G7 sẽ từ bỏ dầu của Nga theo đề xuất leo thang trừng phạt từ Ủy ban châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhóm Bảy nước (G7) hứa sẽ dần dần ngừng nhập khẩu dầu của Nga. Liên minh châu Âu cũng chính thức đề xuất cấm vận hoàn toàn các sản phẩm dầu của Nga trước đó, nhưng các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành.

Theo Reuters, ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Biden đã cùng các nhà lãnh đạo G7 tham gia cuộc họp video với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về cuộc chiến, ủng hộ Ukraine và các biện pháp khác chống lại Moscow, bao gồm cả vấn đề năng lượng.

“Chúng tôi cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, bao gồm cả việc loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu dầu của Nga. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi làm như vậy một cách kịp thời và có trật tự”, các nhà lãnh đạo G7 cho biết trong một tuyên bố chung. “Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình để cùng nhau đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu ổn định và bền vững cũng như giá cả phù hợp cho người tiêu dùng”.

Đồng thời, Hoa Kỳ công bố các lệnh trừng phạt đối với ba đài truyền hình Nga, cấm người Mỹ cung cấp dịch vụ cho người Nga và áp đặt một số hạn chế thị thực 2.600 quan chức Nga và Belarus.

Các biện pháp trừng phạt nhắm các giám đốc điều hành của một định chế tài chính Nga là Gazprombank lần đầu tiên được đề xuất khi Hoa Kỳ và các đồng minh cố gắng tránh các biện pháp có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, khách hàng chính của Nga. Gazprombank là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Nga, đây là định chế tài chính lớn thứ 3 ở Nga xét theo quy mô tài sản.

Trước đó, ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm dầu mỏ của Nga, bao gồm việc ngừng nhập khẩu dầu trong nửa năm và ngừng nhập khẩu dầu tinh chế vào cuối năm 2022. Các biện pháp trừng phạt phải được 27 nước thành viên EU nhất trí thông qua mới có hiệu lực.

Ngày 9/5, người phát ngôn của Uỷ ban Châu Âu, ông Daniel Ferrie nói rằng đề xuất trừng phạt được sẽ không được bỏ phiếu cho đến khi các vấn đề an ninh năng lượng của Hungary được giải quyết. Việc này nhằm đáp lại cảnh báo từ phía Hungary, quốc gia mà cung năng lượng phụ thuộc tới 90% vào Nga. Các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt của EU vẫn đang diễn ra.

Người phát ngôn Chính phủ Hungary Zoltan Kovacs hôm 8/5 dẫn lời Thủ tướng Péter Szijjártó nói rằng Hungary "sẽ không bỏ phiếu [theo đề xuất trừng phạt của Uỷ ban Châu Âu] cho đến khi vấn đề an ninh năng lượng của Hungary được giải quyết", nói thêm: "Người dân Hungary quan tâm đến việc đạt được hòa bình".

Cũng trong ngày 8/5, Phó Thủ tướng Bulgaria Assen Vasilev trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Bulgaria (BNT) cho biết, Bulgaria sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu đề xuất cấm mua hàng của EU không giảm bớt phạm vi.

Ông Vasilev cho biết hầu hết các dự thảo trừng phạt đã được thống nhất, ngoại trừ các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga. Một số quốc gia, bao gồm Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc, vẫn gặp vấn đề với các biện pháp trừng phạt mới nhất được đề xuất đối với Rosneft, ông nói. Lý do đơn giản là các quốc gia này phụ thuộc nguồn năng lượng cung ứng từ Nga trong khi chưa có giải pháp thay thế hữu hiệu hơn.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

G7 sẽ từ bỏ dầu của Nga theo đề xuất leo thang trừng phạt từ Ủy ban châu Âu