FED tiến thoái lưỡng nan: ‘Dập lửa’ lạm phát hay Cứu hệ thống ngân hàng đang đổ vỡ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dường như đang tự đẩy họ vào chân tường. Càng nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, FED càng khiến hệ thống ngân hàng dễ đổ vỡ. Một số chuyên gia cho rằng FED hiện không có kế hoạch đủ mạnh để có thể thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan này.

Sau khi giữ mức lãi suất gần bằng 0 trong hơn một thập kỷ và mở rộng bảng cân đối kế toán lên mức 9.000 tỷ USD để kích thích nền kinh tế, FED hiện phải đối mặt với một hệ thống ngân hàng đã trở nên quá phụ thuộc vào nguồn tiền rẻ.

Ông William McChesney Martin - cựu chủ tịch Fed, người lãnh đạo tổ chức này từ năm 1951 đến 1970 - có câu nói nổi tiếng rằng: Vai trò của FED là “lấy đi cái bát pha rượu ngay khi bữa tiệc bắt đầu”. Nói cách khác, FED có nhiệm vụ làm dịu nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất trước khi nó bắt đầu trở nên quá nóng. Tuy nhiên, theo cách nói đó, thì chủ tịch FED đương nhiệm, ông Jerome Powell, lại đang cố gắng “giết chết” bữa tiệc vào buổi sáng sau đêm chè chén.

Nhà kinh tế học Arthur Laffer nói với The Epoch Times: “Họ đã lãng phí rất nhiều thời gian mà không thể ‘giải rượu’ theo cách đúng đắn". Ông Laffer tin rằng có thể sẽ có thêm ngân hàng bị đổ vỡ - và điều này sẽ khiến ông Powell phải suy nghĩ sâu hơn về việc tiếp tục tăng lãi suất; nhưng “sẽ có thêm nhiều ngân hàng hơn nữa sụp đổ nếu họ không làm điều đó”.

Ông Laffer nói: “Hệ thống ngân hàng không thể hoạt động nếu thị trường không hoạt động". “Hãy đưa tôi trở lại một năm rưỡi trước, khi [lãi suất] trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 ngày bằng 0, khi trái phiếu dài hạn là 1,5% và lạm phát đang ở mức 7, 8 hoặc 9%, và bạn nói rằng đó là cách thị trường đang vận hành sao? Không, thị trường không vận hành như thế".

FED tiến thoái lưỡng nan: ‘Dập lửa’ lạm phát hay Cứu hệ thống ngân hàng đang đổ vỡ
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với ông David Rubenstein, chủ tịch Câu lạc bộ Kinh tế Washington, tại khách sạn Renaissance ở Washington, Mỹ, ngày 07/02/2023. (Ảnh: Julia Nikhinson/Getty Images)

Bữa tiệc đã tàn

Nhà kinh tế học Nouriel Roubini, một người nổi tiếng với việc dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng thế chấp năm 2008, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Frontline như sau: “Theo đúng nghĩa đen, chúng ta đã có một vài thập kỷ mà bong bóng ngày một phình to - thứ đã được nuôi dưỡng bởi các ngân hàng trung ương… được nuôi dưỡng bằng đòn bẩy quá mức, bằng vay mượn quá mức từ tư nhân và nhà nước, và bằng việc chấp nhận rủi ro quá mức. Bữa tiệc đã tàn”.

Theo ông Roubini, trong thập kỷ qua, thế giới đã “sống trong bong bóng, trong giấc mơ. Và giấc mơ bong bóng này đang vỡ tung và biến thành cơn ác mộng kinh tế - tài chính”.

Chúng ta ngày càng thấy rõ ràng rằng, rất nhiều ngân hàng đã xây dựng chiến lược của họ dựa trên nguồn tiền rẻ; họ không chuẩn bị cho thời kỳ mà nguồn tiền rẻ không còn nữa. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng bắt đầu với những ngân hàng dễ bị tổn thương nhất, như Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) - sụp đổ vào ngày 10/03. Tình trạng đó đang lan sang những ngân hàng lớn hơn nhiều - những ngân hàng quan trọng mang tính hệ thống toàn cầu (GSIB), như ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ Credit Suisse. Gần đây nhất, người ta đã phải đặt dấu hỏi về sức khỏe của Ngân hàng Deutsche - ngân hàng lớn nhất nước Đức.

Ngày 22/03, FED công bố lần tăng lãi suất mới nhất với mức tăng 0,25% đối với lãi suất ngắn hạn. Đây là một mức tăng nhỏ hơn so với những gì FED đã làm trong năm qua khi các đợt tăng lãi suất có lúc lên tới 0,75%.

