Fed giảm lãi suất để ngăn chặn 'nỗi sợ hãi' của thị trường trong tâm dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 3/3 đã cắt giảm lãi suất trong một động thái khẩn cấp nhằm bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới trước tác động tiêu cực từ sự lây lan của virus Corona.

Trong thông báo đưa ra, Fed cho biết đã cắt giảm lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất xuống mức mục tiêu là 1,25-1,5%.

Ngay lập tức, thị trường chứng khoán Mỹ có phản ứng tích cực. Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, thị trường sớm có điều chỉnh giảm ngay sau đó. Dường như tác động của đợt cắt giảm lãi suất lần này của Fed chưa đạt kỳ vọng của thị trường hoặc đơn giản là chưa giúp các nhà đầu tư Mỹ vượt qua nỗi sợ hãi khi Covid-19 vẫn lan rộng và chưa có thuốc hay vắc-xin đặc trị.

Trước đó Tổng thống Donald Trump đã lại gọi đến Cục Dự trữ Liên bang nhằm thúc giục Fed cắt giảm lãi suất trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thế giới cũng đang cân nhắc một chính sách chống lại nguy cơ sụp đổ kinh tế do virus Corona chủng mới.

Tổng thống nói: “Các ngân hàng trung ương khác xông xáo hơn nhiều. Chúng ta nên dẫn đầu, chứ không nên theo sau”.

Nhằm nâng cao phản ứng phối hợp đối với đại dịch virus, các bộ trưởng tài chính của các nước G7 đã lên kế hoạch sẽ có một cuộc đàm thoại sớm nhất để thảo luận các hoạt động nhằm ngăn chặn mối nguy hiểm tài chính gây ra bởi Covid-19. Tương tự, vào hôm thứ Hai (2/3), Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cùng cho biết họ đã sẵn sàng giúp các nước thành viên đối phó với sự sụp đổ kinh tế tiềm ẩn do virus lây lan nhanh chóng.

Trước khi Fed quyết định giảm lãi suất, vào hôm thứ Hai, ông Trump đã bày tỏ quan điểm của mình trên Twitter rằng Fed đã “hành động chậm chạp” so với các ngân hàng trung ương khác, ông nói rằng các ngân hàng này “đang bơm tiền vào nền kinh tế của họ” và ông thúc giục Chủ tịch Fed Jerome Powell cần phải cắt giảm lãi suất.

“Chúng ta nên dẫn đầu, không nên theo sau”, ông Trump nói trên Twitter và lập luận rằng khi các ngân hàng trung ương khác “xông xáo hơn nhiều” để làm giảm lãi suất thì Mỹ sẽ gặp “bất lợi trong cạnh tranh”.

Lãi suất mục tiêu của Fed nằm trong khoảng 1,5-1,75%, trong khi các nước khu vực đồng euro như Đức có lãi suất âm.

Chính sách lãi suất âm đã được đưa ra tại khu vực đồng euro vào giữa năm 2014 nhằm kích thích nền kinh tế châu Âu đang suy yếu. Chính sách này thúc đẩy các ngân hàng cho vay nhiều tiền hơn thay vì hạn chế thanh khoản thặng dư tại các ngân hàng trung ương.

Biểu đồ chỉ số đô la, hay DXY, cho thấy đồng bạc xanh tăng vọt trong khoảng thời gian đó và duy trì ở mức cao trong nhiều năm.

Đồng đô la mạnh phần lớn là hậu quả do Mỹ có lãi suất tương đối cao so với lãi suất khu vực đồng euro, điều này làm giảm xuất khẩu. Động thái này đặt Hoa Kỳ vào thế bất lợi trong cạnh tranh, đây chính là điều mà ông Trump đã nhiều lần nói đến.

Trong khi đó, càng có nhiều đồng thuận cho rằng Fed cùng với các ngân hàng trung ương khác trên toàn thế giới sẽ sớm ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng tài chính do virus gây ra.

Tuần trước, các cổ phiếu gây ấn tượng của Phố Wall đã lao dốc vì những dữ liệu chỉ ra rằng các hoạt động của nhà máy ở Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ tồi tệ nhất vào tháng 2, điều này khiến ông Powell phải đưa ra tuyên bố đột xuất rằng Fed sẽ hành động khi được yêu cầu hỗ trợ.

Trong một tuyên bố ngày 28/2, ông Powell cho biết Fed sẽ “hành động tương thích” khi đối mặt với những rủi ro do dịch bệnh gây ra, mặc dù ông nói rằng tổng thể nền kinh tế vẫn trong tình trạng tốt.

“Virus Corona tạo ra những rủi ro cho các hoạt động kinh tế”, ông Powell nói. “Cục Dự trữ Liên bang đang theo dõi chặt chẽ sự phát triển và tác động của nó lên triển vọng nền kinh tế. Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình và hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế”.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, tin tức này dẫn đến sự gia tăng cá cược ủng hộ việc cắt giảm lãi suất vì các nhà giao dịch đang nhìn thấy 100% cơ hội giảm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp của Fed ngày 16-17/3. Một số mong đợi việc cắt giảm sẽ đến sớm hơn.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs cho biết hôm Chủ nhật (1/3) rằng họ tin rằng Fed thậm chí có thể cắt giảm 50 điểm cơ bản ngay cả trước cuộc họp chính sách tháng 3, như vậy, các nhà phân tích dự đoán sẽ cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản nữa trong quý II.

“Sau khi Chủ tịch Powell nói rõ ý định của mình, S&P 500 đã hồi phục”, ông Allen Sukholitsky, chiến lược gia vĩ mô tại Xallarap Advisory bình luận về sức bật của thị trường chứng khoán có tính quyết định hôm thứ Hai, cũng chứng kiến ​​chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng hơn 1.294 điểm, tương đương 5%, mức tăng điểm lớn nhất từ ​​trước đến nay đối với chỉ số này.

Ngoài ra, thị trường hướng về trái phiếu là một tài sản trú ẩn an toàn, cho thấy vẫn có những lo lắng ngấm ngầm còn tồn tại.

“Tuy nhiên, vào giữa sự hồi phục này, lợi tức của trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm giảm xuống bằng mức lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của tháng 1”, ông Sukholitsky nói với The Epoch Times qua email, nhấn mạnh rằng nhiều nhà đầu tư tiếp tục ủng hộ tài sản có rủi ro thấp.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Fed giảm lãi suất để ngăn chặn 'nỗi sợ hãi' của thị trường trong tâm dịch