Fed đảo chiều chính sách tiền tệ: Tăng lãi suất và ngừng chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp vào tháng Ba

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc họp báo trực tuyến gần đây, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed), ông Jerome Powell cho biết Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản của đồng USD trong cuộc họp định kỳ của Fed vào tháng Ba tới đây. 

Theo tin từ Reuters, ngày 26/1 vừa qua, trong một cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết họ có khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng Ba. Fed cũng tái khẳng định kế hoạch ngừng việc mua trái phiếu vào tháng Ba. Ông Jerome Powell cam kết một cuộc chiến bền vững để chế ngự lạm phát.

Theo kỳ vọng của các nhà kinh tế, Fed có thể tăng lãi suất ít nhất 4 lần trong năm 2022, tuy nhiên các bước lãi suất tăng sẽ khá nhỏ và được thực thi theo lộ trình. Mặc dù vậy, việc Fed tăng lãi suất ngay trong quý 1/2022 đã sớm hơn nhiều so với các tuyên bố của Fed hồi đầu năm 2021, khi đó các quan chức của Fed không thừa nhận rằng lạm phát là vấn đề dài hạn của nền kinh tế, họ thậm chí dự định sẽ tăng lãi suất vào đầu năm 2023.

Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ đã xuất hiện kể từ tháng 2/2021 và kéo dài cho tới nay. Hàng loạt các chính trị gia của Mỹ, chuyên gia kinh tế thừa nhận rằng họ có 'sai lầm' trong nhận định về lạm phát. Lạm phát đã không tồn tại chỉ vì đứt gãy chuỗi cung ứng đẩy giá hàng hoá và năng lượng lên cao. Thực tế, các khó khăn từ nguồn cung là dài hạn, thêm vào đó, các xung đột địa chính trị gia tăng khiến dự trữ tăng trong khi nguồn cung co hẹp đã tác động sâu, rộng và lâu dài tới lạm phát. Chưa kể, chính sách tiền giá rẻ trong 4 thập kỷ không thể không có mặt trái. Lạm phát giá bất động sản và thị trường tài sản tài chính đã ngấm dần sang lạm phát tiêu dùng; dù rất chậm.

Phản ứng chính sách của Fed về lạm phát, nhìn lại lịch sử, có phần dè dặt và chậm chạp. Theo số liệu từ trang Trading Economics, trong 25 năm qua, chưa bao giờ khoảng cách lãi suất cơ bản và lạm phát của Mỹ lại lớn như bây giờ, ở mức 7%. Sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, khoảng cách lớn nhất giữa lãi suất cơ bản của Fed và lạm phát của nền kinh tế chỉ là 4,5%.

Tương quan giữa lãi suất cơ bản của Fed và lạm phát của nền kinh tế Mỹ trong 25 năm qua; hiện tại hai chỉ số này có khoảng cách lớn nhất trong lịch sử và Fed không thể không tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. (Nguồn: Trading Economics)

Với mục tiêu đưa lạm phát về mức kế hoạch 2%, Fed buộc phải xoay chiều chính sách tiền tệ sớm hơn dự định. Bắt đầu từ tháng 2/2022, Fed sẽ tăng lượng nắm giữ chứng khoán kho bạc nhà nước lên ít nhất 20 tỷ USD và mua chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp giảm ở mức 10 tỷ USD mỗi tháng.

Fed bắt đầu chính sách giảm quy mô bảng cân đối kế toán, hiện đã tăng gấp đôi sau 2 năm, ở mức 8,9 nghìn tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, Fed dự định giảm lượng chứng khoán nắm giữ theo thời gian bằng cách điều chỉnh số tiền tái đầu tư cho các khoản thanh toán gốc nhận được từ chứng khoán được giữ trong Tài khoản Thị trường hệ thống Mở (SOMA).

Việc Fed tăng lãi suất, giảm nắm giữ tài sản tài chính (trái phiếu khu vực tư nhân), giảm dòng tiền bơm vào hệ thống dự báo sẽ tác động tới thị trường tài sản tài chính. Tuy nhiên, với các bước thắt chặt tiền tệ từ từ, thận trọng, các tác động với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thứ cấp, dòng tiền đầu tư gián tiếp khắp toàn cầu có thể chưa rõ nét; nhưng về cơ bản, thị trường tài sản tài chính Mỹ và toàn cầu 2022 sẽ khó khăn hơn trước các phản ứng chính sách của Fed và của các nền kinh tế lớn khác.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Fed đảo chiều chính sách tiền tệ: Tăng lãi suất và ngừng chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp vào tháng Ba