Tình trạng bấp bênh

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Larry Summers, rất lo ngại về tình thế tiến thoái lưỡng nan của FED: phải cố gắng cân bằng giữa cuộc chiến chống lạm phát với việc vực dậy các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Ông Summers bình luận về đợt tăng lãi suất gần đây nhất của FED như sau: “Nhìn vào mức lạm phát cao gần đây, tôi cho rằng chúng ta cần lo lắng nhiều hơn về lạm phát và vẫn cần cân nhắc một chút đến phương án tăng lãi suất nhiều lần”. “Tuy nhiên, tình hình đang ở thế hiểm nghèo; vì vậy tôi nghĩ những gì họ [FED] làm là hoàn toàn hợp lý. Rất nhiều điều sẽ biến đổi - phụ thuộc vào cách các cơ quan quản lý và cơ quan bảo hiểm ngân hàng xử lý các vấn đề ngân hàng còn lại ngoài kia và xử lý những gì xảy ra trong hệ thống ngân hàng”.

Tuy nhiên, ngay cả khi tiếp tục tăng lãi suất, FED cũng đã đảo ngược chính sách “thắt chặt định lượng”, đảo ngược việc bán dần lượng trái phiếu khổng lồ mà họ đã mua từ năm 2008. Lượng trái phiếu này hiện đang quay trở lại mức cao nhất là gần 9 nghìn tỷ USD. Sự thay đổi này có thể sẽ thúc đẩy lạm phát bằng cách đẩy lãi suất dài hạn xuống thấp.

Ông Laffer nói rằng Chủ tịch FED Powell đã theo đuổi chiến lược thắt chặt định lượng của ông ấy và chỉ dừng “cho đến khi tiếng kêu la đầu tiên phát ra”, “và ông Powell đã nhận được tiếng kêu la đầu tiên ấy với chưa đến nửa nghìn tỷ USD được bán ra. Tôi nghĩ rằng đỉnh cao mà nó đạt được là 8,8 nghìn tỷ USD, và bây giờ nó giảm xuống còn 8,6 nghìn tỷ USD".

Ông Laffer cho biết thêm: “200 tỷ chênh lệch đã tạo ra những tiếng la ó khó tin, những vụ phá sản, việc rút tiền hàng loạt tại ngân hàng, tất cả những điều đó". “Chúng ta thậm chí còn chưa chạm tới bề mặt của nơi chúng ta nên chạm đến”.

Ông Roubini đã giải thích về quy mô của những vấn đề mà các ngân hàng phải đối mặt khi lãi suất tăng:

Thông thường, trong thời kỳ kinh tế khó khăn, các ngân hàng sẽ chuyển khoản đầu tư của họ vào các tài sản “an toàn” như trái phiếu chính phủ được xếp hạng cao.

Giờ đây, ông Roubini cho biết, “trái phiếu kho bạc dài hạn không còn an toàn. … Nếu lạm phát trung bình là 5%, trái phiếu kho bạc 10 năm sẽ phải là 7% [lợi tức]; [nhưng] hiện nay chúng là 3,5%”. Do lãi suất tăng, giá trị của trái phiếu có lãi suất cố định đã giảm vào năm 2022, gây ra tổn thất lớn cho các ngân hàng nắm giữ chúng.

Ông nói: “Năm ngoái, bạn đã mất 20% cho trái phiếu an toàn của mình, nhiều hơn số tiền bạn mất cho S&P [cổ phiếu] của mình, bởi vì lợi tức đã tăng từ 1[%] lên 3[%]”. “Nếu chúng tăng từ 3,5 lên 7… sẽ có thêm một thảm kịch đối với lượng tài sản rủi ro dài hạn trị giá 20 nghìn tỷ USD". ”Các ngân hàng hiện có hơn 600 tỷ USD lỗ chưa thực hiện (unrealized loss) đối với các khoản chứng khoán thu nhập cố định này tại mức lãi suất hiện tại".

Thiếu kế hoạch

Fed hiện đi trên một con đường khó đoán định. Một số chuyên gia cho rằng FED thiếu một kế hoạch mạch lạc để có thể đưa nền kinh tế Mỹ hoạt động vững chắc trở lại. Thay vào đó, FED đang thực hiện các điều chỉnh theo cách tiếp cận thử nghiệm và rồi chờ xem điều gì sẽ xảy ra.

