Fed đảm bảo không có rủi ro - Chuyên gia kiên trì cảnh báo nổ bong bóng đầu cơ lớn nhất mọi thời đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

  • Fed vừa chứng nhận sức khỏe cực tốt của các ông lớn Phố Wall trong bài kiểm tra sức căng định kỳ mở đường cho các ngân hàng này mở rộng cho vay, chia cổ tức. Nhưng các chuyên gia kinh tế - tài chính Phố Wall, lại kiên trì cảnh báo các nhà đầu tư về sự sụp đổ lịch sử sắp diễn ra ở Mỹ và sau đó là toàn cầu...
  • Bài báo này giải thích phần nào cách mà các sói Phố Wall kiếm tiền trên cả sự hưng phấn lẫn sự sụp đổ của thị trường tài chính nước Mỹ

Có một điều chắc chắn là, khi bong bóng thị trường chứng khoán hiện tại nổ tung, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell sẽ không thể ngồi trước Quốc hội và nói với các nhà lập pháp rằng không ai có thể thấy nó sắp xảy ra. Các cựu chiến binh, các chuyên gia tài chính, đầu tư dày dạn kinh nghiệm trên Phố Wall đã liên tục cảnh báo về một vụ tai nạn cực lớn trên thị trường tài chính Mỹ sắp xảy ra.

Vấn đề không chỉ trầm trọng ở những lời cảnh báo. Các con số về nguồn tiền của các siêu ngân hàng thương mại Mỹ bơm vào TTCK đồng thời đầu cơ vào các hợp đồng phái sinh để đánh bạc vào sự sụp đổ của thị trường cho thấy các lời cảnh báo của chuyên gia đáng tin cậy đến mức nào.

Các NHTM Mỹ đang đánh bạc vào sự sụp đổ của TTTC Mỹ trong một canh bạc lớn hơn bao giờ hết. Khối tài sản tài chính phái sinh tại các NHTM được liên bang bảo hiểm đã gấp 8 lần GDP của Mỹ.

Tần suất và số lượng cảnh báo đã ở mức kỷ lục

Hai tuần trước, Michael Burry, người đứng đầu quỹ đầu cơ Scion Asset Management, người trở thành hình mẫu nhân vật chính trong bộ phim “The Big Short” vì đã kiếm được hàng tỷ USD trên TTTC Mỹ nhờ đánh bạc vào sự sụp đổ của thị trường nợ dưới chuẩn, đã liên tiếp đưa cảnh báo về sự sụp đổ lớn hơn sẽ xảy ra cho các nhà đầu tư. Các tweet của ông Burry sau đó đã bị xóa, nhưng các phương tiện truyền thông uy, các tạp chí uy tín về tài chính của Mỹ đã kịp đưa tin rộng rãi.

Ông Burry đã tweet vào ngày 15/6: “Mọi người luôn hỏi tôi chuyện gì đang xảy ra trên thị trường. Nó đơn giản. Bong bóng đầu cơ lớn nhất mọi thời đại, lớn nhất trong tất cả mọi thứ.”

Hai ngày sau, ông Burry thậm chí đã nâng cao quan điểm, cảnh báo rằng vụ tai nạn tới đây sẽ "tiếp cận với quy mô của các quốc gia." Burry đã viết:

Một ngày sau đó, thứ Sáu ngày 18 tháng 6, Robert Kiyosaki, tác giả của Rich Dad, Poor Dad đã tweet: “Bong bóng lớn nhất trong lịch sử tài chính thế giới ngày càng lớn. Vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử thế giới sắp xảy ra. Mua thêm vàng và bạc. Đang chờ Bitcoin giảm xuống còn 24.000USD/coin. Thời điểm tốt nhất để làm giàu. Bảo trọng."

Cần lưu ý rằng không phải tất cả các lần đổ vỡ đều là thời điểm tốt nhất để làm giàu. Sau khi thị trường sụp đổ bắt đầu vào năm 1929, phải mất 25 năm thị trường chứng khoán mới lấy lại được mức đỉnh mà nó đã thiết lập vào năm 1929. Đối với việc mua Bitcoin với giá 24.000 USD, bạn có thể muốn xem xét điều này: Những gã thông minh nhất trên TTTC gọi Bitcoin là “Rat Poison Squared” “ Một kế hoạch bơm và bán phá giá khổng lồ” và “một trò lừa đảo hình sự lớn” nhưng các cơ quan quản lý liên bang lại nhìn theo cách khác.

