phần của ESG, thành phần thứ hai có lẽ là thành phần gây nhiều tranh cãi nhất.

Quản trị: Các vấn đề được đặt ra ở đây bao gồm những nội dung sau: Công ty vận hành hàng ngày như thế nào? Các chính sách của công ty có minh bạch không? Công ty có đang tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp không? Có tôn trọng quyền của các cổ đông không?

ESG là một hệ tư tưởng đáng ngờ

Một câu hỏi đáng được đặt ra là, có bao nhiêu người thực sự hiểu ESG? Câu trả lời là số người như vậy có vẻ rất ít.

Theo Barron’s, một tờ báo có mối quan hệ với tờ The Wall Street Journal, ngay cả các nhà đầu tư lẻ, những người được kỳ vọng là hiểu rõ sự phức tạp của ESG, cũng “gặp khó khăn trong việc giải thích ý nghĩa của nó”. 25% nhà đầu tư lẻ tin rằng ESG là viết tắt của “thu nhập, cổ phiếu, tăng trưởng”.

Hơn nữa, 9% số người được hỏi thừa nhận rằng “họ không quen thuộc với khái niệm này như những gì các bài báo về chủ đề đầu tư ESG mô tả”.

Bởi vì ESG là một hệ tư tưởng không rõ ràng chứa đầy những thuật ngữ thuộc văn hóa thức tỉnh và "tẩy xanh"- các lời quảng cáo thân thiện với môi trường không đúng sự thật nhằm đánh bóng thương hiệu. Theo ông Chamath Palihapitiya, người sáng lập công ty đầu tư Social Capital, phong trào ESG là một công cụ “tiếp thị tuyệt vời”. Tuy nhiên, bản chất thực tế của nó lại là một điều thất vọng. Đầu tư ESG chỉ hoàn toàn là một trò lừa đảo.

Những lời đánh giá với các từ ngữ mạnh mẽ này phản ánh rất đúng sự thực.

ESG chỉ là một khái niệm mới được bổ sung vào trào lưu văn hóa thức tỉnh trong các doanh nghiệp. Các vấn đề môi trường đã bị chính trị hóa nặng nề. Nhiều nhà hoạt động thiên tả cảnh báo rằng ngày tàn đã ở rất gần. Ngày tận thế sắp đến, họ cảnh báo, và chúng ta không được chuẩn bị cho những điều kinh hoàng đang chờ đợi chúng ta.

Mặc dù các dữ liệu không ủng hộ điều đó, các nhà hoạt động môi trường hiện đang chiếm ưu thế trong dòng thông tin chính. Việc không tuân theo yêu cầu của họ sẽ bị trừng phạt nhanh chóng và nghiêm khắc. Đây là lý do tại sao nhiều công ty sẵn sàng tuân theo các sáng kiến ​​ESG.

Các công ty sử dụng ESG như là một mánh lới tiếp thị

Trong thế giới hiện nay, vẻ ngoài rất quan trọng; các công ty luôn khao khát thể hiện rằng mình quan tâm tới các vấn đề ESG, ngay cả khi họ không thực sự quan tâm. ESG đơn giản đã nâng việc ra tín hiệu đức hạnh (thể hiện quan điểm có vẻ đức hạnh nhằm nâng cao bản thân) lên một cấp độ hoàn toàn mới.

Như các tác giả tại Fast Company đã chỉ ra gần đây, trong một cuộc khảo sát với gần 1.500 giám đốc điều hành trong các ngành công nghiệp khác nhau, 58% người được hỏi “thừa nhận rằng công ty của họ đã phạm tội tẩy xanh”.

Tẩy xanh là một mánh lới tiếp thị; nó đánh lừa công chúng và khiến họ nghĩ rằng các sản phẩm, dịch vụ và chính sách của công ty là thân thiện với môi trường.

Theo bài báo, trong số các nhà lãnh đạo của Mỹ, 68% số người được hỏi thừa nhận đã tẩy xanh. Hai phần ba giám đốc điều hành thừa nhận rằng các nỗ lực phát triển bền vững của công ty họ là kém chân thật.