Ông Laffer nói: “Những người này không hiểu họ đang làm gì". “Ông Jerome Powell không phải là một nhà lý thuyết giỏi về tiền tệ và ngân hàng. Ông ấy cũng không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, ông ấy đang phải đối mặt với một trong những tình huống phải ra quyết định mà có tính nghiêm trọng nhất từ ​​trước đến nay".

Ông Laffer nói tiếp: "Ông ấy không có các công cụ cần thiết để có thể đưa ra quyết định đúng đắn". “Và tôi không chỉ đang nói về ông ấy, tôi nói về cả hội đồng [của FED]”.

Khi chính sách nới lỏng định lượng (QE) lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2008, FED đã thử nghiệm việc mua hàng nghìn tỷ USD trái phiếu - vì cơ quan này đã đẩy lãi suất ngắn hạn về 0 và không thể hạ lãi suất xuống nữa. Khi đó, các quan chức FED thừa nhận rằng họ không chắc liệu chính sách này có hiệu quả hay không, hay nó sẽ hoạt động như thế nào.

Chủ tịch FED khi đó là ông Ben Bernanke đã tuyên bố rằng “vấn đề của QE là nó hoạt động trên thực tế, nó không hoạt động trên lý thuyết". "Giờ đây, khi họ đang cố gắng đảo ngược nó, họ vẫn không chắc chắn [về hiệu quả]".

Ngoài ra, ngay cả sau những lần tăng lãi suất trong năm qua - một trong những đợt tăng lãi suất nhanh nhất trong một thế hệ, lãi suất vẫn nằm trong vùng âm, nghĩa là nằm dưới mức lạm phát. Tỷ lệ lạm phát chính thức hiện ở mức khoảng 6% và đang tăng lên; mục tiêu lãi suất quỹ liên bang là từ 4,75% đến 5%. Dù FED vẫn nói rằng họ có ý định làm chậm lạm phát, nhưng mức lãi suất âm, kết hợp với việc bảng cân đối kế toán của FED đang mở rộng, đã cho chúng ta thấy rằng chính sách tiền tệ của Mỹ vẫn mang tính kích thích (nới lỏng).

FED tiến thoái lưỡng nan: ‘Dập lửa’ lạm phát hay Cứu hệ thống ngân hàng đang đổ vỡ
Tại Mỹ, lãi suất từng ở mức cao hơn mức lạm phát cho đến thời kỳ “nới lỏng định lượng”. Đường màu đỏ: Lãi suất quỹ liên bang có hiệu lực. Đường màu xanh: Chỉ số giá tiêu dùng người dân thành thị. Cột bên trái: Phần trăm thay đổi so với 1 năm trước. (Ảnh: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ)

Mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng

Khi lạm phát vẫn còn là một vấn đề dai dẳng, các cơ quan quản lý ngân hàng giờ đây lại phải đối mặt với việc người gửi tiền mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng. Bởi vì các ngân hàng thường đầu tư một lượng đáng kể tiền gửi của khách hàng vào các tài sản dài hạn, chẳng hạn như các khoản vay hoặc trái phiếu, nên hệ thống ngân hàng không thể tồn tại trong tình huống có quá nhiều người gửi tiền đòi rút tiền cùng một lúc. Vì lý do này, việc duy trì niềm tin của công chúng rằng ‘tiền gửi ở ngân hàng an toàn tương đương với tiền mặt’ là điều cần thiết để tránh hoảng loạn - thứ có thể khiến cả hệ thống sụp đổ.

“Một khi bạn bắt đầu rút tiền hàng loạt”, ông Laffer nói, “đó là một trò chơi khác". Vì lý do này, ông ủng hộ quyết định 'bảo vệ an toàn cho tất cả những người gửi tiền' của các nhà quản lý ngân hàng. Đây là quyết định được đưa ra tại các cuộc họp cuối tuần đầy căng thẳng sau khi SVB sụp đổ.

“Tối chủ nhật đó, tôi nghĩ rằng [Bộ trưởng Tài chính Janet] Yellen đã đúng”, ông Laffer nói. “Với điều này sắp sửa sẽ bùng nổ vào sáng thứ 2, nếu họ không bảo vệ những người gửi tiền, việc rút tiền hàng loạt sẽ tiếp tục xảy ra và không biết bao giờ mới dừng lại".

Ông nói: “Cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt là phải bảo vệ người gửi tiền ngay lập tức". “Bạn không thể đợi một tuần, bởi vì mọi việc sẽ chấm dứt, mọi việc sẽ kết thúc sau một tuần nữa”.