Cảnh báo của tuần trước chỉ là lời khuyên cảnh giác mới nhất đến từ những người theo dõi thị trường lâu năm. Vào ngày 9/4, Phillip Toews, người đã từng là giám đốc đầu tư trong ba thập kỷ trên Phố Wall, đã đăng cảnh báo trên trang web của công ty:

“Trước đây, sự dư thừa tạo ra sự suy thoái, sự dư thừa khiến hệ thống hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, thông qua những nỗ lực của chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang, chu kỳ bùng nổ và phá sản tự nhiên dường như đã được thay thế bằng sự đổ vỡ mang tính chu kỳ [không còn tự nhiên, mà buộc phải xảy ra theo chu kỳ nhất định]".

“Sự kết hợp của chính sách tiền giá rẻ, dễ dãi và kích thích tiêu dùng của chính phủ đã tạo ra một tình huống lịch sử lặp lại sự kiện bong bóng hoa tulip 400 năm về trước. Chúng ta kinh ngạc tự hỏi 'Làm thế nào mà sự điên rồ như vậy lại được phép xảy ra?" Chúng ta đang chứng kiến ví dụ về bong bóng hoa tulip ở cấp độ hiện đại hơn, hoa tulip trong thời đại kỹ thuật số. Bất chấp bong bóng thái quá này, các nền kinh tế mở, kích thích tài khóa bạo tay hơn, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một khối bong bóng lịch sử, quả bong bóng này sẽ làm lu mờ tất cả các bong bóng gía từng phát nổ trên TTTC trong lịch sử trước đó... "

Cuộc khủng hoảng tài chính sớm nhất và được ghi chép rõ ràng nhất bắt đầu từ “bong bóng” hoa tulip Hà Lan vào năm 1624. (Tổng hợp)
Cuộc khủng hoảng tài chính sớm nhất và được ghi chép rõ ràng nhất bắt đầu từ “bong bóng” hoa tulip Hà Lan vào năm 1624. (Tổng hợp)

Các sói già bơm máu thúc đẩy thị trường cổ phiếu tăng giá và thanh khoản mạnh

Các cảnh báo này có quá lời không? Không hề. Nếu nhìn vào câu chuyện vỡ nợ gần đây nhất của quỹ Archegos Capital Management, chúng ta có thể hình dung cách mà tiền rẻ, dễ dãi, dòng tiên vô tận của chính phủ đổ vào thị trường và các trò ma mãnh của Phố Wall đang thổi phồng quả bóng nợ này lớn đến mức nào.

Công cụ phái sinh cố phiếu được cho là tội đồ gây ra sự đổ vỡ của Quỹ đầu cơ gia đình Archegos tháng 03/2021. Các ngân hàng Mỹ sử dụng hợp đồng phái sinh cổ phiếu để có thể cho Archegos vay tới 85%, vừa cho vay ký quỹ đầu tư với Archegos (tỷ lệ cho vay margin theo luật của Mỹ chỉ là 50%) khiến đòn bẩy (nợ/vốn tự có) của Archegos gấp 6 – 10 lần, có khả năng đầu tư rủi ro tập trung cao vào một loại cổ phiếu. Điều này vừa tạo bong bóng giá cổ phiếu, vừa tạo rủi ro cho Archegos và lây nhiễm rủi ro này ra hệ thống các ngân hàng có quan hệ tín dụng với quỹ đầu cơ này.

Các ngân hàng đầu tư lớn đã thực hiện các khoản vay ký quỹ có đòn bẩy cao cho Archegos, bao gồm Credit Suisse, Nomura, UBS, Morgan Stanley và những người khác. Các ngân hàng đã thiệt hại hơn 10 tỷ đô la khi Archegos không thể đáp ứng các khoản vay ký quỹ.

Sự cố cho thấy rằng các ngân hàng lớn ở Phố Wall lại tiếp tục các trò chơi cũ của họ - bí mật cho các quỹ đầu cơ mượn bảng cân đối kế toán trong khi đồng thời phủ nhận khả năng nhìn thấy mức độ rủi ro tập trung lớn của công chúng và các nhà quản lý.

