Fed tiến thoái lưỡng nan trong nỗ lực ngăn chặn một cuộc suy thoái đang đến gần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế Mỹ đang xấu đi do những khó khăn trong chính sách tài khóa và tiền tệ. Những khó khăn này còn trở nên trầm trọng hơn bởi chiến tranh Nga - Ukraine và bởi lạm phát hiện ở mức cao ngất ngưởng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đứng trước hai lựa chọn không mấy dễ chịu để ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế đang tiến đến rất gần.

Cuộc chiến ở Ukraine khiến khủng hoảng chuỗi cung ứng, vốn đã có từ Covid-19, diễn biến phức tạp hơn. Các nút thắt cổ chai kết hợp với lạm phát tăng cao đang thu hẹp tăng trưởng toàn cầu. Nga cung cấp 12% nguồn cung dầu và 18% lượng lúa mì tiêu thụ của thế giới. Ukraine chiếm 25% sản lượng lúa mì toàn cầu. Chiến tranh và các lệnh trừng phạt sẽ làm chậm nền kinh tế và đẩy giá cả các mặt hàng quan trọng này lên cao hơn nữa.

Cuộc suy thoái kinh tế sắp tới sẽ rất đặc biệt. Nó không chỉ xảy ra khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, nó sẽ là lần bóp chặt kinh tế (economic contraction) đầu tiên của Mỹ khi Fed giữ lãi suất mục tiêu ở mức (hoặc gần mức) 0%. Để so sánh, hãy xem Fed đã có bao nhiêu dư địa để giảm chi phí đi vay trong các đợt bóp chặt kinh tế trước đây.

Dữ liệu sau liệt kê mức lãi suất mục tiêu của Fed ngay trước khi xảy ra 10 cuộc suy thoái ở Mỹ kể từ Thế chiến thứ hai: năm 1957 là 3,5%; 1960 là 4,0%; 1969 là 10,5%; 1973 là 13,0%; 1979 là 16,01%; 1981 là 20,61%; 1989 là 10,71%; 2000 là 6,86%; 2007 là 5,31%; và 2019 là 2,45%.

Ngoài ra, Fed đã in thêm 4,5 nghìn tỷ USD trong 2 năm qua và nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới hơn 30 nghìn tỷ USD do gia tăng trong thâm hụt chính phủ sau đại dịch Covid-19. Khoản nợ như vậy đã khiến tỷ lệ nợ của chính phủ trên GDP tăng vọt lên 125%. Để so sánh, tỷ lệ đó chỉ là 53% vào năm 1960 và 58% vào năm 2000.

Lạm phát khiến mức tăng lương của người lao động bị ăn mòn, trong khi chi phí vay tăng cao làm suy yếu khả năng tiêu dùng của người dân. Tiêu dùng chiếm 70% GDP, và điều đó có nghĩa là kinh tế sẽ tăng trưởng trầm lắng. Tình trạng này thường sẽ thúc đẩy chính phủ đưa ra các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, thực tế là Bộ Tài chính Mỹ và Fed khó có thể xoay chuyển cuộc suy thoái bằng cách vay thêm hàng nghìn tỷ USD nữa hoặc mua nợ chính phủ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đang kẹt trong một tình huống hóc búa mà phần lớn là do ông ấy tự tạo ra. Nếu Fed quá lo ngại về việc GDP tăng trưởng chậm do xung đột ở Ukraine thì Fed có thể tạm hoãn kế hoạch tăng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Nhưng điều đó sẽ có thể đẩy lạm phát đi xa hơn nữa so với mục tiêu 2% của ông Powell (hiện lạm phát thực tế đã vượt quá 3,75 lần lạm phát mục tiêu). Nói cách khác, đây không phải là một lựa chọn khả thi đối với ông Powell, nhất là khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm và giá dầu WTI leo lên trên 110 USD/thùng.

Giá cả nhu yếu phẩm đã tăng vọt. Giá thuê nhà tăng 20% ​​so với năm ngoái, cho thấy lạm phát thực tế còn cao hơn nhiều mức CPI 7,5% được Bộ Lao động Mỹ báo cáo. Nếu lạm phát tiếp tục tăng, nó sẽ đẩy những người ở tầng lớp trung lưu xuống tầng lớp thấp hơn; và những người ở tầng lớp thấp rơi vào cảnh nghèo đói. Tất nhiên, điều này cuối cùng sẽ phá hủy thị trường và nền kinh tế. Nó cũng gây rủi ro cho niềm tin vào đồng đô la Mỹ và thị trường trái phiếu quốc tế chính phủ (sovereign bond).

Do đó, Fed hiện buộc phải chống lạm phát dù có thực sự muốn hay không. Cốt lõi của lạm phát là chi phí thuê nhà, ở mức 30%, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số CPI. Nhưng để giải quyết lạm phát tiền thuê nhà, ông Powell trước tiên phải phá bong bóng bất động sản đang ở mức kỷ lục. Những tác động tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế khi bong bóng bất động sản vỡ sẽ rất to lớn.

Tuy nhiên, nếu ông Powell khởi động kế hoạch tăng lãi suất 6 lần trở lên trong năm nay thì cuộc suy thoái kinh tế sắp tới có thể nhanh chóng biến thành Đại khủng hoảng.

Giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo, để lạm phát gia tăng khó lường và làm mất hoàn toàn niềm tin và uy tín của Ngân hàng Trung ương; hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ đủ để làm giảm bong bóng trong thị trường trái phiếu, bất động sản và cổ phiếu. Một trong hai lựa chọn đều được định đoạt là sẽ mang đến thảm họa cho thị trường và nền kinh tế.

Đây là hậu quả bắt nguồn từ việc Fed bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường với mục đích bóp méo và xóa sổ thị trường tự do.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Michael Pento là Chủ tịch và Người sáng lập Pento Portfolio Strategies. Ông có chương trình podcast hàng tuần mang tên “Kiểm tra giữa tuần” (The Mid-week Reality Check). Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Thị trường trái phiếu sắp sụp đổ” (The Coming Bond Market Collapse).

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Fed tiến thoái lưỡng nan trong nỗ lực ngăn chặn một cuộc suy thoái đang đến gần