Gần 6.000 container ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khi kỳ nghỉ lễ cận kề

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo thông báo từ phía Bắc Kinh, để kiểm soát dịch bệnh, Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động nhiều cửa khẩu, lối mở/điểm thông quan. Cho đến ngày 25/12/2021, có tới gần 6.000 container không thể thông quan tại cửa khẩu. Nhiều hàng hoá trong đó có nguy cơ phải đổ bỏ như hoa quả, thực phẩm tươi sống,...

Hiện trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc chỉ còn 7/76 cửa khẩu, lối mở còn hoạt động. Đặc biệt, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở/điểm thông quan đều đã đóng hoàn toàn. 3/7 cửa khẩu quốc tế đang hoạt động bao gồm: Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn), và Ga quốc tế đường sắt Lào Cai (Lào Cai). 4/6 cửa khẩu chính còn hoạt động bao gồm: Chi Ma (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Trà Lĩnh (Cao Bằng), Sóc Giang (Cao Bằng).

Trong khi đó, tính đến sáng ngày 25/12/2021, tổng số phương tiện đang chờ tại các cửa khẩu khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc là 5.759 xe, tập trung ở hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Tại tỉnh Quảng Ninh, các cửa khẩu nằm trên địa bàn đều đã đóng. Trong khi đó, tổng lượng xe tồn tại thành phố Móng Cái tính đến sáng ngày 25/12/2021 là 1.555 xe. Trong đó tại cầu Bắc Luân II là 344 xe; trong đó có 275 xe hoa quả. Tại lối mở km3+4 là 1.211 xe; trong đó có 149 xe hoa quả, 3 xe hải sản tươi sống, 78 xe tôm đông lạnh, 931 xe thủy hải sản đông lạnh khác.

Theo Bộ Công thương, các cửa khẩu bị đóng là do thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) phát hiện 01 ca dương tính Covid-19 trong cộng đồng. Thời gian thông quan trở lại chưa được thông báo.

Tại tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma tính đến sáng ngày 25/12/2021 là 4.204 xe; trong đó chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma là còn hoạt động. Cửa khẩu Hữu Nghị còn tồn 1.442 xe; trong đó một phần nhiều là mít, thanh long. Tại Chi Ma còn 614 xe. Tại cửa khẩu Tân Thanh đã đóng còn tồn 2.148 xe; chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị dừng đưa nông sản lên các cửa khẩu Lạng Sơn để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Mỗi ngày Lạng Sơn chỉ thông quan được 88 xe. Nếu không đưa thêm hàng thì phải mất 60 ngày nữa mới giải quyết được hết hàng tồn đọng. Điều này là không khả thi khi phía Trung Quốc thông báo trước Tết Nguyên đán 14 ngày sẽ không cho thông quan các hàng hóa nông sản bảo quản lạnh.

Tại tỉnh Lào Cai, không có xe tồn. Tuy nhiên, phía Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành đợt 3 từ ngày 25/12/2021; chưa xác định ngày mở lại để phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh. Cửa khẩu quốc tế đường sắt vẫn hoạt động bình thường.

Việc Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh); và siết chặt quy trình giao nhận hàng hóa để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh tại các cửa khẩu tạm thời còn mở cửa (như Hữu Nghị, Chi Ma) đã dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa trên diện rộng tại biên giới Việt - Trung.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh dẫn đến ùn tắc hàng hóa

Năm 2020 và 11 tháng đầu năm 2021, việc lưu thông hàng hóa qua biên giới phía Bắc về cơ bản được duy trì thông suốt. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc lũy kế 11 tháng năm 2021 đạt 1,69 tỷ USD, tăng 18,3% so với 11 tháng năm 2020. Xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn đạt 478,2 triệu USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ, qua của khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đạt 379,1 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ.

Gần 6.000 container ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khi kỳ nghỉ lễ cận kề
Vào ngày 15/1/2021, các nhân viên chống dịch ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã phun thuốc khử trùng tại các khu vực bùng phát dịch bệnh. (STR / CNS / AFP qua Getty)

Tình hình trở nên xấu đi khi đợt dịch thứ 4 lan rộng tại miền Bắc. Phía Trung Quốc hết sức quan ngại và chủ động tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Tại cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai), sau khi phát hiện dấu vết virus trên bao bì thanh long, Trung Quốc đã cho ngừng nhập thanh long từ 17/8/2021. Sau đó, Trung Quốc ngừng nhập toàn bộ trái cây tươi của Việt Nam từ ngày 27/11/2021. Trung Quốc cũng siết chặt dần hoạt động xuất nhập khẩu tại Lạng Sơn, Quảng Ninh. Tới cuối tháng 11, 9/12 cửa khẩu ở Lạng Sơn bị đóng cửa, chỉ còn lại ba cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, Hữu Nghị. Thủ tục giao nhận chặt chẽ hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc; quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn.

Ngày 11/12/2021, Trung Quốc ra Công điện số 14/2021, tiếp tục kiên trì chính sách "Zero Covid", duy trì quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh. Lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch tại cửa khẩu, cảng biển có tiếp xúc với hàng hóa bị yêu cầu cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi về quê đón Tết. Sau công điện này, có thêm một số cửa khẩu bị đóng như Chi Ma, Tân Thanh và Móng Cái. Tình hình càng trầm trọng khi Việt Nam vào thời điểm chính phụ thu hoạch một số nông sản, trái cây tươi xuất khẩu.

