Fed in tiền để tự bù lỗ, người dân Mỹ lãnh chịu hậu quả (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự thực là Fed đang phải gánh chịu những khoản lỗ khổng lồ, cả về giá trị thị trường của tài sản mà Fed đang nắm giữ, cũng như những khoản lỗ vận hành chính thức sẽ buộc phải được ghi nhận. Theo luật, Fed phải duy trì vốn dương, và các ngân hàng thành viên trong hệ thống Fed phải chia sẻ trách nhiệm đối với lỗ vận hành của Fed. Tuy nhiên, hiện nay, Fed đang in tiền để tự bù lỗ, và chuyển những thiệt hại lên người dân Mỹ.

Ai phải gánh chịu những khoản lỗ khổng lồ của Fed hiện nay?

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều nhà kinh tế tỏ ra rất thức thời khi cho rằng bất kỳ khoản lỗ nào gây ra bởi Fed, bất kể lớn đến mức nào, sẽ không để lại hậu quả. Điều này thực sự có đúng không? Nếu vậy, Fed xử lý những khoản lỗ và duy trì hoạt động như thế nào? Và cuối cùng ai là người phải chi trả cho những tổn thất? Khi Fed đang cố gắng kiểm soát khủng hoảng lạm phát bằng các chính sách tiền tệ, những câu hỏi này rất đáng được để tâm. Sự thực là Fed đang phải hứng chịu những khoản thiệt hại ở quy mô không tưởng, dẫn tới những khoản lỗ vận hành lớn, điều mà Fed chưa bao giờ phải đối mặt trong lịch sử 108 năm của nó.

Chúng tôi ước tính rằng, từ ngày 31/12/2021 đến cuối ngày 31/05/2022, Fed đã mất 540 tỷ USD giá trị thị trường trong danh mục đầu tư khổng lồ vào trái phiếu kho bạc và chứng khoán thế chấp. Để hình dung rõ về khoản lỗ này, 540 tỷ USD tương đương với 60% giá trị toàn bộ tài sản của Fed vào ngày 01/09/2008, ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu. 540 tỷ USD nhiều hơn 13 lần số vốn hợp nhất được báo cáo gần đây của Fed (41 tỷ USD). Mức chênh lệch là gần nửa nghìn tỷ USD. Khi lãi suất tăng cao, khoản lỗ này càng tăng. Hơn nữa, nếu chiến dịch chống lạm phát của Fed cuối cùng dẫn tới việc lãi suất ngắn hạn tăng trên 2,7%, chúng tôi dự đoán Fed sẽ ghi nhận lỗ vận hành, ngoài khoản lỗ tính theo giá trị thị trường (chưa được ghi nhận).

Không giống như các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác, Fed sẽ không sụp đổ, cho dù có thể phải đối mặt với những tổn thất lớn như thế nào và tình hình vốn thực sự tiêu cực như thế nào. Nhưng nếu các khoản lỗ dù lớn đến mức nào cũng không thể khiến Fed sụp đổ, thì ai là người trả tiền cho những khoản lỗ này? Các cổ đông của Fed sẽ bị ảnh hưởng theo một cách nào đó hay khoản lỗ sẽ được bù đắp bằng việc in tiền và sẽ góp phần làm tăng lạm phát? Các ngân hàng thành viên có nên được trả lãi (lãi từ lượng dự trữ của các ngân hàng thành viên gửi trong hệ thống Fed) khi việc trả lãi này gây lỗ cho Fed? Trong những năm gần đây, những câu hỏi như thế này không đáng quan tâm vì Fed luôn thu được lợi nhuận rất lớn. Nhưng năm nay tình hình đã khác.

Các quan chức Fed cố gắng giảm bớt mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Ví dụ, tại Hội nghị Thị trường Tài chính của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta gần đây, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland Loretta Mester nói rằng các khoản lỗ sẽ không ảnh hưởng đến khả năng điều hành chính sách tiền tệ của Fed. Tuy nhiên bà thừa nhận rằng chúng có thể gây ra “những thách thức về truyền thông” cho hệ thống. Cách nhìn nhận có ý coi thường các khoản lỗ lớn này khá đáng chú ý vì nó có khả năng mâu thuẫn với quy định xử lý các khoản lỗ của Fed theo Đạo luật Dự trữ Liên bang. Hơn nữa, trong khi các ngân hàng thành viên nhận được lượng tiền lãi lớn từ số dư dự trữ của họ, vấn đề chia sẻ gánh nặng tổn thất của Fed có thể gây ra nhiều tranh cãi trong lúc Fed tiến hành các chính sách chống lạm phát trong những tháng tới.

