Fed bối rối về hướng đi của nền kinh tế nhưng sẽ không tăng lãi suất, chỉ giảm 90% tiền mua trái phiếu hàng tháng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Fed thừa nhận lạm phát đang làm các gia đình trung lưu trở xuống ở Mỹ khốn đốn. Tuy nhiên, Fed vin vào cớ thất nghiệp vẫn còn quá cao và lờ đi thực tế rằng lạm phát không phải là giả thiết mà là hiện thực, do vậy sẽ không thay đổi chính sách lãi suất của mình; ít nhất cho tới tháng 6 năm sau. Thay vào đó, Fed chỉ giảm số tiền mua trái phiếu hàng tháng từ 120 tỷ USD xuống còn 15 tỷ USD. Chủ tịch của Fed cũng lúng túng về hướng đi của nền kinh tế.

Đưa tin về cuộc họp rất được mong đợi của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Tư vừa qua, hãng tin AP News đã mở đầu bài viết bằng một lời trấn an: "Nếu bạn thấy nền kinh tế hiện tại hơi khó hiểu, đừng lo lắng: Quan chức kinh tế hàng đầu của Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông Jerome Powell cũng vậy".

Lúng túng

Đúng vậy! Fed hoàn toàn bối rối trước hướng đi của nền kinh tế. Fed cũng thừa nhận lạm phát và rằng nó đang tàn phá kinh tế của các hộ gia đình Mỹ, những người có thu nhập từ lương và thu nhập đó đang bị bào mòn đi nhanh chóng bởi lạm phát. Dù vậy, Fed dường như hết sức lúng túng và bế tắc trong việc định hình một chính sách thỏa đáng.

Dù lạm phát ở Mỹ có cao nhất trong 3 thập kỷ đi chăng nữa, nhưng vin vào tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn rất cao, ông Powell không muốn tăng lãi suất vào lúc này. Việc tăng lãi suất luôn được xem là công cụ mạnh để ngăn chặn lạm phát.

Trong cuộc họp báo, ông Powell mô tả lạm phát như là kết quả của tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu vì Covid-19. Và nếu chỉ vì lý do như vậy, hiển nhiên lạm phát sẽ là vấn đề ngắn hạn, tức thời và nó sẽ lập tức biến mất khi Covid-19 biến mất. Nhưng đáng tiếc, đó không phải là lý do duy nhất.

Tỷ lệ lạm phát (CPI) ở Hoa Kỳ vào tháng 9 là 5,4%, ở Đức là 4,1%, ở Trung Quốc là 0,7%. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

Dù không nhắc tới, nhưng Fed không thể phủ nhận rằng chính sách tiền giá rẻ ngập thế giới được lãnh đạo bởi Fed đã tạo ra bong bóng giá tài sản tài chính khắp toàn cầu. Dù chưa thể ngấm vào lạm phát vì sức tiêu dùng cả thế giới yếu đi sau mỗi cuộc khủng hoảng. Nguyên nhân sâu xa là khủng hoảng làm tài sản và tích lũy tài chính của tầng lớp trung lưu mỏng đi. Sức tiêu dùng của tầng lớp này mất đi là nguyên nhân chính khiến cho tiêu dùng toàn cầu suy yếu, không thể khôi phục ngay dù ngập tiền giá rẻ.

Không chỉ chính sách tiền tệ, đi cùng với lượng cung tiền khổng lồ trong hơn một thập kỷ qua là các khoản chi mạnh tay của chính phủ vào bất cứ thứ gì có thể, từ lý do môi trường đến hạ tầng và phúc lợi.

Bởi vậy, lạm phát không xuất hiện chỉ bởi vì Covid-19. Chỉ khác là, cùng với Covid-19, lạm phát bị bồi thêm cú đánh về tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến thế giới bước chân nào vào tình trạng kinh tế u ám nhất: Lạm phát - đình trệ; vừa lạm phát vừa tăng trưởng thấp.

Có lẽ, vì không thừa nhận các nguyên nhân gốc rễ của lạm phát, chỉ thừa nhận một nguyên nhân từ Covid-19, Fed cần chờ đợi sự biến mất của Covid-19 để quyết định xem có nên tăng lãi suất ngăn chặn lạm phát hay không.

Câu hỏi đặt ra là: Bao giờ Covid-19 biến mất? Fed, cũng như chúng ta, có vẻ như hoàn toàn lúng túng. Họ không có câu trả lời bất chấp các chính trị gia ở Mỹ, các quan chức CDC, FDA, WHO khăng khăng rằng vaccine là 'liều thuốc tiên' xử lý đại dịch toàn cầu. Sau gần một năm tiêm vaccine với tỷ lệ bao phủ lớn, đại dịch vẫn tồi tệ. Và vaccine không phải là câu trả lời cho đại dịch như quảng bá của các hãng dược phẩm lớn, truyền thông dòng chính, và các chính trị gia.