Một trong những ví dụ trắng trợn về tẩy xanh trong thời gian gần đây là vụ việc của Volkswagen, nhà sản xuất ô tô đa quốc gia. Vào năm 2015, người ta phát hiện ra rằng Volkswagen đã gian lận trong các bài kiểm tra khí thải trong nhiều năm. Trước khi có phát hiện bất ngờ trên, công ty này đã có một thời gian dài quảng cáo các mẫu xe của mình là vừa ít phát thải vừa thân thiện với môi trường. Thực tế thì, nhiều xe do công ty sản xuất có động cơ thải ra quá nhiều nitơ oxit, một chất gây ô nhiễm.

Tháng 6 năm ngoái, Earth Island Institute, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, đã kiện Coca-Cola, hãng đồ uống khổng lồ luôn tự hào về việc có ý thức về môi trường. Earth Island Institute cáo buộc công ty này đã lừa dối công chúng và là một trong những nguồn gây ô nhiễm nhựa lớn nhất hành tinh.

Không có gì ngạc nhiên khi vì mục đích cải thiện hình ảnh, cả Volkswagen và Coca-Cola đều công nhận tầm quan trọng của ESG. Chúng ta vẫn được nghe rằng tính bền vững là một điều quan trọng hàng đầu.

Trong số tất cả các công ty đa quốc gia ủng hộ ESG, BlackRock, công ty đầu tư có trụ sở chính tại Thành phố New York, có lẽ là công ty hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Chúng ta vẫn được đảm bảo rằng, các giám đốc điều hành luôn cam kết với hoạt động đầu tư bền vững.

Theo trang web của công ty, đầu tư bền vững bao gồm việc “đầu tư vào sự tiến bộ và nhận thức rằng các công ty giúp đỡ giải quyết những thách thức lớn nhất của thế giới sẽ có khả năng tăng trưởng cao nhất. Đầu tư bền vững là chỉ việc đi tiên phong tìm ra cách thức kinh doanh tốt hơn và khuyến khích ngày càng nhiều người ủng hộ cho tương lai mà chúng ta xây dựng”.

Tuy nhiên, theo ông Tariq Fancy, cựu giám đốc đầu tư bền vững tại BlackRock, công ty này nói thì rất hay nhưng không thực sự làm được gì. Trong một bài luận gây chú ý được xuất bản vào năm ngoái, ông Fancy đã chỉ ra cách BlackRock đã đánh lừa công chúng.

Ông viết: “Họ hẳn phải biết rằng họ đang phóng đại mức độ liên quan giữa mục đích và lợi nhuận. Những nhà lãnh đạo của công ty phải biết rằng những ý tưởng mà họ đề xuất không thể giải quyết dù chỉ một chút các vấn đề dài hạn đang tồn tại”.

“Những thuật ngữ tiếp thị", ông cảnh báo, "đang tích cực đánh lừa công chúng”.

Những mục tiêu ESG cao cả tới mức viển vông

Vấn đề với ESG là nó có những mục tiêu cao cả đến mức viển vông. Khi các công ty cam kết với ESG, họ cố gắng ganh đua với nhau, đưa ra những tuyên bố ngày càng lố bịch. Nếu một công ty hứa sẽ thay đổi các tác động môi trường của mình trong vòng chưa đầy một thập kỷ, thì công ty tiếp theo sẽ hứa làm điều đó trong 5 năm. Nếu một công ty hứa giảm lượng rác thải nhựa của mình, thì công ty tiếp theo sẽ hứa không chỉ đạt được điều này mà còn giải cứu rừng nhiệt đới Amazon.

Trong trò chơi tốn kém này, những lời lừa gạt là thứ đóng vai trò rất lớn. Ngôn từ, như người ta vẫn nói, là rất rẻ mạt. Trong thế giới của ESG, ngôn từ là tất cả. Có lẽ chúng ta cần dừng việc tin vào những lời nói suông đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Bài viết của ông được đăng trên nhiều tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US, và những tờ báo uy tín khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến các rối loạn chức năng xã hội và thao túng truyền thông.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

ESG có phải là một trò lừa đảo đắt tiền?