Forbes: Khủng hoảng lương thực Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhu cầu gia tăng, lũ lụt, sự xâm nhập của côn trùng và tin đồn về hàng tồn kho hư hỏng đều góp phần gây ra những thảm họa liên quan đến lương thực đang diễn ra tại Trung Quốc.

Trung Quốc có vấn đề về lương thực. Đối với một quốc gia có các nhà lãnh đạo lớn tuổi, những người từng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Nạn đói lớn thời kỳ 1958-1961, không thể đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu lương thực. Dân số ngày càng tăng của Trung Quốc, nền kinh tế công nghiệp đang phát triển và văn hóa tiêu dùng ngày càng mở rộng, tất cả đều góp phần làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Nạn đói lớn Trung Quốc là một giai đoạn thiếu đói từ năm 1958 đến 1961 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Nguyên nhân của Nạn đói lớn ở Trung Quốc là những áp lực xã hội, việc quản lý kinh tế sai lầm, những sự thay đổi quá khích trong nông nghiệp. Mao Trạch Đông, chủ tịch của đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa vào những thay đổi lớn lao trong ngành nông nghiệp như cấm sản xuất nông nghiệp cá thể. Trong thời kỳ Đại nhảy vọt, nông dân được tập hợp vào các công xã và các hoạt động sản xuất riêng bị cấm. Điều này khiến động lực sản xuất của nông dân sút giảm, dẫn tới việc canh tác bị thực hiện qua loa, sản lượng lương thực sụt giảm. Những áp lực xã hội áp đặt lên người dân về mặt nông nghiệp lẫn thương mại, mà chính phủ kiểm soát, dẫn tới tình trạng mất ổn định. Vì những luật lệ được ban hành, các chính sách kinh tế, nông nghiệp sai lầm như Đại nhảy vọt, Chiến dịch diệt chim sẻ trong khoảng thời gian 1958–1962, theo như thống kê chính phủ, khoảng 36 triệu người đã chết trong thời kỳ này.

Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng sản xuất nông nghiệp phải chịu tác động của lũ lụt, hỏa hoạn, dịch hại được nhắc tới trong Kinh thánh và một loạt các biến số khác, một số trong số đó hiện đang làm đảo lộn sự ổn định lương thực vốn rất mong manh của Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới chắc chắn sẽ không hết lương thực, nhưng giá cả đang tăng và những dấu hiệu về việc thắt chặt nguồn cung đang bắt đầu xuất hiện. Mọi thứ có thể đang trở nên tồi tệ hơn trước khi tình hình cải thiện.

Ba vấn đề chính đang thách thức Trung Quốc hiện nay: lũ lụt, dịch bệnh và vấn đề hàng tồn kho.

Ngập lụt đe dọa lúa gạo, lúa mì và các loại cây trồng khác

Lượng mưa trên mức trung bình và nước lũ dâng cao không chỉ đe dọa làm tổn hại đến Đập Tam Hiệp khổng lồ của Trung Quốc; mưa và lũ lụt đã làm gián đoạn sản xuất lúa, lúa mì và các loại cây trồng khác ở các tỉnh dọc theo toàn bộ sông Dương Tử.

Có lẽ đây là lý do tại sao Trung Quốc, quốc gia nắm giữ hơn một nửa lượng lúa mì tồn kho của thế giới và là nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai trên thế giới (sau Liên minh châu Âu), đã nhập khẩu nhiều lúa mì hơn trong nửa đầu năm 2020 so với nửa đầu năm của bất kỳ năm nào trong thập kỷ qua. Chỉ tính riêng trong tháng 6, lượng lúa mì nhập khẩu trong tháng của Trung Quốc từ tất cả các nguồn là cao nhất trong 7 năm.

Các vấn đề về hàng tồn kho và sự xâm nhập của côn trùng đe dọa đến ngô

Theo USDA, Trung Quốc không chỉ là nhà sản xuất ngô lớn thứ hai thế giới (sau Hoa Kỳ), mà còn nắm giữ 60% lượng ngô tồn kho của thế giới vào cuối niên vụ này. Nhưng tuần trước, báo chí xuất hiện các báo cáo về tình trạng chất lượng kém trong một số kho dự trữ ngô thuộc sở hữu nhà nước, một số ngô đã lâu năm. Các báo cáo trùng hợp với hai vụ mua ngô lớn của Trung Quốc từ Hoa Kỳ, một trong số đó là vụ mua lớn nhất từ ​​trước đến nay (1,76 triệu tấn hay 69 triệu giạ).

Hơn nữa, giá ngô ở Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm mặc dù gần đây Trung Quốc đã bán hơn 1,4 tỷ giạ ngô từ nguồn dự trữ nhà nước, điều này cho thấy có một vấn đề nào đó rõ ràng với nguồn cung ngô của Trung Quốc. Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài của USDA chỉ ra rằng sự xâm nhập dữ dội và sớm bất thường của sâu keo mùa thu vào tháng 6 là nguyên nhân có thể gây ra nạn thiếu ngô hiện nay của Trung Quốc.

Nhu cầu gia tăng

Điều đáng chú ý là tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang tăng tốc độ mua đậu tương của Mỹ cao nhất kể từ năm 2014 và nhập khẩu đậu tương vào tháng 6 của Trung Quốc từ Brazil đã tăng đáng kinh ngạc 91% so với năm trước. Trung Quốc đang tích cực mua đậu nành và các sản phẩm từ đậu tương để nuôi đàn lợn đang mở rộng, lớn nhất thế giới. Trên thực tế, USDA dự đoán rằng Trung Quốc sẽ nhập khẩu từ tất cả các nguồn với tổng lượng đậu nành kỷ lục trong năm tới.

Nhìn chung, trong vài tháng qua, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu thịt lợn, đậu nành, bột đậu nành, lúa mì, ngô, lúa miến và thực phẩm chế biến sẵn/đông lạnh từ Hoa Kỳ và các nước khác. Trung Quốc không thể tự nuôi sống mình; nó cần sự giúp đỡ của thế giới, đặc biệt nếu sản xuất trong nước và hàng tồn kho của nó bị tổn hại.

Còn quá sớm để đánh giá xem tất cả các thảm họa lương thực của Trung Quốc rốt cuộc nghiêm trọng đến mức độ nào, và cũng rất khó có khả năng tác động lan tỏa của các vấn đề lương thực của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến chuỗi lương thực toàn cầu, nhưng hiện tại, giới lãnh đạo Trung Quốc đang coi an ninh lương thực như là một mối quan tâm hàng đầu.

Tác giả: Sal Gilbertie - là một doanh nhân tập trung vào hàng hóa với hơn ba thập kỷ kinh nghiệm trong các thị trường hàng hóa nông sản và năng lượng vật lý và phái sinh.

Lê Minh

Theo Forbes



BÀI CHỌN LỌC

Forbes: Khủng hoảng lương thực Trung Quốc?