Fed in tiền để tự bù lỗ, người dân Mỹ lãnh chịu hậu quả (Phần 1)
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Cleveland Loretta Mester nói chuyện với người dẫn chương trình Maria Bartiromo trong chương trình 'Buổi sáng với Maria' trên The Fox Business Network vào ngày 01/04/2016 tại New York. (Ảnh: Rob Kim / Getty Images)

Câu chuyện thực sự về cách Fed xử lý các khoản lỗ, mức độ ảnh hưởng của các khoản lỗ đến chính sách tiền tệ, và cuối cùng ai là người trả tiền cho những khoản lỗ này là một câu chuyện phức tạp. Các chi tiết cụ thể nằm trong một số điều khoản ít được biết đến của Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913, trong các quyết định chính sách gần đây của FRB liên quan đến các tiêu chuẩn kế toán của Fed, trong luật thay đổi chính sách cổ tức và vốn gia tăng, và trong quyết định trả lãi cho tài khoản dự trữ của các ngân hàng, thứ được đề ra sau khủng hoảng tài chính 2008.

Đạo luật Dự trữ Liên bang quy định rằng các cổ đông của Fed - các ngân hàng thành viên - phải chia sẻ ít nhất một số khoản lỗ của Fed. Nhưng cho đến nay, điều này chưa bao giờ xảy ra. “Những đổi mới” trong chính sách kế toán được Hội đồng Thống Đốc Cục Dự trữ Liên bang (FRB) thông qua vào năm 2011 cho thấy rằng FRB có ý bỏ qua luật trên và in tiền để bù đắp cho các khoản lỗ của Fed, do đó gián tiếp chuyển chúng thông qua lạm phát cho bất kỳ ai nắm giữ các tờ tiền của Fed, có số dư tiền mặt bằng USD và nắm giữ các tài sản có lãi suất cố định.

Tình hình thua lỗ của Fed

Trong báo cáo tài chính gần đây nhất của Hệ thống Dự trữ Liên bang cho quý kết thúc vào ngày 31/03/2022, ghi chú của báo cáo cho thấy tổng khoản lỗ trên giấy tờ là 458 tỷ USD trong quý. Giá trị trên sổ sách của Fed là 8,8 nghìn tỷ USD nằm trong những chứng khoán thuộc Tài khoản Thị trường Mở Hệ thống (SOMA - các tài sản Fed giao dịch thông qua thị trường mở) của Fed. Khoản lỗ này đã khiến giá trị trên giấy tờ của danh mục đầu tư sụt giảm từ mức lãi là 128 tỷ USD vào ngày 31/12/2021, xuống mức lỗ là 330 tỷ USD vào ngày 31/03/2022.

Với việc lãi suất tiếp tục tăng, chúng tôi ước tính rằng khoản lỗ trên giấy tờ của Fed tăng thêm 210 tỷ USD, nâng tổng số khoản lỗ trên giấy tờ của Fed lên tới khoảng 540 tỷ USD tính đến ngày 31/05/2022. Lỗ tiếp tục tăng đến giữa tháng 6 và nếu Fed duy trì kế hoạch tăng lãi suất để chống lạm phát thì những thiệt hại này sẽ còn gia tăng. Nếu Fed là một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính hoạt động theo các quy định, nó sẽ bị đóng cửa vì đã vỡ nợ với quy mô lớn.

Ngoài tác động có hại của việc tăng lãi suất đối với giá trị thị trường của danh mục đầu tư SOMA, lãi suất tăng sẽ làm giảm mạnh thu nhập ròng (thu nhập trừ đi chi phí) từ lãi suất của Fed. Trong quý đầu tiên của năm 2022, Fed đã báo cáo thu nhập ròng từ lãi suất là 35 tỷ USD, khi trừ đi chi phí, mang lại thu nhập vận hành theo báo cáo là 32 tỷ USD, một con số không bao gồm khoản lỗ tính theo giá trị thị trường trong danh mục chứng khoán của cơ quan này.

