Financial Times: Ông chủ Bloomberg kiếm được bộn tiền bằng thuyết giảng kinh tế màu hồng về Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông chủ của kênh truyền thông Bloomberg, đồng thời cũng là ứng cử viên đang chạy đua vào Nhà trắng, thuộc đảng Dân chủ, kiếm bộn tiền tại Trung Quốc nhờ tổ chức hội nghị kinh tế hỗ trợ Trung Quốc nâng cao hình ảnh, kết nối đầu tư, truyền thông…

Bloomberg kiếm bộn tiền từ Trung Quốc

Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, ông chủ công ty truyền thông, và cũng là ứng cử viên tổng thống Michael Bloomberg đã tận dụng một sự kiện theo phong cách Davos ở Bắc Kinh để tối đa hóa doanh thu từ hội nghị.

Giám đốc truyền thông của Bloomberg, Justin Smith nói với tờ Financial Times rằng các sự kiện trực tiếp hiện đóng góp gần 15% tổng doanh thu của bộ phận tin tức nằm trong công ty dữ liệu tài chính của vị tỷ phú.

Vào năm 2014, các sự kiện trực tiếp chỉ đóng góp chưa tới 1%. Sự gia tăng mạnh mẽ này phần lớn nhờ vào sự thành công của một sự kiện: Diễn đàn kinh tế mới (New Economy Forum - NEF). Ông Bloomberg đã phát động hội nghị vào năm ngoái, nhằm kết nối các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu với giới thượng lưu Trung Quốc.

Theo Financial Times, chỉ trong năm thứ hai, NEF đã đóng góp khoảng 65% tổng doanh thu từ các sự kiện trực tiếp của Bloomberg Media, theo một phát ngôn viên. Hãng tư vấn Burton-Taylor dự báo ​​tổng doanh thu của Bloomberg Media sẽ đạt 310 triệu đô la trong năm nay, trong đó riêng NEF đóng góp khoảng 30 triệu đô la. Bloomberg từ chối bình luận về số doanh thu trên.

Ông chủ Bloomberg bày tỏ quan điểm ủng hộ Bắc Kinh và Trung Quốc ủng hộ truyền thông của Bloomberg vì tính “trung thực”

Khi ra tranh cử tổng thống, thái độ của ông Bloomberg đối với Trung Quốc đã bị xem xét kỹ lưỡng trong bầu không khí chính trị, mà trong đó tổng thống Mỹ Donald Trump coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược.

Ông Bloomberg gần đây đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Bắc Kinh trong một cuộc phỏng vấn với PBS, khi cho rằng ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, “không phải là một nhà độc tài” và đang bảo vệ các chính sách về biến đổi khí hậu.

Năm nay, vị cựu thị trưởng New York này nói với Financial Times rằng NEF sẽ tạo ra lợi nhuận cho công ty của ông.

Ông Bloomberg nói: “Chúng tôi quả thực kiếm được một ít tiền từ nó. Tuy nhiên, những lợi ích mà nó mang lại trong tương lai chắc chắn lớn hơn những gì chúng tôi phải bỏ ra ngày hôm nay”. Ông cũng nói thêm rằng “lợi ích lớn nhất là bạn xây dựng được mối quan hệ tốt hơn với khách hàng của mình”, vì công việc kinh doanh thiết bị đầu cuối của Bloomberg tại Trung Quốc “đang phát triển rất nhanh”.

Bản thân ông Bloomberg đã rút khỏi hội nghị Bắc Kinh vào tháng trước khi tuyên bố trả giá cho chức vị tổng thống Mỹ và sẽ rời khỏi hoạt động của công ty, nơi ông sở hữu gần 90%.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã buộc sự kiện khai mạc phải chuyển sang Singapore vào năm 2018, nhưng nó đã chuyển đến Bắc Kinh trong năm nay.