Theo hồ sơ 13F, bảng cân đối của 5 trong số các ngân hàng lớn nhất ở Phố Wall vào ngày 31 tháng 12 năm 2020 cho thấy họ nắm giữ tổng cộng 2,66 nghìn tỷ USD cổ phiếu - cho chính ngân hàng (như một khoản đầu tư), khách hàng của họ hoặc các quỹ đầu cơ có đòn bẩy tài chính cao như Archegos . Chi tiết như sau:

  • Ngân hàng Bank of America: 776,2 tỷ USD
  • JPMorgan Chase: 680,6 tỷ USD
  • Morgan Stanley: 647,47 tỷ USD
  • Goldman Sachs: 388,6 tỷ USD
  • Citigroup: 169,39 tỷ USD

Với dòng tiền khổng lồ chảy vào TTCK Mỹ như thế này, TTCK Mỹ đã có đầy đủ dấu hiệu tạo ra bong bóng.

Chỉ số Shiller P/E bình quân (đã loại trừ yếu tố giá, điều chỉnh theo mùa) của S&P 500 (Nguồn Shiller P/E).

Chỉ số Shiller P/E bình quân (đã loại trừ yếu tố giá, điều chỉnh theo mùa) của S&P 500 đã tăng quá cao, ở mức cao thứ hai so với lịch sử, chỉ thấp hơn giai đoạn bong bóng cổ phiếu Dotcom đổ vỡ năm 2021. Cũng tương tự như vậy, giá thị trường so với giá trị sổ sách của S&P 500 hiện ở mức 4.5 lần, tương đương vơi giai đoạn phát nổ bong bóng Dotcom 2001, và gấp hơn hai lần so với giá trị bình quân của chỉ số này kể từ năm 2000 cho tới nay. Giá cổ phiếu trên TTCK Mỹ được cho là đã bị định giá quá cao kể từ năm 2014.

Cách kiếm chác của các 'tay to': vừa bơm giá tạo cầu ảo vừa phái sinh đánh bạc vào sự đổ vỡ của thị trường

Ngoài việc nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu, các ngân hàng thương mại này cũng nắm giữa một khối lượng khủng công cụ phái sinh cổ phiếu. Điều này có nghĩa là gì? Phái sinh cổ phiếu là công cụ để phòng ngừa rủi ro giảm giá cổ phiếu. Nhưng ở đây, các ông lớn Phố Wall vừa là người sở hữu, thúc đẩy thị trường cổ phiếu tăng giá bằng nguồn tiền đầu tư đòn bảy tài chính khổng lồ, vừa đánh cược vào sự sụp đổ giá cổ phiếu. Tại sao họ làm vậy?

Các ông lớn Phố Wall bơm tiền vào TTCK qua việc tự đầu tư, cho các quỹ đầu cơ vay để đầu tư như Archegos, quỹ Hedge fund... tạo hình ảnh ảo về sự hưng phấn và tăng trưởng thần kỳ của thị trường, cũng đồng thời giúp họ dễ dàng thao túng giá cổ phiếu khi cần (đồng loạt bán tháo chẳng hạn).

Còn việc đánh bạc vào sự suy giảm giá cổ phiếu thông qua hợp đồng phái sinh là đảm bảo kiếm lời từ sự đổ vỡ của thị trường và của các định chế khác. Giải thích đơn giản là hợp đồng phái sinh cổ phiếu đảm bảo rằng các ông lớn (người đầu cơ vào hợp đồng phái sinh) sẽ được thanh toán khoản chênh lệch sụt giảm giá chứng khoán (nếu có).

Thông thường hợp đồng phái sinh được dùng để giảm tổn thất của người sở hữu tài sản cơ sở (chứng khoán, hàng hóa, nợ..). Tuy nhiên, thị trường phái sinh đã trở thành thị trường đầu cơ để các ông lớn Phố Wall đánh bạc vào sự sụp đổ của thị trường hay sản phẩm cụ thể để kiếm lời.

Các định chế ký hợp đồng phái sinh với các tài phiệt Phố Wall nếu vỡ nợ sẽ được Fed giải cứu. Khoản tiền giải cứu sẽ chảy đủ về các ông lớn Phố Wall. Tóm lại, các ông lớn Phố Wall không mất gì cả, họ vừa kiếm tiền nhờ thị trường tăng mạnh, họ cũng kiếm lời nhờ thị trường giảm mạnh tới mức đổ vỡ.

Sự sụp đổ của chứng khoán hóa khoản vay nợ dưới chuẩn (CDO) năm 2008 đã diễn ra đúng theo cách này. Các NHTM lớn của Mỹ một mặt mua sản phẩm chứng khoán hóa khoản vay dưới chuẩn này để tạo thanh khoản và hấp dẫn cho thị trường, một mặt mua nhiều hơn hợp đồng hoán đổi (phái sinh) bảo hiểm cho họ trong trường hợp thị trường này sụp đổ. Dĩ nhiên giá trị các hợp động phái sinh lớn hơn nhiều so với tổn thất của các ông lớn này nếu thị trường sụp đổ.