Khi lãi suất tiếp tục tăng, doanh thu lãi ròng và lãi vận hành của Fed sẽ giảm do Fed phải trả lãi suất cao hơn cho 3,3 nghìn tỷ USD trong số dư dự trữ của ngân hàng thành viên và gần 2,3 nghìn tỷ USD (tính đến ngày 01/06) trong các thỏa thuận mua lại đảo ngược (REPO đảo ngược - chỉ thỏa thuận bán chứng khoán và mua lại chúng trong một thời gian với giá cao hơn). Trong khi đó Fed thu được tiền lãi suất đối với các chứng khoán phần lớn có lãi suất cố định trong danh mục SOMA của nó. Theo ước tính của chúng tôi, nếu lãi suất ngắn hạn đạt 2,7%, thu nhập ròng từ lãi suất của Fed sẽ không đủ để trang trải khoảng 9 tỷ USD chi phí hoạt động hàng năm và Fed sẽ báo lỗ vận hành trong năm. Điều này càng có cơ sở khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của Fed (FOMC) dự báo lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt mức 3,4% vào cuối năm 2022.

Với lạm phát hàng năm hiện đang ở mức 8,6%, thì 3,4% có thể không phải là mức lãi suất ngắn hạn đủ cao để chế ngự áp lực lạm phát. Quỹ hợp đồng tương lai của liên bang và một số nhà kinh tế của các ngân hàng dự đoán rằng lãi suất chính sách sẽ cần tăng lên 4% hoặc cao hơn vào năm 2023. Bỏ qua các khoản lỗ theo giá thị trường trong danh mục SOMA cũng như không tính đến các khoản lỗ được ghi nhận (ngược với lỗ trên giấy tờ) từ việc bán tài sản SOMA, chúng tôi dự đoán rằng Fed có khoản lỗ vận hành hàng năm là 62 tỷ USD nếu lãi suất ngắn hạn tăng lên 4%. Khoản lỗ 62 tỷ USD tương đương 150% tiền vốn hiện tại của hệ thống Fed.

Tình hình tài chính tồi tệ mà Fed đã tự đặt mình vào — các khoản lỗ đầu tư lớn (tính theo giá trị thị trường) và sự sụt giảm, cuối cùng dẫn đến lãi vận hành âm — là hệ quả có thể dự đoán trước của bảng cân đối kế toán mà Fed đã tạo ra khi thay đổi chính sách tiền tệ nhằm chống lại lạm phát. Bảng cân đối kế toán đang chứng kiến việc thanh toán lãi suất tăng cao cho các khoản dự trữ ngân hàng và các giao dịch mua lại đảo ngược. Hơn một thập kỷ nới lỏng định lượng và các chính sách lãi suất bằng 0 của Fed đã nhồi vào bảng cân đối của Fed các chứng khoán dài hạn với lãi suất cố định thấp. Nói tóm lại, tình hình thu nhập của Fed hiện nay giống như mô hình tiết kiệm và cho vay thất bại điển hình của những năm 1980.

Fed phải duy trì vốn dương theo quy định

Năm 1913, Quốc hội lần thứ 63 của Mỹ đã thông qua Đạo luật Dự trữ Liên bang, quy định rằng 12 ngân hàng khu vực của Fed phải được các ngân hàng thành viên của họ cung cấp vốn. Đạo luật cũng chỉ rõ rằng các ngân hàng thành viên phải đi đầu gánh chịu những khoản lỗ khi doanh thu của Fed không đủ bù đắp chi phí. Như sẽ được thảo luận bên dưới, Mục 2.4 của Đạo luật nói rõ rằng các ngân hàng thành viên phải chịu trách nhiệm về số tiền gấp đôi giá trị vốn đăng ký của họ trong việc bù đắp cho các khoản lỗ của ngân hàng khu vực thuộc Fed.

Hệ thống Fed bao gồm FRB và Ủy ban Thị trường Mở Liên bang ở Washington, và 12 ngân hàng khu vực thuộc Fed. Mọi tài sản và nợ của Fed đều do các ngân hàng khu vực nắm giữ. Các ngân hàng khu vực thuộc sở hữu của các ngân hàng thương mại và ngân hàng tiết kiệm tương hỗ (ngân hàng thuộc sở hữu các thành viên đăng ký) của khu vực đó. Các tổ chức này đã đăng ký và được trao tư cách là thành viên của hệ thống Fed.

Fed in tiền để tự bù lỗ, người dân Mỹ lãnh chịu hậu quả (Phần 1)
Các nhà giao dịch tại Sàn Giao dịch Chicago tham gia mua bán Quyền chọn Kho bạc khi có tin Tổng thống Bush đề cử ông Ben Bernanke kế nhiệm ông Alan Greenspan làm chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang ngày 24/10/2005 tại Chicago, Illinois . Ông Bernanke, cựu Thống đốc Fed, hiện là người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế. (Ảnh: Scott Olson / Getty Images)

Các ngân hàng khu vực phát hành cổ phần có mệnh giá 100 USD. Các ngân hàng thành viên phải đăng ký mua cổ phần của ngân hàng khu vực với giá trị tính theo USD bằng 6% vốn của tổ chức thành viên. Các ngân hàng thành viên chỉ trả một nửa giá trị cổ phiếu đã đăng ký “trong khi một nửa số tiền cổ phiếu được đăng ký còn lại sẽ phụ thuộc vào sự kêu gọi của FRB”. Mỗi ngân hàng thành viên phải điều chỉnh việc đăng ký cổ phiếu ngân hàng khu vực hàng năm để phù hợp với những thay đổi về vốn của ngân hàng thành viên.