Ông Bloomberg nói với Financial Times rằng Bloomberg là dịch vụ tin tức mà Trung Quốc “tôn trọng nhất vì họ nghĩ rằng chúng tôi trung thực... chúng tôi là một sản phẩm chuyên nghiệp; những sản phẩm của chúng tôi không dành cho độc giả đại trà”.

“Nếu như chính quyền Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát những gì mà người dân của họ đọc, thì họ cũng không lo lắng về chúng tôi”, ông nói.

Việc tổ chức sự kiện đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh tăng trưởng cao của hãng cung cấp tin tức này. “Một bộ phận trong hoạt động kinh doanh truyền thông mà không thể bị gián đoạn bởi công nghệ kỹ thuật số là sự tương tác trực tiếp”, ông Smith nói.

Diễn đàn kinh tế thế giới, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Davos hàng năm, năm nay đã tạo ra 352 triệu đô la, theo báo cáo hàng năm của hãng. Tập đoàn cho biết 13% tổng doanh thu đến từ Davos, tương đương với 46 triệu đô la. Nhưng cuộc họp Davos ở vùng núi Thụy Sĩ thu hút khoảng 3.000 người mỗi năm, so với con số 400 người của NEF.

Ông Bloomberg đã cộng tác với hai nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu - cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson, để thiết kế NEF. Diễn đàn này được đồng chủ trì bởi Zeng Peiyan, cựu phó thủ tướng của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.

Nhưng phần lớn doanh thu từ tổ chức hội nghị lại đến từ các “nhà tài trợ” của Trung Quốc, không phải do bán vé

Ông Smith cho biết phần lớn doanh thu từ NEF đến từ các nhà tài trợ, không phải do bán vé.

Hầu hết doanh thu của công ty Bloomberg LP đến từ việc bán phần mềm dữ liệu Bloomberg terminal cho các khách hàng tài chính. Tập đoàn truyền thông của họ đã dành hai năm qua để tìm hiểu về ngành kinh doanh mà ông Smith gọi là “tăng trưởng do phát minh” mà có thể sẽ mang lại sự hòa hoãn cho các thị trường nhiều thách thức như truyền hình, in ấn và phát thanh.

Sự kiện trực tiếp là một trong những nguồn doanh thu như vậy. Một nguồn khác là từ việc đăng ký của người dùng, đã trở thành động lực tăng trưởng cho các công ty truyền thông từ New York Times cho đến Netflix.

Bloomberg từ chối tiết lộ có bao nhiêu người dùng đã đăng ký theo dõi trang web tin tức của hãng (chi phí hơn 400 đô la một năm). Tuy nhiên, ông Smith tuyên bố rằng doanh số thuê bao đã tăng 79% so với một năm trước.

Việc ông Bloomberg tranh cử vào Nhà Trắng đã làm dấy lên câu hỏi về tương lai công ty của ông.

Ông Bloomberg cho biết hồi đầu năm nay rằng ông sẽ xem xét đến việc bán công ty trị giá hàng tỷ đô la mà ông thành lập năm 1981 nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Sau đó, công ty Bloomberg đã tuyên bố rằng sẽ không bán. Những người quen thuộc với vấn đề này đã nói rằng công ty có thể sẽ bị đưa vào quỹ ủy thác “blind trust” trong trường hợp ông Bloomberg được bầu làm tổng thống.

Ông Smith cho biết: “Một số trong chúng tôi đang giúp đỡ ngài Bloomberg điều hành công ty của ông. Tranh cử tổng thống gần như là một công việc toàn thời gian. Do vậy, những ngày này ông ấy không có nhiều thời gian dư dả trong lịch trình của mình”.

Báo cáo bổ sung của Andrew Edgecliffe-Johnson

Thanh Hương (biên dịch)

Theo Financial Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Financial Times: Ông chủ Bloomberg kiếm được bộn tiền bằng thuyết giảng kinh tế màu hồng về Trung Quốc