EU thống nhất cắt giảm nhu cầu khí đốt trong bối cảnh Nga hạn chế nguồn cung

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liên minh châu Âu mới đây đã thống nhất cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt, để đảm bảo có thể tiết kiệm đủ khí đốt cho mùa đông và chuẩn bị cho việc gián đoạn nguồn cung từ Nga. Các trường hợp được quyền miễn trừ và hạ bớt mục tiêu cắt giảm cũng được nêu rõ. Sắc lệnh mới được đưa ra trong bối cảnh Nga tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu.

Liên minh châu Âu thông qua đề xuất cắt giảm sử dụng khí đốt

Liên minh châu Âu (EU) đã ra thông báo về quyết định "tự nguyện cắt giảm" 15% nhu cầu khí đốt tự nhiên vào mùa đông năm nay trong nỗ lực tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng của khu vực, đồng thời cũng cung cấp sự miễn trừ cho các quốc gia có thể không đạt được mục tiêu.

Mục đích của việc cắt giảm nhu cầu là để có thể tiết kiệm đủ khí đốt trước mùa đông để chuẩn bị cho việc nguồn cung cấp khí đốt từ Nga có thể bị gián đoạn, Hội đồng châu Âu nêu rõ trong thông cáo báo chí ngày 26/07. Hội đồng này đồng thời đổ lỗi cho Moscow vì đã “liên tục sử dụng” nguồn cung năng lượng như một vũ khí. Trong 8 tháng từ ngày 01/08/2022 đến ngày 31/03/2023, các nước thành viên EU, như đã nêu, sẽ cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua.

“EU đoàn kết và thống nhất. Quyết định hôm nay cho thấy rõ ràng rằng các quốc gia thành viên sẽ kiên quyết chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm chia rẽ EU bằng cách sử dụng nguồn cung cấp năng lượng làm vũ khí”, ông Jozef Síkela, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Séc cho biết. “Việc thông qua đề xuất cắt giảm khí đốt trong thời gian kỷ lục chắc chắn đã củng cố an ninh năng lượng chung của chúng ta”.

Hội đồng châu Âu cũng chỉ ra một số trường hợp miễn trừ, cũng như khả năng giảm nhẹ mục tiêu cắt giảm bắt buộc. Ví dụ, các quốc gia thành viên được miễn trừ nếu họ không được kết nối với mạng lưới khí đốt của các quốc gia khác, hoặc lưới điện của họ không được đồng bộ với hệ thống điện châu Âu, hoặc là các quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt để sản xuất điện.

Các quốc gia có thể yêu cầu giảm nhẹ mức cắt giảm mục tiêu nếu họ có sự kết nối hạn chế đối với các quốc gia thành viên khác, nếu họ đang vượt quá mục tiêu lấp đầy kho chứa khí đốt của mình (kho chứa khí đốt đang ở mức đầy hơn mức mục tiêu họ đã đề ra), nếu mức tiêu thụ khí đốt của họ đã tăng 8% trong năm vừa rồi so với mức trung bình 5 năm qua, hoặc nếu họ có các ngành công nghiệp quan trọng phụ thuộc vào khí đốt.

Khi cắt giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên, các nước sẽ cố gắng đảm bảo rằng các chính sách đó không ảnh hưởng đến các khách hàng như hộ gia đình hoặc các dịch vụ thiết yếu như quốc phòng và chăm sóc sức khỏe.

Bối cảnh và phản đối

Hungary đã bỏ phiếu chống lại đề xuất của EU. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto gọi đề xuất này là “không chính đáng, vô ích, không thể thực thi và có hại”, theo France24.

EU thống nhất cắt giảm nhu cầu khí đốt trong bối cảnh Nga hạn chế nguồn cung
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara, vào ngày 19/04/2022. (Ảnh: ADEM ALTAN / AFP qua Getty Images)

Ông Szijjarto nói: “Chúng tôi là những người duy nhất thể hiện rằng chúng tôi đang bỏ phiếu phủ quyết - rằng Hungary đang bỏ phiếu phủ quyết cho sắc lệnh này, vì sắc lệnh này hoàn toàn phớt lờ lợi ích của người dân Hungary".

Quyết định của EU được đưa ra trong bối cảnh Nga đang cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trong những tuần gần đây, đường ống Nord Stream 1 bơm khí đốt từ Nga sang Đức đã hoạt động thấp hơn đáng kể mức công suất. Đầu tháng này, nó đã ngừng hoạt động trong 10 ngày để bảo trì.

Gazprom, tập đoàn năng lượng nhà nước chiếm sở hữu đa số của Nga, đã ra thông báo dừng một tuabin tại Nord Stream 1 bắt đầu từ 04:00 GMT thứ 4 (27/07), lấy lí do về vấn đề kỹ thuật. Quyết định này sẽ cắt giảm sản lượng khí đốt hàng ngày xuống còn 20%, bằng một nửa mức cung cấp hiện tại.

Bảo Nguyên

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

EU thống nhất cắt giảm nhu cầu khí đốt trong bối cảnh Nga hạn chế nguồn cung