Đạo luật Dự trữ Liên bang năm 1913 yêu cầu các ngân hàng khu vực phải duy trì vốn dương. Đặc biệt, Đạo luật năm 1913 nói rằng “không có ngân hàng Dự trữ Liên bang nào có thể bắt đầu kinh doanh với số vốn đăng ký ít hơn 4 triệu USD”. 4 triệu USD vốn là số tiền tối thiểu cần thiết để mở một ngân hàng dự trữ khu vực, nhưng những việc thành lập ngân hàng khu vực có thể yêu cầu ngưỡng vốn ban đầu cao hơn để đề phòng.

Nếu một ngân hàng khu vực không có được lượng vốn cần thiết để bắt đầu hoạt động từ các khoản đóng góp của ngân hàng thành viên, Đạo luật cho phép ngân hàng khu vực bán cổ phiếu cho công chúng và nếu việc mua cổ phiếu của công chúng vẫn không cung cấp đủ vốn, thì có thể bán cổ phiếu cho Kho bạc Mỹ. Rõ ràng, Quốc hội đặt ưu tiên cao vào việc đảm bảo rằng mỗi ngân hàng dự trữ khu vực có đủ vốn trước khi bắt đầu hoạt động. Có thể hiểu là Quốc hội đã quy định 4 triệu USD là mức vốn hóa tối thiểu bắt buộc của một ngân hàng Dự trữ Liên bang quận. Tính theo lạm phát, số vốn tối thiểu cần thiết để vận hành một ngân hàng khu vực của Fed tại thời điểm hiện nay sẽ vượt quá 110 triệu USD.

Các ngân hàng thành viên kiếm được cổ tức từ việc nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng Fed khu vực và chính sách cổ tức của hệ thống Fed ảnh hưởng đến tài khoản thặng dư vốn của Fed, mà theo Văn phòng Giải trình Chính phủ (GAO) là “nhằm chống lại khả năng tổng vốn của Ngân hàng Dự trữ sẽ cạn kiệt do các khoản lỗ phát sinh thông qua các hoạt động của Fed”.

Đổi lại việc cung cấp vốn cho ngân hàng khu vực, tất cả các ngân hàng thành viên ban đầu được quyền nhận mức cổ tức hậu hĩnh 6% trên mệnh giá cổ phiếu mà họ đã mua. Cổ tức được tích lũy lại trong trường hợp một ngân hàng khu vực không có đủ doanh thu vận hành để trang trải chi phí và cổ tức trong một năm nhất định nào đó. Gần đây, tỷ lệ cổ tức trả cho các ngân hàng thành viên lớn đã giảm. Ngân hàng lớn hiện được xác định là các ngân hàng có tài sản vượt quá 11,2 tỷ USD. Tỷ lệ cổ tức hàng năm trả cho các ngân hàng này là con số thấp hơn giữa 2 mức: “Mức lợi tức cao của trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm được đấu giá trong phiên đấu giá cuối cùng được tổ chức trước khi trả cổ tức ,và mức 6%”. Kể từ khi diễn ra sự thay đổi, cổ tức trả cho ngân hàng thành viên lớn đã ít hơn, đôi khi ít hơn đáng kể, một nửa tỷ lệ 6% được hứa hẹn trong Đạo luật Dự trữ Liên bang ban đầu.

Các chính sách của FRB liên quan đến cổ tức của ngân hàng thành viên và thặng dư vốn của Fed xác nhận việc các ngân hàng dự trữ khu vực cần duy trì nguồn vốn dương. Trong một bản ghi nhớ năm 1922, Tổng cố vấn của FRB đã làm rõ bản chất có tính tích lũy của việc trả cổ tức cho ngân hàng thành viên và thiết lập mức mục tiêu cho tài khoản thặng dư vốn của Hệ thống Dự trữ Liên bang:

“Thu nhập của các ngân hàng Dự trữ Liên bang sẽ được sử dụng cho các mục đích sau theo thứ tự:

“(1) Phục vụ thanh toán hoặc dự phòng chi phí.