Fed thừa nhận nhưng vẫn coi lạm phát là ‘giả thuyết’

Ông Powell thừa nhận rằng ông hoàn toàn không rõ ràng khi nào hoặc thậm chí liệu mọi thứ có diễn ra theo cách mà ông và các quan chức Fed khác hy vọng hay không. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được sự rõ ràng hơn đáng kể về hướng đi của nền kinh tế này và những đặc điểm của nền kinh tế sau đại dịch trong nửa đầu năm tới".

Đó là quan điểm của ông Powell ngay cả khi lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong ba thập kỷ, tạo ra gánh nặng cho các hộ gia đình đang phải trả nhiều chi phí hơn cho thực phẩm, tiền thuê nhà, dầu sưởi, và các nhu cầu thiết yếu khác. Powell thừa nhận: “Những người đang sống bằng tiền lương hoặc nhìn thấy chi phí hàng tạp hóa cao hơn, chi phí xăng dầu cao hơn… chúng tôi hoàn toàn hiểu họ đang phải trải qua những gì”, theo AP News.

Trong khi chờ đợi, Fed cho biết, họ sẽ bắt đầu cố gắng chống lại những áp lực lạm phát đó bằng cách giảm 120 tỷ USD mua trái phiếu hàng tháng xuống 15 tỷ USD mỗi tháng, bắt đầu từ tháng này [tháng 11/2021].

Về lãi suất, Fed cân nhắc tăng lãi suất sau nửa đầu năm 2022. Một số nhà kinh tế và nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ làm điều đó. Việc tăng lãi suất vào tháng 6 sẽ sớm hơn nhiều so với dự kiến ​​được đưa ra trong mùa hè năm nay của Fed. Thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo rằng họ sẽ không làm như vậy cho đến cuối năm 2023.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell. (Ảnh: Samuel Corum/Getty Images)

Ông Powell cũng phát đi thông điệp cứng rắn không tăng lãi suất sớm hơn vì lý do tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Số người có việc làm vẫn ít hơn 5 triệu người so với trước đại dịch. Fed sẽ không tăng lãi suất cho đến khi thất nghiệp giảm gần mức 3,5% (tỷ lệ thất nghiệp trước đại dịch).

Fed cũng thừa nhận rằng nền kinh tế Mỹ đang có nhiều bất ổn. Tỷ lệ người có việc làm vẫn thấp và chậm cải thiện hơn so với kỳ vọng của Fed.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu khác cho thấy nhiều bất ổn của nền kinh tế, ông cũng thừa nhận rằng việc tuyển dụng gần đây không mạnh mẽ như ông mong đợi. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán rằng nhiều người hơn sẽ bắt đầu nhận việc vào tháng 9. Thay vào đó, việc tuyển dụng trong tháng đó trở nên thất bại.

Ông Powell cũng đưa ra nhiều lý do giải thích cho các dự báo thất bại của Fed cũng như các thất bại của nền kinh tế khi ông đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Fed, một nhân vật có quyền lực hàng đầu của nền kinh tế.

"Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lý do giải thích cho các khó khăn này", chủ tịch Fed nói. "Bây giờ chúng tôi đang học hỏi, chúng tôi phải khiêm tốn về những gì chúng tôi biết về nền kinh tế này".

"Thật khó để dự báo nền kinh tế trong thời kỳ bất bình thường", ông tiếp tục. "Khi bạn đang nói về chuỗi cung ứng toàn cầu trong tình trạng hỗn loạn, đó là một điều hoàn toàn khác. Và bạn đang nói về một đại dịch đang ngăn cản người lao động có việc làm vì những lý do mà chúng ta ... không có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, rất, rất khó dự báo và không dễ hoạch định chính sách".

Ông Powell cho biết, Fed sẽ không ngần ngại tăng lãi suất nếu lạm phát tăng nhanh hoặc nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp bắt đầu kỳ vọng mức giá cao hơn, điều này có thể trở thành một xu hướng tự hoàn thiện. Ví dụ, nếu các công ty kỳ vọng chi phí cao hơn, họ sẽ tự tăng giá để đáp ứng kỳ vọng này.

Ông nói: “Hiện tại, (rủi ro) dường như đang nghiêng về phía lạm phát cao hơn".

Tuy nhiên, Eric Winograd, một nhà kinh tế tại công ty quản lý tài sản Alliance Bernstein, cho biết những bình luận của ông Powell dường như cho thấy rằng ông coi lạm phát có vấn đề là “giả thuyết hơn là một sự kiện đã được hiện thực hóa”. Điều đáng bàn ở đây là lạm phát đã là một sự thật. Fed dường như cố lảng tránh sự thật này.

Ông Winograd nói thêm: “Fed rõ ràng không nghĩ rằng lạm phát có khả năng sẽ duy trì ở mức cao hơn hoặc gần mức hiện tại, cũng như không nghĩ rằng thị trường lao động sẽ trở lại trạng thái toàn dụng. Vì thế họ không có ý định tăng lãi suất".

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Fed bối rối về hướng đi của nền kinh tế nhưng sẽ không tăng lãi suất, chỉ giảm 90% tiền mua trái phiếu hàng tháng