Sau khi tạo cầu ảo về CDO khiến thị trường đủ lớn, họ rút dần khỏi cuộc chơi, nhường cầu thật về CDO cho các nhà đầu tư nhỏ, đối thủ thủ... Thị trường sụp đổ theo đúng quy luật. Lúc này, các sói già Phố Wall mới thu bộn tiền. Họ thu tiền từ các hợp đồng phái sinh phòng ngừa rủi ro mà họ đã đánh bạc trước đó.

Một số đối tác ký hợp đồng phái sinh với họ không thể trả nợ, ví dụ như AIA hồi năm 2008. Ai sẽ trả cho AIA? Fed đứng ra rót vào AIA 182 tỷ USD để 'cứu trợ'. Dĩ nhiên, tiền của Fed là từ thuế của người dân Mỹ, rót từ Bộ Tài chính Mỹ về Fed. Và dĩ nhiên, tiền cứu trợ cho AIA từ Fed sẽ được AIA trả nợ cho các ông lớn Phố Wall đã đầu cơ vào các hợp đồng phái sinh đánh bạc này.

Bằng cách này, các tài phiệt Phố Wall không chỉ giàu hơn sau khủng hoảng mà còn bành trướng quy mô lớn hơn sau khủng hoảng. Họ càng lớn thì càng không thể để họ đổ vỡ, Fed lại càng phải đổ nhiều tiền hơn cứu trợ họ nếu họ yêu cầu. Họ càng lớn, quyền lực của họ với chính trị và các chính sách tài chính càng lớn hơn ...

Theo “Báo cáo hàng quý về hoạt động giao dịch ngân hàng và phái sinh” gần đây nhất của OCC, tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2020, tổng tài sản phái sinh mà hệ thống ngân hàng của Mỹ năm giữ là 163,79 nghìn tỷ USD; gấp 8 lần GDP của Mỹ.

Rủi ro tập trung của thị trường tài sản phái sinh hiện rất cao; 04 ngân hàng có hoạt động phái sinh nhiều nhất nắm giữ 88,4% tất cả các công cụ phái sinh của ngân hàng”. Theo cơ cấu tài sản phái sinh, các định chế toàn cầu tăng cường nắm giữ phái sinh vốn chủ sở hữu và phái sinh hoán đổi lãi suất. Với phái sinh hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS), loại phái sinh đã làm vỡ TTTC Mỹ 2008 đã giảm từ 55 nghìn tỷ năm 2008 xuống còn 3 nghìn tỷ USD năm 2020.

Tổng giá trị hợp đồng phái sinh vốn chủ sở hữu (cổ phiếu) tại các ngân hàng được liên bang bảo hiểm và các hiệp hội tiết kiệm, được xem là rủi ro nhất hiện nay, đã bùng nổ từ 737 tỷ đô la (số tiền danh nghĩa) kể từ năm 2008 lên 4,197 nghìn tỷ đô la vào ngày 31 tháng 12 năm 2020, tăng 469% (4,7 lần) trong 12 năm.

Tổng số tiền gọi ký quỹ cho khối tài sản phái sinh hiện chỉ thấp hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Thời điểm 31/12/2020, trách nhiệm tiền mặt phải trả (các cuộc gọi ký quỹ) cho các hợp đồng phái sinh này đã đạt mức cao thứ hai (507 tỷ USD), chỉ thấp hơn mức kỷ lục 804 tỷ USD mà các NHTM Mỹ phải trả cho các hợp đồng phái sinh mà họ nắm giữ năm 2008.

Các ông lớn Phố Wall chỉ đơn giản lặp lại cuộc chơi lớn hơn 2008 với sự hỗ trợ đến mức háo hức của Fed. Fed sẽ lại ném hàng nghìn tỷ USD vào giải cứu khi thị trường có vấn đề theo đúng kịch bản mà Phố Wall thiết kế.

Điều đáng chú ý là Fed New York thực sự thuộc sở hữu của các ngân hàng lớn ở Phố Wall này trong khi đồng thời tạo ra các chương trình cứu trợ khẩn cấp và sau đó thuê chính các ngân hàng được cứu trợ này giám sát rủi ro hệ thống, thị trường, cung cấp số liệu cho Fed ra quyết định.

Thanh Đoàn

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Fed đảm bảo không có rủi ro - Chuyên gia kiên trì cảnh báo nổ bong bóng đầu cơ lớn nhất mọi thời đại