Ông Laffer nói thêm: Tuy nhiên, trong tương lai, mục tiêu phải là “cải thiện tình trạng sụp đổ tài chính trong ngắn hạn, nhưng phải để cơ chế khuyến khích [các hoạt động kinh tế của ngân hàng] trở nên đúng đắn". “Tất cả các nhà đầu tư vào ngân hàng, cho dù họ là trái chủ hay cổ đông, đều phải chịu toàn bộ hậu quả của các khoản lỗ, chấm hết”.

Tuy nhiên, việc bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi trong ngân hàng sẽ tạo ra rủi ro là: người gửi tiền sẽ đơn giản là tìm đến nơi họ có thể nhận được mức lãi suất cao nhất mà không cần quan tâm đến mức độ rủi ro của ngân hàng đó, hay mức độ tập trung tiền tiết kiệm của họ trong bất kỳ một tổ chức nào. Vì SVB, Ngân hàng Signature và những ngân hàng khác đều được giải cứu, giờ đây, tất cả những người có tài khoản ngân hàng đều sẽ phải đóng góp vào khoản giải cứu, bằng cách là họ phải trả phí bảo hiểm tiền gửi cao hơn; còn bên hưởng lợi là những công ty và cá nhân giàu có đã mất hơn 250.000 USD.

Cây viết và nhà kinh tế học Peter Zeihan cho biết gói cứu trợ dành cho những người gửi nhiều tiền “đã tiêm một liều 'ngu xuẩn' vĩnh viễn vào hệ thống tài chính”. Ông nói, việc đảm bảo an toàn cho những khoản tiền gửi lớn hơn 250.000 USD “thực sự ngăn chặn một cách hiệu quả bất kỳ rủi ro nào về việc rút tiền hàng loạt tại ngân hàng. … Nhưng nó [cũng] khuyến khích các công ty đã làm những điều ngu ngốc như thế này tiếp tục làm ra những điều ngu ngốc tương tự, bởi vì bây giờ tất cả chúng ta phải trả giá bằng việc lãi suất ngân hàng xuống thấp hơn hay các điều kiện vay vốn trở nên khó khăn hơn - chỉ vì một số công ty mới thành lập có các CFO quá ngu ngốc để có thể nhận ra rằng hệ thống bảo hiểm tiền gửi có một giới hạn nhất định”.

FED phải tự thân vận động

Một vấn đề mà FED gặp phải khi cố gắng “dập lửa” lạm phát là họ đang phải tự thân vận động trong cuộc chiến này. Vào những năm 1980, khi Chủ tịch FED Paul Volcker đẩy lãi suất lên gần 20% để chiến đấu với mức lạm phát hai con số, thì Tổng thống Ronald Reagan đang cắt giảm thuế và bãi bỏ nhiều quy định đối với nền kinh tế, do đó nguồn cung hàng hóa và dịch vụ được thúc đẩy mạnh mẽ. Lạm phát đã thuyên giảm chỉ trong thời gian ngắn thông qua việc vừa giảm cầu vừa tăng cung, đưa nền kinh tế trở lại cân bằng.

Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Biden, nhiều quy định mới đã ra đời, chính sách chống nhiên liệu hóa thạch cũng được thúc đẩy; hậu quả là nguồn cung hàng hóa ngày một ít đi, giá cả bị đẩy lên cao hơn. Một báo cáo của Diễn đàn Hành động Mỹ - tổ chức chuyên theo dõi hệ thống quy định của chính phủ - cho thấy chính quyền Biden đã ban hành 532 mệnh lệnh và quy định hành pháp mới, với chi phí ước tính là 359 tỷ USD. Trong khi đó, chi phí cho các quy định mới dưới thời chính quyền Trump chỉ là 6,8 tỷ USD.

Công cụ duy nhất mà FED nắm trong tay để chống lạm phát khi tự thân vận động là: giảm cầu thông qua việc đưa lãi suất lên cao hơn.

Nếu lãi suất được đẩy đủ cao, ông Laffer nói, “chúng ta sẽ có mức lạm phát thấp hơn. Nhưng lạm phát thấp hơn sẽ đi kèm với sản lượng, việc làm, hoạt động sản xuất thấp hơn nhiều – và nhiều tuyệt vọng và khó khăn hơn”.

Ngược lại, cách tiếp cận từ phía cung như cắt giảm thuế và giảm tải quy định sẽ “tăng nguồn cung hàng hóa và dịch chuyển đường cung ra ngoài thay vì kéo đường cầu trở lại [tăng cung thay vì giảm cầu]”, ông nói. “Bạn hãy chọn mô hình mà bạn thích”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

FED tiến thoái lưỡng nan: ‘Dập lửa’ lạm phát hay Cứu hệ thống ngân hàng đang đổ vỡ