G7 nên đòi Trung Quốc bồi thường 6,5 nghìn tỷ đô la vì virus Corona Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo “Bồi thường coronavirus?” của nhóm chuyên gia thuộc Hiệp hội Henry Jackson Society (London), Trung Quốc có thể bị kiện theo 10 con đường hợp pháp, bao gồm cả Điều lệ Y tế Quốc tế (International Health Regulations – IHR).

Tổng số tiền mà Trung Quốc phải trả cho G7 cho đến nay đã lên tới 6.500 tỷ USD

Báo cáo của nhóm chuyên gia đã phân tích các nền tảng Luật quốc tế, cũng như những thiệt hại về kinh tế và con người của nhóm nước G7 và đi đến kết luận: G7 nên kiện Trung Quốc ra tòa vì đã che dấu dịch bệnh và làm bùng phát dịch trên toàn cầu. Số tiền bồi thường có thể lên tới 6.500 tỷ USD.

6.500 tỷ USD là số tiền nhóm nước G7 phải chi ra để vực dậy nền kinh tế trong nước của họ trong bối cảnh chính phủ buộc công dân ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Báo cáo nhấn mạnh đến gói trợ cấp 130 tỷ đô la chưa từng có của chính phủ Úc dành cho cho công nhân và doanh nghiệp, nói rằng Trung Quốc nợ người Úc ít nhất là số tiền bồi thường đó.

Các nhân vật cấp cao của Trung Quốc, bao gồm người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) đã đưa ra những tuyên bố đầy tính suy đoán và vô căn cứ khi cho rằng virus đã được quân đội Hoa Kỳ mang vào Vũ Hán, thay vì xuất hiện tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, nơi buôn bán động vật hoang dã còn sống.

Chuyên gia cho rằng có tới 10 con đường hợp pháp để kiện Trung Quốc ra tòa

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng có tới 10 con đường hợp pháp để G7 kiện Trung Quốc ra tòa, bao gồm cả Điều lệ Y tế Quốc tế (International Health Regulations – IHR). Điều lệ này đã được tăng cường sau sự bùng phát dịch SARS mà Trung Quốc cũng đã từng cố gắng che đậy.

Báo cáo cho biết nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác ngay từ thời điểm ban đầu, thì "sự lây nhiễm đã không ra khỏi Trung Quốc".

Trung Quốc chỉ báo cáo căn bệnh này cho WHO vào ngày 31 tháng 12 và cho biết không có bằng chứng lây truyền từ người sang người.

Cùng với việc báo cáo sai cho WHO, Trung Quốc còn bịt chặt thông tin từ các chuyên gia trong nước. Trung Quốc đã “đe dọa và xử lý” các bác sĩ trong nước cố gắng tố giác, bao gồm cả bác sĩ Lý Văn Lượng - người đã bị khiển trách vì làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về dịch bệnh. Một số người tin rằng dịch bệnh đã lây lan giữa người với người từ trước thời gian này.

Báo cáo của South China Morning Post đã trích dẫn các tài liệu của chính phủ Trung Quốc xác định gần 200 trường hợp nhiễm virus Corona Vũ Hán vào ngày 27 tháng 12.

Điều lệ Y tế Quốc tế quy định các quốc gia phải theo dõi và chia sẻ dữ liệu liên quan đến sự lây lan, mức độ nghiêm trọng và sự truyền nhiễm của bất cứ mầm bệnh nào có khả năng lan rộng trên phạm vi quốc tế. Theo Hiệp hội Henry Jackson Society, Trung Quốc đã vi phạm quy định tại Điều lệ Y tế Quốc tế bằng cách che đậy dữ liệu và trừng phạt các bác sĩ muốn nói lên sự thật.

Hiệp hội kêu gọi các nước cần liên minh lại với nhau và đưa ra một hành động chung vì Trung Quốc trước giờ vẫn luôn "phản ứng một cách hung hăng trước các mối đe dọa trên trường quốc tế".

"Hành động sẽ đòi hỏi cả sự can đảm và sự đoàn kết toàn cầu", báo cáo cho biết. "Trong phản ứng sớm của mình, Vũ Hán và Hồ Bắc đã vi phạm Điều lệ [Y tế Quốc tế] ... trách nhiệm thuộc về cấp cao nhất của chế độ”.

“Có vẻ như nhiều khả năng là phản ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với COVID-19 đã vi phạm luật pháp quốc tế", báo cáo nói.

Ứng xử của Trung Quốc về virus Corona Vũ Hán đã vi phạm rất nhiều nguyên tắc, quy định và luật pháp quốc tế

Báo cáo cũng cho biết, trong khi việc giải quyết một yêu cầu tranh chấp theo Điều lệ Y tế Quốc tế là chưa từng có tiền lệ, thì vẫn có một khuôn khổ ban đầu trong các cấu trúc của WHO để đưa ra một vụ kiện như vậy.

Các lựa chọn khác có thể liên quan đến việc sử dụng Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Trọng tài Thường trực, Tổ chức Thương mại Thế giới, các hiệp ước đầu tư song phương và thậm chí là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Tòa án trong nước và tòa án Trung Quốc cũng có thể là con đường khả thi, báo cáo viết.

Đồng tác giả của báo cáo - ông Matthew Henderson - cho biết người dân Trung Quốc cũng là nạn nhân của sự bất cẩn của chính phủ.

"Họ là những nạn nhân vô tội, giống như chúng ta vậy. Đây là lỗi của ĐCSTQ", ông nói. "Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không học được bài học nào từ thất bại của nó trong đại dịch SARS. Những sai lầm ngớ ngẩn, dối trá và thông tin giả lặp đi lặp lại của họ từ khi bắt đầu dịch COVID-19, đã gây ra những hậu quả nguy hiểm hơn nhiều”.

"Bằng cách tính toán chi phí thiệt hại gây ra cho các nền kinh tế phát triển và tập hợp một loạt các quy trình pháp lý có thể dựa vào, chúng tôi đưa ra ý tưởng về việc thế giới tự do có thể yêu cầu ĐCSTQ bồi thường cho tác hại kinh khủng mà nó đã gây ra", ông cho biết.

Thanh Hương

Theo The Sydney Morning Herald

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

G7 nên đòi Trung Quốc bồi thường 6,5 nghìn tỷ đô la vì virus Corona Vũ Hán