Theo phản ánh của các đại diện doanh nghiệp trên báo Vietnamnet, quy trình thông quan phía Việt Nam rất nhanh, chủ yếu vướng mắc ở đầu Trung Quốc, dẫn đến chậm thông quan và ùn tắc hàng hóa.

Một số nguyên nhân khác gây ùn tắc tại cửa khẩu

Thống kê cho thấy lượng hàng chờ xuất khẩu tiểu ngạch lớn hơn nhiều so với chính ngạch. Đây là một điểm yếu khi mà nhiều sản phẩm nước ta chỉ xuất được sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, không xuất được chính ngạch và cũng không tiêu thụ được ở các thị trường khác cho dù có rất nhiều FTA đã được ký. Việc không đủ điều kiện để xuất chính ngạch cũng khiến các các loại hình vận chuyển khác như đường biển hoặc đường sắt không được sử dụng dù rất sẵn sàng. Lý do cho việc này là do sản xuất chưa bám sát nhu cầu thị trường, chất lượng, bao gói sản phẩm không đảm bảo, vùng trồng chậm được đăng ký, công tác truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm…

Sau khi ký FTA với Trung Quốc, đàm phán về thuế nhập khẩu đã hoàn tất, rất nhiều nông sản được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa còn chậm. Bên Trung Quốc đưa ra các quy định rất cao về chất lượng nông sản. Do vậy, tới nay mới có 9 loại trái cây của ta được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc. Các loại trái cây còn lại chỉ có thể xuất theo hình thức tiểu ngạch, phụ thuộc 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở, vốn là các điểm thông quan dễ bị đóng khi dịch bệnh xảy ra. Đàm phán về thủ tục kiểm dịch cũng còn chậm, khiến 100% trái cây Việt Nam phải qua kiểm tra (với Thái Lan chỉ là 30%), dẫn đến thời gian thông quan kéo dài.

Việc phối hợp điều tiết sản xuất và lưu chuyển hàng lên biên giới còn kém hiệu quả. Hiện nay dù cửa khẩu đang bị ùn tắc, nhưng vẫn có hàng chục xe đưa hàng lên cửa khẩu mỗi ngày. Một số sản phẩm như mít, thanh long, dưa hấu,... năm nào cũng xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu khi vào chính vụ thu hoạch.

Cơ sở hạ tầng cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được đầu tư nâng cấp theo kịp nhu cầu và quy mô thương mại song phương. Kết nối đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc qua 2 của khẩu quốc tế đường sắt (Lào Cai - Hà Khẩu và Đồng Đăng - Bằng Tường) chưa đồng bộ khiến đường sắt không thể phát huy đầy đủ vai trò và giảm tải cho đường bộ.

Liên tiếp bị ùn tắc: Lối ra nào cho nông sản Việt?

Hiển nhiên, giải pháp gốc rễ nhất cho nông sản Việt Nam chính là đưa hàng hoá tiểu ngạch đạt chuẩn chính ngạch; giảm thiểu rủi ro thụ động và phụ thuộc vào chính sách của Bắc Kinh. Muốn làm được điều đó, Việt Nam cần quản lý tốt quy trình sản xuất nông sản, giám sát chặt chẽ chất lượng đầu ra, đồng thời phải có chiến lược bảo vệ thương hiệu nông sản Việt.

Gần 6.000 container ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khi kỳ nghỉ lễ cận kề
Vườn Thanh Long ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Hiện tại, tình trạng tự phát trồng trọt và việc chất lượng nông sản không được kiểm soát trên khắp các vùng miền đã đẩy Việt Nam vào thế bị động; đặc biệt bị động trước Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam.

Hiện không rõ, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp Nông thôn có chiến lược phát triển nông sản nào để Việt Nam có thể vững vàng hơn trước Trung Quốc hay không.

Trong cuộc họp gần đây, Bộ Công thương đề xuất một số giải pháp tháo gỡ ách tắc cửa khẩu như: (i) thương thảo với Trung Quốc về quy trình giao nhận đảm bảo an toàn; (ii) thay đổi phương tiện vận chuyển để đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh về kiểm soát dịch bệnh; (iii) tăng cường phòng chống dịch ở biên giới; (iv) tạm dừng hoạt động quá cảnh hàng hóa và kinh doanh tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu phía Bắc; (v) đẩy mạnh tiêu dùng trong nước nhằm giảm áp lực cho xuất khẩu;...

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp này đều mang tính tình thế; là các giải pháp Việt Nam luôn làm mỗi khi ách tắc cửa khẩu giao thương với nước láng giềng phương Bắc.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đề xuất các giải pháp căn cơ hơn như điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường, phát triển hệ thống kho bãi, bảo quản, mở rộng thị trường xuất khẩu mới.

Vấn đề ở chỗ, các giải pháp căn cơ mà Bộ Công thương đề cập đến chỉ có thể thành công nếu thương hiệu, chất lượng đầu ra, và quy trình phân phối an toàn của nông sản Việt Nam được đảm bảo. Đáng tiếc, cho tới giờ, Việt Nam vẫn chưa phát triển được hệ thống quản lý nhà nước đồng bộ, hiệu quả để đạt được mục tiêu cốt lõi này.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Gần 6.000 container ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc khi kỳ nghỉ lễ cận kề