“(2) Phục thanh toán cho bên sở hữu cổ phần (giới hạn trong các ngân hàng thành viên) cổ tức tích lũy với tỷ lệ 6% hàng năm trên vốn góp.

“(3) Để tạo ra và bổ sung vào quỹ thặng dư cho đến khi quỹ đó bằng 100% vốn đăng ký.

“(4) Số dư sẽ dùng để trả 90% cho Mỹ dưới dạng thuế nhượng quyền thương mại và 10% vào tài khoản thặng dư.

“… Không thể chuyển tiền vào quỹ thặng dư trừ khi thu nhập của năm hiện tại đủ để trả toàn bộ cổ tức cho năm đó và bất kỳ khoản cổ tức nào cho những năm trước có thể vẫn chưa được thanh toán”.

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, các sửa đổi đối với Đạo luật Dự trữ Liên bang giới hạn tổng tài khoản thặng dư của hệ thống Dự trữ Liên bang ở mức 6,785 tỷ USD. Các ngân hàng khu vực của Fed hiện đang chuyển thu nhập cho Kho bạc Mỹ khi những khoản thu nhập này vượt quá cam kết trả cổ tức cho ngân hàng thành viên cũng như bất kỳ khoản đóng góp nào nhằm duy trì thặng dư của hệ thống của Fed ở mức 6,785 tỷ USD.

Đạo luật Dự trữ Liên bang ban đầu, các bản sửa đổi Đạo luật và các tuyên bố chính sách sau đó của FRB liên quan đến cổ tức và tài khoản thặng dư của Hệ thống Dự trữ Liên bang, tất cả đều chỉ ra rằng hệ thống Dự trữ Liên bang phải duy trì mức vốn hóa tối thiểu được quy định trong luật và trong các chính sách của FRB chi phối việc chi trả cổ tức của ngân hàng thành viên. Nhưng trong các phần tiếp theo, chúng tôi sẽ giải thích cách các chính sách kế toán của Fed đi ngược lại các quy định từ Quốc hội và các chính sách của FRB được thiết kế để đảm bảo việc duy trì vốn dự phòng của Fed.

Mời độc giả đọc: Fed in tiền để tự bù lỗ, người dân Mỹ lãnh chịu hậu quả (Phần 2).

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Tác giả Alex J. Pollock là thành viên cấp cao tại Viện Mises. Trước đó, ông từng là Phó giám đốc chính của Văn phòng Nghiên cứu Tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ (2019–2021), thành viên cấp cao đặc biệt tại Viện R Street (2015–2019 và 2021), thành viên thường trực tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (2004 –2015), và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Ngân hàng cho vay mua nhà liên bang Chicago (1991–2004). Ông là tác giả của “Tài chính và triết học: Tại sao chúng ta luôn ngạc nhiên” (2018) và “Bùng nổ và Đổ vỡ: Các chu kỳ tài chính và sự thịnh vượng của con người” (2011), cũng như nhiều bài báo và lời khai điều trần trước Quốc hội. Ông Pollock tốt nghiệp Đại học Williams, Đại học Chicago và Đại học Princeton. 

Tác giả Paul H. Kupiec là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI). Trước khi gia nhập AEI, ông Kupiec là Phó giám đốc của Bộ phận Bảo hiểm và Nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Tài chính của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), và từng giữ nhiều chức vụ về tài chính. Ông Kupiec đã biên tập cho nhiều tạp chí chuyên nghiệp, bao gồm Tạp chí Nghiên cứu Dịch vụ Tài chính, Tạp chí Rủi ro và Tạp chí Quản lý Đầu tư. Ông có bằng cử nhân khoa học kinh tế của Đại học George Washington và bằng tiến sĩ kinh tế - với chuyên ngành tài chính, lý thuyết và kinh tế lượng - của Đại học Pennsylvania.

Viện Mises, được thành lập vào năm 1982, thúc đẩy việc giảng dạy và nghiên cứu trong trường kinh tế của Áo, tập trung vào các lĩnh vực như tự do cá nhân, lịch sử chân thực và hòa bình quốc tế, kế thừa truyền thống của Ludwig von Mises và Murray N. Rothbard. Viện Mises tìm kiếm sự thay đổi căn bản trong môi trường học vấn, thoát khỏi chủ nghĩa nhà nước quản lý và hướng tới trật tự đề cao sở hữu tư nhân.



BÀI CHỌN LỌC

Fed in tiền để tự bù lỗ, người dân Mỹ lãnh chịu hậu quả (Phần 1)